Tình trạng úng, ngập trong mùa mưa là vấn đề lớn của các đô thị Việt Nam, kể cả đối với các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với Thành phố Nam Định, mặc dù được Hiệp hội Đô thị Việt Nam công nhận là đô thị giải quyết tốt về thoát nước nhưng những năm trước cũng chưa khắc phục triệt để được tình trạng này. Trước đây, khi xảy ra các trận mưa lớn, hầu hết các tuyến phố đều bị ngập ở nhiều mức độ khác nhau; một số khu dân cư bị phong toả cục bộ. Chị Phạm Thị Gấm, chủ một cửa hàng ở chợ Năng Tĩnh cho biết: “Cứ mỗi lần mưa lớn, tôi phải nghỉ bán hàng vì các tuyến đường dẫn đến chợ nói riêng, khu Ngã Sáu Năng Tĩnh nói chung đều bị úng, ngập, mức nước thường quá nửa bánh xe. Nhiều người đi xe máy phải dắt bộ vì xe bị chết máy”. Mưa ngập không chỉ gây ách tắc, ảnh hưởng đến công việc, hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người dân mà còn kéo theo tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Ông Phạm Quang Minh ở đường Trần Huy Liệu, phường Trần Đăng Ninh cho biết: “Chúng tôi sợ nhất là khi trời mưa to, nước ngập úng đến vài ngày, lượng rác thải sinh hoạt không thu gom, chở đi được, cộng với nước cống dâng lên tạo thành mùi xú uế nồng nặc. Nhiều nhà chưa tôn nền, nâng cửa phải sống chung với nước cống, rác thải tràn vào nhà…”.
Nâng cấp tuyến thoát nước khu vực Ngã Sáu Năng Tĩnh. |
Hằng năm Thành phố Nam Định đều đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước. Đồng chí Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Cty TNHH Nhà nước một thành viên Công trình Đô thị Nam Định cho biết: Mỗi năm, Cty đều tiến hành nạo vét hệ thống cống ngầm, cống ngang, cửa xả, hố ga vào thời điểm trước và trong mùa mưa, khối lượng nạo vét bình quân khoảng trên 2.000m3/năm. Việc vớt bèo, rác trên các kênh mương thoát nước được thực hiện 1 lần/tháng với chiều dài khoảng 8km… Tuy nhiên, tình trạng úng, ngập vào mùa mưa chỉ được cải thiện chứ chưa khắc phục được triệt để. Nguyên nhân do hệ thống đường ống cống thoát nước của Thành phố được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có tiết diện nhỏ, không đủ để tải thoát nước kịp khi mưa lớn. Đặc biệt ở khu vực phía tây Thành phố gồm các phường: Trần Đăng Ninh, Năng Tĩnh, Văn Miếu, Trường Thi, xã Mỹ Xá… địa hình thấp, dòng chảy chậm nên tình trạng úng, ngập nặng hơn. Bên cạnh đó, hệ thống kênh thoát nước, trong đó kênh thoát chủ lực là kênh T3-11 chưa đủ năng lực tiêu thoát toàn bộ lượng nước của Thành phố khi xảy ra mưa lớn. Các phường, xã phía đông cao hơn nhưng khi xảy ra mưa lớn thì cống xả vùng này là trạm bơm Quán Chuột lại không đủ công suất để tiêu thoát nước cấp tốc. Phải chờ nước xuôi về vùng thấp phía tây Thành phố để xả nước qua trạm bơm Kênh Gia.
