Qua hai năm thực hiện đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục

08:06, 24/06/2011

Năm học 2010-2011 là năm thứ hai, ngành GD-ĐT tỉnh thực hiện chủ đề “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục’’ và đã đạt được kết quả tốt đẹp, tiếp tục khẳng định vị thế của đơn vị dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục.

Giáo viên Trường Tiểu học Giao Yến (Giao Thủy) trong buổi sinh hoạt chuyên môn.
Giáo viên Trường Tiểu học Giao Yến (Giao Thủy) trong buổi sinh hoạt chuyên môn.

Để tiếp tục thực hiện tốt chủ đề năm học, Sở GD-ĐT đã triển khai đồng bộ công tác quản lý nội dung, chương trình sách giáo khoa, quản lý hoạt động dạy và học, các phong trào của ngành, quản lý nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất… Trong đó, tập trung vào việc quản lý hoạt động dạy và học nhằm phát huy phong trào “dạy tốt, học tốt”, không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học; trước hết là việc chấm dứt tình trạng đọc - chép trong các nhà trường. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác quản lý và đội ngũ nhà giáo trong toàn ngành. Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng quản lý tài chính cho đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị, trường học trong toàn tỉnh. Các hiệu trưởng tiếp tục được bồi dưỡng chương trình tin học SREM quản lý nhân sự, tài sản, chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng Việt Nam - Xinh-ga-po; từ đó giúp các hiệu trưởng trường phổ thông đổi mới tư duy lãnh đạo và quản lý các lĩnh vực, hoạt động của nhà trường trong thời kỳ đổi mới. Ngành yêu cầu mỗi hiệu trưởng, mỗi giám đốc trung tâm GDTX phải là người đi đầu trong các hoạt động chuyên môn, đánh giá đúng năng lực, trình độ của từng giáo viên trong trường để có kế hoạch bồi dưỡng cũng như chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để giúp giáo viên phát triển năng lực chuyên môn; kịp thời động viên, khen thưởng những giáo viên có thành tích. Căn cứ vào yêu cầu của từng bộ môn, các lớp tập huấn được tổ chức dưới hình thức liên huyện hoặc theo từng huyện và thành phố cho 100% giáo viên dạy học theo chương trình mới hoặc rút kinh nghiệm cho những nội dung, chương trình đã triển khai. Công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ, thanh tra chuyên đề và tổ chức hội thảo, hội giảng, dự giờ được triển khai thường xuyên ở cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Đây là hướng bồi dưỡng, đào tạo mang tính thực tiễn và hiệu quả cao. Từ các đợt hội thảo, hội giảng, những vấn đề vướng mắc trong thực hiện chương trình đã được giáo viên cùng nhau giải quyết thỏa đáng. Các hoạt động hội thảo, hội giảng, dự giờ đã tạo môi trường để mỗi giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp chăm lo, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ngành cũng đã tập trung khắc phục tình trạng thiếu chủng loại giáo viên tại các trường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch cán bộ; phân công và luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên nhằm tạo sự đồng đều giữa các trường, các vùng miền trong tỉnh theo tinh thần dân chủ, công khai, công bằng. Trong hai năm qua, ngành tiếp tục thực hiện tốt ba cuộc vận động lớn là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’, cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo’’ và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực’’ với những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư, xây dựng với hàng nghìn phòng học được xây dựng mới ở tất cả các bậc học. Đến hết năm học 2010-2011, toàn tỉnh đã có 483 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó bậc mầm non có 102/260 trường, tăng 13 trường so với năm học trước; bậc tiểu học có 280/290 trường đạt chuẩn mức độ 1, tăng 5 trường so với năm học trước, trong đó 54 trường đạt chuẩn mức độ 2, tăng 12 trường; bậc THCS có 89/245 trường, tăng 13 trường so với năm học trước và THPT có 12/55 trường đạt chuẩn quốc gia. Do triển khai đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chủ đề năm học nên chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học tiếp tục được nâng cao. Năm học vừa qua, ngành tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới của Bộ GD-ĐT ở 137 trường mầm non, đồng thời chuyển đổi 237 trường mầm non bán công sang dân lập; cải thiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và tăng mức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các trường mầm non. Việc huy động trẻ ra lớp tăng 0,5%/năm, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từ 1 đến 1,5%/năm. Các trường đều tăng cường các biện pháp xây dựng môi trường giáo dục theo chủ điểm, bảo đảm xanh - sạch - đẹp - an toàn gắn liền với xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và chú trọng đến việc xây dựng các góc chơi dân gian ngoài trời và tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dân gian. Chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học được củng cố và nâng cao. Hầu hết học sinh được học 2 buổi/ngày; số học sinh có học lực khá, giỏi ở các khối lớp đạt trên 90%. Nền nếp dạy và học ở giáo dục trung học được củng cố và tăng cường. Các nhà trường đều thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình kế hoạch giáo dục, tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Sở GD-ĐT đã ban hành tiêu chí đánh giá bài giảng điện tử, giúp cho giáo viên có định hướng cụ thể về ứng dụng CNTT trong giảng dạy để nâng cao chất lượng. Chất lượng học sinh giỏi ở các cấp học tiếp tục được giữ vững. Năm học 2010-2011, Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh ở các bộ môn thuộc các bậc học và đều đạt kết quả cao. Ở cấp tiểu học, có 900/1.120 học sinh lớp 5 đoạt giải ở hai môn Văn - Tiếng Việt và Toán, trong đó có 51 giải nhất, 370 giải nhì, 282 giải ba, 197 giải khuyến khích. Ở cấp THCS có 768/1.299 học sinh khối lớp 9 dự thi đoạt giải, trong đó có 52 giải nhất, 221 giải nhì, 266 giải ba, 229 giải khuyến khích. Cấp THPT, có 1.936 học sinh khối đại trà của 48 trường THPT công lập và dân lập tham dự kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh, trong đó có 1.057 em đoạt giải, gồm 59 giải nhất, 311 giải nhì, 339 giải ba, 348 giải khuyến khích. Khối 12 chuyên có 181 em đoạt giải, trong đó có 17 giải nhất, 42 giải nhì, 45 giải ba và 77 giải khuyến khích. Khối bổ túc THPT có 100 em đoạt giải, trong đó có 5 giải nhất, 24 giải nhì, 35 giải ba, 36 giải khuyến khích. Đặc biệt, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tỉnh ta đã có 81/84 em dự thi đoạt giải, xếp thứ nhì toàn quốc; trong đó có 6 giải nhất, 31 giải nhì, 31 giải ba và 13 giải khuyến khích; có 4 học sinh được Bộ GD-ĐT chọn vào đội tuyển quốc gia dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, giáo viên toàn ngành, qua hai năm thực hiện chủ đề “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục’’, ngành GD-ĐT tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng các mục tiêu giáo dục, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, tiếp tục khẳng định vị thế về GD-ĐT trong toàn quốc./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com