Đẩy mạnh công tác dạy nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

08:08, 24/08/2011

Những năm gần đây, Nam Định nổi lên là điểm sáng trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nói riêng, công tác đào tạo, dạy nghề nói chung. Tuy nhiên, công tác dạy nghề của tỉnh vẫn cần có những bước đột phá hơn nữa để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực (yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu của thời kỳ CNH-HĐH quê hương, đất nước và yêu cầu thực hiện chiến lược “tam nông” của Đảng) trong tình hình hiện nay.

Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc

Vốn là một trong 3 thành phố công nghiệp của miền Bắc từ những năm giữa thế kỷ 20 nên ở Thành phố Nam Định đã sớm có những cơ sở đào tạo nghề chính quy với các nghề dệt may, cơ khí. Hệ thống các trường dạy nghề các trình độ từ đại học, cao đẳng, đến trung cấp chuyên nghiệp là những đơn vị nòng cốt trong đào tạo nghề cho lực lượng lao động không chỉ của địa phương mà cả các tỉnh lân cận. Lao động kỹ thuật được đào tạo tại các trường luôn được người sử dụng lao động đánh giá cao về chất lượng tay nghề. Đối với LĐNT, trước đây khi chưa có Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT thì vấn đề này đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, chủ động triển khai. Bằng nhiều hình thức: truyền nghề đối với những nghề truyền thống, tranh thủ các dự án hỗ trợ vốn trong và ngoài nước thông qua các tổ chức xã hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... Công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư được đẩy mạnh cũng là những kênh dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật hiệu quả giúp LĐNT từng bước khắc phục tình trạng “làm vo, làm chay”. Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển các KCN, CCN, khuyến khích nhà đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào KCN có đào tạo nghề cho lao động mới tuyển dụng, đồng thời chỉ đạo các trường nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với yêu cầu của thị trường. Bằng cách đó, chất lượng lao động của tỉnh được nâng lên đáng kể. Nhiều làng nghề truyền thống, làng nghề nông thôn được hồi phục và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt khi triển khai thực hiện Đề án 1956, một số lượng không nhỏ LĐNT, nhất là các trường hợp hộ nghèo, người lao động tuổi từ trên 35 đã được đào tạo nghề và tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 85% số lao động học nghề. Việc đào tạo nghề được gắn kết giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý. Quá trình triển khai được thực hiện theo phương châm “4 biết” đối với người lao động (bao gồm: biết địa chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết rõ các địa chỉ đào tạo nghề mà mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học nghề xong) và “4 có” đối với bên tổ chức thực hiện (bao gồm: có ban chỉ đạo thực hiện đề án ở cấp huyện với chương trình được phê duyệt cả giai đoạn 2011-2015; có quy hoạch phát triển nhân lực địa phương từ cấp cơ sở; có danh sách các cơ sở đào tạo nghề; có chương trình thông tin, tuyên truyền về đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin từ cấp huyện). Trên cơ sở kết quả điều tra thực trạng lực lượng lao động, nhu cầu học nghề, năng lực các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp… một kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho LĐNT và các chương trình đào tạo khác như bồi dưỡng cán bộ cấp xã được xây dựng chi tiết, sát thực. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng vạn LĐNT được đào tạo, truyền nghề…

Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB và XH) cập nhật thông tin về biến động lao động ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB và XH)
cập nhật thông tin về biến động lao động ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

Từ việc nhận thức đúng đắn vai trò của đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực địa phương để thực hiện thắng lợi các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, hiệu quả đối với công tác đào tạo nghề của tỉnh nói chung và đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng, quán triệt nhận thức đến tận cơ sở cấp xã. Về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang áp dụng theo Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 22-5-2008 của UBND tỉnh. Theo đó, các nhà đầu tư thứ cấp cử lao động đi đào tạo, hoặc tổ chức đào tạo nghề cho công nhân là người lao động có hộ khẩu tại tỉnh Nam Định, làm việc tại doanh nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần, với mức 1 triệu đồng/1 lao động có chứng chỉ nghề do các đơn vị đào tạo cấp, có hợp đồng đào tạo, có hợp đồng lao động từ 2 năm trở lên; có đóng BHXH, BHYT theo luật định. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới dạy nghề, đến nay hầu hết các cơ sở dạy nghề đã đảm bảo về diện tích đất đạt chuẩn theo quy định tại Quyết định số 71 của Bộ LĐ-TB và XH; các cơ sở dạy nghề công lập thuộc tỉnh quản lý đều đã được phê duyệt dự án đầu tư XDCB, mở rộng nhà, xưởng thực hành như Trường Cao đẳng nghề Nam Định, Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp, Trung cấp nghề thủ công mỹ nghề truyền thống, Trung cấp nghề Thương mại DL-DV, Trung tâm Dạy nghề huyện Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường... Tỉnh giao chỉ tiêu biên chế và kinh phí hoạt động cho các trường dạy nghề công lập thuộc tỉnh quản lý tạo điều kiện chủ động cho các trường. Hằng năm giáo viên của các cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh đều được cử tham gia các khoá đào tạo nâng cao năng lực dạy nghề và nghiệp vụ sư phạm do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH) và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định tổ chức đào tạo.

