Bất cập xe buýt

08:09, 16/09/2011

1: Nhếch nhác và nguy cơ tai nạn

Ngoài nhiệm vụ vận tải hành khách, xe buýt vẫn được xem như một loại phương tiện mang tính văn minh cao. Bản thân các xe buýt đang lưu hành tại tỉnh ta cũng tự quảng cáo về đặc tính này của mình bằng dòng chữ ghi to, rõ, trang trọng trên thân xe: "Đi xe buýt là góp phần giảm tai nạn và ách tắc giao thông". Thế nhưng, thực tế đã không diễn ra như vậy...!

 Nhếch nhác, chiếu lệ ở nhà chờ, điểm đỗ

Xuất phát từ xác định giảm áp lực phương tiện, ách tắc và tai nạn giao thông, xây dựng thói quen văn minh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, tỉnh ta đã thực hiện chủ trương đưa phương tiện vận tải hành khách công cộng xe buýt vào hoạt động. Từ giữa năm 2007, một số tuyến xe buýt đã chính thức được khai trương và đến nay, toàn tỉnh đã có tổng số 4 tuyến xe buýt chạy qua địa bàn của 9/10 huyện, thành phố. Không chỉ người dân đi lại, nhiều cán bộ công chức đã chọn xe buýt làm phương tiện đi công tác trong tỉnh. Số lượng hành khách/chuyến của các hãng, các tuyến xe buýt đã có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, chính thời điểm này, thay vì tiếp tục xây dựng thương hiệu, uy tín để tăng hiệu quả kinh doanh và thực hiện định hướng của tỉnh về hình thành thói quen văn minh, văn hóa giao thông trong người dân thì vận tải xe buýt lại đang có dấu hiệu đi xuống về chất lượng và mức độ an toàn, gây lo ngại cho người dân. 

Nhà chờ xe buýt tại đường Trần Hưng Đạo (trước tượng đài Anh hùng liệt sỹ) bị hàng bán bánh mỳ chiếm dụng.
Nhà chờ xe buýt tại đường Trần Hưng Đạo (trước tượng đài Anh hùng liệt sỹ)
bị hàng bán bánh mỳ chiếm dụng.

Điểm dễ nhận thấy nhất là sự nhếch nhác của các nhà chờ, điểm đỗ xe buýt hiện nay. Với đặc thù là phương tiện vận tải hành khách công cộng mang tính tiện ích, văn minh cho người dân, hạn chế tối đa hiện tượng dừng bắt khách tùy tiện của các loại phương tiện vận tải hành khách khác đang gây bức xúc về trật tự, an toàn giao thông hiện nay, tiêu chuẩn đầu tiên của xe buýt bắt buộc phải có hệ thống nhà chờ, điểm đỗ phù hợp, đáp ứng nhu cầu giao thông từ ngắn đến dài của người dân. Về số lượng, theo báo cáo các tuyến xe buýt đều đã thực hiện đầy đủ. Tại 4 tuyến xe buýt đều xuất phát từ Thành phố Nam Định được báo cáo có tổng số 227 nhà chờ, điểm đỗ. Trong đó, 3 tuyến xe buýt của Cty CP Xuân Thiện đi các huyện phía nam tỉnh có 187 nhà chờ, điểm đỗ gồm tuyến Nam Định - Giao Thủy (tuyến 01 đi qua các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy) có 67 nhà chờ, điểm đỗ, tuyến Nam Định - Hải Thịnh (tuyến 02 đi qua các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu) có 67 nhà chờ, điểm đỗ và tuyến Nam Định - Nghĩa Hưng (tuyến 03 đi qua các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng) có 53 nhà chờ, điểm đỗ. Tuyến còn lại là Nam Định - Ý Yên (tuyến 06 đi qua 2 huyện Vụ Bản, Ý Yên) của Cty CP Vận tải ô tô Nam Định không có nhà chờ, có 40 điểm đỗ. Ngay Thành phố Nam Định, sự nhếch nhách, xuống cấp của các nhà chờ xe buýt nổi bật trên các đường phố. Tại Bến xe Nam Định, nhà chờ xe buýt được đặt tại vị trí gần chéo với cổng bến xe (ngã tư đường Điện Biên - Giải Phóng) tưởng rất đắc địa. Nhưng đây lại là vị trí bãi tập kết rác thải của khu vực nên mùi xú uế khó chịu, ruồi muỗi đen đặc, hành khách không ai dám đứng, nhất là vào buổi chiều các xe rác tập kết rác. Đơn vị quản lý xe buýt không phối hợp với các cơ quan, địa phương để khắc phục nên nhà chờ này hầu như không có khách lai vãng. Khu vực Ga Nam Định rất đông khách nhưng không có nhà chờ, biển báo điểm đỗ xe buýt nằm khuất ở góc khách sạn Najimex với chữ đã mờ tịt, phải tinh ý lắm mới thấy. Vì vậy ở đây thường xuyên có cảnh người chờ xe buýt đứng ngồi ngổn ngang dọc đường, thấy xe buýt đến là nhoáng nhoàng chạy ra chặn lại. Nổi bật nhất về sự nhếch nhác là nhà chờ xe buýt nằm tại góc Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tỉnh (đường Trần Hưng Đạo). Đây là vị trí tập trung cuối cùng của cả 3 tuyến xe buýt 01, 02, 03 nên luôn có khách chờ. Nhưng cũng tại đây, khách luôn phải nhường chỗ cho 2 quầy bán bánh mỳ đặt ngay trong nhà chờ chật hẹp, giáp sau lưng là hàng nước chè với bàn ghế la liệt, hàng chục chiếc xe ôm chờ khách. Mất ghế chờ, các ngăn để đồ, ngăn được thiết kế để sách báo của khách cũng bị chiếm dụng làm kho đựng bánh mỳ, bàn ghế. Chưa hết, chủ quán nước, quán bánh mỳ mở miệng là văng tục, mở miệng là nói chuyện giang hồ, đâm chém khiến khách chờ phát hoảng. Nhiều học sinh, sinh viên, người có tuổi sau khi đến đây đã phải chấp nhận gọi xe ôm qua cầu Đò Quan chờ xe. Lạ ở chỗ không những không có động thái gì nhắc nhở, lái phụ xe buýt đến đây lại chuyện trò, thân thiết với chủ quán như người nhà, thậm chí còn đỗ xe chờ bán bánh mỳ xong mới chạy…

