I. Thực trạng quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh
Tỉnh ta có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 7 KCN với tổng diện tích 1.304ha, 24 CCN với tổng diện tích 513ha và khoảng 90 làng nghề. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển du lịch với nhiều điểm di tích, danh lam, thắng cảnh có khả năng thu hút đầu tư, hấp dẫn du khách. Thực tế đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhưng mặt khác cũng tạo ra một lượng lớn chất thải rắn và nhiều loại chất thải nguy hại. Theo kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong tỉnh ước khoảng 790 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị chiếm khoảng 260 tấn/ngày (tương đương khoảng 32,9%); khu vực nông thôn chiếm khoảng 529 tấn/ngày. Về thành phần chất thải sinh hoạt cơ bản là các chất thải hữu cơ dễ phân huỷ như: rau quả hỏng, thức ăn thừa, lá cây... chiếm tỷ lệ 60 đến 65,58%. Chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng như nhựa, bao nilon, thuỷ tinh, kim loại, giấy chiếm 2 đến 8%. Chất thải rắn sinh hoạt nguy hại như pin, ắc quy phần lớn phát sinh tại khu vực nông thôn với tỷ lệ khoảng 5%. Chất thải rắn công nghiệp với các thành phần phức tạp và đặc tính nguy hại cao như: chất hữu cơ, cao su, thuỷ tinh, vải vụn, giẻ lau, xỉ than, plastic, nilon... bình quân phát sinh khoảng 136 tấn/ngày. Trong đó, riêng lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại chiếm khoảng 27 tấn/ngày. Tại 90 làng nghề trong toàn tỉnh, bình quân mỗi ngày phát sinh khoảng 62 tấn chất thải rắn. Chất thải rắn trong ngành Xây dựng bình quân mỗi ngày khoảng 52,2 tấn. Về chất thải rắn y tế, toàn tỉnh có 19 bệnh viện, 229 trạm y tế xã, phường, 19 trung tâm y tế dự phòng với khoảng 4.301 giường bệnh; mỗi ngày phát sinh khoảng 3,5 tấn rác thải, trong đó có khoảng 15 đến 20% là chất thải y tế nguy hại. Trong đó, riêng ở Thành phố Nam Định do tập trung nhiều bệnh viện lớn và các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh nên lượng chất thải rắn y tế phát sinh khá lớn, chiếm khoảng 45% tổng khối lượng toàn tỉnh (tương đương 1.570kg/ngày). Nơi phát sinh chất thải trong bệnh viện rất đa dạng và nguy hiểm; nhất là khối kỹ thuật nghiệp vụ như: khu phẫu thuật, phẫu thuật tử thi, khoa hồi sức cấp cứu, các phòng điều trị bệnh, xét nghiệm máu...
Chất thải rắn sinh hoạt tại khu du lịch Thịnh Long chưa được xử lý triệt để. |
Từ nguồn số liệu trên cho thấy, chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh ta là khá lớn. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn vừa qua còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, việc phân loại tại nguồn chưa được chính thức thực hiện, mà chủ yếu còn mang tính tự phát do một số người dân, người buôn bán đồng nát, người bới rác và công nhân thu gom rác thực hiện. Theo đó, hiệu quả phân loại rác và tái sử dụng chưa cao. Mặc dù thành phần chất thải hữu cơ trong chất thải rắn sinh hoạt chiếm tỷ lệ khá cao nhưng nhìn chung tại Thành phố Nam Định cũng như tại các huyện đều chưa tổ chức khai thác sử dụng triệt để, vì vậy mức độ giảm tác động ô nhiễm môi trường còn rất thấp. Việc phân loại chất thải công nghiệp tại các KCN, CCN hầu như chưa được thực hiện, còn để lẫn lộn chất thải nguy hại với không nguy hại và chất thải sinh hoạt. Phân loại chất thải rắn y tế, tuy đã thực hiện ngay tại các khoa phòng, nhưng việc trang bị các phương tiện, dụng cụ, túi đựng còn chưa đầy đủ, chưa đúng cách, vẫn để lẫn với chất thải rắn sinh hoạt. Việc tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt còn tự phát và được tổ chức tái chế không chính thức bởi các cơ sở ở một số làng nghề cơ khí như làng nghề Quang Trung (Vụ Bản); Nam Giang, Đồng Côi (Nam Trực)... gây thêm nhiều ô nhiễm môi trường. Hoạt động tái chế chất thải rắn công nghiệp mới có một phần nhỏ các chất thải được tuần hoàn, tái sử dụng bên trong và bên ngoài các cơ sở xí nghiệp như: nilon, nhựa, nhôm, sắt