Khắc phục thách thức già hóa và đô thị hóa

08:07, 11/07/2011

Tháng 10 tới đây, dân số trái đất sẽ đạt 7 tỷ người, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển. Sự tăng trưởng này vừa tạo cơ hội lớn nhưng cũng là một thách thức không nhỏ. "Thế giới 7 tỷ người" được chọn là thông điệp của Ngày Dân số Thế giới năm nay. Một loạt các vấn đề lớn nước ta phải đối mặt và giải quyết trong đó cần khắc phục thách thức: Già hóa và đô thị hóa...

Mỗi năm thế giới tăng thêm 78 triệu người

Ngày 11-7 năm nay đặt ra các vấn đề dân số quan trọng trong bối cảnh thế giới đang xây dựng các chương trình và kế hoạch phát triển tổng thể, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng sống cho hàng tỷ con người. 

Dân số gia tăng là sự thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.  Ảnh: Internet
Dân số gia tăng là sự thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Internet

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, mỗi năm dân số thế giới sẽ tăng thêm 78 triệu người. Đi liền với nó là khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng. Chưa bao giờ thế giới lại dễ bị tổn thương với các vấn đề như mất an ninh lương thực, thiếu nước, thiên tai đến như vậy. Trong một thế giới đông đúc, chúng ta cần quan tâm chăm sóc đến nhau nhiều hơn.

Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực dân số, song cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn như hiện tượng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (SRB), giá trị SRB ở Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt nước ta đang trong một quá trình chuyển đổi rất nhanh về nhân khẩu học, bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đang chiếm gần 10%.

Ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tỷ lệ NCT trên 60 tuổi trở lên đã vượt 10% trên tổng số dân. Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định... tỷ lệ NCT đều gia tăng: Hà Nội gần 10%, Hải Phòng là 10,3%, tại Thái Bình con số này đã lên tới 14%. Khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, số lượng NCT cũng tập trung nhiều ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định...

Đối mặt với thách thức già hóa và đô thị hóa

Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh. Đó là nhận định mà Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam, Tổng cục Dân số đưa ra mới đây. Các cơ quan này cũng khuyến cáo, cần thiết phải xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách về an sinh xã hội phù hợp để đáp ứng với giai đoạn già hóa đang diễn ra rất nhanh này.

Trung bình mỗi NCT ở Việt Nam phải chịu 14 năm bị bệnh tật trong tổng số 72,2 năm trong cuộc sống của mình. Chi phí điều trị trung bình cho một NCT cao gấp 7-8 lần chi phí điều trị cho một đứa trẻ... Đối với NCT, sự chăm sóc đòi hỏi chi phí ngày càng cao hơn khi chuyển từ cơ cấu bệnh tật nhiễm trùng sang cơ cấu bệnh tật của các nước phát triển như các bệnh về chuyển hóa, bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, tai nạn, thương tích,...).

Hiện tại, Việt Nam đang chính thức bước sang giai đoạn dân số già. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang cơ cấu dân số già sẽ chỉ mất 20 năm, một thời gian ngắn nhất so với các quốc gia khác. Ví dụ: Thụy Điển mất 85 năm, Nhật Bản 26 năm, Thái Lan 22 năm và Việt Nam chỉ mất 20 năm.

Điều này đang tác động mạnh đến nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế xã hội: Số người già sống cô đơn, không được nương tựa vào con cái sẽ tăng lên do số con ít đi, hệ thống y tế cho người già phải được đẩy mạnh hơn, quỹ lương hưu cho người già, đặc biệt là người già ở nông thôn cần được tính đến..., đặc biệt là người già trong nhóm hộ nghèo, người già tàn tật ở các vùng nông thôn.

Tại một số xã, huyện thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, nhiều thanh niên đã rời vùng quê để lập nghiệp, để lại mẹ già và con trẻ. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay và xu hướng dịch chuyển của nhóm dân di biến động lớn, những người trong độ tuổi lao động rời nông thôn lên thành thị kiếm sống ngày càng nhiều, để lại cha mẹ già ở quê hương, bản quán. Theo bà Vũ Phương Hạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình, ước tính tại đây trung bình cứ 1.000 người dân thì có 57 người đi làm ăn xa.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế nhấn mạnh: Việt Nam đang ở thời khắc duy nhất trong lịch sử, để xây dựng chính sách và can thiệp nhằm tác động tích cực và sâu rộng tới nâng cao cuộc sống và sức khỏe của nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng gia tăng. Khi đó, già hóa dân số sẽ không phải là gánh nặng, mà thực sự là một thành tựu của sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội./.

Theo: tainguyenmoitruong.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com