Thành phố Nam Định với mục tiêu giải quyết việc làm năm 2011

08:07, 22/07/2011

Sáu tháng đầu năm 2011, Thành phố Nam Định giới thiệu việc làm cho trên 2.000 lao động, đạt 52% kế hoạch năm. Trong số lao động tìm được việc làm, có 1.759 người có việc làm tại địa phương, đạt 55,2%. Điều này cho thấy sự ổn định sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương đã tạo cơ hội làm việc tại chỗ cho người lao động. Chị Hoàng Thị Thu Hồng ở phường Cửa Nam tìm được việc làm tại một Cty may cho biết: Dù đi làm xa 6-7 cây số nhưng được ăn cơm nhà tốt hơn nhiều so với các bạn của chị cũng là công nhân may làm ở Hà Nội tuy mức lương cao hơn, song không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày(!). Ngoài thời gian làm ở Cty, chị Hồng còn nhận thêm hàng của hiệu may về làm để tăng thêm thu nhập...

Tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động ở Li-bi về nước trước thời hạn tại sàn giao dịch việc làm tỉnh.
Tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động ở Li-bi về nước trước thời hạn tại sàn giao dịch việc làm tỉnh.

Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB và XH Thành phố Nam Định, sở dĩ chỉ tiêu giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm nay vượt chỉ tiêu trước hết có sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và Thành phố trong đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế trên địa bàn. Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh nên có những cơ hội lớn về tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt khí thế xây dựng Thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh đã tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao sức cạnh tranh, tính hấp dẫn của Thành phố. Việc triển khai thực hiện Thông tư 25 của Bộ LĐ-TB và XH về thu thập thông tin cung cầu của thị trường lao động được Thành phố triển khai kịp thời, nghiêm túc đến các phường, xã, tạo cơ sở để các cơ quan chức năng nắm chắc nhu cầu về lao động, việc làm, nhu cầu đào tạo nghề... Nhờ đó, các địa phương có kế hoạch dạy nghề, giới thiệu việc làm sát thực, khả thi. Sáu tháng đầu năm, Thành phố đã mở 8 lớp dạy nghề cho 310 học viên theo Đề án đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, trong đó có 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Sau mỗi khoá học, các học viên đều có cơ hội việc làm. Với ngành nghề phi nông nghiệp có doanh nghiệp cam kết nhận tuyển dụng với ngành nghề nông nghiệp, thủy sản người học có điều kiện sản xuất để ứng dụng sau khi học. Ngoài ra, Thành phố còn xây dựng đề án đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người cai nghiện ma túy thành công, đã thẩm định danh sách tổ chức 6 lớp cho 102 đối tượng, đủ chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2011. Thành phố đã tranh thủ lợi thế khai thác hiệu quả sàn giao dịch việc làm của tỉnh đóng trên địa bàn, tích cực tuyên truyền, huy động lực lượng tham gia tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho 1.500 lao động. Ngoài ra, các chương trình cho vay vốn tạo việc làm theo các chương trình quỹ quốc gia, quỹ GQVL của địa phương, cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động được triển khai tích cực. Tổng vốn vay nguồn quỹ quốc gia GQVL trên 7 tỷ đồng, đạt 92,8% với 254 dự án, giải quyết việc làm cho 284 lao động, trong đó có 162 lao động nữ và 15 trường hợp người tàn tật. Tổng dư nợ từ nguồn quỹ GQVL địa phương đạt 478 triệu đồng với 23 dự án, thu hút 131 lao động.

Trên thực tế, việc thực hiện chỉ tiêu GQVL cho lao động ở Thành phố không khó, điều cần quan tâm là chất lượng, tính ổn định, bền vững của công việc đối với người lao động cũng như mức thu nhập bảo đảm cho người lao động chi phí đời sống sinh hoạt hàng ngày và có thể tích lũy. Theo đồng chí Nguyễn Văn Chung, Trưởng Phòng LĐ-TB và XH Thành phố Nam Định, vấn đề cần quan tâm trong công tác lao động việc làm là đào tạo nghề, GQVL cho nhóm đối tượng lao động ở các vùng có đất canh tác bị thu hồi phục vụ các mục tiêu phát triển đô thị, công nghiệp… Hiện tại, bộ phận lao động này không khó để có thu nhập hàng ngày với việc buôn bán nhỏ, dịch vụ…, song không ổn định, bền vững, đời sống bấp bênh; nhất là lao động nữ từ 30-35 tuổi trở lên; nếu học nghề ngắn hạn và xin vào các Cty may thì sức cạnh tranh thấp so với lao động trẻ trên dưới 20 tuổi. Do vậy việc hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho các đối tượng này cần được quan tâm thiết thực hơn nữa.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu giải quyết việc làm của Thành phố, không chỉ cần sự nhập cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp... mà cần có sự hợp tác tích cực của chính người lao động, nâng cao nhận thức về vấn đề việc làm trong tình hình mới; những xu hướng, cơ hội việc làm trong bối cảnh hội nhập để có sự chuẩn bị, chọn lựa đúng đắn về học nghề, tìm việc. Mặt khác, cả người lao động, cơ quan, đơn vị đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cần chú ý rèn luyện, trang bị “kỹ năng mềm”. Đây là yếu tố chưa được người lao động chú trọng dẫn đến tự đánh mất những cơ hội việc làm tốt./.

Bài và ảnh: Vân Anh



Tin đăng tuyển dụng gò vấp tphcm tại Vieclam24hHướng dẫn tìm việc làm tại VietnamWorks

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com