vụn. Trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, toàn tỉnh mới chỉ có một đơn vị chuyên trách về môi trường chịu trách nhiệm thu gom và xử lý cho Thành phố Nam Định là Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định. Tại nông thôn, công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn đến bãi chôn lấp và xử lý mới chỉ được một số thôn, xóm, cụm dân cư trung tâm thành lập các tổ vệ sinh môi trường đứng ra thực hiện nên còn chưa đồng bộ và tồn tại nhiều bất cập. Tại nhiều hộ gia đình vẫn giữ cách làm cũ tự thu gom và đem đổ xuống sông hoặc các bãi đất trống. Rác tại chợ được ban quản lý chợ đứng ra thu gom, xử lý. Về công nghệ xử lý, toàn tỉnh có một khu liên hợp xử lý chất thải rắn (tại xã Lộc Hoà, Thành phố Nam Định), sử dụng công nghệ hiện đại nhưng mới chỉ phục vụ được nhu cầu xử lý của thành phố. Các xã, thị trấn của các huyện đã được đầu tư với tổng số 50 bãi xử lý, chủ yếu bằng chôn lấp, trong đó có 33 cơ sở được thiết kế hợp vệ sinh từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường. Ngoài ra, tại các xã, thôn còn lại hầu hết đều có nơi đổ thải không chính thức, không được xử lý hợp vệ sinh. Tại các bãi đổ thải chính thức, việc quản lý vận hành cũng không được thực hiện đúng quy trình vệ sinh, kể cả tại các bãi được đầu tư bằng vốn sự nghiệp môi trường. Nguyên nhân do công tác tổ chức vận hành theo quy trình vệ sinh không được thực hiện, một phần năng lực của đơn vị thu gom xử lý rác còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, nhiều bãi xử lý đã được đầu tư xây dựng nhưng công tác bàn giao quản lý thực hiện chậm, gây xuống cấp công trình. Về mặt lựa chọn công nghệ và quy hoạch xử lý rác thải ở các địa phương cũng còn nhiều bất cập. Có tới 29% lượng rác thu gom được đổ không đúng nơi quy định, 8% lượng rác thu gom được xử lý chôn lấp và tiêu huỷ tại các hộ gia đình, chỉ 10% lượng rác thu gom được đổ theo quy hoạch cũng như quy định của xã. Việc quản lý chất thải rắn theo hướng liên xã, liên huyện chưa được quan tâm đúng mức. Rác thải chưa được quan tâm xử lý theo hướng tái chế, tái sử dụng để hạn chế chôn lấp. Trong khi đó, công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác chưa hợp lý gây tốn kém quỹ đất, kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, một bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường chung... Bên cạnh đó, công tác xã hội hoá chưa thu hút được sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân trong quản lý và xử lý rác thải. Ngay việc xử lý bằng công nghệ hiện đại tại khu xử lý ở xã Lộc Hoà, chi phí ngân sách để xử lý bằng công nghệ hiện đại trong các năm gần đây giảm, dẫn đến lượng rác thải phải chôn lấp gia tăng, trong khi Nhà máy Xử lý rác hoạt động không hết công suất (xử lý 93 tấn/ngày trong khi công suất là 250 tấn/ngày). Các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn nông thôn chưa phát huy hiệu quả và bảo vệ môi trường, năng lực quản lý vận hành công trình kém, làm xuống cấp công trình, nơi xử lý trở thành nơi phát tán ô nhiễm. Chính vì vậy, lượng rác thải được thu gom này lại là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm tập trung cục bộ tại các nơi đổ rác. Khu xử lý Lộc Hoà đã được đầu tư một lò đốt chất thải rắn công nghiệp, công suất 18 tấn/ngày đã vận hành hiệu quả nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý, đặc biệt là xử lý chất thải y tế. Ngoài ra, chất thải y tế cũng đã được quan tâm đầu tư lò đốt rác tại các bệnh viện đa khoa với 13 lò đốt, nhưng một số lò thiếu kinh phí vận hành, ngược lại một số lò vận hành không hết công suất... Với thực trạng quản lý chất thải rắn như hiện nay cùng với việc chất thải rắn ngày càng tăng cao cho thấy nguy cơ tăng ô nhiễm môi trường và phát sinh các tác động xấu tới sức khoẻ cộng đồng ngày một lớn nếu không kịp thời đưa ra các biện pháp quản lý chất thải hiệu quả./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy