Đã vào năm học mới hơn một tháng, nhưng chị Trần Thu T vẫn còn bức xúc với các khoản thu đầu năm học của con. Năm nay, đứa con đầu lòng của chị vào lớp 1. Cả gia đình vui mừng vì con chị đã được học tại ngôi trường “danh tiếng” Phạm Hồng Thái (TP Nam Định). Nhưng niềm vui sớm qua mau khi chị nhận được thông báo về những khoản thu đầu năm học của nhà trường. Với số tiền gần 7 triệu đồng, trong đó có 5 triệu đồng tiền trái tuyến, quỹ lớp 200 nghìn đồng, hỗ trợ cơ sở vật chất bán trú 200 nghìn đồng, tiền xây dựng 200 nghìn đồng/năm (chia làm hai kỳ), tiền ăn bán trú 450 nghìn đồng/tháng (tăng 100 nghìn đồng so với năm học trước), cùng các khoản tiền hỗ trợ giáo dục, quỹ khuyến học, quỹ nhà trường, học tăng buổi, học Tin học, tiếng Anh… Đó là chưa kể số tiền phải nộp để mua đồng phục, mua bảo hiểm y tế và những thứ phát sinh khác phải nộp trong quá trình học tập của con. Với đồng lương công chức của vợ chồng chị, số tiền phải nộp cho con ngay vào đầu năm học đã khiến anh chị “toát mồ hôi”. Không phải nộp nhiều như chị T, nhưng anh Đức có con đang học tại Trường THCS Hàn Thuyên (TP Nam Định) cũng tỏ ra bức xúc khi chỉ tính riêng khoản nộp tiền mua đồng phục cho con đã lên tới 750 nghìn đồng, tiền cho các khoản: bảo vệ, nước, ghế, quỹ lớp là 231 nghìn đồng. Anh chị đều làm nghề tự do, thu nhập không ổn định nên mỗi dịp bước vào năm học mới, chỉ loay hoay lo kiếm tiền nộp cho 2 đứa con ăn học đã khiến vợ chồng anh nhiều đêm mất ngủ. Nhiều phụ huynh khá bức xúc khi ngoài những khoản thu theo hình thức “tự nguyện”, học sinh còn phải mua vở có in logo của nhà trường với giá đắt hơn ngoài thị trường mà chất lượng giấy như nhau, hoặc phải đóng góp những khoản thu phi lý như mua điều hòa, ti vi, máy chiếu, chăn màn cho học sinh bán trú, mua cây xanh… Tuy nhiên, trong buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm lớp đã "nhắc nhở" phụ huynh nào có thắc mắc thì gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu… Vì vậy, để việc học tập của con em mình "thuận buồm xuôi gió", các phụ huynh dù bức xúc đến mấy nhưng vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" (!).
Không riêng gì các trường học ở Thành phố Nam Định mà tại các trường ở nông thôn tình trạng lạm thu cũng diễn ra phổ biến. Từ tiền cải tạo sân trường, tiền mua sắm cây xanh, ghế đá, tiền làm lán để xe, tiền đầu tư mua sắm máy tính, máy chiếu, loa đài… đều được tính vào các khoản thu dưới hình thức tự nguyện hay “thỏa thuận’’ giữa nhà trường và Hội phụ huynh học sinh. Để tránh việc lạm thu mỗi dịp đầu năm học, trước năm học mới, tỉnh ta đã thông qua đề án quy định từ năm học 2011-2012 áp dụng mức thu học phí, chi phí học tập tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức thu mới được tính dựa theo thu nhập bình quân của hộ gia đình hằng tháng, nhưng không quá 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình ở mỗi vùng, trong đó ngoài tiền học phí thì chi phí khác như: chi phí học tập ngày thứ bảy của học sinh mầm non, học buổi 2 của học sinh tiểu học, học nghề THCS, THPT và GDTX do phục vụ trực tiếp cho học tập của học sinh, chỉ học sinh nào có nhu cầu học thì mới phải đóng góp, áp dụng với bậc mầm non học ngày thứ bảy và học buổi 2 đối với tiểu học là từ 3.000 đồng đến 3.500 đồng/buổi đối với từng vùng; học nghề và thi nghề đối với THCS, THPT và GDTX sẽ thu từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng. Ngoài ra, phụ huynh tự lo sách vở, trang phục, đồ dùng học tập, phù hiệu, học bạ, sổ liên lạc, ghế ngồi dự sinh hoạt đầu tuần, giữ xe đạp và các nhu cầu cá nhân của học sinh. Thế nhưng, trên thực tế, đề án trên dường như bị các cơ sở giáo dục “phớt lờ” và tình trạng lạm thu tiếp tục diễn ra. Trước hàng loạt các khoản thu, dù không nhất trí nhưng các bậc phụ huynh cũng đành chấp nhận chứ không dám chối từ bởi cuộc họp phụ huynh bao giờ cũng do giáo viên chủ nhiệm chủ trì và tham dự cả phần việc của Hội phụ huynh (!). Trong khi đó, nhiều khoản lạm thu vô lý chắc chắn không phải chỉ do các bậc phụ huynh nghĩ ra mà trước khi quyết định “tự nguyện’’ đóng góp phải thông qua sự đồng thuận của nhà trường. Nhưng khi các phụ huynh kêu ca, khiếu kiện về vấn đề lạm thu, lạm chi thì nhà trường lại nói việc ấy do Hội phụ huynh tự nguyện đóng góp, nhà trường không biết. Quan điểm xã hội hoá công tác giáo dục được nhà trường “lạm dụng” để bao biện cho các khoản lạm thu (!).
Để chấn chỉnh tình trạng các trường, nhất là trường mầm non và phổ thông công lập thu nhiều khoản và mức thu theo thỏa thuận rất khác nhau ngoài học phí, ngày 8-9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 105/UBND-VP2 yêu cầu Giám đốc Sở GD và ĐT, Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo ngay các trường tạm thời dừng thu các khoản theo thỏa thuận. Theo đó, Sở GD và ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố rà soát tất cả các khoản thu thỏa thuận trong các trường công lập ở các cấp học để thống nhất trình Chủ tịch UBND tỉnh các khoản thu và khung mức thu thỏa thuận, để chỉ đạo thống nhất trong toàn tỉnh. Trong thời gian chờ liên Sở GD và ĐT và Tài chính hướng dẫn các khoản được thỏa thuận thu và khung mức thu các khoản thu thỏa thuận, hiệu trưởng sẽ tạm ứng kinh phí của nhà trường để bảo đảm tốt cho các hoạt động của nhà trường và sinh hoạt của học sinh. Tuy nhiên, khi có văn bản này, tất cả các khoản thu nói trên phụ huynh đã nộp nhưng cho đến thời điểm hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc, tại sao những khoản thu thỏa thuận đã thu quá mức của các trường từ đầu năm học không được hoàn lại(!). Một số trường vẫn tiếp tục thu các khoản thỏa thuận dưới danh nghĩa Hội phụ huynh tự nguyện đóng góp. Có thể một số trường có suy nghĩ từ trước đến nay, hầu như chưa có cơ sở giáo dục nào bị xử lý kỷ luật vì lạm thu. Còn nếu có việc kiểm tra lạm thu, tình trạng thường khá phổ biến là các trường sẽ “đá” trách nhiệm sang cho ban đại diện cha mẹ học sinh. Việc thanh tra, giám sát phát hiện tình trạng lạm thu trong nhà trường không hề khó. Tuy nhiên, ngay cả các cấp quản lý giáo dục, các địa phương hiện chủ yếu vẫn là "giơ cao, đánh khẽ". Dư luận mong muốn những người đứng đầu các cơ sở giáo dục có sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn. Chấn chỉnh lạm thu phải từ việc làm cụ thể, thiết thực, nghiêm minh, tránh tình trạng xuê xoa, né tránh.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết về mức thu, các khoản thu ở các cơ sở giáo dục công lập; Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc thu và khung mức thu các khoản thu thoả thuận. Song, xem ra nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh vẫn “phớt lờ”; tình trạng lạm thu vẫn “nghiễm nhiên” diễn ra. Nên chăng, đã đến lúc phải có biện pháp xử lý kiên quyết việc không thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên./.
Thảo Linh