I - Thực trạng hoạt động chợ nông thôn
Hệ thống chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong việc trao đổi, mua bán hàng hoá của người dân và giữa các địa phương, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh tế nông thôn phát triển... Năm 2007, tỉnh ta đã triển khai việc quy hoạch chợ nông thôn và đầu tư xây dựng, cải tạo chợ. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư cho việc nâng cấp, cải tạo chợ nông thôn với tổng số vốn khoảng 60 tỷ đồng.
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chợ nông thôn ở tỉnh ta còn tồn tại khá nhiều bất cập, hạn chế. Toàn tỉnh có 182 chợ nông thôn trong tổng số 201 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối. Xếp theo loại hình có 7 chợ loại 1, có 33 chợ loại 2 và 161 chợ loại 3. Tại huyện Xuân Trường, cơ sở hạ tầng của 26 chợ trên địa bàn đã được quan tâm cải tạo khang trang, sạch sẽ, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của gần 1.000 hộ buôn bán cố định và 7.000 hộ buôn bán không thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua, bán của nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, một số chợ do không khai thác tốt nguồn thu, không đầu tư cải tạo, nâng cấp và buông lỏng quản lý nên hoạt động kém hiệu quả, hàng hóa lưu thông ít, số người mua, bán trong chợ rất hạn chế. Tại địa bàn xã Xuân Châu và Thị trấn Xuân Trường do nhu cầu mua, bán của nhân dân tăng nên từ nhiều năm nay, một số hộ dân lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ theo hướng tự phát như chợ Đê, chợ Xuân Bảng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông và cảnh quan trong khu vực. Mặc dù huyện đã lập quy hoạch, dành quỹ đất để xây chợ nhưng địa phương chưa bố trí, huy động được nguồn kinh phí xây chợ. Tại huyện Hải Hậu, hoạt động của một số chợ đạt hiệu quả cao, trở thành nơi giao thương, cung cấp hàng hóa cho nhân dân trong xã, trong vùng và du khách thập phương như: chợ Cồn (Thị trấn Cồn); chợ Đông Biên, xã Hải Bắc; chợ Đền, xã Hải Anh... Tuy nhiên, trong tổng số 24 chợ trên địa bàn huyện, vẫn còn 8 chợ vẫn nền đất, chưa có đình chợ hoặc ki-ốt trong khu vực chợ do địa phương không có đủ nguồn kinh phí đầu tư xây mới, cải tạo chợ; trong khi việc huy động mức đầu tư lớn từ phía các hộ tham gia kinh doanh buôn bán tại chợ đều rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, tại hầu hết các chợ, do không có nghiệp vụ chuyên môn nên ban quản lý chợ rất lúng túng trong điều hành. Một số ban quản lý, tổ quản lý chợ chưa biết sắp xếp, bố trí, quy định các khu bán hàng hợp lý nên vẫn để tình trạng các gian hàng bán thực phẩm tươi sống xen kẽ với gian hàng thực phẩm chín. Trong quá trình kinh doanh, một số hộ bán hàng tại chợ không tuân thủ theo đăng ký ban đầu, tự ý chuyển sang bán mặt hàng mới dễ tiêu thụ hoặc cho lãi suất cao hơn. Ngoài ra ở hầu hết các chợ, một số hộ buôn bán nhỏ thường không ngồi đúng nơi quy định, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Sự bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý chợ còn gây lãng phí. Tại xã Hải Cường, tuy đã xây chợ nhưng không có người họp nên đã phải chuyển nhượng, chuyển đổi thành xây nhà văn hóa xóm; chợ Hải Đường mới được đầu tư và đưa vào sử dụng theo tiêu chí đạt chuẩn của chương trình xây dựng nông thôn mới từ đầu năm 2011 với tổng số vốn 1,2 tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện nay chợ mới có khoảng 10 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán tại chợ, trong khi vẫn còn nhiều hộ kinh doanh tại các điểm chợ cóc, chợ tạm ven đường. Theo đánh giá của Phòng Công thương huyện Hải Hậu, ở nhiều xã hiện vẫn còn nhiều hộ buôn bán tại chợ chưa thoát khỏi hình thái kinh tế tự cung, tự cấp, các mặt hàng bán ra chủ yếu là nông sản do người dân địa phương sản xuất nên rất khó trong việc kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và hộ kinh doanh cũng khó đạt được mức thu nhập cao. Trên địa bàn huyện Giao Thủy có 19 chợ, trong đó mới có hai chợ loại 2 là chợ Thị trấn Quất Lâm và chợ Thị trấn Ngô Đồng, còn lại là chợ loại 3. Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện có 14 chợ đã từng bước được đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới, tuy nhiên với nguồn kinh phí đầu tư còn phân tán, cách quãng nên vẫn còn một số chợ cần được tiếp tục đầu tư nâng cấp hoặc xây mới như chợ Thanh Nha xã Giao Thanh; chợ Hoành Nha, xã Giao Tiến do xây dựng từ lâu nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, dột nát, thường xuyên bị úng ngập. Toàn huyện mới có hai chợ loại 2 hoạt động theo mô hình Ban quản lý nên quy củ và hiệu quả, còn lại các chợ vẫn do các tổ quản lý nên vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Hiệu quả hoạt động của chợ đầu mối Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) - Mô hình cần được phát huy, nhân rộng. |
II - Hướng thúc đẩy hoạt động chợ nông thôn
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ nông thôn, vị trí quy hoạch chợ phải thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân; bố trí gần khu dân cư và trung tâm xã. Đồng thời, chợ nông thôn phải kết hợp hoạt động chợ với các dịch vụ thương mại, văn hóa... Tối thiểu mỗi xã phải có 1 chợ; diện tích đất xây dựng chợ phải từ 3.000m2 trở lên; diện tích xây dựng nhà chợ chính tối đa 40%; diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu là 25%; diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất là 10%... Việc đầu tư xây dựng công trình chợ phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, địa phương... Theo Thông tư 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21-8-2009 của Bộ NN và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, chợ nông thôn là công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, là nơi diễn ra các hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ ở nông thôn. Chợ phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng, gồm: Nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác. Đồng chí Bùi Hồng Minh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho rằng: Thói quen của người dân là chuộng kiểu sinh hoạt chợ truyền thống. Ngay cả đối với khu vực thành thị, mặc dù hệ thống siêu thị khá dày đặc nhưng chợ truyền thống vẫn là mối quan tâm đặc biệt của cả người bán, người mua. Chính vì thế, phát triển thương mại nông thôn (TMNT) vẫn nên xây dựng mô hình chợ truyền thống nhưng theo quy mô hiện đại, nghĩa là vẫn giữ nguyên lề lối, thói quen mua sắm của người dân nhưng phải có hạ tầng tốt; người tham gia kinh doanh hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phong cách bán hàng lịch sự... Các chợ nông thôn phải xây dựng phù hợp với nhu cầu mua, bán của người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại địa phương; chỉ nơi nào thực sự có nhu cầu và có khả năng duy trì, phát triển hoạt động của chợ thì mới thành lập, xây dựng chợ...
Để xây dựng được các chợ nông thôn đáp ứng đủ các tiêu chí, cần huy động được nguồn vốn tập trung, đủ mạnh để đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện các biện pháp quản lý đồng bộ, hiệu quả nhất. Để phát triển TMNT đòi hỏi phải sớm giải quyết những bất cập phát sinh như: Tăng cường tiếp cận, sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho bộ máy (ban quản lý, tổ quản lý) tổ chức quản lý chợ. Các địa phương phải chủ động quan tâm thực hiện công tác tái đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ. Hiện nay, các huyện đang tích cực nhân rộng các mô hình chợ nông thôn đạt hiệu quả cao và lập quỹ đất, xây dựng quy hoạch, kêu gọi đầu tư để xây dựng các chợ đầu mối. Tiếp tục vận động sự góp sức của nhân dân, doanh nghiệp theo hướng kêu gọi nhà đầu tư, các hộ kinh doanh tại chợ đóng tiền xây dựng chợ, được sử dụng lô, ki-ốt bán hàng, ưu tiên cho các đối tượng là những người ở địa phương. Cách làm này, một mặt giúp nhà đầu tư không phải chi phí nhân lực quản lý, mặt khác hạn chế được những rủi ro trong kinh doanh do không am hiểu địa bàn. Có như vậy, chợ nông thôn mới đảm bảo hài hòa các lợi ích: Nhà nước có được nguồn thu; tiểu thương có việc làm ổn định, góp phần giảm nghèo; nhà đầu tư có được lợi nhuận từ việc đầu tư; người mua hàng được thuận tiện./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy