Phát triển vật liệu gạch không nung: Những vấn đề đặt ra

08:10, 06/10/2011

Trong thời gian qua, cùng với sự đa dạng về kiểu dáng kiến trúc xây dựng nhà ở, sản phẩm gạch không nung đã xuất hiện trong các công trình xây dựng ở các đô thị lớn và đang được khuyến khích sử dụng bởi những ưu thế nổi trội và tính năng thân thiện với môi trường. 

Công trình xây dựng cao tầng tại Thành phố Nam Định sử dụng gạch không nung.
Công trình xây dựng cao tầng tại Thành phố Nam Định
sử dụng gạch không nung.

Để sản xuất gạch không nung, có thể tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu chính như: xỉ than (của các nhà máy nhiệt điện, luyện kim), mạt đá (trong khai thác chế biến đá xây dựng) và đất đồi... Gạch không nung sau khi được tạo hình thì tự đóng rắn, đạt các chỉ số về cơ học như độ nén, uốn, độ hút nước... mà không cần tác động của nhiệt độ. Với những ưu thế vượt trội như tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt, đa dạng về chủng loại, kích thước, mẫu mã, đáp ứng theo thiết kế kỹ, mỹ thuật của từng công trình, sản phẩm gạch không nung đang trở thành vật liệu xây dựng thay thế gạch nung truyền thống. Trong Đề án quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đến năm 2020 do Sở Xây dựng lập, đã được UBND tỉnh phê duyệt, phấn đấu nâng sản lượng vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) lên khoảng 225 triệu viên (chiếm 20% sản lượng vật liệu xây dựng của tỉnh) vào năm 2015 và khoảng 469 triệu viên (chiếm 30%) vào năm 2020. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư mở rộng, nâng công suất 2 nhà máy sản xuất gạch xi măng cốt liệu hiện có trên địa bàn Thành phố Nam Định lên 20 triệu viên/nhà máy/năm và đầu tư xây dựng mới mỗi huyện 1 nhà máy công suất 10 triệu viên/năm. Đối với sản phẩm gạch bê tông từ khí chưng áp (AAC), tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới 2 dây chuyền công suất 45 triệu viên gạch tiêu chuẩn/dây chuyền/năm (khoảng 80.000m3/năm) tại các huyện Hải Hậu và Trực Ninh. Ngoài ra, tại các nhà máy sản xuất gạch nung tuynel được xây dựng từ trước năm 2010, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 1 dây chuyền sản xuất gạch không nung từ phế thải công nghiệp với công suất mỗi dây chuyền 1 triệu viên/năm và tiếp tục phát triển vào những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư sản xuất VLXDKN hoặc chế tạo thiết bị cho sản xuất VLXDKN được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn, giảm tiền sử dụng đất theo các quy định của Chính phủ; được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, thuế nhập khẩu nguyên liệu có thời hạn...

Thực tế trước khi Đề án quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đến năm 2020 được triển khai, việc sản xuất gạch không nung đã được khởi động. Cty TNHH Sông Giang (Hải Hậu) thành lập năm 2005, sản xuất gạch tuynel với sản lượng trên 10 triệu viên/năm, hiện đang chiếm lĩnh được thị trường các tỉnh trong khu vực. Cty đã có kế hoạch tiếp tục xây dựng thêm một dây chuyền sản xuất gạch không nung mới có công suất 10 triệu viên/năm và đang xúc tiến đưa công nghệ sản xuất gạch xây dựng không nung vào sản xuất sử dụng nguồn phế liệu của Cty. Từ năm  2010, Cty đã có kế hoạch vừa sản xuất, vừa giới thiệu để khách hàng tiếp cận dần với vật liệu mới đồng thời chuẩn bị các điều kiện để mở rộng sản xuất khi thị trường có nhu cầu. Anh Phạm Văn Nam, Giám đốc Cty Thương mại xây dựng Vân Sơn (TP Nam Định) cho biết: Theo quy định của Bộ Xây dựng  từ năm 2011, trong thiết kế, thi công các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng 30% gạch không nung và khuyến khích các công trình khác sử dụng loại gạch này. Các nhà thầu luôn muốn đối tác chấp thuận gạch xây dựng không nung trong thi công bởi ngoài ưu điểm chung, đây là sản phẩm đáp ứng cao nhất yêu cầu của khách hàng về mẫu mã, kích cỡ, tiết kiệm thời gian thi công cũng như nguyên phụ liệu đi kèm… Bên cạnh việc tư vấn cho khách hàng sử dụng vật liệu và cam kết về chất lượng gạch không nung, Cty còn hợp tác với các nhà thiết kế đưa gạch không nung làm phụ liệu trang trí cho các công trình…

Hiện tại, Sở Xây dựng và các ngành chức năng cùng các doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất, sử dụng gạch không nung. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là sản phẩm vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường xây dựng trong tỉnh. Nguyên nhân là do thói quen sử dụng các vật liệu truyền thống trong nhân dân. Mặt khác, công tác tuyên truyền về tính ưu việt của việc  sử dụng vật liệu mới chưa sâu rộng…; trong khi vật liệu nung thủ công còn phát triển tràn lan, xâm hại tới môi trường. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư và nhân dân nhận rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXDKN, đồng thời, thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh và các ngành chức năng cần có sự hỗ trợ, kêu gọi đầu tư và kinh phí để xây dựng, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đồng thời nghiên cứu sử dụng các nguồn phế thải công nghiệp phục vụ sản xuất VLXDKN. Hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, các quy trình, quy phạm, hướng dẫn thi công và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản xuất và sử dụng VLXDKN, tạo điều kiện cho các nhà tư vấn, thiết kế đưa VLXDKN vào các công trình xây dựng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com