Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) chính thức được triển khai điểm rộng rãi tại 21 tỉnh, thành cả nước từ 1-7-2011. Đây sẽ là tín hiệu vui cho bà con nông dân khi từ đây, mỗi thửa ruộng, ao cá, chuồng trại… sẽ được chia sẻ rủi ro do thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập đe dọa hàng năm. Ngành nông nghiệp tỏ ra lạc quan khi có Chính phủ vào cuộc với vai trò “bà đỡ”, trong khi các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm cũng thể hiện sự quyết tâm cho thị trường không ít thử thách này.
Rủi ro được chia sẻ
Theo dự thảo Thông tư 47 về hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm (BH) cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất, 80% cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo, 60% cho nông hộ không thuộc hộ nghèo và 20% phí BH cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm. Ba đơn vị được chỉ định tham gia là TCty BH Bảo Việt, TCty CP Bảo Minh và TCty CP Tái BH Quốc gia Việt Nam. Có thể nói chưa bao giờ ngành Nông nghiệp lại tỏ ra lạc quan như hiện nay khi tiếp tục thử thách với lĩnh vực đã được triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Nói là “lạc quan” bởi theo khẳng định của Bộ NN và PTNT thì lần này, vai trò “bà đỡ” của Chính phủ được thể hiện rất cụ thể khi hỗ trợ hầu hết phí BH cho nông dân theo thông tư nói trên.
Bài học thất bại của BHNN cách đây hơn 10 năm đã được rút kinh nghiệm “xương máu” cho lần này. Từ năm 1992, BHNN đã được triển khai nhưng do phí BH thu được không nhiều, trong khi bồi thường lại rất lớn nên các DN hầu như “bó tay” mặc dù nhu cầu của nông dân vô cùng lớn. Năm 1993, Bảo Việt thí điểm BH cây lúa tại 16 tỉnh, triển khai các dịch vụ BHNN khác như chăn nuôi, cây công nghiệp, BH cháy rừng. Tuy nhiên, sau một thời gian loay hoay, đơn vị này không thể nào mở rộng được thị trường bởi một lẽ là đã “đánh đồng” thị trường này như hình thức kinh doanh đơn thuần. Và DN đã rút ra bài học là nhất thiết phải xã hội hóa loại hình BH này. Rõ ràng, BHNN cần có sự quan tâm của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội, khó có thể thực hiện thành công nếu Nhà nước chưa xây dựng chính sách cụ thể.
Nuôi trồng thủy sản là một trong những đối tượng được thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013. |
Với lý do trên, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hồ Xuân Hùng khi nói về đợt thí điểm này đã khẳng định: “Chính phủ vào cuộc rõ nét, hỗ trợ phần lớn kinh phí ban đầu cũng như có quy định, chính sách rõ ràng. Chính vì vậy tôi chắc chắn lần thí điểm này sẽ mang lại hiệu quả nhất định”. Theo ông Hùng, mục đích của BHNN là nhằm giảm thiểu rủi ro cho người sản xuất nông nghiệp. Rủi ro này tại Việt Nam có tỷ lệ cao hơn hẳn so với các nước khác bởi thiên tai, dịch bệnh, điều kiện sản xuất lạc hậu. Người dân Việt Nam chưa coi trọng việc đóng BH cũng như chưa đủ điều kiện tài chính để tham gia BH cho vật nuôi, cây trồng, chưa đủ lực để tham gia BH. Bởi vậy, khi được hỗ trợ phí BH, bà con hoàn toàn phấn khởi. “Khi có một con bò chết do dịch bệnh, mặc dù bà con không thể thu lại 100% từ phí BHNN, song cũng không có lý gì trắng tay. Họ sẽ được hỗ trợ tối đa theo quy định, trên cơ sở rủi ro được chia sẻ trước đe dọa của thiên tai, dịch bệnh. Một sào lúa, dăm con lợn cũng sẽ được tham gia BH hoàn toàn miễn là ở trong vùng được thí điểm BH” - ông Hồ Xuân Hùng cho biết.
Thách thức của ngành BH?
Được Chính phủ vào cuộc hỗ trợ tài chính, song không thể phủ nhận rằng thị trường BHNN sẽ vô cùng “xương” đối với các đơn vị tham gia thí điểm. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, liên tục xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Mức chi đền bù theo đó sẽ cao, trong khi mức thu phí thấp. Khi triển khai BHNN, nguyên tắc của DN là mong muốn có số đông nông dân tham gia để có thể hạch toán dù cho số ít bị thiệt hại. Vì vậy, đây sẽ là khó khăn lớn cho các DN trong hạch toán thu chi nếu Nhà nước không có tiêu chí đánh giá rõ ràng, hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện. Theo đại diện Cty Bảo Minh, việc lựa chọn đại lý phân phối phù hợp cùng với việc đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ tư vấn BH sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc tiếp cận và thuyết phục bà con nông dân, giúp giảm thiểu chi phí cho các bên.
Hơn nữa, các DN sẽ khó đánh giá mức thiệt hại và bồi thường cho nông dân do đặc thù sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra bấp bênh của nông dân hiện nay. Bản thân Cty BH Bảo Việt cũng thừa nhận, với một khối lượng công việc lớn và nhiều khâu như vậy, nguồn nhân lực khó lòng đáp ứng khi vốn dĩ công việc ngành BH đã quá tải. Theo DN này, riêng việc thuyết phục từng hộ nông dân nhỏ lẻ tham gia mua BH với quy mô chỉ dăm con trâu, con bò hay vài sào lúa đã là thách thức không nhỏ của nhân viên BH. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng đồng tình: “Nông dân tuy phấn khởi song sẽ đồng nghĩa với việc áp lực dồn lên đơn vị BH. Hiện bà con vẫn còn khá thờ ơ với việc mua BH khi thu nhập của họ bất ổn, đầu ra bấp bênh nên để tiến hành các hợp đồng BH theo đúng quy trình sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của ngành BH”.
Khó khăn chồng chất là vậy, song đến thời điểm này các DN bảo hiểm tham gia thí điểm đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng. Phó Tổng Giám đốc TCty BH Bảo Việt khẳng định: “Theo các quyết sách mới đối với BHNN lần này (trong đó có hỗ trợ phần lớn phí BH cho các nông hộ) thì chúng tôi thấy có một số thuận lợi từ cơ chế, chính sách cũng như cách tiếp cận. Từ đó, BHNN có hướng mở mới, tạo công cụ cho người nông dân quản lý rủi ro và tìm kiếm nguồn tài chính bù đắp. Tất cả các đối tượng tham gia BHNN đều được hỗ trợ và đây sẽ là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công BHNN, chưa kể sự vào cuộc sát sao của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ chúng tôi quy trình thực hiện”. Cũng theo ông Phó Tổng Giám đốc TCty BH Bảo Việt, các sản phẩm BH thay vì tiếp cận truyền thống như trước khi với mọi rủi ro ngẫu nhiên không lường trước được thì nay cách tiếp cận khả thi hơn, đảm bảo BH cho rủi ro mang tính thảm họa và mang tính chất hỗ trợ.
Về điều này, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định thêm, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính lựa chọn DN đủ sức tham gia, không phải doanh nghiệp nào cũng được tham gia. Bên cạnh đó, với nguyên tắc số đông bù số ít, nếu biết cách tổ chức vận động một số lượng không hề nhỏ hộ nông dân hiện nay, chắc chắn sẽ đủ để trang trải chi phí. “DN tham gia không phải vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng không để DN lỗ và bà con sẽ được chia sẻ tối đa mọi rủi ro” - ông Hùng nói./.
Theo: laodong.com.vn