Tìm lời giải cho vấn đề nguồn nhân lực y tế

08:06, 17/06/2011

1. Thực trạng nguồn nhân lực

Hiện nay, ở tỉnh ta nguồn nhân lực y tế đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và dược sĩ đại học. Theo thống kê của Sở Y tế, đến thời điểm tháng 12-2010 toàn ngành có 4.227 cán bộ y tế ở cả 3 tuyến, trong đó tuyến huyện và tỉnh có 2.810 người; tuyến xã có 1.417 người; y tế thôn, xóm: 2.788 người; y tế khu phố: 395 người. Về trình độ, toàn ngành có 836 bác sĩ (trong đó có 2 tiến sĩ, 46 thạc sĩ, 25 bác sĩ chuyên khoa cấp II; 263 bác sĩ chuyên khoa cấp I); 41 dược sỹ đại học (trong đó 1 thạc sĩ, 17 dược sĩ chuyên khoa cấp I) và 86 cử nhân điều dưỡng; cán bộ sau đại học, đại học chiếm 38%. Bình quân 22,8 cán bộ y tế/1 vạn dân, bình quân 4,42 bác sĩ/1 vạn dân (toàn quốc là 7 bác sỹ/1 vạn dân). Bình quân 0,22 dược sĩ đại học/1 vạn dân (toàn quốc là 0,7 dược sỹ/1 vạn dân). Đối chiếu với quy định và mục tiêu của Bộ Y tế thì nhân lực y tế tỉnh ta thiếu ở tất cả các tuyến, nhất là bác sĩ và dược sĩ đại học. Sự phân bố bác sĩ và dược sĩ đại học ở các tuyến không đồng đều, tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh, cơ sở điều trị vì thực tế, bác sỹ chính quy mới ra trường không muốn về huyện, về các đơn vị y tế như Bệnh viện Lao, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng, Y tế dự phòng..., dẫn đến thực trạng tại các đơn vị này thiếu bác sĩ. Cụ thể: Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng chỉ có 2 bác sĩ; Bệnh viện Tâm thần có 19 bác sĩ; Bệnh viện Lao có 14 bác sĩ; Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc: 2 bác sĩ; Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu: 3 bác sĩ; 169/229 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ, đạt 73,79%. Những năm qua, có nhiều bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế trong tỉnh chuyển vùng về Hà Nội hoặc các tỉnh khác do nhu cầu hợp lý hoá gia đình; một số chuyển sang các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập. Bên cạnh đó, số cán bộ y tế nghỉ chế độ, cán bộ xin thôi việc ngày càng nhiều. Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhân lực y tế thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng là do năng lực đào tạo cán bộ y tế, nhất là bác sĩ và dược sĩ đại học của các trường y, dược còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội. Hằng năm, ngành chỉ tuyển được 20-30 bác sĩ (đạt tỷ lệ 30% so với nhu cầu). Năm 2010 tỉnh ta thiếu 178 bác sĩ, đến tháng 12-2010, ngành Y tế cần tuyển 63 bác sĩ, nhưng chỉ tuyển được trên 50% so với kế hoạch. Trong khi đó số bác sĩ nghỉ hưu, chuyển công tác, chuyển công việc bình quân hàng năm từ 15-20 người. Một nguyên nhân khác là do điều kiện trang thiết bị, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao ở các cơ sở y tế chưa thật hấp dẫn. 

Làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

2. Lời giải nào cho nguồn nhân lực y tế ?

Trong những năm tới, dự báo nguồn nhân lực y tế tiếp tục biến động giảm do sự chuyển đổi cơ chế chính sách; hệ thống y tế ngoài công lập phát triển sẽ thu hút một phần nguồn nhân lực y tế công lập ra làm việc... trong khi tỉnh cần số lượng lớn cán bộ y tế để bổ sung cho số cán bộ y tế bị thiếu hụt và phân công vào các cơ sở y tế mới như: Bệnh viện đa khoa 700 giường, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Da liễu... Ngoài ra, một số bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh cũng có nhu cầu tuyển bác sĩ... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2010-2015) và Quy hoạch phát triển ngành Y tế đến năm 2020 đã xác định: Năm 2011-2015, phấn đấu đạt tỷ lệ 6,9 bác sĩ/1 vạn dân; 1,5 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 21,3 giường bệnh/1 vạn dân; 100% trạm Y tế xã có bác sĩ. Năm 2015-2020, phấn đấu đạt 9 bác sĩ/1 vạn dân; 2,5 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 25,5 giường bệnh/1 vạn dân; 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Như vậy, tính đến năm 2020 toàn tỉnh cần bổ sung 1.015 bác sĩ (935 bác sĩ cho tuyến tỉnh và huyện, 80 bác sĩ cho tuyến xã). Để thực hiện chỉ tiêu trên, ngành Y tế cần tăng cường chính sách và giải pháp đào tạo bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y - dược có trình độ đại học. Tiếp tục xây dựng chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu sử dụng cán bộ của tỉnh và của từng đơn vị y tế trình Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước mắt, tăng chỉ tiêu tuyển dụng y sĩ đa khoa vào các trung tâm y tế huyện, tạo điều kiện cho viên chức đi học tập trung 4 năm theo 2 hình thức: Đào tạo theo kế hoạch và đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Hằng năm, các đơn vị y tế trong tỉnh rà soát số lượng con em địa phương đang được đào tạo ở các trường đại học y, dược, đề xuất với Sở Y tế có kế hoạch tiếp cận sinh viên, thông tin về cơ chế chính sách thu hút, khuyến khích sinh viên sau khi học xong về tỉnh công tác. Tham mưu với tỉnh tạo điều kiện để tiếp nhận các bác sĩ mới ra trường về công tác tại đơn vị, phân công nhiệm vụ theo nguyện vọng và trả lương theo ngạch bậc, thực hiện các chế độ quy định để các bác sĩ yên tâm công tác. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục triển khai Đề án luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới theo Quyết định số 1816 của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2015 trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở; thực hiện đào tạo cán bộ tại chỗ theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, đồng thời giải quyết công tác khám chữa bệnh, phòng bệnh tại chỗ, giảm khó khăn cho người bệnh, giảm tải cho tuyến trên. Tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận cán bộ từ các bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương, Viện E... về luân phiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện và trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh để các thầy thuốc, cán bộ y tế của tỉnh tiếp nhận công nghệ điều trị tiên tiến, nâng cao hiệu quả điều trị. Tạo điều kiện cho bác sĩ đi học chuyên khoa cấp I, II, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các trường đại học. Dành nguồn kinh phí đào tạo thích hợp cho ngành Y tế, nhằm đào tạo đủ nguồn nhân lực kỹ thuật cao và đào tạo nhân tài, kể cả việc cử cán bộ trẻ có năng lực đi học ở nước ngoài. Có chính sách cụ thể đối với bác sĩ đang công tác tại trạm y tế xã. Trên cơ sở yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân mà tỉnh đã xác định, cần chú trọng phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ, đi đôi với việc khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia học tại một số ngành còn thiếu nhân lực như: dược, y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, nhi khoa…

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com