Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã - Nhìn từ thực tiễn

08:06, 03/06/2011

Thực hiện các quy định về cán bộ, công chức (CBCC)  xã, phường, thị trấn, thời gian qua cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng CBCC theo hướng đảm bảo đủ số lượng, từng bước chuẩn hoá. Qua đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCC xã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, để đội ngũ CBCC xã trong tỉnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, vẫn còn nhiều việc phải làm…

Từng bước chuẩn hoá đội ngũ CBCC xã

Xã Trực Chính (Trực Ninh) có hơn 6.000 dân, thuộc xã loại 2 theo tiêu chí của Chính phủ. Hướng tới mục tiêu chuẩn hoá đội ngũ CBCC chuyên trách, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã luôn coi trọng công tác quy hoạch, tạo điều kiện, hỗ trợ đội ngũ CBCC xã học tập, nâng cao trình độ mọi mặt. Đến nay, xã đã bố trí, kiện toàn được 19 trong tổng số 22 chức danh CBCC theo Quyết định 1181 của UBND tỉnh. Đội ngũ CBCC của xã đều được đào tạo về trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý Nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ, thấp nhất cũng đạt trình độ trung cấp. Trong đó, 4 CBCC gồm chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, bí thư Đoàn, cán bộ tài chính - kế toán và văn hoá - xã hội đến nay đã có trình độ chuyên môn đại học; trong đó năm 2010, xã đã tuyển dụng một sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Văn hoá Hà Nội phụ trách công tác văn hoá - thông tin - thể dục - thể thao. Đồng chí Bùi Đình Cầu, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Việc bố trí, sử dụng CBCC được cấp uỷ, chính quyền xã thực hiện theo nguyên tắc “học gì hành nấy” nên hầu hết đều phát huy được năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài vị trí Phó trưởng Công an xã đã có nguồn, chờ học xong sẽ được tuyển dụng, bổ nhiệm, xã Trực Chính hiện còn thiếu hai vị trí gồm Phó ban nông nghiệp và cán bộ phụ trách công tác văn phòng Đảng uỷ xã. Xã đang tiếp tục thông tin rộng rãi chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học để con em địa phương có đủ điều kiện, nguyện vọng biết, tham gia xét tuyển. Đội ngũ CBCC được kiện toàn, chuẩn hoá là một trong những tiền đề quan trọng giúp cấp uỷ, chính quyền xã lãnh đạo thực hiện hiệu quả, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Trực Ninh cho biết, ngoài 222 cán bộ dân cử đã được kiện toàn đủ, các xã, thị trấn trong huyện cũng đã biên chế được 165/251 biên chế công chức được giao. Trong số 222 cán bộ đã được kiện toàn, 33 người có trình độ đại học, cao đẳng, còn lại đều đã có trình độ trung cấp. Nhiều cán bộ được đào tạo đủ cả về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước và trình độ chuyên môn. Trong số 165 công chức đã biên chế có 13 người có trình độ đại học, cao đẳng; 127 người có trình độ trung cấp chuyên môn…

Cán bộ chủ chốt xã Nam Hùng (Nam Trực) họp bàn triển khai nhiệm vụ.
Cán bộ chủ chốt xã Nam Hùng (Nam Trực) họp bàn triển khai nhiệm vụ.

Tìm hiểu ở một số huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Vụ Bản…, chúng tôi nhận thấy có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chuẩn hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC xã. Ngoài phối hợp tổ chức một lớp đại học chuyên ngành kế toán cho 99 học viên là cán bộ chủ chốt, cán bộ dự nguồn của các xã, thị trấn, hằng năm huyện Hải Hậu đều mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho các đối tượng theo yêu cầu và nhu cầu đào tạo; cử CBCC cấp xã theo học các khoá đào tạo, bồi dưỡng do Sở Nội vụ tổ chức. Đến nay, trong số 366 cán bộ xã, thị trấn thuộc diện bầu cử của huyện, có 39 người có chuyên môn trình độ đại học, cao đẳng, 112 người có chuyên môn trình độ trung cấp, 209 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 167 người có trình độ trung cấp quản lý Nhà nước. Huyện Nghĩa Hưng hiện có 529 CBCC xã, thị trấn, trong đó có 54 người có chuyên môn trình độ đại học, cao đẳng, 306 người có trình độ trung cấp; 2 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 262 người có trình độ lý luận chính trị trung cấp; 240 người có trình độ trung cấp quản lý Nhà nước… Nhìn chung đội ngũ CBCC xã, thị trấn đều được các huyện bố trí, sử dụng hợp lý, phù hợp với vị trí công tác, nhất là đội ngũ công chức đều được bố trí, sử dụng đúng với chuyên môn được đào tạo. Việc chuẩn hoá đội ngũ CBCC ở cơ sở, đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về xã công tác đã từng bước trẻ hoá, nâng cao trình độ các mặt đội ngũ CBCC. Đặc biệt, việc Chính phủ thực hiện chuyển từ chế độ sinh hoạt phí sang chế độ tiền lương làm cho đội ngũ CBCC xã yên tâm, phấn khởi, ý thức, trách nhiệm hơn với chức trách, nhiệm vụ được giao.

  Vẫn còn nhiều việc phải làm!

