Trẻ hoá đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn - Nhìn từ thực tiễn

09:08, 26/08/2011

Xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở, gần dân, sát dân và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương. Chăm lo xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn là một nhiệm vụ quan trọng; trong đó, thực hiện trẻ hoá đội ngũ cán bộ cấp cơ sở được xác định là một trong những giải pháp hiệu quả.

 Nhân tố trẻ chưa nhiều!

Về công tác tại một số địa phương trong tỉnh, chúng tôi được làm việc với một số cán bộ tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã được giao đảm nhiệm những chức vụ lãnh đạo chủ chốt của địa phương. Ở tuổi 34, đồng chí Trần Văn Tùng rất tự tin, chững chạc trên cương vị phó chủ tịch UBND xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) và nhận được sự tín nhiệm cao của các đảng viên trong Đảng bộ và nhân dân trong xã. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi tốt nghiệp THPT, Tùng nhập ngũ, nhờ tích cực rèn luyện, phấn đấu anh được kết nạp Đảng trong quân đội. Xuất ngũ, anh ôn tập và thi đỗ vào Khoa Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước của Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Tốt nghiệp, anh xin về quê công tác, được cấp uỷ xã phân công làm bí thư Đoàn xã. Trên cương vị này, anh thể hiện rõ năng lực khi xây dựng, tập hợp, phát động, tổ chức cho thanh niên trong xã thực hiện nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như đảm nhiệm làm thuỷ lợi nội đồng, giải toả dòng chảy, thu gom rác thải, làm sạch bờ biển… Có thời kỳ an ninh nông thôn xã Giao Xuân diễn biến phức tạp, trên vùng bãi bồi thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp do khai thác thuỷ sản, thậm chí đã có án mạng xảy ra. Thực tiễn đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ địa phương phải thực sự có năng lực, bản lĩnh và có biện pháp giải quyết thấu đáo. Hai năm qua, trên cương vị phó chủ tịch UBND xã, anh Tùng cùng tập thể cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng, chỉ đạo thực hiện một số chủ trương, biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh, trong đó có việc phân chia, giao ổn định diện tích khu bãi triều cho từng hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất, khai thác. Anh cho biết, tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nhờ sử dụng công nghệ thông tin, anh có điều kiện tiếp cận nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên nên việc vận dụng xử lý công việc ở địa phương rất thuận lợi. Với suy nghĩ phải có kiến thức mới hoàn thành tốt chức trách được giao, thời gian qua anh đã hoàn thành thêm khoá học đại học về tài chính - kinh tế. Mới 32 tuổi nhưng chị Đoàn Hải Yến cũng đã có “thâm niên” hơn một nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Hội Phụ nữ Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Với sức trẻ, nhiệt tình, những năm qua, trên cương vị chủ tịch Hội, chị Yến đã cùng tập thể BCH bám sát địa bàn các chi hội, xây dựng nhiều phong trào, hoạt động thiết thực. Trong đó đã thành lập, duy trì ở mỗi chi hội một CLB “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, nuôi con khoẻ dạy con ngoan”. Tổ chức các hoạt động phụ nữ tham gia tuyên truyền phòng, chống ma tuý và các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, Hội duy trì tốt hoạt động nhận uỷ thác giúp phụ nữ thị trấn vay hàng tỷ đồng mỗi năm từ các tổ chức tín dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. So với các địa phương trong tỉnh, Thành phố Nam Định dẫn đầu về việc thực hiện trẻ hoá đội ngũ cán bộ ở các phường, xã. Nhiều cán bộ trẻ được học hành, đào tạo cơ bản đang được thành phố giao đảm nhiệm những chức vụ chủ chốt tại các phường, xã như phó bí thư thường trực Đảng uỷ, phó chủ tịch UBND... Thực tế cho thấy, các cán bộ trẻ khi được giao đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo bước đầu đã phát huy được kiến thức đào tạo, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, nhất là sự nhiệt tình, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…  