Với mục tiêu nâng cấp Thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh và là trung tâm của khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, mấy năm qua, nhiều công trình trọng điểm về nâng cấp đô thị đã được đầu tư triển khai. Đến nay, Thành phố Nam Định đã cơ bản đạt các tiêu chí về đô thị loại I, trong đó có tiêu chí về tiêu thoát nước. Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2 trong các ngày 23, 24 và 25-6 vừa qua tại Thành phố Nam Định lượng mưa là 94,9mm, trong đó, cường độ mưa lớn nhất vào ngày 24-6-2011 là 75,4mm, song toàn Thành phố không có điểm ngập, úng, chỉ có một số tuyến phố thấp, đang thi công cống ngầm bị ngập từng đoạn. Nhân dân rất phấn khởi vì chưa bao giờ nước mưa rút nhanh như vậy, kể cả tại các điểm thấp nhất ở phía tây Thành phố cũng chỉ sau mưa 1 giờ các tuyến đường trở lại khô thoáng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, với sự quan tâm đầu tư lớn và đồng bộ về xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và xây dựng hệ thống thoát nước nói riêng, cả 3 nguyên nhân gây ngập, úng ở Thành phố Nam Định đã cơ bản được giải quyết. Các đường ống, cống ngầm thoát nước phần lớn đã được thay thế từ tiết diện nhỏ sang tiết diện lớn có đường kính 2m; mật độ đường cống thoát nước khu vực nội thị đạt 5,90km/km2, mật độ trung bình đạt 5,89km/km2 toàn Thành phố…, bảo đảm yêu cầu dẫn nước khi mưa lớn. Đối với các kênh, mương tiêu thoát nước, đến hết tháng 6-2011, kênh tiêu T3-11 đã thi công đạt khối lượng gần 80%, trong đó các đoạn trọng yếu đã được hoàn thành, đưa vào khai thác. Các kênh, cống nối với kênh T3-11 như kênh Phúc Trọng, hồ Bảo Bối, cống nối hồ Truyền Thống đều đạt tiến độ trên 50% hoặc đã hoàn thành. Các công trình xả nước cũng là những trọng điểm được đầu tư vì đặc thù Thành phố Nam Định có hệ thống đê bao quanh, do đó việc thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của các trạm bơm. Cùng với trạm bơm Kênh Gia có 10 tổ máy với tổng công suất 43.000m3/h, Thành phố đã thi công trạm bơm Quán Chuột với 13 tổ máy, tổng công suất 47.000m3/h để tiêu thoát nước cho khu vực phía đông Thành phố; đến ngày 1-6-2011, đã tiến hành bấm nút khởi động, thông tuyến toàn bộ tuyến kênh. Trong cơn bão số 2, trạm bơm Quán Chuột mới chỉ vận hành 2 tổ máy đã tạo hiệu quả rõ rệt, nếu tăng công suất, đủ sức xả nước mưa ở cường độ lớn gấp nhiều lần cơn bão số 2.
Bên cạnh các công trình, hạng mục thoát nước trọng yếu trên, Thành phố Nam Định đã đầu tư cải tạo, nâng cấp toàn diện hệ thống thoát nước: hoàn thành nâng cấp các cống Liên Hà, Hùng Vương, Nguyễn Đức Thuận, Điện Biên; tuyến cống Trần Đăng Ninh, Mạc Thị Bưởi và các tuyến thoát nước lưu vực Hàng Thao, Hà Huy Tập, Nguyễn Cơ Thạch, khu vực Ngã Sáu Năng Tĩnh… đang được triển khai thi công nước rút, dự kiến đến hết năm 2011 sẽ hoàn thành, tạo thành hệ thống khép kín, đồng bộ. Cty TNHH Nhà nước một thành viên Công trình Đô thị Nam Định đã tiến hành nạo vét các hố ga, cống ngầm, cống ngang đường, cửa xả trên toàn địa bàn Thành phố. Lãnh đạo Thành phố Nam Định cho biết: Mới đây, Hiệp hội Đô thị Việt Nam đã đánh giá Thành phố Nam Định là đô thị giải quyết tốt nhất vấn đề thoát nước trong toàn quốc. Thông tin trên là sự khẳng định Thành phố đã cơ bản khắc phục được tình trạng úng, ngập trong mùa mưa bão năm 2011./.
Bài và ảnh: Hoàng Long