Ô nhiễm môi trường làng nghề - Thực trạng và biện pháp giải quyết

08:09, 07/09/2011

Kiểm tra việc xử lý nước thải của Trạm xử lý nước thải CCN làng nghề Yên Xá (Ý Yên).
Kiểm tra việc xử lý nước thải của Trạm xử lý nước thải
CCN làng nghề Yên Xá (Ý Yên).
I - Thực trạng

Những năm qua, sản xuất CN-TTCN ở tỉnh ta có bước phát triển mạnh; nhất là từ khi có Nghị định số 34/2004/NĐ-CP ngày 9-6-2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, các làng nghề trong tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô và tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh sự phục hồi và phát triển của các làng nghề truyền thống, nhiều xã đã du nhập thêm một số nghề mới và nhanh chóng phát triển mạnh thành nghề của làng. Hoạt động sản xuất làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho 412.383 hộ trong tỉnh, trong đó có 32.906 hộ tham gia làm nghề phụ, thủ công, chiếm 7,97% tổng số hộ làm nghề, với 66.739 lao động tham gia sản xuất từ 6 tháng trở lên trong năm. Ngoài ra còn một số lượng lớn lao động thời vụ, phục vụ sản xuất của làng nghề và lao động nghề tự do như: nghề thu mua phế thải, cưa xẻ, trồng hoa cây cảnh… Không chỉ góp phần tăng thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân địa phương, hoạt động sản xuất làng nghề còn tạo ra nhiều sản phẩm thiết yếu cho xã hội với tổng giá trị hàng hoá toàn tỉnh ước đạt 500 tỷ đồng/năm, giúp tăng ngân sách cho địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại các làng nghề đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ; thiết bị thủ công, đơn giản; công nghệ lạc hậu; mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp và đặc biệt ý thức người dân làng nghề trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) còn thấp, vì vậy đã nảy sinh ô nhiễm môi trường các làng nghề. Tình trạng ô nhiễm này không chỉ kéo dài từ nhiều năm nay mà còn rơi vào loại hình ô nhiễm phân tán trong phạm vi khu vực (thôn, xóm, làng, xã) và khó kiểm soát. Đồng chí Bùi Công Mậu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN và MT) cho biết: Qua tổng hợp số liệu từ kết quả điều tra làng nghề, lượng nguyên, nhiên liệu sử dụng trung bình hằng năm của các làng nghề toàn tỉnh khoảng 105.000 tấn than, 1.510 tấn xăng, dầu; 1.100 tấn hoá chất các loại. Lượng nước thải phát sinh khoảng 12.000 m3/ngày. Các nhiên liệu hóa thạch khi đốt phát sinh các khí độc hại như SO2, CO2, CO, NO2; các loại hóa chất bay hơi độc hại như HCl, Aldehyt, Axeton, Phenol, Toluen, Sylen, Xyclohecxan… Các loại chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất làng nghề hầu hết đều chưa được xử lý, được xả thải ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí. Nước thải của hoạt động sản xuất làng nghề chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nước, đặc biệt là ô nhiễm vùng nước mặt. Ở từng thời điểm, một số thông số vượt quy chuẩn cho phép như COD, BOD, SS, dầu mỡ, coliform tại khu vực