Vụ mùa năm 2006, khi nhiều gia đình đã chuẩn bị mạ xuống ruộng cấy nhưng 2 sào ruộng của gia đình ông Hoàng Văn Mạnh, đội sản xuất số 6, HTX Nam Hải, xã Hải Phong (Hải Hậu) vẫn chưa kịp cày lật đất. Đang lúc bí, ông được một kỹ sư nông nghiệp đang công tác tại Cty Cyngenta mời tham gia thử nghiệm cấy lúa mùa không làm đất và sẵn sàng trả đủ năng suất nếu như thất bại. Ông đồng ý dành 1 sào cấy theo phương pháp mới còn 1 sào vẫn cày, bừa để cấy như bình thường. Sau khi xử lý bằng thuốc và bón lót NPK, những kỹ sư trẻ không xắn quần lội ruộng mà bê từng nhánh mạ nền ném tới từng gốc rạ vụ trước. Nhìn những dảnh mạ ngả nghiêng dựa vào gốc rạ, có không ít người chê bai, luận bàn. Các khóm lúa cấy “ném” cứ “ngồi” lại dần và đến ngày thứ 7 thì đứng thẳng, xanh mát. Lúa tốt trông thấy, hơn hẳn ruộng bên cạnh và đẻ nhánh nhanh, làm đòng sớm, trỗ bông trước và cho thu hoạch trước 5 ngày so với các ruộng lúa cấy truyền thống, cấy cùng ngày. Thật không ngờ vụ ấy năng suất 1 sào lúa cấy theo phương pháp mới của gia đình ông đạt 205kg trong khi các ruộng khác cấy theo phương pháp truyền thống năng suất chỉ đạt 190kg/sào(!).
Kiểm tra lúa cấy theo phương pháp làm đất tối thiểu ở HTX Nam Hải, xã Hải Phong (Hải Hậu). |
Từ kết quả này, vụ mùa năm 2007 ngoài gia đình ông Mạnh có một số gia đình khác ở cùng đội 6 làm theo là: ông Hoàng Văn Khánh, Trần Văn Chiến, chị Nguyễn Thị Hương… với diện tích 3,5 mẫu. Năm 2008, diện tích lúa mùa cấy theo phương pháp làm đất tối thiểu ở HTX Nam Hải là 45 mẫu, nông dân ở xã Hải Châu cũng đến học hỏi và cấy trên 3 mẫu. Vụ mùa năm 2011, không chỉ đội sản xuất số 6 cấy tới 91,7% diện tích (55/60 mẫu), xã viên HTX Nam Hải cấy trên 60% diện tích và một số đội của HTX Hồng Phú (xã Hải Phong) cũng làm theo nên diện tích cấy theo phương pháp làm đất tối thiểu của toàn xã đạt trên 160 mẫu (57,6ha); nông dân xã Hải Châu cũng cấy trên 30 mẫu (11ha) và cả huyện số diện tích cấy theo phương pháp này đạt trên 200 mẫu. Hiện nay, lúa cấy theo phương pháp làm đất tối thiểu phát triển tốt so với cách cấy truyền thống, đã trỗ thoát, đang phơi hoa trong khi những ruộng cấy theo phương pháp truyền thống vẫn còn ngậm đòng. Về hạch toán kinh tế, theo ông Mạnh thì suốt 5 vụ mùa qua, gia đình áp dụng cấy theo phương pháp làm đất tối thiểu năng suất đều cao hơn 15kg/sào so với cấy truyền thống và giảm 100 nghìn đồng công làm đất cho 1 sào. Anh Hoàng Xuân Quang, chủ nhiệm HTX Nam Hải cho biết: “Cấy theo phương pháp làm đất tối thiểu có nhiều ưu việt hơn, nhất là tăng được diện tích trà mùa sớm mà mấy năm gần đây năng suất lúa trà mùa sớm bao giờ cũng đạt cao nhất…”. Lợi thế mà phương pháp cấy trên đất làm tối thiểu là rút ngắn thời gian đưa cây mạ ra ruộng cấy. Vì không phải làm đất nên sau khi gặt xong chỉ cần trên dưới 10 ngày là mạ đã ra ruộng, rất phù hợp khi thời gian chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa rất gấp. Ngay vụ mùa năm 2011, nhờ thực hiện cấy theo phương pháp này, HTX đã hoàn thành kế hoạch cấy vụ mùa trước 20-7, sớm hơn cấy truyền thống 5-7 ngày. Lúa đẻ nhánh sớm, nhánh khỏe, rút ngắn thời gian sinh trưởng 5-6 ngày. Do cấy giữa 2 hàng gốc rạ nên không phải chăng dây, tiết kiệm được lao động cấy. Bên cạnh đó, do áp dụng cấy theo phương pháp làm đất tối thiểu nên HTX Nam Hải đã có thêm quỹ đất để tăng diện tích làm vụ đông sớm 10 mẫu.
Cấy lúa mùa theo phương pháp làm đất tối thiểu đã và đang được nhiều địa phương áp dụng, nhất là ở các xã của huyện Hải Hậu. Huyện Nghĩa Hưng cũng đã tổ chức đoàn sang tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Xung quanh những băn khoăn lo ngại của một số người làm công tác quản lý HTX và nông dân, đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cho rằng: “Khoa học, tiến bộ khoa học cũng được đúc rút từ thực tế. Cấy lúa mùa trên nền đất làm tối thiểu cũng phải xem xét cụ thể, đúc rút thành quy trình, khuyến cáo những nhược điểm cần khắc phục mới có thể đưa ra sản xuất đại trà”. Đồng chí Trần Văn Hội, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) khẳng định: “Tuy là mới nhưng hiệu quả rõ, rất phù hợp với vụ màu vì thời gian chuyển vụ quá gấp, đặc biệt như năm nay do thu hoạch vụ lúa xuân chậm 10-15 ngày so với nhiều năm nay. Đây cũng là một hướng giải quyết tình trạng thiếu lao động, khâu làm đất chậm và cũng là điều kiện tích cực cho các địa phương giải phóng đất sớm để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông nhằm tăng thu nhập cho nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới”. Thuốc trừ cỏ gramaxon 20SL là loại thuốc được Cục Bảo vệ thực vật cho phép sử dụng. Cấy theo phương pháp này không sợ lúa đổ cuối vụ vì không khác so với phương pháp gieo sạ. Chi cục Bảo vệ thực vật cũng đang cấy thử nghiệm 5 sào theo phương pháp này để theo dõi, nghiên cứu và hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật… để nhân ra diện rộng./.
Bài và ảnh: Tất Thắc