Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

08:07, 08/07/2011

Tích trữ vàng được xem là hình thức tiết kiệm, bảo lưu tài sản phổ biến trong dân. Vì vậy, giao dịch mua, bán vàng có thị trường rộng và với tần suất lớn. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra về kinh doanh vàng của tỉnh đang triển khai cho thấy, lĩnh vực kinh doanh này còn nhiều bất cập, thậm chí có cả yếu tố liên kết thao túng thị trường của một số cửa hàng, đại lý gây thiệt hại cho người dân khi tham gia mua, bán vàng.

Nhiều sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 22-3-2011 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh vàng, ngoại tệ trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là cuộc kiểm tra việc kinh doanh vàng và ngoại tệ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 4 ngành: Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Tài chính, Công an và Công thương. Trong đợt kiểm tra đầu tiên (từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5) tại 11 cửa hàng kinh doanh vàng ở Thành phố Nam Định thì cả 11 cửa hàng đều có vi phạm. Với mức xử phạt cửa hàng vàng thấp nhất là 5,8 triệu đồng, cao nhất là trên 20 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng như cân vàng hết thời hạn kiểm định, nhân viên kỹ thuật thiếu chứng chỉ tay nghề hoặc không đủ yêu cầu, không thực hiện quy định niêm yết giá và nhãn vàng… Điều đáng nói nữa là thái độ của các chủ cửa hàng vàng thể hiện sự thiếu tôn trọng với việc kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng. Trước khi diễn ra cuộc kiểm tra gần 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có Văn bản số 71/NHNN-NAĐ5 ngày 26-1-2011 thông báo cụ thể 4 nội dung kiểm tra về kinh doanh ngoại tệ, vàng đến tất cả các đại lý, cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực này trên địa bàn toàn tỉnh. Vậy mà khi kiểm tra, 100% các điểm kinh doanh vàng đều mắc các vi phạm rất cơ bản. Do vậy, ngay sau khi kết thúc đợt kiểm tra đầu tiên, báo cáo kết quả kiểm tra với tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường đã có công văn kiến nghị Sở KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước tỉnh rà soát về cấp phép cũng như tăng cường quản lý các điều kiện kinh doanh, đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề chế tác vàng, bạc… Đợt kiểm tra thứ 2 diễn ra từ ngày 6-5 đến ngày 30-6-2011. Khi đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 43 đơn vị kinh doanh vàng, ngoại tệ tại địa bàn các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Hải Hậu và Thành phố Nam Định, thái độ “đối phó” của các đơn vị kinh doanh vàng thể hiện qua việc số lượng cân vàng được đem đi kiểm định lại tại Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH-CN) tăng vọt trong 3 tháng 4, 5 và 6 với số lượng lớn trong đó có nhiều cân đã quá hạn. Hàng loạt cửa hàng vàng có giấy phép đăng ký kinh doanh và đi vào hoạt động từ nhiều năm trước nhưng đến đầu năm nay - khi diễn ra cuộc kiểm tra mới hoàn thiện hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng vàng và đồ trang sức bằng vàng theo quy định. Cá biệt, có cửa hàng do vi phạm nhiều lỗi đã cản trở, chống đối bằng cách đóng cửa hàng, tìm lý do trốn tránh, không tiếp đoàn kiểm tra… Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đã phát hiện 24 trường hợp vi phạm về kinh doanh vàng số tiền xử phạt lên tới 103 triệu đồng. 

Tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở Thành phố Nam Định.
Tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở Thành phố Nam Định.

Có dấu hiệu liên kết, thao túng thị trường vàng!

