Tiếp tục chung tay "Làm cho thế giới sạch hơn"

08:09, 14/09/2011

Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới đã và đang phải đối mặt với sự gia tăng về số lượng và tính độc hại của chất thải rắn phát sinh từ sinh hoạt, công nghiệp, đặc biệt là các chất hữu cơ khó phân huỷ. Có nơi, có lúc môi trường nước biển, nước sông, ngòi, ao, hồ, đã bị ô nhiễm nặng nề bởi hoá chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp. Nước biển ô nhiễm đã khiến rất nhiều loài sinh vật biển bị chết, hệ sinh thái cùng tính đa dạng sinh học biển và đại dương có nguy cơ bị huỷ hoại. Nhận thức được thực trạng này, ngày 8-1-1989 một nhà xây dựng, đồng thời cũng là một vận động viên đua thuyền buồm người Australia đã khởi xướng Chiến dịch “Làm cho Cảng Sydney sạch hơn” và sau này Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”. Chiến dịch được tổ chức vào tuần thứ ba của tháng 9 hằng năm với mục tiêu hướng cộng đồng trên khắp hành tinh cùng thực hiện hành động góp phần bảo vệ chăm sóc môi trường địa phương của mình.

Nhân dân phường Trần Tế Xương (TP Nam Định) tích cực tham gia mô hình "Đoạn sông tự quản", góp phần bảo vệ môi trường nơi sinh sống.
Nhân dân phường Trần Tế Xương (TP Nam Định) tích cực tham gia mô hình "Đoạn sông tự quản", góp phần bảo vệ môi trường nơi sinh sống.

Đến nay, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng triệu người từ hơn 120 quốc gia và trở thành một trong những hoạt động môi trường cộng đồng lớn nhất trên thế giới. Nước ta tham gia chiến dịch từ năm 1994 và là một trong những thành viên tích cực của Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”. Tại tỉnh ta, từ nhiều năm qua, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên trong tỉnh luôn nhiệt tình hưởng ứng, tham gia các hoạt động làm cho thế giới sạch hơn tổ chức trên địa bàn. Sở TN và MT với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, hằng năm đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, các sở, ngành đã tích cực huy động mọi nguồn tài trợ, triển khai nhiều mô hình góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Các làng nghề cơ khí: Vân Chàng và Bình Yên (Nam Trực), từ nguồn kinh phí hỗ trợ, các xã thành lập đội thu gom rác thải được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động và các thiết bị chuyên dùng… góp phần cải thiện môi trường chung trong xã, đồng thời làm thay đổi nhận thức của các chủ cơ sở và người lao động trong việc nâng cao ý thức BVMT trong quá trình sản xuất. Dự án hỗ trợ kỹ thuật sản xuất gạch bền vững (VSBK) do Chính phủ Thuỵ Sỹ tài trợ, từ năm 2005 đến nay, đã góp phần giảm 19% số lò gạch thủ công/năm, xoá bỏ khoảng 480 lò gạch thủ công dã chiến. Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng các công trình chôn lấp, xử lý chất thải rắn cho 10 xã, thị trấn có làng nghề tại các huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên; đầu tư 6,5 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải tại các làng nghề Yên Xá (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Bắc (Xuân Trường), CCN An Xá (TP Nam Định).  Đến nay, hầu hết các chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp: thay đổi thiết bị, nguyên liệu, tuần hoàn, tái sử dụng nguyên liệu, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, xây dựng các công trình BVMT. Trong sản xuất nông nghiệp, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí của các ngành chức năng, các hộ chăn nuôi đã thực hiện nhiều chương trình BVMT hiệu quả như: chăn nuôi gà an toàn sinh học, nuôi lợn hướng nạc sinh sản, phương pháp sử dụng hầm biogas, đệm lót sinh thái, thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý nguồn nước thải, phun thuốc phòng trừ dịch bệnh, tiêm chủng, rắc vôi bột, dọn rửa chuồng trại… Rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Nam Định đã được thu gom và xử lý với số lượng khoảng 156 tấn/ngày, đạt 78% lượng rác phát sinh; trong đó có khoảng 59% lượng rác được xử lý thành phân compost, còn khoảng 29% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh; 12% lượng rác thải như giẻ vụn, vải vụn, sợi chỉ... được xử lý bằng phương pháp đốt tại lò đốt rác vô cơ và rác thải công nghiệp công suất 4 tấn/giờ. Đối với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đã thu gom khoảng 265.551 kg/ngày (chiếm xấp xỉ 43% lượng rác thải phát sinh)... Nhìn chung công tác bảo vệ môi trường của tỉnh bước đầu đi vào nề nếp, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh theo hướng phát triển bền vững. Đặc biệt đã có nhiều phong trào cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường, nhiều mô hình làng, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá - vệ sinh môi trường đã được hình thành, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học...

Năm 2011, chủ đề của Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” là: “Nơi sinh sống của chúng ta... Hành tinh của chúng ta... Trách nhiệm của chúng ta...”, Sở TN và MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 16-8-2011 phát động chiến dịch trên phạm vi toàn tỉnh trong một tháng từ ngày 16-8 đến 18-9 nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức về BVMT. Huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia các hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn với nhiều nội dung và hình thức. Tổ chức chiến dịch tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tạo dư luận và áp lực xã hội lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Đồng thời phổ biến và khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nhiên liệu, hạn chế sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động cụ thể như ra quân làm vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước; diễu hành, cổ động về BVMT... Thực hiện kế hoạch này, tất cả các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mỗi cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Để đạt kết quả cao trong chiến dịch chung tay làm cho thế giới sạch hơn, tỉnh đã đầu tư 31,4 tỷ đồng để xây dựng mới 18 bãi chôn lấp xử lý rác thải quy mô cấp xã; đào thêm hố chôn lấp tại bãi chôn lấp rác thải ở Thành phố Nam Định; 2 dự án xử lý hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; 7 dự án xử lý nước thải bệnh viện. Song song các việc làm trên, tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ thực hiện 24 chương trình, dự án khác được triển khai từ năm 2010 với tổng kinh phí 17 tỷ đồng. Vừa qua, UBND tỉnh ký quyết định triển khai xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trong sản xuất nông nghiệp tại thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (ngoại thành Nam Định) và xã Hoành Sơn (Giao Thủy) với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch phát triển công nghiệp VLXD từ nay đến 2020, với tinh thần bảo đảm môi trường trong lành. Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức phát động phong trào toàn dân tham gia khu tự quản về BVMT tại xã Yên Cường (Ý Yên) vào ngày 8-9 và tổ chức lễ mít tinh toàn dân chung tay BVMT với quy mô trên toàn huyện Ý Yên vào ngày 18-9 nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý và vào cuộc của tất cả nhân dân trên địa bàn huyện… Các địa phương và các cấp, các ngành đều phát động mỗi đơn vị, mỗi cá nhân thiết lập một chương trình, hành động BVMT hiệu quả. Tiêu biểu, tại phường Trần Tế Xương (TP Nam Định) đã xây dựng được mô hình “đoạn sông tự quản”, trong đó các hộ dân sinh sống gần khu vực bờ sông đã tích cực phối hợp với tổ thu gom rác giữ vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống và ven bờ sông. Từ nay đến hết ngày 18-9-2011, nhân dân trong toàn tỉnh sẽ tham gia nhiều chương trình BVMT ngay tại khu dân cư. Đó là những hành động cụ thể, thiết thực để môi trường sống của chúng ta ngày càng trong lành hơn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com