Chương trình tín dụng đối với học sinh - sinh viên (HSSV) là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ trong việc ưu tiên phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ tài chính cho sinh viên thuộc các gia đình khó khăn để các em có điều kiện học tập, vươn lên trong cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước. Chính sách tín dụng đối với HSSV nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất.
Để triển khai chương trình tín dụng đối với HSSV đạt hiệu quả, hệ thống Ngân hàng CSXH đã phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền về cho vay đối với HSSV. UBND các huyện, thành phố có văn bản chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống truyền thanh tại địa phương. Đồng chí Phạm Văn Vịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Đông (Trực Ninh) cho biết: “Để nguồn vốn vay HSSV đến đúng đối tượng, xã đã triển khai chính sách đến các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVVV), tổ chức họp bình xét đối tượng được vay vốn. Nhờ được vay vốn ưu đãi, nhiều HSSV được tiếp tục đến trường, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập. Các tổ chức hội, đoàn thể triển khai rà soát các hộ gia đình ở địa bàn thôn, xóm thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đề xuất đưa vào đối tượng xét duyệt cho vay, bảo đảm công khai, dân chủ đúng quy trình, đồng vốn được giải ngân đến từng hộ gia đình. Ngân hàng CSXH thực hiện cơ chế dân chủ, công khai quy trình thủ tục vay vốn, mức vay với từng đối tượng… nên hạn chế được cho vay sai đối tượng. Định kỳ hàng tháng, Ngân hàng CSXH các huyện họp giao ban với các ban, đoàn thể uỷ thác vay vốn cấp xã, tổ trưởng tổ TKVVV nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình cho vay, thu nợ. Các đoàn thể nhận uỷ thác tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện giải ngân đến đâu kiểm tra đến đó, sớm phát hiện sai sót để chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân nhanh chóng nguồn vốn mới, theo dõi chặt chẽ nguồn vốn quay vòng, sử dụng vốn đúng mục đích. Vì vậy, dư nợ cho vay qua các tổ chức đoàn thể đạt cao, trong đó vốn vay HSSV chiếm khoảng 50%. Đồng chí Lê Đức Chạc, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Hội CCB huyện Nghĩa Hưng quản lý 85 tổ TKVVV, trong đó tất cả các tổ đều có hộ vay vốn HSSV. Huyện Nghĩa Hưng không còn HSSV phải bỏ học vì nhà nghèo, đến nay có trên 60% số hộ nộp lãi cho ngân hàng dù chưa đến hạn”. Thực hiện chương trình vay vốn đối với HSSV, cán bộ, nhân viên Ngân hàng CSXH thường xuyên được giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ. Khi có chính sách mới hoặc thay đổi đều tổ chức phổ biến, tập huấn kịp thời đến các tổ chức hội và tổ TKVVV.
Thực hiện giao dịch vay vốn giữa Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh với các tổ trưởng tổ TKVVV xã Trực Thanh.
Ảnh:
Trần Hữu
|
Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, dư luận xã hội đều ủng hộ đối với chủ trương này và đánh giá đây là chính sách đồng thời đạt hai hiệu quả về giá trị thực tiễn và ý nghĩa nhân văn. Theo thống kê của Ngân hàng CSXH, đến hết tháng 6-2011, tỉnh ta có tổng số 83.581 HSSV được vay vốn ưu đãi; hiện nay có 77.498 HSSV còn dư nợ, với số vốn vay khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 43,4% số người vay vốn đang học đại học; 33,4% học cao đẳng; 18,1% học trung cấp và 5,1% học nghề. Với cơ cấu cho vay gần 90% đối tượng vay vốn là hộ nghèo, cận nghèo, trên 10% hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, nguồn vốn vay trên ngoài việc đóng góp trực tiếp vào công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh với phần lớn số lượng được đào tạo là nguồn nhân lực chất lượng cao còn có ý nghĩa an sinh xã hội và tính nhân văn lớn thông qua việc đầu tư chiều sâu, đầu tư dài hạn để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập, có đủ trình độ, kiến thức để lập thân, lập nghiệp, thoát khỏi nghèo khó. Sau hơn 3 năm thực hiện cho vay vốn HSSV, trong số HSSV được vay vốn đã có 6.038 HSSV tốt nghiệp ra trường và đã bắt đầu trả nợ. Kết quả thu nợ gần 100 tỷ đồng, không có nợ xấu, chỉ có khoảng 200 triệu đồng nợ quá hạn, là tỷ lệ thấp nhất trong các nguồn vốn vay ngân hàng hiện nay. Việc tiếp tục duy trì vốn vay ưu đãi HSSV trong thời điểm đang thực hiện các biện pháp thắt chặt tín dụng càng cho thấy Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo, người có đời sống khó khăn. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Bên cạnh yếu tố về chuyên môn tín dụng, quan trọng nhất là người vay nhận thức được ý nghĩa vốn vay HSSV, từ đó cố gắng trả nợ đúng hạn. Hiện nay số nợ quá hạn ở các phòng giao dịch chủ yếu ở tình huống bất khả kháng. Nhiều gia đình sau khi con tốt nghiệp, dù vẫn còn nghèo, còn khó khăn nhưng đã cố gắng trả nợ để hộ khác, học sinh khác có cơ hội được tiếp tục đến trường khi tiếp cận nguồn vốn này!”.
Chương trình tín dụng đối với HSSV bước đầu đạt hiệu quả, mang nhiều ý nghĩa xã hội nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần khắc phục như việc xác nhận đối tượng vay của một số UBND cấp xã chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 27/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30-11-2007 của Bộ LĐ-TB và XH. Việc thống kê số lượng HSSV thuộc đối tượng vay vốn vào đầu năm học còn khó khăn do vậy khó chủ động kế hoạch nguồn vốn…
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả chương trình vay vốn HSSV, Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp với cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại các địa phương thực hiện triệt để nguyên tắc quản lý công khai, dân chủ từ cơ sở, bình xét, xét duyệt cho vay đúng đối tượng, quản lý sử dụng tiền vay đúng mục đích. Ngân hàng CSXH tạo điều kiện để giải ngân kịp thời vào đầu các kỳ học, nâng cao chất lượng của các tổ giao dịch lưu động tại các xã. Tăng cường kiểm tra sử dụng nguồn vốn vay của các hộ, làm tốt công tác thu hồi gốc, lãi, không để nợ quá hạn phát sinh. Kiên quyết thu hồi vốn của các hộ vay không đúng đối tượng, sử dụng vốn sai mục đích. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, công tác phối hợp chỉ đạo, kiểm tra giám sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể… Để làm tốt công tác cho vay vốn HSSV, Ngân hàng CSXH, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể cần làm tốt công tác chuẩn bị trước khi giải ngân, bình xét, xác nhận đúng đối tượng thụ hưởng, thiết lập hồ sơ đầy đủ theo quy định. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác phối hợp với Ngân hàng CSXH thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, cán bộ tổ TKVVV, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.
Chương trình tín dụng đối với HSSV là chương trình có tính chất xã hội hoá cao, đối tượng thụ hưởng rộng, thời gian cho vay dài hạn. Để nguồn vốn thực sự phát huy hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro, tăng nhanh vòng quay vốn giúp cho nhiều thế hệ HSSV nghèo, hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, hộ gia đình và HSSV phải cộng đồng trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát sử dụng vốn vay và đặc biệt là trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn như đã cam kết với ngân hàng./.
Hữu Quyết - Hoàng Long