làng nghề đang có chiều hướng gia tăng và vượt quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, một số hợp chất như phenol, chất rắn lơ lửng, nitrit, nitrat cao hơn quy chuẩn cho phép tại một số thời điểm trong nước mặt. Một số khu vực nước mặt bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng của hoạt động sản xuất trong làng nghề là sông Sắt nơi tiếp nhận nước thải khu vực làng nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan xã Yên Tiến, Yên Ninh (Ý Yên); sông Hùng Vương tiếp nhận nước thải làng nghề dệt nhuộm Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản). Qua các đợt quan trắc định kỳ cho thấy chất lượng môi trường không khí tại nhiều làng nghề cơ khí, đúc (nấu tái chế kim loại), làng nghề tái chế nhựa hiện nay đang bị ô nhiễm khí thải nhiều nhất do các khí độc hại như CO, CO2, NO2, SO2 phát sinh từ hoạt động đốt nhiên liệu hoá thạch và các hơi hoá chất độc hại như axit, dung môi, hơi kim loại… Về ô nhiễm môi trường đất, theo kết quả phân tích các mẫu đất khu vực có làng nghề trong tỉnh đều ở mức thấp hơn giá trị giới hạn cho phép theo QCVN 03:2008/BTNMT. Tuy nhiên tại các khu vực làng nghề sản xuất cơ khí hoặc tái chế kim loại, mẫu đất nông nghiệp có dấu hiệu bị nhiễm kim loại trong khi các vùng khác qua phân tích không thấy kim loại nặng như Cu, Pb, Zn. Ngoài ra, hoạt động sản xuất tại các làng nghề cơ khí, đúc, làng nghề thủ công mỹ nghệ phát sinh tiếng ồn và độ rung cao hơn các làng nghề khác. Về chất thải nguy hại (CTNH), tại các làng nghề có hoạt động sản xuất cơ khí, đúc, mạ, thủ công mỹ nghệ; dệt nhuộm... lượng CTNH phát sinh lớn nhưng công tác xử lý lại chưa được thực hiện nghiêm túc. Phần lớn CTNH chỉ được thu gom cùng với chất thải sinh hoạt và đem chôn lấp tại bãi rác của địa phương. Một số loại CTNH như: dầu thải, vỏ thùng dầu, ắc quy, vỏ bao bì đựng hoá chất... được thu gom tái chế, tái sử dụng. Tính đến nay, trong tổng số hơn 90 làng nghề của toàn tỉnh có 42 làng nghề thải ra chất thải thuộc diện ô nhiễm điển hình, bao gồm các làng nghề gia công cơ khí, mạ; làng nghề dệt may, nhuộm tẩy; làng nghề mây, tre đan; làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề do hoạt động sản xuất đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân địa phương. Hiện nay, tỷ lệ người dân ở các làng nghề mắc bệnh rất cao, đặc biệt là những người trực tiếp sản xuất do thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, hoá chất. Kết quả khảo sát của ngành chức năng cho thấy, tại làng nghề cơ khí, đúc, tỷ lệ người mắc bệnh về phổi, phế quản cao; làng nghề tẩy nhuộm vải sợi, tẩy, mạ kim loại sử dụng nhiều hóa chất độc hại, kim loại nặng nên tỷ lệ người bị bệnh ung thư cao, tuổi thọ giảm; làng nghề gây ô nhiễm nguồn nước thì tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da, bệnh mắt hột, bệnh phụ khoa cao; làng nghề gây tiếng ồn lớn thì tỷ lệ người mắc bệnh thần kinh, bệnh não cao, tuổi thọ giảm…