Cán bộ, công chức UBND Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) hướng dẫn nhân dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: xuân thu
Cán bộ, công chức UBND Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) hướng dẫn nhân dân làm thủ tục hành chính.
Ảnh: Xuân Thu

Tuy nhiên, trong toàn tỉnh kết quả thực hiện trẻ hoá đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn những năm qua chưa được như mong muốn. Theo số liệu tổng hợp của Sở Nội vụ, đến tháng 1-2011, toàn tỉnh mới chỉ có 3/1.212 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (chiếm 0,25%) ở độ tuổi dưới 30, cả 3 người đều đang đảm nhiệm chức danh phó bí thư thường trực Đảng uỷ xã. Từ 30-45 tuổi, có 245 người (chiếm 20,21%), gồm: 21 người là bí thư Đảng uỷ, trong đó 12 người kiêm chủ tịch HĐND, 1 người kiêm chủ tịch UBND; 63 người là phó bí thư thường trực Đảng uỷ, trong đó 9 người kiêm chủ tịch HĐND; 36 người là phó chủ tịch HĐND; 27 người là chủ tịch UBND; 92 người là phó chủ tịch UBND; 6 người là phó chủ tịch UBND kiêm trưởng công an. Tổng cộng cả hai độ tuổi cũng mới chỉ có 20,46%. Khối Mặt trận, các đoàn thể hiện có 67/1.079 cán bộ (chiếm 6,21%) là trưởng các đoàn thể xã hội ở độ tuổi dưới 30, trong đó có 56 người là bí thư Đoàn Thanh niên, 10 người là chủ tịch Hội Phụ nữ, 1 người là chủ tịch Hội Nông dân. Từ 30-45 tuổi có 260 người (chiếm 24,10%), trong đó có 138 người là bí thư Đoàn Thanh niên, 68 người là chủ tịch Hội Phụ nữ, 31 người là chủ tịch Hội Nông dân, 23 người là chủ tịch Uỷ ban MTTQ. Tổng cộng hai độ tuổi mới chỉ có 30,31%. Ở khối công chức, tỷ lệ cán bộ trẻ cao hơn nhưng toàn tỉnh hiện cũng chỉ có 185/1.813 công chức xã, phường, thị trấn ở độ tuổi dưới 30 (chiếm 10,20%); từ 30-45 tuổi có 564 người (chiếm 31,11%). Toàn tỉnh hiện có 1.602 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, bao gồm bí thư, phó bí thư thường trực Đảng uỷ; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; chủ tịch MTTQ, trưởng các đoàn thể (chiếm 69,93%) ở độ tuổi từ 46-60, trong đó có 1.470 người, chiếm 64,16% chưa qua đào tạo… Từ tháng 1-2011 đến nay tại một số địa phương, cơ sở trong tỉnh có sự thay đổi, kiện toàn các chức danh lãnh đạo, nhất là sau khi HĐND khoá mới đi vào hoạt động, song sự thay đổi không nhiều…

