2: Tạo điều kiện cho xe buýt lưu thông
Mặc dù còn nhiều bất cập, nhưng như đã nói ở kỳ trước, vai trò của vận tải hành khách công cộng, trực tiếp là xe buýt có ảnh hưởng quan trọng đến giảm tải áp lực và hạn chế tai nạn giao thông. Chính vì vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào, có giải pháp gì để vận tải bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh ta đi đúng quỹ đạo, định hướng đã đặt ra. Nói cụ thể là phải có phương án để quản lý được hoạt động của lái, phụ xe, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp xe buýt và đồng thời phát huy được hết ưu thế của loại hình vận tải hành khách này.
Tỉnh ta là địa phương có số lượng phương tiện vận tải hành khách khá lớn. Số liệu mới nhất của Phòng CSGT ĐB-ĐS (Công an tỉnh) cho biết, toàn tỉnh có 36 đơn vị vận tải hành khách với tổng số 1.519 xe khách (859 xe loại từ 10 đến 30 chỗ ngồi, 660 xe từ 30 chỗ ngồi trở lên), 9 đơn vị xe hợp đồng với 35 xe khách các loại, 4 đơn vị taxi với vài trăm xe. Chưa kể số xe khách đơn lẻ, tư nhân rải rác ở các huyện lên tới vài chục xe. Tỉnh ta có đủ số tuyến chạy nội tỉnh và chạy khắp các vùng miền trong cả nước. Với số lượng như vậy, tất yếu dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị, các phương tiện vận tải hành khách với nhau từ cấp độ hợp đồng, tuyến, nốt đến mức nhỏ nhất là từng hành khách trên các tuyến. Bên cạnh đó, số lượng các phương tiện tham gia giao thông khác của tỉnh ta cũng gia tăng với tốc độ khá cao. Đến hết tháng 8-2011, tại tỉnh có 10.709 xe mô tô, 10.079 xe ô tô các loại đăng ký lưu hành, trong đó có tới 3.130 xe từ 4 đến 7 chỗ ngồi tập trung chủ yếu ở Thành phố Nam Định… Trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh chưa phải đã bảo đảm, hoàn thiện thì những số liệu trên đang tạo ra áp lực rất lớn về nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông ở cả đô thị và các vùng nông thôn trong tỉnh. Chủ trương của tỉnh đưa loại hình vận tải công cộng xe buýt vào hoạt động, khuyến khích người dân tiếp cận và có thói quen sử dựng phương tiện công cộng chính là hướng đến mục tiêu góp phần giải tỏa áp lực này. Tuy nhiên, khác với các tỉnh, thành phố lớn thành lập các đơn vị công ích xe buýt, ở tỉnh ta do đặc thù điều kiện kinh tế còn khó khăn, phương án triển khai của tỉnh là huy động nguồn lực xã hội, cụ thể là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vận tải xe buýt. Mà đã kinh doanh thì phải hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Các doanh nghiệp là Cty CP Xuân Thiệu, Cty CP Vận tải ô tô Nam Định cũng phải tính toán để đảm bảo doanh thu, ổn định tâm lý các cổ đông. Báo cáo tài chính của Cty CP Vận tải ô tô Nam Định cho biết trong thời gian Cty trực tiếp quản lý từ tháng 2 đến hết tháng 9-2010, kết quả kinh doanh của 6 xe buýt chạy tuyến số 06 (Nam Định - Ý Yên) bình quân mỗi tháng lỗ trên 60 triệu đồng, chưa kể nguồn vốn đầu tư ban đầu vào xe, các hạng mục khác khoảng 3 tỷ đồng. Cty CP Xuân Thiệu năm 2007 đầu tư 24,3 tỷ đồng cho hoạt động của 3 tuyến xe buýt 01, 02, 03 trong các năm hạch toán đều lỗ. Thậm chí đầu năm 2010 đầu tư mở rộng thêm tuyến 04 Nam Định - Phủ Lý chỉ sau hơn 20 ngày đã phải dừng vì thu không đủ một phần chi. Hiện nay, doanh thu bình quân cả 3 tuyến đạt khoảng 2,28 tỷ đồng/tháng nhưng do giá xăng dầu, chi phí cao, lãi suất ngân hàng tăng nên mức lãi cũng không đáng kể. Để thu vốn, tăng lãi, 2 đơn vị xe buýt thực hiện khoán doanh số trực tiếp đến lái, phụ xe từng chuyến. Và để đảm bảo khoán, các lái, phụ xe đã tham gia vào thị trường cạnh tranh hành khách nội tỉnh vốn đã rất khắc nghiệt vì xe nhiều, hành khách ít. Dù biết lái, phụ xe vi phạm quy định riêng về vận tải xe buýt và các quy định của pháp luật về an toàn giao thông nhưng vì doanh thu, các Cty này chỉ xử lý cho có lệ hoặc thậm chí làm ngơ. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, tranh khách, góp phần làm tăng nguy cơ tai nạn như đã nêu ở kỳ trước.
Hướng tới xe buýt thực sự là phương tiện vận tải hành khách an toàn, tiện ích, văn minh. |
Để giải quyết tận gốc thực trạng này, rõ ràng cần một cơ chế hỗ trợ của tỉnh để đưa xe buýt về với vị trí được trông đợi. Đồng chí Nguyễn Xuân Thao, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT) đề nghị UBND tỉnh có cơ chế trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hành khách có cơ sở trong đầu tư kinh doanh vận tải xe buýt. Thậm chí cần có cơ chế mạnh để tạo thị trường cạnh tranh kinh doanh xe buýt giữa các doanh nghiệp này, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, thu hút mạnh mẽ người dân sử dụng dịch vụ công cộng này để giảm áp lực ùn tắc và tai nạn giao thông hiện nay. Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp vận tải thì tại một số tỉnh lân cận cũng đã triển khai cơ chế hỗ trợ xe buýt và đã có hiệu quả rõ rệt trong giải quyết các vấn nạn giao thông. Nhưng về lâu dài thì phương án hữu hiệu nhất là tỉnh nên có đầu tư vốn ngân sách thích hợp trong thực hiện loại hình vận tải hành khách này, đồng thời có cơ chế khuyến khích thích đáng để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư cùng Nhà nước. Có như thế sẽ luôn đảm bảo quản lý xe buýt hoạt động mang tính công ích cao hơn lợi nhuận, đồng thời cũng có đủ sức hút để doanh nghiệp tham gia đầu tư cùng Nhà nước không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiệu quả chắc chắn sẽ giúp người dân thấy ngày càng tiện lợi hơn khi sử dụng dịch vụ xe buýt. Đây cũng là giải pháp để duy trì hoạt động của xe buýt lâu dài, ổn định, tránh trường hợp doanh nghiệp chỉ khai thác tuyến có lãi, giảm chuyến hoặc thậm chí bỏ tuyến khó khăn, thua lỗ như đã diễn ra vừa qua tại tỉnh ta.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Trong khi chờ đợi một cơ chế, giải pháp mang tính tận gốc như đã nêu thì thực trạng hiện nay của xe buýt đòi hỏi phải có ngay những biện pháp để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng chí Trịnh Duy Dương, Phó trưởng Phòng CSGT ĐB-ĐS (Công an tỉnh) cho biết, không chỉ trong tháng 9 - Tháng An toàn giao thông mà ngay từ giữa năm, khi các tuyến giao thông chính của tỉnh cơ bản hoàn thành, đơn vị đã phát hiện dấu hiệu gây mất an toàn từ xe buýt và chỉ đạo các tổ tuần tra, các chốt tiến hành xử lý kiên quyết để đảm bảo an toàn giao thông. Trong địa bàn thành phố, lực lượng công an, CSGT sẽ xem xét, đề nghị điều chỉnh lại các điểm dừng đỗ, các giờ cao điểm xe buýt chạy qua như trường học, chợ, bến xe, ga tàu… để tránh hiện tượng xe buýt làm tăng nguy cơ ùn tắc. Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xóa sổ các điểm tập trung xe ôm và hiện tượng xe ôm đuổi theo xe buýt và các loại xe chở khách khác đón khách gây mất an toàn…
Tuy nhiên, việc quản lý, đảm bảo xe buýt tuân thủ quy định an toàn không phải chỉ là trách nhiệm của lực lượng công an nói chung, CSGT nói riêng. Để xe buýt tuân thủ quy định, và nhất là để loại hình vận tải hành khách này tạo được ấn tượng tốt với người dân nhằm hướng đến trở thành dịch vụ thể hiện văn hóa giao thông thì cần sự phối hợp, quản lý chặt chẽ từ tất cả các cơ quan chức năng liên quan. Trước hết, đề nghị Sở GTVT có kiểm tra thực tế, kiên quyết xử lý đối với doanh nghiệp xe buýt vi phạm quy định đã đăng ký về tốc độ, số chuyến, điểm dừng đỗ, thái độ với hành khách đến chất lượng xe, nhà chờ, điểm đỗ… Quan trọng nhất, ngành GTVT cần rà soát hiện trạng xếp tuyến, chặng, nốt xe hiện nay để có sự điều hành hợp lý nhất đối với từng tuyến, chặng, hạn chế tối đa hiện tượng đuổi vượt, tranh giành khách tại các tuyến nhưng lại quá tải, quá đông vào giờ cao điểm như hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đang tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt hiện nay là Cty CP Xuân Thiệu và Cty CP Vận tải ô tô Nam Định cần có quy chế, quy định quản lý chặt chẽ đối với đội ngũ lái, phụ xe buýt, xử lý triệt để các vi phạm về vận hành xe. Thực tế doanh thu kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đã chuyển từ lỗ sang hòa và có lãi, không ít người dân đã sử dụng phương tiện xe buýt cho việc đi lại cho thấy lĩnh vực kinh doanh này không phải không có tiềm năng. Chính vì vậy, bản thân doanh nghiệp cần nhận thức rõ lấy chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách nhằm tăng trưởng bền vững chứ không phải nhờ tranh cướp khách chớp nhoáng.
Bên cạnh những nội dung trên, cũng cần đề cập đến hiệu quả tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về hiệu quả của xe buýt không chỉ đơn thuần là một phương tiện đi lại giá rẻ, tiện lợi mà còn góp phần giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, để xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa về sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Thực tế công tác tuyên truyền, vận động về vấn đề này hiện nay chưa được quan tâm, thậm chí ngay bản thân doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh vận tải xe buýt hiện nay cũng mới chỉ quan tâm tới doanh số là chính chứ chưa nghĩ đến hiệu quả xã hội của công tác này./.
[links()]