Để đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn

08:09, 02/09/2011

Vấn đề nước sinh hoạt và điều kiện vệ sinh môi trường (VSMT) được xác định là yếu tố quan trọng thể hiện chất lượng sống của người dân vùng nông thôn. Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn đến năm 2020. Theo đó mục tiêu của giai đoạn 2000-2010 bình quân toàn quốc đạt 2 tiêu chí: 85% người dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh với 60 lít nước/người/ngày; 70% số dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.

Nhà máy nước Nam Dương (Nam Trực), công suất trên 1.000m3/ngày với chất lượng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Nhà máy nước Nam Dương (Nam Trực), công suất trên 1.000 mét khối 1 ngày
với chất lượng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Theo Trung tâm nước và VSMT nông thôn tỉnh, năm 2010, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn ở tỉnh ta là 206 tỷ đồng; nhờ đó đã có thêm gần 52 nghìn người dân vùng nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, gần 15 nghìn hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; 5 nhà trẻ, mẫu giáo, 11 trường học, 18 trụ sở UBND xã, 10 trạm xá và 5 chợ nông thôn xây dựng công trình cấp nước và nhà vệ sinh công cộng. Trong giai đoạn đầu, tỉnh ta có hơn 1,4 triệu người dân vùng nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hơn 306 nghìn hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 84,1%, số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 65,4%. Như vậy, ở 2 tiêu chí chính của Chiến lược quốc gia, tỉnh ta đều ở mức độ cận kề. Đến hết năm 2010, tỉnh ta đã có 40 trạm cấp nước đã đi vào hoạt động, trong đó có trên 70% các trạm đạt công suất trên 700m3/ngày đến 2.000m3/ngày nên năng lực cấp nước đều đạt và vượt chỉ tiêu 60 lít/người/ngày. Trong số 84,1% dân số nông thôn trong tỉnh được cấp nước hợp vệ sinh hiện nay, có 51,55% (tương đương với 861.720 người) được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn (QCVN 02 của Bộ Y tế), trong đó có 22,55% (377.043 người) sử dụng nước máy sạch, 29% (484.643 người) sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước đơn lẻ. Những năm đầu của Chiến lược cũng hướng đến đảm bảo tiêu chí nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Hơn 306 nghìn hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đều đạt tiêu chuẩn (TC 08 của Bộ Y tế). Đạt được kết quả trên, ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chiến lược quốc gia, tỉnh ta đã tập trung đầu tư có trọng điểm để bảo đảm hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng là địa phương thực hiện tốt các mục tiêu đến năm 2020 về các tiêu chí phụ trợ của Chiến lược. Đến hết năm 2010, tại các vùng nông thôn toàn tỉnh có 99,8% nhà trẻ, mẫu giáo, 98,8% các trường học, 98% các trụ sở cấp xã và 100% trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Chương trình khí sinh học cho chăn nuôi (giai đoạn 2007-2012) đã cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn…

Giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu tất cả người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo các điều kiện VSMT nông thôn. Năm 2011, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình là 354 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ thực hiện chương trình đầu tư đảm bảo, nhất là đối với các công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên, từ thực tế giai đoạn 2000-2010 và đối chiếu với mục tiêu cần đạt của giai đoạn 2011-2020 nổi lên một số vấn đề. Thứ nhất, các tiêu chí phụ về cấp nước và VSMT đối với các công trình công cộng như trường học, trụ sở đều gần đạt mục tiêu chương trình đề ra nên cần đầu tư tập trung, tìm nguồn đầu tư hợp lý để sớm hoàn thành dứt điểm ngay trong những năm đầu. Vấn đề cốt yếu của giai đoạn 2011-2020 là hướng đến tất cả người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với hai nội dung cần tập trung thực hiện. Xây dựng các trạm cấp nước bảo đảm về thiết bị, nhân lực, điều kiện hoạt động để đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch. Không đầu tư cho các dự án cấp nước chưa bảo đảm đạt tiêu chuẩn nước sạch tránh lãng phí, làm chậm tiến độ, kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia. Vì trong tổng số 84,1% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đến thời điểm này, mới có 51,55% được sử dụng nước sạch, như vậy trong các năm tới sẽ có 32,55% dân số nông thôn đang sử dụng nước hợp vệ sinh cần chuyển đổi sang sử dụng nước sạch. Ngoài ra, đến tháng 8-2011 toàn tỉnh có 42 trạm cấp nước, trong đó có khoảng 10 trạm do Cty CP Nước sinh hoạt và VSMT tỉnh quản lý và vận hành đảm bảo ổn định chất lượng; các trạm còn lại do UBND xã quản lý, vận hành có nhiều trạm đã xuống cấp, đội ngũ nhân viên vận hành thiếu chuyên môn nên chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn và không ổn định cần được quan tâm đầu tư và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ nhân viên. Việc thực hiện Chiến lược Quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng sống của người dân vùng nông thôn là nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương chứ không chỉ riêng của Trung tâm nước và VSMT nông thôn tỉnh. Vì vậy, cần có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có thể đạt đủ, sớm các tiêu chí và tiến độ của Chiến lược đã đề ra./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com