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, đội ngũ CBCC xã trong tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhiều địa phương hiện vẫn chưa biên chế đủ số lượng theo quy định tại Nghị định 92 của Chính phủ, Quyết định 1181 của UBND tỉnh. Huyện Nghĩa Hưng hiện thiếu 140 CBCC, huyện Hải Hậu thiếu 112 CBCC, huyện Trực Ninh thiếu 87 CBCC, huyện Vụ Bản thiếu 67 CBCC… Để có người làm việc, các địa phương đang áp dụng hình thức ký hợp đồng lao động ngắn hạn. Huyện Nghĩa Hưng đã ký 92 hợp đồng lao động nhưng vẫn còn 48 vị trí chưa có cán bộ; huyện Vụ Bản ký 48 hợp đồng lao động, vẫn còn 17 vị trí chưa có cán bộ… Đặc biệt, chất lượng CBCC xã vẫn đang là vấn đề cần được đặt ra. Tình trạng CBCC không “thạo việc” còn khá phổ biến. Mặc dù đã được các địa phương tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ, nhưng vì nhiều nguyên nhân đến nay tỷ lệ CBCC chưa qua đào đạo, đào tạo không cơ bản vẫn còn khá cao. Trong đó, huyện Nghĩa Hưng còn 66/529 CBCC chưa qua đào tạo, 31/261 cán bộ chưa có bằng cấp chuyên môn, không được xếp lương theo ngạch, bậc. Huyện Hải Hậu còn 39/366 cán bộ mới tốt nghiệp THCS, 199 cán bộ chưa có bằng trung cấp quản lý Nhà nước, 157 cán bộ mới đạt trình độ sơ cấp lý luận chính trị; 187/298 công chức đã biên chế mới chỉ được bồi đưỡng về trình độ quản lý Nhà nước, 174 công chức mới có trình độ sơ cấp lý luận chính trị… Số CBCC xã đã biên chế của các địa phương có trình độ đại học, cao đẳng còn thấp. Huyện Hải Hậu mới chỉ có 78/660, huyện Nghĩa Hưng có 55/529, huyện Vụ Bản có 12/330 CBCC xã, thị trấn có trình độ đại học, cao đẳng… Mặt khác, chất lượng nhiều khoá học đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã chưa thực sự đảm bảo. Nhiều CBCC theo học chỉ với mục đích có được tấm bằng để nâng lương, chuyển ngạch, quá trình học không tích cực. Nhiều CBCC xã đi học nhưng không đúng chuyên ngành, vị trí công tác cần đào tạo, bồi dưỡng. Kết quả tham gia đào tạo, bồi dưỡng của CBCC do vậy trên thực tế không cao, bằng cấp, chứng chỉ có đủ nhưng kiến thức thực tế còn hạn chế. Chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về xã công tác đã được các địa phương triển khai song vì nhiều nguyên nhân đến nay kết quả vẫn còn hạn chế. Cụ thể, huyện Hải Hậu mới tuyển được 21 người trong tổng số 131 vị trí cần tuyển; huyện Trực Ninh tuyển được 6 người; huyện Vụ Bản tuyển được 2 người… Một số cán bộ chủ chốt ở cấp xã tuổi cao, năng lực hạn chế nhưng chưa đủ số năm công tác, tuổi nghỉ chế độ nên chưa bố trí được cán bộ trẻ để thay thế. Mặc dù đã được chuyển sang hoạt động theo chế độ công chức nhưng ở nhiều địa phương, CBCC vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định về giờ giấc, tác phong, lề lối làm việc. Trong khi đó, việc nhận xét, đánh giá CBCC hằng năm ở cấp xã hiện chưa phản ánh đúng thực tế. Nguyên nhân là do bị ràng buộc bởi các mối quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm; việc nhận xét, đánh giá thường có tình trạng bao che, nể nang, né tránh.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC xã, tiến tới thực hiện chuẩn hoá theo quy định, cần tiến hành rà soát, đánh giá lại đội ngũ CBCC xã, phường, thị trấn, trên cơ sở đó thực hiện công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với việc đào tạo, bồi dưỡng. Có kế hoạch, lộ trình thay thế những cán bộ không đạt chuẩn theo quy định. Những CBCC trong độ tuổi nhưng chưa đạt chuẩn cả về trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý Nhà nước và trình độ chuyên môn theo quy định cần được bố trí đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với nhu cầu vị trí, công việc đảm nhiệm. Cần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng, theo hướng trang bị cho người học phương pháp, kỹ năng giải quyết những tình huống cụ thể ở cơ sở; kết hợp với xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong của CBCC. Trong điều kiện hiện nay, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại xã là một giải pháp cần thiết, đáp ứng nhu cầu cán bộ chất lượng cao của cơ sở và nhu cầu việc làm của sinh viên. Các địa phương cần quán triệt, đẩy mạnh thực hiện chủ trương này nhằm phát huy được nguồn lực trí thức trẻ. Sau khi tuyển dụng cần có sự tạo điều kiện, hỗ trợ họ phát huy năng lực, chuyên môn đào tạo, yên tâm gắn bó phục vụ quê hương.

Xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở, gần dân, sát dân. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCC xã quyết định hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, chăm lo xây dựng đội ngũ CBCC xã có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ là việc làm thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng cần được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm, thực hiện. Quan trọng hơn, mỗi CBCC ở cơ sở phải tự ý thức được vai trò, trách nhiệm, không ngừng học tập, rèn luyện mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay./.

Bài và ảnh: Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com