Các di tích lịch sử văn hoá ở Thành phố Nam Định cần được bảo vệ, tôn tạo

08:07, 29/07/2011

Thành phố Nam Định hiện có hơn 58 di tích, trong đó có 24 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hoá (11 di tích cấp Quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh). Trong số 11 di tích được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia, Thành phố Nam Định có 7 di tích lịch sử gồm: Cột cờ Nam Định, Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Khu chỉ huy của Nhà máy Dệt Nam Định, Khu di tích phố Hàng Thao, Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Nhà số 7, phố Bến Ngự.

Vào ngày 14-4 hằng năm, bà Nguyễn Thị Gấm, 76 tuổi, 48 năm tuổi Đảng, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đã nghỉ hưu hiện trú tại đường Phan Bội Châu A, phường Trần Đăng Ninh thường đến thăm Khu di tích phố Hàng Thao - nơi ghi lại tội ác của giặc Mỹ để thắp nén hương, tưởng niệm những người dân Thành Nam đã ngã xuống vì bom đạn của kẻ thù. Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng sự kiện máy bay Mỹ ào ạt ném bom xuống phố Hàng Thao vào ngày 14-4-1966 giết hại dã man 77 người (trong đó có nhiều trẻ em), 135 người bị thương, 240 ngôi nhà bị sập… Bà Gấm vẫn thường kể cho các con cháu về “sự tích” của Khu di tích phố Hàng Thao để nhắc nhở con cháu “đời đời khắc cốt ghi tâm” tội ác trời không dung, đất không tha của đế quốc Mỹ; hôm nay sống trong hoà bình cần ra sức phấn đấu, rèn luyện để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng Thành phố ngày càng giàu đẹp… Các di tích lịch sử cách mạng ở Thành phố Nam Định gắn liền với những “cột mốc” lịch sử và có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Cột cờ Nam Định được xây dựng đầu thế kỷ XIX, cao 23,84m, được xây trên hai tầng bệ, cột hình vuông thu dần từ dưới lên. Hai phía đông và tây của tầng một có hai cầu thang xây bằng gạch dẫn lên tầng hai. Tầng này mỗi cạnh rộng 11,42m, cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can, trổ bốn cửa. Trên khuôn cửa đông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai). Khuôn cửa nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng). Thân cột cờ cao 12,65m thu dần từ dưới lên với hai phần: Phần dưới hình trụ bát giác, mỗi cạnh 2,20m, phần trên hình tròn đường kính đáy 3,25m, có cửa đi vào trong thân cột cờ lên cao theo cầu thang xoáy hình chôn ốc với 54 bậc, lấy ánh sáng tự nhiên từ các cửa hình hoa thị trải đều ở mỗi cạnh cột dẫn lên đỉnh. Cột cờ xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm, có kích thước 0,30x0,14x0,07m. Các góc vuông của hai tầng bệ xây bằng một loại gạch một đầu vát 45 độ, còn các góc 120 độ của thân cột trụ bát giác là một loại gạch riêng. Gạch lát nền kích thước 0,28x0,28x0,07m, màu nâu đen. Cột cờ Nam Định gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Ngày 27-3-1883, tàu chiến của Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong thành, Cột cờ bị một vết đạn cắm sâu khoảng 4cm, đường kính 6cm ở độ cao 11m về phía Nam. Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, đảng viên lấy cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt để bàn kế chỉ đạo phong trào. Năm 1967, Nam Định  bị máy bay giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Đỉnh cột cờ là nơi tổ quan sát máy bay do đồng chí La Vĩnh Hào, tự vệ Nhà máy Dệt Nam Định chỉ huy làm nhiệm vụ viễn tiêu. Ngày 11-6-1972, máy bay Mỹ ném bom vào khu vực Cột cờ làm sập toàn bộ công trình kiến trúc này. Đến năm 1997 Cột cờ Nam Định được phục dựng lại theo nguyên gốc.

