Thách thức đối với các môn học xã hội

08:08, 08/08/2011

Thực hiện chương trình phân ban ở bậc THPT hiện nay, theo thống kê của Bộ GD và ĐT, năm vừa rồi, có chưa đầy 2% học sinh chọn lựa ban Khoa học xã hội hoặc ban cơ bản nâng cao chọn ba môn Văn, Sử, Địa. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào khối C năm nay cũng thấp kỷ lục, nhiều ngành lèo tèo chỉ có vài chục hồ sơ, tính trung bình chưa tới 5% tổng số hồ sơ đăng ký.

Đến kết quả điểm thi môn Lịch sử, Địa lý và Văn học ở khối C, D trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng những năm qua đạt thấp đến mức chưa từng có, hàng ngàn bài bị điểm không. Con số biết nói đó, khiến những ai quan tâm đến sự phát triển của nền giáo dục nước nhà không khỏi bàng hoàng, lo lắng về chất lượng dạy - học các môn xã hội ở nhà trường phổ thông trong nhiều năm qua cũng như hiện tại và tương lai.

Xung quanh việc dạy và học các môn khoa học xã hội còn nảy sinh biết bao nhiêu câu chuyện bi hài, làm người thầy cô giáo chúng tôi không biết nên cười hay nên khóc. Sự yếu kém, thờ ơ, lạnh nhạt của học sinh đối với các bộ môn xã hội ngày càng gia tăng, ít nhiều đã, đang bào mòn, suy giảm lòng đam mê, tâm huyết của đội ngũ giáo viên dạy các môn xã hội.

Niềm vui của các tân cử nhân trong ngày nhận Bằng tốt nghiệp. Ảnh: Internet
Niềm vui của các tân cử nhân trong ngày nhận Bằng tốt nghiệp.
Ảnh: Internet

Trong khi đó, các môn khoa học tự nhiên, như Toán, Lý, Hóa ngày càng có nhiều ưu thế hơn, được hầu hết học sinh cấp ba coi trọng hơn, dồn gần hết thời gian và công sức để học tập các môn đó. Phải chăng là kiến thức chuyên môn cũng như cách dạy của thầy cô giáo dạy môn xã hội không bằng thầy cô giáo dạy các môn tự nhiên? Thực tế, nguyên nhân này xem ra không mấy thuyết phục, vì chưa chắc các môn tự nhiên được học sinh coi trọng, học nhiều là có đội ngũ giáo viên tốt hơn, giỏi hơn. Căn nguyên sâu xa của nó là do:

- Nhiều học sinh (kể cả phụ huynh) của ta có nhận thức, tư tưởng rất xem thường các môn khoa học xã hội, luôn cho nó là môn phụ, môn học bài, môn chẳng mấy quan trọng, nên không cần phải tư duy, suy nghĩ gì, học hành sơ sơ hoặc lôi thôi cũng chả sao. Còn điểm giả ư? Khỏi phải lo, thầy cô, nhà trường sẽ châm chước cho, thậm chí muốn bao nhiêu cũng được. Thời buổi của thành tích mà. Hậu quả là, nhiều em bây giờ rất yếu kém về kiến thức xã hội, nói không ra lời, viết chẳng ra câu... Nội chuyện viết chính tả của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức trẻ... thời nay cũng thật đáng buồn, sai kinh khủng.

- Phần đa học sinh khi lên cấp 3 có xu hướng học lệch, học một cách thực dụng, thi gì học nấy, vì học, thi các môn khoa học tự nhiên thì cơ hội vào ngành, nghề sẽ hết sức rộng rãi và hấp dẫn. Còn học, thi các môn khoa học xã hội thì cánh cửa vào ngành, nghề rất hẹp, không sư phạm thì tổng hợp, báo chí chứ biết chạy đâu, vả lại khi ra trường, làm việc thuộc các ngành khoa học xã hội, cuộc sống vật chất không dễ dàng gì, nhiều khi rất lao đao, vất vả. Trước sức cuốn hút mạnh mẽ của cơ chế thị trường, mọi người đua nhau làm giàu, đâu phải lúc để cho những cảm xúc lãng mạn bay bổng, những ưu tư về vấn đề xã hội của học sinh, sinh viên.