Ô nhiễm môi trường - Nỗi lo từ các làng nghề.
Ô nhiễm môi trường - Nỗi lo từ các làng nghề.

II - Biện pháp giải quyết

 Để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác BVMT tại làng nghề, thời gian qua các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực. HĐND và UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các luật, nghị định của Chính phủ về công tác BVMT. Sở TN và MT hướng dẫn, đôn đốc Phòng TN và MT các huyện, tham mưu cho UBND các huyện triển khai thực hiện công tác BVMT theo chức năng, nhiệm vụ quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BVMT đối với làng nghề được thực hiện lồng ghép trong các chương trình phối hợp tuyên truyền BVMT, góp phần nâng cao ý thức BVMT của người dân, đặc biệt là các hộ tham gia sản xuất. Trong những năm qua, Sở TN và MT tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về BVMT như: Năm 2007, phối hợp với đoàn thanh tra của Bộ TN và MT kiểm tra công tác BVMT tại 2 làng nghề Vân Chàng (Nam Trực) và Thành Lợi (Vụ Bản); năm 2009, thanh tra công tác BVMT của 25 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc 2 CCN làng nghề Xuân Tiến (Xuân Trường) và Yên Xá (Ý Yên); năm 2010, thanh tra công tác BVMT tại CCN làng nghề La Xuyên (Ý Yên)… Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về BVMT. Đặc biệt, tỉnh đã ưu tiên phát triển các CCN làng nghề để tách hoạt động sản xuất của làng nghề ra khỏi các khu dân cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý môi trường của các cơ sở sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 20 CCN làng nghề tập trung. Từ năm 2007 đến nay tỉnh đã bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ 22 xã, thị trấn trong tỉnh có làng nghề xây dựng 22 công trình xây dựng bãi chôn lấp xử lý chất thải, gồm các xã: Phương Định, Trung Đông, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh); Xuân Tiến, Xuân Hồng, Xuân Ninh (Xuân Trường); Nam Thanh, Nam Giang, Nam Mỹ, Nam Hồng, Nam Dương (Nam Trực); Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); Thị trấn Lâm, Yên Ninh, Yên Tiến (Ý Yên); Quang Trung, Trung Thành (Vụ Bản); Quất Lâm, Giao Châu (Giao Thuỷ); Thị trấn Cồn (Hải Hậu); Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng). Đến nay, có 20/22 công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần đáng kể vào công tác BVMT tại các làng nghề. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 2 công trình xử lý nước thải cho CCN làng nghề Yên Xá (Ý Yên) và CCN Xuân Tiến (Xuân Trường) với tổng vốn đầu tư khoảng 9,28 tỷ đồng. Năm 2010, UBND tỉnh giao Sở TN và MT triển khai đề án thí điểm thu gom, xử lý CTNH tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) và đã xây dựng mô hình xử lý nước thải tại 3 hộ sản xuất và thử nghiệm xử lý chất thải rắn nguy hại. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và Sở TN và MT còn tích cực kêu gọi và huy động nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước chung sức tham gia BVMT làng nghề. Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Dự án Quản lý CTNH đã hỗ trợ cải thiện điều kiện sản xuất, môi trường và sức khoẻ tại 2 làng nghề Vân Chàng và Bình Yên (Nam Trực). Tại làng nghề Vân Chàng, đã triển khai thực hiện tổng thể các giải pháp BVMT; trong đó đã cải tạo nâng cấp hệ thống mương, rãnh, thu gom nước thải của làng nghề tập trung về khu vực được quy hoạch xây dựng trạm xử lý. Tại làng nghề Bình Yên xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung. Cũng qua Dự án Quản lý CTNH, Sở TN và MT đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, ít gây ô nhiễm và áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, trong đó có 15 doanh nghiệp của 3 làng nghề Yên Xá, Đồng Côi, Vân Chàng...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BVMT tại các làng nghề, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá công tác BVMT làng nghề. Theo đó, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể có giải pháp huy động nhân dân tham gia BVMT làng nghề thông qua giám sát, tạo áp lực dư luận đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; xây dựng quy ước, hương ước BVMT làng nghề và tổ chức thực hiện, nâng cao nhận thức, ý thức BVMT trong cộng đồng cũng như đối với các cơ sở sản xuất làng nghề. Các ngành, các địa phương huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia các hoạt động BVMT. Trong công tác quy hoạch và thực hiện di chuyển khu, cụm làng nghề sản xuất, kiên quyết chỉ đạo và thực hiện theo quy hoạch, không để tình trạng sản xuất tiếp tục xen lẫn với khu dân cư hoặc sinh hoạt trong các CCN. Song song với công tác quy hoạch các CCN làng nghề, cần quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải tập trung (nước thải, chất thải rắn). Tại các CCN làng nghề đã được quy hoạch và đi vào hoạt động, các hộ sản xuất cần từng bước xóa bỏ phương pháp sản xuất thủ công, chuyển đổi sang công nghệ sản xuất hiện đại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



Công ty thu mua phế liệu Hòa Bình

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com