Theo tìm hiểu, tại thành phố có hơn 10 nhà chờ do Cty CP Xuân Thiệu và Cty Quảng cáo Đại Dương Ngân đầu tư. Tại mỗi thị trấn dọc tuyến các huyện phía nam tỉnh có thêm 1 nhà chờ. Tất cả hầu như đều xuống cấp với biển, pa-nô bị bóc xé nham nhở, vệ sinh nhà chờ rất kém, gây phản cảm. Theo báo cáo của các đơn vị xe buýt có tới hơn 200 điểm dừng, đỗ. Nhưng khi đi kiểm tra thực tế cả 4 tuyến cho thấy các biển báo không có tác dụng nhiều, có điểm chỉ cắm chiếu lệ vì xe không thể dừng hoặc rất ít khi dừng. Ngược lại, nhiều điểm dừng đỗ ở khu vực trung tâm các xã, thị trấn lại gây nguy cơ ách tắc, tai nạn giao thông cao.

Cũng phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách

Không chỉ bất cập ở các nhà chờ, điểm đỗ, phản ánh của nhân dân cho thấy đã và đang xuất hiện tình trạng xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, tham gia tranh khách trên các tuyến đường nội tỉnh. Ông Lê Văn Lan, nhà ở giáp quốc lộ 21, đoạn cuối cầu Vòi, xã Hồng Quang (Nam Trực) cho biết: “Ai cũng tưởng xe buýt là chạy đúng tốc độ, an toàn. Nhưng không. Cứ gặp xe buýt từ sau cầu Vòi trở xuống thì biết ngay, bây giờ phóng nhanh, vượt ẩu không khác gì xe huyện!”. Chị Phạm Thu Nga đang làm may ở thành phố có nhà ở Nghĩa An (Nam Trực) than thở: “Giờ tan tầm về nhà hôm nào cũng lo ngay ngáy. Trước đây chỉ xe khách phóng nhanh, tranh khách. Bây giờ cả xe buýt cũng tham gia vào cuộc đua ấy. Chiếc xe to, dài, diện tích chiếm nửa mặt đường ấy mà va vào thì không biết hậu quả sẽ ra sao?”. Hầu hết ý kiến người dân đều cho biết trước đây, khi đang thi công quốc lộ 21 và tỉnh lộ 490 thì chưa thấy biểu hiện phóng nhanh, vượt ẩu. Nhưng tỷ lệ thuận với tiến độ hoàn thành thi công các tuyến đường này là việc tăng tốc của xe buýt và xe vận tải hành khách khiến người dân chưa kịp mừng vì có đường mới đã phải lo ngay ngáy với nguy cơ tai nạn. Trên tuyến 06 Nam Định - Ý Yên, ngay từ lúc vận hành đầu tháng 3-2010, người dân ven đường và hành khách đã phản ánh xe buýt “chạy nhanh” không kém gì xe liên tỉnh, xe cao tốc. Nhiều khi có khách vẫy xe, chiếc xe to, dài như xe container ấy phải kéo phanh hàng chục mét mới dừng được để đón khách. Dư luận cho rằng, mong chờ xe buýt đi vào vận hành bao nhiêu thì bây giờ lo lắng, thất vọng bấy nhiêu. Thậm chí trong danh sách phương tiện bị bắn tốc độ của CSGT tỉnh đã có thêm tên của xe buýt Nam Định.