Khu Di tích phố Hàng Thao (TP Nam Định) - nơi ghi dấu tội ác của giặc Mỹ, được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1979.
Khu Di tích phố Hàng Thao (TP Nam Định) - nơi ghi dấu tội ác của giặc Mỹ, được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1979.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều di tích lịch sử văn hoá ở Thành phố Nam Định hiện đang đối diện với nguy cơ xuống cấp trầm trọng, nhất là các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được cấp Bằng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Di tích Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (còn gọi là hầm chỉ huy A4) hiện nằm tại số nhà 57, phố Quang Trung trong khuôn viên của Cty CP In Nam Định. Khi được xây dựng vào tháng 9-1966, hầm có hai cửa lên và xuống. Trên mỗi cửa có một nhà tranh, xung quanh xây gạch và đắp lũy đất bên ngoài. Tại hầm chỉ huy A4, Thành ủy Nam Định đã chỉ đạo, lãnh đạo mọi hoạt động, chiến đấu, lao động sản xuất của thành phố. Cuối năm 1968, hai nhà tranh được thay bằng hai nhà ngói. Tuy nhiên, hiện nay, di tích lịch sử này có nguy cơ xuống cấp trầm trọng, thậm chí đang rơi vào cảnh “phế tích”. Sau 45 năm được xây dựng và 32 năm kể từ khi được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia (tháng 4-1979), giờ đây khu di tích này hầu như đã bị lãng quên…

Khu chỉ huy Nhà máy Dệt Nam Định thời kỳ chống Mỹ cứu nước, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1979 là một “chứng nhân” khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân Thành Nam, có giá trị lịch sử, giáo dục to lớn. Khu chỉ huy Nhà máy Dệt Nam Định được xây dựng vào ngày 2-1-1965, với 2 khu vực chính, gồm nhà làm việc của ban quân sự, hệ thống báo động và nhà làm việc của Đảng ủy nhà máy. Trong năm 1967, khu chỉ huy bị giặc Mỹ ném bom nhiều lần. Hiện nay, phần còn lại của khu di tích nằm trên khu vực tổ 25, khu gia đình Quân nhân, phường Cửa Bắc cũng trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Đây cũng là tình trạng chung của hàng loạt các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện nay như:  Nhà số 7, phố Bến Ngự; Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm. Cửa hàng ăn uống dưới hầm chạy dài từ ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Tiện tới ngã tư Hai Bà Trưng - Bà Triệu là một công trình có giá trị lịch sử ghi nhận những đóng góp của nhân dân Thành Nam vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ Thành phố trong những năm chống Mỹ. Di tích này là công trình kiến trúc khá đặc biệt với hình dáng là một giao thông hào hình chữ Z nửa chìm, nửa nổi. Năm 1979, Cửa hàng ăn uống dưới hầm đã được Nhà nước cấp Bằng công nhận là di tích lịch sử. Nhưng hiện tại khu di tích này đã được doanh nghiệp và hộ gia đình mặc nhiên coi là “của riêng”, trong đó cửa hàng ăn uống dưới hầm được dùng làm quán bán cà phê, cửa hầm phía trước bị bịt kín hoàn toàn, cửa hầm phía sau được doanh nghiệp xây dựng thành các kiốt kinh doanh xe máy, kính mắt.

Nhìn vào thực trạng “xuống cấp” trầm trọng của các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia trên địa bàn Thành phố Nam Định, khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Mỗi thế hệ là một mắt xích tiếp nối trang lịch sử dân tộc, do vậy vai trò và nhiệm vụ trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc. Công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng tại Thành phố Nam Định đang rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân. Đặc biệt những cơ quan, doanh nghiệp và  người dân sinh sống tại các khu vực có di tích phải là những người chủ thực thụ, biết nâng niu, trân trọng “tài sản” đang có để giáo dục truyền thống cách mạng của cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com