[links()]
(Tiếp theo và hết)
II. Hoàn thiện các hình thức xử lý
|
Xử lý chất thải rắn tại Nhà máy xử lý rác thải Lộc Hòa (Cty TNHH MTV Môi trường Nam Định). |
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại trong công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh và hướng tới mục tiêu đạt chuẩn về bảo vệ môi trường, góp phần phát triển đô thị bền vững, các ngành chức năng trong tỉnh đã xác định công tác quản lý chất thải rắn là một nhiệm vụ phải ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, các cơ quan, ban, ngành xác định muốn nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn thời gian tới, tất cả mọi người phải nhận thức được đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và đơn vị trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo đẩy mạnh xã hội hoá, huy động tối đa mọi nguồn lực và tăng cường đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn. Khi nhận thức của mọi người đã được nâng lên, có thể huy động sự chung sức của toàn bộ nhân dân và có đủ nguồn nhân lực, nguồn tài chính xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, không khép kín theo địa giới hành chính, bảo đảm tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về môi trường, xã hội, tuân thủ nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" và gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020. Từ những quan điểm, mục tiêu cụ thể, các ngành chức năng đã khẩn trương nghiên cứu, đưa ra dự báo tổng lượng chất thải rắn toàn tỉnh trong thời gian tới để có kế hoạch thực hiện khả thi nhất. Dự tính tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh, đến năm 2015 khoảng 1.389 tấn/ngày; đến năm 2020 là 1.573 tấn/ngày và năm 2025 là 1.758 tấn/ngày. Tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh ước tính đến năm 2015 là 641 tấn/ngày, năm 2020 là 867 tấn/ngày và năm 2025 là 1.591 tấn/ngày. Tổng khối lượng chất thải rắn y tế dự báo đến năm 2015 phát sinh 6.517 kg/ngày; đến năm 2020 là 8.574 kg/ngày và đến năm 2025 là 11.436 kg/ngày. Tổng khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh vào năm 2015 khoảng 115 tấn/ngày, đến 2020 khoảng 145 tấn/ngày và đến 2025 khoảng 175 tấn/ngày. Từ số liệu dự tính này Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị nông thôn thuộc Bộ Xây dựng đã tham khảo ý kiến các cơ quan, ban, ngành chức năng trong tỉnh, đề xuất và được chấp nhận một định hướng quy hoạch quản lý chất thải rắn khả thi. Theo đó, tỉnh ta sẽ đầu tư 1.905 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, quỹ môi trường, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp lệ khác để thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn. Sẽ tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo 2 hình thức: vận chuyển trực tiếp và trung chuyển. Tại các xã có điều kiện giao thông thuận lợi, mỗi thôn lớn hoặc 2 đến 3 thôn nhỏ xây dựng một trạm tập kết rác để vận chuyển tập trung đến khu xử lý của huyện. Tại những xã chưa có điều kiện thu gom tập trung sẽ xây dựng các trạm xử lý nhỏ ở quy mô xã nhưng hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp. Đối với chất thải rắn công nghiệp sẽ tiến hành thu gom, vận chuyển theo hai phương thức: thu gom sơ cấp và thu gom thứ cấp. Theo đó, trước tiên các cơ sở công nghiệp phải tự chịu trách nhiệm việc thu gom, phân loại và vận chuyển các loại chất thải rắn, hoặc thuê khoán các cơ sở tư nhân dưới sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về chất thải rắn. Việc thu gom thứ cấp do các đơn vị chuyên trách đảm nhiệm và các cơ sở sản xuất công nghiệp có nhiệm vụ ký hợp đồng với các đơn vị này. Việc xử lý chất thải rắn dự kiến sẽ được thực hiện bằng cách phối hợp sử dụng các loại hình công nghệ xử lý, bao gồm công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh chất thải vô cơ, công nghệ ủ sinh học, công nghệ tái chế, công nghệ đốt. Trong đó tại các khu xử lý chất thải rắn sẽ áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với các loại chất thải rắn sinh hoạt, không nguy hại và các thành phần bị loại bỏ từ các công nghệ xử lý khác như tái chế, ủ sinh học, đốt... Tại tất cả các khu xử lý chất thải rắn cấp vùng huyện và liên huyện sẽ được đầu tư và áp dụng công nghệ ủ sinh học để xử lý các thành phần hữu cơ trong chất thải rắn. Sau năm 2015, sẽ đưa vào đầu tư công nghệ tái chế tại tất cả các khu xử lý chất thải rắn của tỉnh. Trên toàn tỉnh sẽ tiến hành xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo 3 cấp độ xử lý: cấp độ vùng tỉnh; cấp độ vùng huyện, liên huyện và bãi chôn lấp chất thải rắn. Đối với khu xử lý vùng tỉnh sẽ đầu tư 3 khu xử lý để xử lý chất thải rắn công nghiệp: Tại xã Quang Trung (Vụ Bản) với diện tích 30ha, tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường) với diện tích 17ha, tại Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) với diện tích 15ha. Khu xử lý vùng huyện, liên huyện sẽ đầu tư 10 khu để xử lý chất thải rắn sinh hoạt và y tế. Trong đó tại vùng mở rộng của Thành phố Nam Định sẽ xây dựng 3 khu ở Lộc Hoà 35,5ha, Nam Toàn 20ha, Mỹ Thắng 12ha. Tại huyện Nam Trực sẽ xây dựng 1 khu ở xã Nam Dương với diện tích 9ha. Tại Ý Yên xây dựng 1 khu ở xã Yên Ninh với diện tích 10ha. Tại Trực Ninh xây dựng 1 khu ở xã Trung Đông với diện tích 9ha. Tại Hải Hậu xây dựng 1 khu ở xã Hải Sơn với diện tích 8ha. Tại Giao Thuỷ xây dựng 1 khu ở Giao Châu với diện tích 10ha. Tại Nghĩa Hưng xây dựng 2 khu ở xã Nghĩa Hải với diện tích 5ha và xã Nghĩa Thái 5ha. Từ nay đến năm 2015 sẽ tiến hành xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh cho một số thị trấn, trung tâm cụm xã đã được đầu tư thiết kế các bãi rác hợp vệ sinh. Tất cả các mạng lưới xử lý chất thải rắn này đều được tiến hành đầu tư theo hướng tăng cường thực hiện phương thức phân loại tại nguồn, tăng mức tái chế, hạn chế chôn lấp, bảo đảm vệ sinh môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực. Bên cạnh việc nâng cao năng lực trang thiết bị xử lý, thời gian tới tỉnh ta còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn; xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách, bộ máy về quản lý chất thải rắn nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý. Với kế hoạch thực hiện đồng bộ này, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm thu gom, xử lý: 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc phân hữu cơ; 100% chất thải công nghiệp; 100% lượng chất thải rắn y tế; 90% chất thải rắn xây dựng, trong đó có 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế; 90% chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy