Vì sao diêm dân không thiết tha với sản xuất muối ?

08:08, 29/08/2011

Ở cả ba huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng của tỉnh đều có lao động tham gia nghề sản xuất muối. Đã có giai đoạn khi giá muối tăng (năm 2008) với mức giá dao động trung bình khoảng 2.000 đồng/kg, đã tạo được sức hút khiến nhiều hộ nuôi tôm chuyển sang làm muối. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, diện tích cũng như số hộ tham gia sản xuất muối tại các huyện có chiều hướng giảm. Đồng chí Trần Bá Thiết, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở NN và PTNT) cho biết: Trên địa bàn tỉnh ta đang xuất hiện tình trạng một bộ phận diêm dân không thiết tha với nghề làm muối.

Sản xuất muối ở đội 3, HTX Văn Lý, xã Hải Lý (Hải Hậu) vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống.
Sản xuất muối ở đội 3, HTX Văn Lý, xã Hải Lý (Hải Hậu)
vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống.

Tại huyện Giao Thủy, tình trạng diêm dân không bám ô nề hoặc bỏ hoang không sản xuất khá nhiều. Ở xã Giao Phong, diện tích sản xuất muối toàn xã là 70ha nhưng mấy năm nay diện tích sản xuất muối giảm còn 68ha. Tại Thị trấn Quất Lâm, nhiều diện tích ô nề, thống chạt bị bỏ hoang, không được sửa chữa, tu bổ. Thị trấn có khoảng 2ha không được diêm dân đầu tư sản xuất. Ở xã Hải Lý (Hải Hậu), vào ngày nhiệt độ nắng nóng gay gắt nhưng trên cánh đồng muối thuộc đội 3 của HTX Văn Lý, lượng người bám ruộng sản xuất rất thưa thớt. Ông Bùi Văn Chinh cho biết: Do giá muối hiện nay quá thấp, chỉ từ 900 đồng đến 1.000 đồng/kg khiến thu nhập của diêm dân chỉ từ 30 đến 40 nghìn đồng/ngày công, không đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, nhiều hộ dân tạm ngừng sản xuất để chuyển sang các công việc thời vụ khác có thu nhập cao hơn như làm thợ xây, xe ôm… Bên cạnh những diện tích tạm thời bị diêm dân ngừng sản xuất thì trên địa bàn huyện Hải Hậu, đến nay tổng số diện tích chuyển đổi từ sản xuất muối sang nuôi thủy sản đã lên tới gần 60ha. Hiện tại, toàn huyện có 11 HTX tham gia sản xuất muối với tổng diện tích 320ha. Tại huyện Nghĩa Hưng, nghề muối cũng đang gặp khó khăn. Đồng chí Vũ Đình Ký, chủ nhiệm HTX muối Nghĩa Phúc cho biết: “Xã không có nghề phụ, chỉ độc canh “diêm nghiệp” với diện tích ruộng muối toàn xã là 53,15ha nhưng năm nay có tới 10% diện tích bị bỏ hoang”. Nguyên nhân của tình trạng này là do những năm qua, trong khi giá cả của các mặt hàng đều tăng cao kéo theo chi phí sản xuất muối tăng nhưng từ năm 2009 đến nay giá muối lại tụt giảm, hiện đã xuống rất thấp, chỉ dao động xung quanh 1.000 đồng/kg khiến cho diêm dân không mặn mà với việc sản xuất muối. Bên cạnh đó, đa số bà con diêm dân là những hộ nghèo, đời sống còn gặp khó khăn. Vì vậy, phần lớn giá trị thu nhập từ nghề muối chỉ đủ đáp ứng mức chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày của gia đình, không có tích lũy nên rất khó khăn khi triển khai áp dụng phương pháp sản xuất muối sạch. Ngoài ra, những năm gần đây còn xảy ra tình trạng lúc giá muối thấp tư thương tranh thủ mua hết lượng muối trong dân, khi thị trường ổn định, muối được giá thì hầu như bà con không còn muối để bán. Một nguyên nhân khách quan tác động trực tiếp đến nghề làm muối là thời gian làm muối chính vụ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, nhưng trong tháng 4, nhất là tháng 5 năm nay, số ngày nắng to quá ít… Mặt khác, chính quyền địa phương và các ngành chức năng chưa có các giải pháp hữu hiệu giúp diêm dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm... Tại HTX muối Nghĩa Phúc, sản lượng muối sạch còn rất thấp ngay cả khi diêm dân đã nhận được sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước. Từ năm 2005 đến nay, HTX đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí chuyển đổi theo hướng sản xuất muối sạch trên diện tích 5ha. Từ phía người sản xuất, ai cũng hiểu rằng khi áp dụng phương pháp sản xuất muối sạch thì muối có chỉ tiêu tạp chất không tan rất nhỏ, và hàm lượng độ mặn NaCl cao hơn. Tùy điều kiện thời tiết và kỹ thuật thực hiện, năng suất muối sản xuất theo phương pháp sản xuất muối sạch sẽ tăng từ 1,2 đến 1,5 lần, giá bán cao hơn từ 10 đến 20% so với muối sản xuất theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, hầu hết diêm dân đều cho rằng chi phí đầu tư ban đầu quá lớn nên không “mặn mà” tiếp cận với phương pháp sản xuất muối sạch. Thực trạng này xảy ra do sau khi tính toán nếu áp dụng bằng cách trải vải bạt PVC thì mức chi phí đầu tư ban đầu sẽ tăng gấp hai lần so với phương