Nguyên nhân và các giải pháp

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ cán bộ trẻ, nhất là tỷ lệ cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị ở cơ sở còn thấp, trước hết là do hầu hết các địa phương đang gặp khó khăn về “đầu vào”. Tìm hiểu tại nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy thực trạng chung, đó là số đông con em địa phương sau khi học xong THCS, THPT đều thi vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, sau khi tốt nghiệp thường làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp ngoài địa phương. Những thanh niên ở lại địa phương, một số không đảm bảo về trình độ học vấn, phần nhiều tập trung làm kinh tế, ít tham gia các hoạt động xã hội, nhiều thanh niên thường xuyên đi làm ăn xa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều chi bộ ở nông thôn trong tỉnh gặp khó khăn trong việc lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới. Đồng chí Trần Minh Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Trực Đại (Trực Ninh) cho biết, mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm Đảng bộ xã kết nạp được từ 8-10 đảng viên, chủ yếu là đảng viên trong các cơ quan, trường học, đảng viên nông thôn chỉ có 1-2 người trong khi xã có đến 21 chi bộ xóm. Việc này không chỉ làm hạn chế năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ mà còn khiến địa phương gặp khó khăn trong việc tìm nguồn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận. Mặt khác, chế độ chính sách dành cho cán bộ cơ sở hiện nay đang còn thấp, điều kiện làm việc còn khó khăn do vậy không thu hút được những cán bộ trẻ, có năng lực, được đào tạo bài bản về công tác. Chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về xã công tác đã có song đến nay kết quả chưa nhiều. Huyện Hải Hậu có kế hoạch tuyển dụng 131 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm công chức tại các xã, thị trấn trong huyện nhưng đến nay mới chỉ tuyển dụng được hơn 20 người theo chế độ làm hợp đồng. Các huyện còn lại, mỗi huyện mới chỉ tuyển được 2-3 người. Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua, rất nhiều Đảng bộ xã, phường, thị trấn trong tỉnh không đạt tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm 15% trở lên tham gia BCH theo quy định, số cán bộ trẻ được bầu vào ban thường vụ còn ít hơn. Bên cạnh đó, ở một số cấp uỷ Đảng chưa có sự quan tâm đúng mức tới đội ngũ cán bộ trẻ, còn định kiến, khắt khe. Nhiều nơi cấp uỷ Đảng chưa thực sự coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch bố trí sử dụng cán bộ trẻ, chưa mạnh dạn giao việc, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có cơ hội phát triển. Một số nơi lại có chủ trương không cơ cấu cán bộ Đoàn trong cấp uỷ. Nhiều xã, phường, thị trấn, cấp ủy viên ở độ tuổi 45-50 trở lên chiếm khá đông, trong đó nhiều người làm việc bình bình, không xuất sắc nhưng không vi phạm khuyết điểm nên không thể thay thế, do vậy số cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm vẫn phải “đợi”. Điều này dẫn đến nghịch lý, trong khi nhiều địa phương thiếu cán bộ kế cận thì nhiều địa phương lại có tình trạng cán bộ trẻ không có cơ hội phát triển. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác, đó là nhiều cán bộ trẻ năng lực, trình độ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Theo thống kê, đến tháng 1-2011 toàn tỉnh còn 125 bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn chưa qua đào tạo…

Mới đây, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo. Nội dung của Nghị quyết chỉ rõ những hạn chế, bất cập của đội ngũ cán bộ cơ sở trong tỉnh hiện nay; nêu ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở đi kèm là các mục tiêu cụ thể. Trong đó từng bước trẻ hoá đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn được Nghị quyết xác định là một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2014 có 50% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có 20% trở lên cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) làm cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư Đảng uỷ; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND), mỗi xã có ít nhất một cán bộ trẻ; 50% số xã, phường, thị trấn có 30% trở lên cán bộ trẻ làm trưởng, phó MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, mỗi xã có ít nhất 3 cán bộ trẻ. Trong tình hình hiện nay, đây là những mục tiêu có tính chiến đấu cao, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tạo bước đột phá trong công tác cán bộ ở cơ sở, chủ động nguồn cán bộ kế cận có chất lượng cả trước mắt và lâu dài, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở trong tình hình mới. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết nêu một số giải pháp căn bản, trong đó đẩy mạnh công tác tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy có chuyên môn phù hợp về công tác tại xã, phường, thị trấn đi kèm là các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ huyện về công tác tại cơ sở, điều động, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương. Đến năm 2013, kiên quyết đưa ra khỏi chức danh đương nhiệm những cán bộ không đạt chuẩn theo quy định, qua đó tạo điều kiện bố trí, thay thế bằng những cán bộ trẻ có trình độ, năng lực. Xây dựng một số cơ chế chính sách cụ thể đối với những cán bộ thôi công tác trước tuổi nghỉ hưu do chưa đạt chuẩn và năng lực, trình độ hạn chế, tuổi đời cao (nam trên 55 tuổi, nữ trên 50 tuổi)... Chủ trương, đường hướng đã có, vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện sao cho hiệu quả để chủ trương lớn, quan trọng này sớm phát huy hiệu quả trong đời sống!./.

Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com