Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp từ 1-7: Thách thức mới của ngành nông nghiệp?

08:07, 04/07/2011

Từ 1-7, Bộ NN-PTNT chính thức triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tại 20 tỉnh, thành cả nước. Với nhiều cách làm mới, liệu đây sẽ là tín hiệu vui thật sự cho bà con nông dân - đối tượng vốn dĩ chịu quá nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp?

Mở rộng phạm vi được hưởng BHNN

Sau nhiều lần lấy ý kiến từ các địa phương, dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN đã có hình dung rõ ràng về những đối tượng cụ thể được thụ hưởng chế độ bảo hiểm. Theo đó, tại 20 tỉnh, thành được thí điểm, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất; hỗ trợ 80% cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; 60% cho nông hộ không thuộc hộ nghèo và 20% phí bảo hiểm cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm. Ba đơn vị được chỉ định tham gia bảo hiểm là TCty Bảo hiểm Bảo Việt, TCty CP Bảo Minh và TCty CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam.

Trang trại nuôi gà áp dụng kỹ thuật hiện đại.
Trang trại nuôi gà áp dụng kỹ thuật hiện đại.
Ảnh: Internet

Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ bà con nông dân khi gặp rủi ro trong sản xuất. Lâu nay, ngành nông nghiệp là một trong những ngành được cho là hứng chịu không ít rủi ro, thậm chí đối mặt với các hiểm họa lớn như thiên tai (hạn hán, rét đậm, rét hại), dịch bệnh... Thống kê của TW Hội Nông dân Việt Nam cho thấy, tổng giá trị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp hàng năm rất lớn, có thời điểm chiếm 10,5% GDP cả nước. Với hơn 70% dân số sống ở nông thôn hiện nay, BHNN được xem là cánh cửa rộng mở đối với thị trường bảo hiểm. Trước đây, một số DN từng thí điểm BHNN như Tập đoàn Bảo Việt, hoặc đã và đang triển khai như Groupama (Pháp), nhưng hiệu quả và phạm vi vẫn chưa thực sự mở rộng (chủ yếu thực hiện BHNN trên cây lúa).

Không đơn giản!

20 tỉnh, thành thí điểm BHNN bao gồm: Lúa nước tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; lợn thịt tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai; gà thịt, gà đẻ ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai;  cá tra tại Bến Tre, Trà Vinh và tôm sú, tôm chân trắng tại Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, việc triển khai BHNN cho 20 địa phương là không hề đơn giản, vì mỗi tỉnh, thành phố phải chọn lựa một vùng bảo hiểm riêng và phù hợp. “Để tránh vết xe đổ mà BHNN đã từng thí điểm trước đây, việc phân chia đối tượng cây trồng, vật nuôi đưa vào thí điểm cần được phân chia khá chi tiết. Và để tăng hiệu quả thì phải huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia đóng BHNN cho nông dân, hoặc thành lập quỹ BHNN. Ví dụ mỗi kilôgram gạo, DN chỉ cần trích 10 đồng cho quỹ BHNN, thì mỗi năm quỹ sẽ có khoảng 68 tỉ đồng từ 6,8 triệu tấn gạo thu mua” - ông Hùng nhấn mạnh. Do đặc thù đa sản phẩm, nên cách phân chia sản phẩm nông nghiệp được hưởng bảo hiểm cũng là thách thức không nhỏ. Thứ trưởng Hùng thừa nhận, khó khăn nhất là lĩnh vực chăn nuôi. Theo ông Hùng, sẽ là thất bại nếu không tìm được những vùng chăn nuôi sao cho dùng số lượng lớn bù ít, dùng chi phí của người không thiệt hại bù cho người bị rủi ro. 

Một trở ngại không hề nhỏ hiện nay là sự chuẩn bị của các DN tham gia BHNN xem ra vẫn còn nhiều bị động. Theo Cty Bảo hiểm Bảo Việt, do tính chất công việc BHNN còn quá rộng, phức tạp nên cần một nguồn nhân lực nhất định. Với số lượng vài chục nhân sự cho một chi nhánh bảo hiểm tỉnh, thì việc “ôm” thêm thị phần BHNN sẽ là trở ngại không nhỏ. Chưa hết, việc thuyết phục bà con tham gia mua bảo hiểm cũng “hóc búa” không kém, bởi không ít bà con vẫn thờ ơ với việc mua BHNN khi giá cả đầu ra nông sản bấp bênh, khó xác định thu nhập để theo đó tính toán mức thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh.

Giữa một “mớ bòng bong” những vướng mắc mà BHNN sẽ gặp phải, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng vẫn tỏ ra lạc quan: “Khó đến mấy cũng phải thực hiện bằng được, bởi nếu thiên tai, dịch bệnh tiếp tục rình rập thì thiệt hại rất khó lường, không chỉ tác động trực tiếp tới đời sống nông dân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và an ninh lương thực quốc gia”./.

Theo: laodong.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com