Xây dựng tuyến phố không rác thải: Yếu tố cần và đủ

07:09, 28/09/2011

Từ tháng 6-2010, Thành phố Nam Định tổ chức triển khai thực hiện xây dựng tuyến phố không có rác thải. UBND 21 phường, xã với 32 tuyến phố được chọn thực hiện thí điểm đã tích cực họp triển khai tới các tổ dân phố, thành lập các tổ liên gia tự quản; tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện. Đến nay, nhiều khu phố đã tạo được thói quen cho người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định khi có nhân viên vệ sinh môi trường đi thu gom rác. Tình trạng đổ rác tự do, bừa bãi ra đường ở một số nơi đã được hạn chế. Đặc biệt, với sự phối hợp chặt chẽ của Cty TNHH một thành viên Vệ sinh môi trường Nam Định, UBND các phường đã khắc phục được một số bãi tập kết rác trên các đường phố. Điểm tập kết rác trên đường Trần Hưng Đạo trước cổng chợ Mỹ Tho vốn tồn tại từ lâu; khu vực này có chợ hoa quả đầu mối họp từ rất sớm, lại không có cơ quan chức năng quản lý nên nhiều chủ hàng vứt rác, hoa quả hỏng, thối, phế phẩm ra đường, người dân thấy có rác sẵn thì đổ theo... Từ khi thành phố chỉ đạo kiên quyết về vấn đề vệ sinh môi trường, Cty Vệ sinh môi trường được trang bị các xe ép rác hiện đại, thu gom rác theo giờ, nhân viên sau khi thu rác ở các khu dân cư và tập kết đúng giờ, phường cử lực lượng dân phòng thường trực quản lý, mọi trường hợp vứt rác không đúng đều bị nhắc nhở..., “ga rác” này đã bị dẹp bỏ. Với 15 xe ép rác hiện đại trị giá nhiều tỷ đồng mới được trang bị, giờ đây tình trạng các “ga rác” bất đắc dĩ, mất vệ sinh trên một số tuyến phố đã cơ bản được khắc phục.

Công nhân Cty TNHH MTV Vệ sinh môi trường đô thị Nam Định thu gom rác đường phố.
Công nhân Cty TNHH MTV Vệ sinh môi trường đô thị Nam Định
thu gom rác đường phố.

Tuy nhiên, ở một số tuyến phố thực hiện không có rác thải vẫn còn tình trạng để túi rác, đổ nguyên vật liệu, phế thải xây dựng ra vỉa hè, lòng đường. Nhiều tuyến phố, chỉ vài tiếng sau giờ làm vệ sinh của nhân viên vệ sinh môi trường lại đầy rác, nhất là một số tuyến phố ít có hộ dân sinh sống. Ở khu vực gần Bệnh viện đa khoa tỉnh, cổng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Quảng trường Hòa Bình, hầu như ngày nào cũng bừa bãi những hộp xốp, túi nilon, giấy, lá chuối… trên vỉa hè, lòng đường. Các hộ kinh doanh hàng ăn tại đây sau khi thu dọn đã đổ rác ngay xuống lòng đường trông rất nhếch nhác. Ông Phạm Mạnh Hùng ở phường Nguyễn Du cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, thành phố cần đầu tư thiết bị thu gom rác. Ở Thành phố Nam Định có rất ít thùng rác, ngay cả công viên, khu vui chơi giải trí công cộng cũng không có thùng rác. Như vậy, những người đến đây chơi nếu muốn giữ gìn vệ sinh chung cũng khó, không biết bỏ rác vào đâu(!).

Một cán bộ Công an phường Bà Triệu phản ánh, phường tự huy động kinh phí để trang bị một số thùng rác công cộng đặt trên vỉa hè ở tuyến phố Trần Hưng Đạo phục vụ khách vãng lai hoặc người dân bỏ rác ngoài giờ thu gom của Cty Vệ sinh nhưng lại nảy sinh bất cập là nhân viên vệ sinh không thu gom rác trong các thùng rác này vì “không nằm trong hợp đồng, nhiệm vụ được giao”(!) Phía Cty Vệ sinh môi trường đô thị thì giải thích: Cty làm theo hợp đồng, khối lượng thu gom, quét dọn… đều do thành phố hợp đồng với doanh nghiệp, định mức đến đâu thì Cty thực hiện đến đó, vì nếu khối lượng công việc thêm thì Cty không lấy đâu ra kinh phí để trả thêm công cho công nhân. Thành phố hiện chỉ hợp đồng cho Cty khoảng 16-17% khối lượng công việc so với yêu cầu thực tế nên Cty không thể làm quá được(!) Về năng lực, với gần 400 cán bộ công nhân và thiết bị xe ép rác hiện đại mới được tỉnh đầu tư thì “thừa sức” đảm nhiệm việc xử lý vệ sinh môi trường toàn thành phố nếu được giao và hiện tại Cty đang vươn xuống các huyện để phục vụ(!) Người dân phản ánh sau khi quét, đường lại bẩn ngay vì đường 4m nhưng Cty chỉ được tính định mức một nửa diện tích, nên cũng chỉ giao cho công nhân quét dọn trong phạm vi đó, sau khi quét, rác ở giữa lòng đường do xe cộ đi lại dồn vào lề đường... Phòng Quản lý đô thị thì cho biết, thành phố không giao, doanh nghiệp hoạt động theo hợp đồng, làm được đến đâu thì doanh nghiệp hợp đồng đến đó. Vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp phải đổi mới tư duy quản lý và biện pháp hoạt động vì vệ sinh chung của thành phố...

Việc xây dựng Thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I là một bước phát triển tất yếu của thành phố trên nền tảng truyền thống và vị trí trong khu vực. Xây dựng tuyến phố không rác thải là một trong nhiều nhiệm vụ thành phố và mỗi người dân cần làm để thành phố trở nên văn minh hiện đại. Thành phố cần có cơ chế quản lý phù hợp để phát huy vai trò của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, phát huy hiệu quả đích thực của công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội, bảo đảm yếu tố cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy các doanh nghiệp tự giác làm tốt hơn công tác xử lý vệ sinh môi trường đô thị, nêu cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Vân Thi

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com