Để đáp ứng yêu cầu dạy nghề

Hiện nay, với khoảng 30% tổng số lao động toàn tỉnh đã qua đào tạo nghề thì đẩy mạnh phát triển dạy nghề nói chung, dạy nghề cho LĐNT nói riêng là một yêu cầu thực tiễn cấp bách để đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết việc làm... Những kinh nghiệm và kết quả trong đào tạo nghề thời gian qua của tỉnh và nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn là những cơ sở quan trọng, vững chắc cho thúc đẩy đào tạo nghề. Mỗi năm bình quân tỉnh ta có khoảng 25.000 học sinh tốt nghiệp THPT, có khoảng 50% số đó đi học đại học, cao đẳng. Số còn lại là nguồn và là yêu cầu đặt ra cho các cơ sở dạy nghề. Với các chính sách hiện nay đang được xem là “cơ hội vàng” cho đào tạo nghề nông thôn. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề của tỉnh ta trong thời gian tới phải hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH, yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu thực hiện chiến lược “tam nông” của Đảng. Muốn thế vừa phải tăng quy mô đào tạo, vừa phải nâng cao chất lượng đào tạo. Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện tốt Đề án 1956, những quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các ngành, địa phương trong tỉnh, cần nhận rõ những tồn tại để khắc phục, như: hệ thống các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh phát triển chưa đồng bộ; ngành nghề đào tạo tại các cơ sở dạy nghề chưa được phân định rõ ràng, các cơ sở dạy nghề tập trung đăng ký hoạt động dạy nghề ở các ngành hoặc nhóm ngành nghề đơn giản, ít phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và giáo viên trình độ cao; trong khi nhiều ngành nghề mới, thị trường lao động đang có nhu cầu lớn như (lập trình CNC, thiết kế mẫu nến, vẽ hoạ tiết trên nến, đúc dát đồng mỹ nghệ...) thì các cơ sở chưa quan tâm đầu tư đúng mức. Trang thiết bị cho giảng dạy và học tập vừa thiếu về số lượng, chủng loại vừa yếu về chất lượng. Đội ngũ giáo viên, nhất là các trường nghề, trung tâm dạy nghề do địa phương quản lý thiếu về số lượng và chưa đạt chuẩn về chất lượng tính theo cơ cấu nghề đào tạo của từng đơn vị. Do đó vẫn còn tình trạng “dạy cái ta có, không dạy nghề thị trường cần” ở một số nơi. Trong nông thôn hiện nay, người lao động cần được đào tạo về tất cả những nghề có tác dụng trực tiếp phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới. Để việc đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả thiết thực, cần phải "xã hội hóa" việc đào tạo thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Làm sao để phân phối nguồn kinh phí đào tạo của Nhà nước vừa tận dụng và nâng cao hiệu quả của các cơ sở đào tạo công lập, lại vừa có kinh phí để huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội vào hoạt động đào tạo nghề. Tiếp tục đẩy mạnh gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để vừa đảm bảo “đầu ra” cho lao động sau đào tạo, vừa khắc phục hạn chế về trang thiết bị thực hành cho học sinh qua việc học sinh thực tập ngay tại doanh nghiệp. Giáo viên là nòng cốt trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đòi hỏi giáo viên dạy nghề không chỉ sâu về chuyên môn, giỏi kiến thức mà còn phải có kỹ năng sư phạm tốt để bảo đảm hiệu quả truyền dạy cho học sinh, trang bị cho học sinh toàn diện từ tay nghề, văn hóa nghề, kỷ luật đến tác phong lao động hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, giáo viên dạy nghề phải hướng tới có trình độ tương thích với các nước theo chuẩn ở từng lĩnh vực ngành nghề mà nước ta lựa chọn. Một yêu cầu nữa là việc phát triển các lĩnh vực ngành nghề đào tạo cần lồng ghép, gắn với mục tiêu giải quyết việc làm, các mục tiêu và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và của tỉnh. Quan tâm tăng nhanh các ngành nghề chế biến nông lâm sản - ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng đối với những nước nông nghiệp để có thể tận dụng nhiều nguyên liệu nông lâm sản cho phát triển các ngành nghề thủ công, giải quyết việc làm ngay tại địa phương./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com