- Mặt khác, các em còn tỏ ra ngờ ngợ, chưa thật tin vào nội dung sách giáo khoa, vào những điều mà thầy cô đã nói, do sách giáo khoa, thầy cô giáo nói toàn những điều tốt đẹp, đạo lý cao cả, tính nhân văn sâu sắc... trong khi đó thì thực tế cuộc sống lại rất phức tạp, biết bao chuyện tiêu cực, không công bằng, ngang trái... cứ phơi bày ra đấy.

- Kiến thức của sách giáo khoa vẫn còn nặng nề và dàn trải, nhiều chỗ không phải là học nữa mà là "hành” xác học sinh. Các loại sách tham khảo bổ trợ sách giáo khoa loạn xạ trên thị trường góp phần làm... dốt học sinh thêm. Nhiều câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa, đề thi, trong các cuộc thi lâu nay đều xơ cứng, xa lạ, đều đánh đố bằng trí nhớ trong một thời đại bùng nổ thông tin. Bao giờ đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng của ta sánh kịp với nhiều nước trên thế giới? Lúc nào cũng có tâm lý: ra đề mở, sáng tạo, "sợ” các em không làm được, "sợ” dư luận, "sợ " phật lòng cấp trên... Thì muôn đời vẫn vậy!

Cái cốt lõi ở đây là thuộc về cách biên soạn sách giáo khoa. Dẫu biết rằng đây là công việc nhọc nhằn muôn nỗi đối với nhà viết sách. Đương nhiên, chương trình sách giáo khoa cần phải đảm bảo nhiều tiêu chí, mục đích. Nhưng nó rất cần đến sự chân thực, gần gũi và hấp dẫn để cuốn hút, kích thích sự đam mê tìm tòi, khám phá trong đối tượng học sinh. Ví dụ, môn Lịch sử, sách giáo khoa của ta thường nặng nề, dày đặc những sự kiện, ngày, tháng năm, ta thắng, địch thua... là chấm hết, mà ít có những câu chuyện lịch sử hấp dẫn đề cập đến con người và số phận của con người. Hay môn Văn học, còn quá nhiều tác phẩm mang tính hàn lâm cao, ngay cả người lớn, người từng trải chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa, tư tưởng của nhà văn thì sao lại bắt con trẻ phải hiểu, phải làm bài cho được... Đồng thời nên cắt bỏ những chỗ, những bài khó, không cần thiết, gây quá tải, hành xác học sinh. Các nhà soạn sách đừng nghĩ rằng, học sinh phổ thông phải học và biết tất cả tri thức của dân tộc, nhân loại.

- Năng lực, bản lĩnh, tâm huyết người thầy cô giáo đứng lớp cũng có tính quyết định đến hiệu quả, tác động của môn học đến đông đảo học sinh. Sách giáo khoa, sách giáo viên chỉ là phần cứng, phần định hướng, gợi ý, vấn đề quan trọng ở người thầy cô là phải biết chế biến, chọn lọc, thêm bớt để từng vấn đề nói ra sáng tỏ, bóng bẩy, thực sự gây hứng thú trong học sinh. Học sinh đã tin, đã hứng thú với bài giảng, với thầy giáo thì nhất định sẽ hiểu, sẽ không thờ ơ, nguội lạnh với môn học đó.

- Nạn loạn sách tham khảo, văn mẫu, học tốt bổ trợ cho sách giáo khoa lâu nay chỉ lợi bất cập hại, làm triệt tiêu tư duy, suy nghĩ, sáng tạo của học sinh, cần sớm hạn chế và loại bỏ hẳn.

- Ngoài ra, cách ra đề kiểm tra, đề thi cần tránh lối tầm chương trích cú, rập khuôn, máy móc, chỉ thích hợp cho việc học vẹt, sao chép nhưng học sinh không hiểu, nắm bắt được gì.

- Căn bệnh thành tích, vì chỉ tiêu thi đua... trong nhà trường phổ thông tồn tại lâu nay phải cương quyết trừ bỏ, để việc đánh giá của giáo viên, nhà trường được thực chất, không mắc những ràng buộc hữu hình và vô hình nào, sẵn sàng nghiêm khắc với những học sinh coi thường, ý thức học tập các môn khoa học xã hội yếu kém./.

Theo: Báo Đại đoàn kết

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com