Đem vấn đề nhếch nhác điểm dừng, đỗ và nạn phóng nhanh vượt ẩu của xe buýt đến hỏi đồng chí Nguyễn Xuân Thao, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT) thừa nhận cũng nhận được phản ánh như vậy từ người dân. Sở và Phòng Quản lý vận tải gần đây liên tục có công văn nhắc nhở hiện tượng này nhưng chưa thấy chuyển biến mà còn không thừa nhận hoặc né tránh trách nhiệm về vấn đề này. Bà Phạm Thị Thêu, Điều hành chính của Cty CP Xuân Thiệu tại Nam Định khẳng định cả 30 xe buýt của Cty chạy trên 3 tuyến 01, 02, 03 đến các huyện phía nam tỉnh đều không bao giờ vượt quá tốc độ vì Cty đã lắp thiết bị định vị trên mỗi xe, nếu lái xe đạt tốc độ 60km/h là trung tâm điều hành sẽ lập tức nhắc nhở (!!!). Về phía Cty CP Vận tải ô tô Nam Định, giám đốc Vũ Xuân Dương cho biết khi trực tiếp quản lý, Cty luôn giám sát chặt chẽ về vấn đề tốc độ, nhưng từ ngày 1-10-2010, vận tải xe buýt đã được giao khoán lại cho một nhân viên Cty với mức nộp khoán 30 triệu đồng/tháng. Cty sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh ngay nếu có hiện tượng này. Để kiểm chứng thực hư, chúng tôi đã mua vé, đi thực tế toàn bộ các tuyến xe buýt trong tỉnh. Khoảng 15h ngày 7-9-2011, cùng với trên 20 hành khách khác, chúng tôi lên xe biển số 30N… tuyến số 01 mua vé toàn tuyến từ Thành phố Nam Định đến điểm cuối là Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy). Trong thành phố, đúng là xe buýt chạy với tốc độ chậm, không dừng đón khách tùy tiện. Nhưng đúng như người dân phản ánh, chỉ sau khi hết địa phận thành phố có lưu lượng phương tiện giao thông lớn và bước vào quốc lộ 21 vừa hoàn thành thi công, ngay lập tức tốc độ xe buýt tăng vọt. Điều hành khẳng định thiết bị định vị sẽ báo ngay nếu xe đạt tốc độ 60km/h nhưng chọn vị trí sát lái xe, chúng tôi thấy kim tốc độ luôn ở mức 60 km/h mà không hề có nhắc nhở nào. Khi đón trả khách, lần nào tất cả hành khách cũng bị xô dúi về phía trước, không ít người bị đập đầu vào thành ghế trước. Ở các đoạn đường thoáng, đẹp như đoạn qua cầu Vòi và đoạn đường mới ven đê sông Hồng thuộc địa phận xã Nam Hồng (Nam Trực), tốc độ xe lên tới 70km/h vẫn không thấy lái xe bị cảnh báo. Ở đoạn từ cầu Lạc Quần rẽ sang trung tâm huyện Xuân Trường và sang Giao Thủy (đường 489), tốc độ xe luôn ổn định ở mức 60km/h với nhà dân san sát ven đường, các ngõ, ngã rẽ liên tục xuất hiện. Trên đường đi, chuyến xe buýt này luôn bám sát đuôi xe khách liên tỉnh biển số 18N-1347 suốt từ thành phố xuống đến Giao Thủy. Ông Phạm Văn Thu (Chợ Bể, Giao Nhân, Giao Thủy), một hành khách hằng ngày đi xe buýt cho biết: “Chạy nhanh như nhau, nhưng xe buýt giá rẻ hơn nên chỉ cần bám đuôi, đừng bị bỏ quá xa là khách sẽ chọn xe buýt để đi”. Một phụ xe cho biết vì Cty khoán lái xe hưởng 9%, phụ xe hưởng 6% doanh thu nên có thêm khách là có thêm thu nhập, chậm hơn là thiệt, dù Cty có quy định thì cũng phải chấp nhận tranh khách với xe cùng tuyến… Ở lượt về, chúng tôi xuống xe ở ngã 3 chân cầu Lạc Quần, đi xe tuyến 02 Hải Hậu - Nam Định dù tại đây không có nhà chờ hay biển báo dừng đỗ xe buýt. Tình trạng tốc độ, tìm khách cũng tương tự như lượt đi. Mặc dù chú ý tìm đếm nhưng suốt tuyến rất ít gặp các biển báo, trạm chờ xe buýt, xe cũng không dừng ở đó nhưng lại đỗ ở bất cứ điểm nào có khách lên, xuống.

Trong ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục tham gia các chuyến xe buýt đi về của các tuyến 03 (Nam Định - Nghĩa Hưng) và 06 (Nam Định - Ý Yên) và xác nhận phản ánh của người dân về hiện tượng xe buýt chạy nhanh, tranh khách là hoàn toàn chính xác. Trên tuyến 03, xe chỉ chạy đúng tốc độ khi vào đường đang thi công vì không thể nhanh hơn được. Còn tại tuyến 06, Quy định số 287/QĐ-Cty của Cty CP Vận tải ô tô Nam Định về tốc độ bình quân 30km/h đến nay chỉ còn trên giấy tờ… Rõ ràng, hiện trạng hoạt động của xe buýt hiện nay chỉ có điểm khác duy nhất so với xe khách tuyến huyện là ở hình thức, nhãn hiệu xe, còn tốc độ, hiện tượng tranh giành khách và nguy cơ tai nạn giao thông thì không kém gì nhau…

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Hoàng Văn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com