Kế thừa các quan điểm về văn hóa của các văn kiện Đại hội trước, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương 10 (khóa IX), Đại hội XI của Đảng không chỉ tiếp tục khẳng định văn hóa ở tầm cao và chiều sâu mới, mà còn mở rộng nội hàm, phát triển ở nhiều khía cạnh, chiều kích và góc độ mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(1). Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong ứng xử”(2).
Việc Đại hội Đảng lần thứ XI xác định “Coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý” là giải pháp cơ bản rất sát hợp với thực tiễn cuộc sống và đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Vì văn hóa trong lãnh đạo, quản lý - cũng có thể gọi là văn hóa công quyền - chính là “tấm gương phản chiếu” rõ nét nhất, thể hiện trung thực và sinh động về diện mạo, hình ảnh văn hóa xã hội của quốc gia. Không những thế, việc coi trọng xây dựng văn hóa công quyền còn góp phần tạo ra nền tảng và tiền đề quan trọng để cho văn hóa ngày càng thấm sâu, lan tỏa vào toàn bộ đời sống xã hội.
Phòng Công chứng Phú Lộc (TP Nam Định) làm thủ tục công chứng cho nhân dân.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Thực tiễn cho thấy, khi nền kinh tế thị trường từng bước hình thành và phát triển thì các mối quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ giữa bộ máy công quyền, người thừa hành công vụ và người dân cũng trở nên đa dạng, phong phú và phức tạp hơn. Các cơ quan hành chính đứng ra giải quyết ngày càng nhiều các nội dung công việc liên quan đến lợi ích thiết thân của công dân. Trình độ dân trí không ngừng được nâng lên, vì thế mức độ, yêu cầu đòi hỏi của nhân dân đối với bộ máy công quyền cũng cao hơn trước rất nhiều. Do đó, việc xây dựng và thực hiện văn hóa công quyền càng trở nên bức thiết trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
Chúng ta đều biết rằng, một trong những thành tựu quan trọng nhất sau 25 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng là mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội được giải phóng sức lao động và được phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo trong một môi trường thông thoáng, cởi mở. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng với công dân, đã có nhiều tiến bộ thông qua nhiều cơ chế, quy chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ, trong đó đóng góp tích cực nhất là cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và “Quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Tuy nhiên, chưa bao giờ lại có nhiều lời kêu ca, phàn nàn, thậm chí cả những nỗi băn khoăn, trăn trở, bức xúc của nhân dân đối với không ít việc làm thiếu công tâm, minh bạch, lành mạnh của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thừa hành công vụ như những năm gần đây. Mặt khác, bấy lâu nay, khi đánh giá nguyên nhân về sự tha hóa, biến chất, suy thoái về chính trị, tư tưởng và đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, có người thường vin vào “do những tác động của những mặt trái (hay tiêu cực) của nền kinh tế (cơ chế) thị trường”. Việc nhận định, xem xét như vậy chưa hoàn toàn chính xác và thỏa đáng. Trước hết phải khẳng định rằng, bản thân nền kinh tế thị trường không có lỗi. Những mặt trái và tiêu cực nảy sinh, xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội những năm qua không phải hoàn toàn do nền kinh tế thị trường gây ra mà chính là do con người. Tệ "lót tay", "đi cửa sau", "hối lộ", "có đi, có lại" đều là do con người “phát minh” ra, chứ không phải do cơ chế thị trường “sáng tạo” nên!
Văn hóa công quyền là một trong những nội dung cấu thành văn hóa xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa công quyền thực chất là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có văn hóa và được làm việc trong bộ máy nhà nước có nền nếp văn hóa trong sạch, lành mạnh. Ngoài những tiêu chí, đức tính chung của con người mới XHCN như Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã nêu ra, đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước cần phải có một số yêu cầu khác như: Lòng trung thành với Tổ quốc; đức tính tận tâm, tận tụy, chu đáo trong quá trình phục vụ nhân dân; thể hiện sự công tâm, công bằng, minh bạch trong giải quyết các lợi ích của công dân; ý thức, tinh thần, trách nhiệm làm việc đến nơi đến chốn; những gì người dân chưa biết, chưa hiểu, chưa rõ và cả những gì người dân yêu cầu, đòi hỏi “vượt mức,” thì phải biết lựa lời tuyên truyền, giải thích kỹ lưỡng, thấu đáo với thái độ hòa nhã, ân cần, niềm nở.
Văn hóa công quyền còn thể hiện ở chỗ: Đơn giản hóa các thủ tục; công khai hóa các khoản lệ phí; minh bạch hóa các giấy tờ liên quan; các nội dung công việc trong bộ máy hành chính được sắp xếp khoa học; nền nếp làm việc hành chính bảo đảm sự thống nhất, chính quy; các bộ phận được kết nối theo một quy trình chặt chẽ; thứ tự xử lý các công việc được tiến hành thông suốt và thời gian giải quyết các công việc cho các đối tượng nhanh gọn, dứt điểm.
Để xây dựng văn hóa công quyền trong các bộ máy hành chính các cấp phải thông qua nhiều biện pháp đồng bộ về giáo dục, tư tưởng, tổ chức, con người, chính sách, cơ chế, tài chính... Trong đó, việc quan tâm chăm lo xây dựng con người có ý nghĩa quyết định nhất. Con người ở đây chính là đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo chính quy, cơ bản, có đủ kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để làm việc và có những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tương xứng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một yếu tố không kém phần quan trọng để nâng cao văn hóa công quyền là xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cơ quan hành chính, tránh sự trùng lắp, chồng chéo dễ tạo ra sự lấn sân, bao biện, nhưng khi xảy ra hậu quả lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Bên cạnh đó, cần có một chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, vì đây là một trong những động lực thúc đẩy họ yên tâm công tác, xác định rõ trách nhiệm và tận tâm, nhiệt tình với công việc chuyên môn của mình.
Trong khi đề cao và coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm với một nền hành chính hiện đại, khoa học, lành mạnh, thì muốn xây dựng văn hóa công quyền, chúng ta cần đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục các tầng lớp nhân dân thực hiện phương châm “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, làm cho mọi người dân nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết về pháp luật; luôn có ý thức tuân thủ, chấp hành những luật lệ, quy tắc, quy định của Nhà nước và địa phương.
Mục đích cao nhất của việc xây dựng văn hóa công quyền là nâng cao bản chất giai cấp công nhân, hết lòng phụng sự và phục vụ nhân dân của cơ quan hành chính các cấp. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả văn hóa công quyền trong các cơ quan hành chính là thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước ta thực sự là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; từng bước nâng cao địa vị quyền là chủ và làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo dựng niềm tin và sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, qua đó tạo động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.