pháp sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, diêm dân lại không tính đến thời hạn sử dụng bạt nhựa trong sản xuất muối sạch có thể đạt tối đa tới 4 năm. Vì vậy, đến nay tại những diện tích đã chuyển đổi xảy ra tình trạng diêm dân quay về sản xuất muối theo phương pháp truyền thống. Từ năm 2006, tại HTX muối Giao Phong (Giao Thuỷ) Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí chuyển đổi vị trí và thay chất liệu chạt lọc, sử dụng bình nhựa đặt giữa ruộng trên diện tích 2ha. Ban đầu sau khi thấy được hiệu quả như giảm cường độ lao động, tăng năng suất lao động..., nhiều hộ không thuộc vùng dự án còn chủ động đầu tư kinh phí, mở rộng diện tích áp dụng công nghệ sản xuất mới. Tuy nhiên, dự án này cũng tồn tại không lâu do diêm dân sợ tốn kém. Hiện nay, toàn huyện đã bỏ hoàn toàn phương pháp thay đổi chạt lọc bằng bình nhựa. Dự án sử dụng bạt nhựa thay thế ô kết tinh được Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện tại HTX muối Giao Phong từ năm 2009 với diện tích là 2ha cũng đạt năng suất, chất lượng cao hơn so với sản xuất bằng phương pháp truyền thống, nhưng diện tích cũng giảm dần. Về nguyên nhân không có vốn tích lũy để tái đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới, thực ra không thể đổ lỗi cho khách quan và diêm dân không thể trông chờ hết vào sự hỗ trợ của Nhà nước vì nguồn kinh phí có giới hạn. Thời gian qua, Chính phủ, các cấp, các ngành của tỉnh đã có một số biện pháp tháo gỡ khó khăn cho diêm dân. Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn 1021/TTg-KTN ngày 15-6-2010 và Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 4776/NHNN ngày 25-6-2010 về việc: triển khai chính sách hỗ trợ khó khăn cho sản xuất muối. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, đơn giản các thủ tục hành chính giúp diêm dân tiếp cận với các nguồn vốn. Bên cạnh đó, diêm dân cần thay đổi nhận thức, nỗ lực vượt khó, đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả để phát triển nghề sản xuất muối. Chỉ khi sản xuất được sản phẩm muối đạt chất lượng cao, tăng năng suất mới thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Làm được điều đó, diêm dân không chỉ đạt giá trị ngày công cao mà sẽ có khả năng tích lũy vốn, đẩy nhanh quá trình sản xuất muối theo phương pháp ứng dụng công nghệ mới và thực sự thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: năng suất, chất lượng thấp - giá trị thu nhập, tích lũy thấp - năng suất, chất lượng thấp. Thực tế trong sản xuất muối ở nhiều xã của huyện Hải Hậu cũng đã chứng minh, nếu nỗ lực vượt khó thì diêm dân sẽ đạt được hiệu quả lao động cao. Đồng chí Trần Văn Hồng, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu cho biết: Tại các HTX sản xuất muối được nhận kinh phí hỗ trợ chuyển đổi sang sản xuất muối sạch của huyện đều tích cực thực hiện nhiều biện pháp để duy trì và phát triển mô hình nên năng suất và chất lượng muối ngày càng cao. Điển hình như các HTX Thống Nhất, Đông Hải, Tiến Thắng, Hữu Nghị, Trần Phú đã duy trì, nhân rộng mô hình thay thế chạt lọc bằng bình nhựa nâng tổng số lên 984 chạt lọc nhựa. Các HTX Tiến Thắng, Đông Hải đã duy trì, phát triển diện tích sử dụng bạt nhựa thay thế ô nề, sản xuất muối sạch lên 1.650m2. Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã có 16ha sản xuất muối sạch, giá bán tăng 1,3 lần so với sản xuất muối truyền thống. Bên cạnh đó, biện pháp chung sức vượt khó cùng bà con diêm dân được chính quyền và các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện. Các HTX Tiến Thắng, Hữu Nghị, Trần Phú đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cung ứng vật liệu, dụng cụ sản xuất cho diêm dân theo phương thức trả chậm. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện về vốn còn đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức thu mua và chế biến muối giúp bà con diêm dân ổn định đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo đảm sự cân bằng giá ngoài sự nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng từ phía diêm dân, còn cần sự hỗ trợ, quan tâm bằng cơ chế, chính sách cụ thể của tỉnh, nhất là trong khâu bao tiêu sản phẩm. Nếu các ngành chức năng và chính quyền các địa phương thực sự “vào cuộc” tập trung tháo gỡ khó khăn thì hoạt động sản xuất muối của tỉnh ta mới đạt được hiệu quả và chấm dứt tình trạng diêm dân không thiết tha sản xuất muối, góp phần hoàn thành kế hoạch đạt sản lượng 60 nghìn tấn muối vào năm 2020, trong đó có 50% sản lượng muối sạch của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com