Những vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, theo phản ánh của dư luận thì vi phạm trong kinh doanh vàng còn ở hoạt động ngầm, thông qua các mối liên kết, ràng buộc kinh doanh trong thị trường vàng. Để kiểm chứng vấn đề này, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế. Sáng ngày 3-7-2011, chúng tôi mua 2 chỉ vàng chất lượng 4 số 9 tại một cửa hàng vàng lớn tại khu vực Cửa Đông, đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) với giá 3,7 triệu đồng/chỉ. Đem 2 chỉ vàng này lần lượt đến hỏi bán tại 5 cửa hàng vàng ở gần đó đã thấy ngay dấu hiệu về sự liên kết nhóm trong kinh doanh vàng. Giá bán ra của cả 5 cửa hàng đều là 3,7 triệu đồng/chỉ hoặc chênh nhau từ 1 đến 3 nghìn đồng/chỉ, nhưng chỉ có 3 cửa hàng trong đó đồng ý mua lại với giá 3,6 triệu đồng/chỉ, 2 cửa hàng vàng còn lại sau khi xem nhãn vàng và biên lai mua chỉ trả giá 3,5 triệu đồng/chỉ và 3,55 triệu đồng/chỉ. Hỏi nguyên nhân tại sao trả giá thấp hơn các cửa hàng khác thì chủ 2 cửa hàng trên trả lời ngắn gọn: “Chỉ mua được với giá như vậy, không bán thì thôi!”. Ngay trong ngày, chúng tôi tiếp tục đem 2 chỉ vàng trên xuống hỏi bán tại các huyện. Tại một cửa hàng vàng ở Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) và một cửa hàng vàng khác ở Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) được trả giá 3,6 triệu đồng/chỉ. Quay về Thị trấn Gôi (Vụ Bản) thì 2 hàng vàng tại đây chỉ trả 3,55 triệu đồng/chỉ… Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi quyết định mua 1 chỉ vàng tại mỗi huyện rồi đem xuống các xã và sang huyện khác hỏi bán. Đúng như dự tính, vàng mua và bán trong huyện có giá chênh nhau chỉ mươi nghìn, nhưng đem sang huyện khác thì xuống giá tới hàng trăm nghìn đồng và bị kiểm tra rất kỹ trước khi mua… Như vậy, ngay trong địa bàn thành phố và giữa các huyện thì giá vàng đã có sự chênh nhau tới hàng trăm nghìn đồng/chỉ, bất chấp quy định về tỷ giá vàng của từng ngày do Ngân hàng Nhà nước công bố có hiệu lực trên địa bàn toàn quốc. Phải rất khó khăn mới tìm hiểu được nguyên nhân của sự chênh lệch giá này. Một nhân viên bán hàng vàng tại Thành phố Nam Định cho biết: “Mức lãi chênh lệch cố định giữa mua vào, bán ra của một chỉ vàng đang áp dụng chung là 10 nghìn đồng. Giá bán ra đều tuân thủ quanh mức giá công bố hằng ngày nhưng giá mua vào thì có chênh lệch lớn giữa các cửa hàng vàng vì có sự liên kết mua bán, liên kết thương hiệu giữa một số cửa hàng với nhau để bảo hộ hàng hóa cho nhau. Nếu mua, bán trong cùng hệ thống thì chỉ chịu mức chênh lệch chung là 10 nghìn đồng/chỉ. Nhưng bán ra ngoài hệ thống thì các cửa hàng khác trả giá thấp, bị cân đo rất kỹ, thậm chí không muốn mua vào”. Anh T.N.T, một nhân viên chế tác vàng bạc có hơn 10 năm làm nghề tại Thành phố Nam Định cho biết, việc hình thành các mối liên kết này đã có từ rất lâu tại Thành phố Nam Định. Khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình này được các huyện “học tập”, triển khai thành các hiệp hội hoặc các nhóm, có liên kết thành hệ thống với các quy ước riêng của nhóm, do một cửa hàng có vị thế làm trưởng nhóm. Theo anh T, vàng của các thương hiệu trong cùng nhóm thường được bán về cho cửa hàng đã bán ra ngay trong ngày với mức chiết khấu lãi giao dịch là 50% (5 nghìn đồng/chỉ). Thậm chí, nhiều nhóm quy ước chế tác vàng có hình thức giống nhau, chỉ cần dán nhãn là vàng của cửa hàng này dễ dàng trở thành sản phẩm của các cửa hàng khác để tiện giao dịch. Mối quan hệ này đặc biệt phát huy trong các thời điểm có biến động như sốt giá vàng, thiếu vàng hoặc cần huy động nguồn vàng với số lượng lớn. Các cửa hàng trong nhóm sẽ căn cứ vào thị trường để đồng loạt bán ra, mua vào hay tích trữ bằng cách đẩy giá lên hoặc dìm giá xuống. Đây chính là biểu hiện bước đầu của hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường, gây khó khăn cho người dân về giao dịch và giá cả. Nếu được thêm “gia vị” là tung tin đồn thổi sai sự thật hoặc các biện pháp cố tình tạo giá ảo thì sẽ gây biến động lớn trên thị trường vàng. Nguy cơ này có thể ảnh hưởng đến cả nền kinh tế chứ không riêng hoạt động mua vào, bán ra của người dân. Chưa kể, một số cửa hàng vàng hiện nay bị phản ánh là đang núp danh nghĩa để tham gia dịch vụ cầm đồ, cho vay “nóng” tiền, vàng với lãi suất sai quy định…

Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng

Trước hết, phải khẳng định trong số các cơ sở kinh doanh vàng tại tỉnh ta hiện nay, có không ít những cơ sở làm ăn chân chính, tạo dựng được uy tín, thương hiệu vững vàng trên thị trường. Tuy nhiên cũng không ít các cơ sở có nhiều vi phạm, nguyên nhân một phần do công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn buông lỏng, chồng chéo. Ngay trong báo cáo của 2 ngành tham gia đoàn kiểm tra liên ngành hiện nay, đồng thời cũng có chức năng quản lý thị trường kinh doanh vàng cũng chưa thống nhất được số liệu trong tỉnh hiện có bao nhiêu cơ sở tham gia kinh doanh vàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, toàn tỉnh hiện có 340 đơn vị hoạt động kinh doanh vàng (56 doanh nghiệp và 284 hộ). Chi cục Quản lý thị trường đưa ra thống kê: “Số các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh vàng và đại lý đổi ngoại tệ đến ngày 10-5-2011 là 143 tổ chức, cá nhân”… Vấn đề được quan tâm nhất là “vàng đưa ra thị trường có chất lượng như thế nào?” cũng bị buông lỏng. Cách đây mấy năm đã có cơ quan chức năng đem vàng của một số cửa hàng trong tỉnh đi giám định chất lượng với kết quả đều không đạt về khối lượng, chất lượng như ghi trên nhãn mác. Nhưng từ đó đến nay không thấy đề cập đến vấn đề này, để mặc người dân tự lo khi mua, bán vàng. Việc xử lý càng hãn hữu. Kể cả đến tay nghề chế tác vàng của các cửa hàng vàng, yếu tố liên quan trực tiếp đến chất lượng hàng hóa bằng vàng hiện nay cũng bị buông lỏng. Tại tỉnh ta chưa có cơ quan nào đảm nhận việc tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ nghề chế tác vàng, bạc. Bên cạnh đó, điều kiện để cấp phép hoạt động kinh doanh vàng hiện nay quá dễ dãi, thời gian cấp giấy chứng nhận công bố chất lượng vàng và đồ trang sức bằng vàng quá ngắn… nên khó có thể kiểm nghiệm chính xác mức độ tiêu chuẩn do cơ sở kinh doanh vàng công bố.

Sự biến động tăng giá vàng liên tục trong hai năm gần đây đã tạm dừng, cộng với quyết định của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu lộ trình chấm dứt huy động vốn và cho vay bằng vàng từ ngày 1-5-2011 trong bối cảnh lãi suất ngân hàng lên cao như hiện nay sẽ là nguyên nhân thúc đẩy người dân bán vàng ra, đẩy thị trường giao dịch vàng sang trạng thái sôi động. Vì vậy, việc quản lý, định hướng thị trường vàng cần tuân thủ quy định và đi đúng hướng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân cần sớm được thực hiện. Cuộc kiểm tra liên ngành phát hiện ra sự bất cập trong công tác quản lý cũng như những dấu hiệu xấu ẩn chứa trong hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời là cơ hội để thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường này. Các ngành chức năng cần có sự phối hợp, thống nhất trong việc tổ chức rà soát, đánh giá chính xác số lượng, chất lượng hoạt động của các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn toàn tỉnh để thực hiện các phương án quản lý đạt hiệu quả. Theo chức năng được giao, các ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm về chất lượng vàng và các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường… nhằm từng bước chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, cũng cần có các giải pháp phụ trợ như công bố rộng rãi tỷ giá vàng trên thị trường, diễn biến thực tế của thị trường vàng cũng như hướng dẫn người dân một số tiêu chí, phương pháp cơ bản đánh giá được chất lượng vàng để họ tự bảo vệ quyền lợi của bản thân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở kinh doanh vàng, ngoại tệ hoạt động hiệu quả trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Hoàng Long     

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com