Khu vực biên giới biển tỉnh ta có 15 xã và 3 thị trấn thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với dân số gần 156 nghìn người. Trên địa bàn có 5.730 lao động trực tiếp trên biển và 2.355 tàu thuyền khai thác hải sản. Ngoài ra, khu bãi bồi Cồn Lu (Giao Thủy) có trên 1.000 chòi canh vùng nuôi trồng thủy sản; vào thời kỳ cao điểm khai thác vạng giống, có hàng trăm phương tiện và hàng nghìn lượt ngư dân tập trung khai thác. Sự phát triển các phương tiện đánh bắt hải sản và người dân tham gia khai thác trên biển nếu không được quản lý tốt sẽ làm gia tăng tai nạn và vi phạm về an toàn hàng hải, khi có mưa bão, áp thấp nhiệt đới. Bên cạnh đó, trong tổng số 136km tuyến đê biển có 50km đi qua khu vực nền cát, 41km trực diện với biển và một số đoạn sạt lở như: đoạn từ cống Cai Đề đến cống Thanh Niên (Giao Thủy), đoạn Xuân Hà xã Hải Đông đến cống Xoáy xã Hải Triều (Hải Hậu), kè Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng)…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và các hoạt động sản xuất của nhân dân khi có thời tiết bất thuận xảy ra.
Chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Thịnh giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. |
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của tỉnh và nhiệm vụ PCLB-TKCN, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch PCLB-TKCN, trong đó tập trung đầu tư cơ sở vật chất nâng cao năng lực, hiệu quả ứng phó thiên tai khu vực ven biển. Với phương châm “4 tại chỗ”, BĐBP tỉnh đã bố trí 5 tàu, 10 xuồng tìm kiếm cứu nạn tại cửa sông Ninh Cơ, Hải đội 2 và các đồn Biên phòng; đồng thời tuyên truyền, vận động 30 chủ tàu thuyền có công suất 45-90CV tự nguyện ký cam kết sẵn sàng phối hợp tham gia TKCN trên biển; phối hợp với Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND các xã, thị trấn ven biển kiểm tra đăng ký, thống kê tần số thông tin tàu cá hoạt động trên địa bàn; tuyên truyền, thông báo tần số liên lạc PCLB-TKCN của BĐBP tỉnh cho các phương tiện khai thác để nắm thông tin. Ngoài ra, BĐBP tỉnh thường xuyên củng cố hệ thống thông tin liên lạc, duy trì hoạt động liên tục 2 đài trực canh liên lạc bằng ICOM tại cơ quan chỉ huy BĐBP tỉnh và Hải đội 2; 4 máy Galaxi-12 băng tần sóng ngắn liên lạc chung trên kênh C10 tần số 27.075 MHZ với các tàu khai thác trên biển, tổ chức tốt việc bắn pháo hiệu ở Trạm kiểm soát Cồn Lu (Giao Thủy); Trạm kiểm soát Doanh Châu (Hải Hậu); Trạm kiểm soát Hải đội 2 và trạm kiểm soát Ngọc Lâm (Nghĩa Hưng). BĐBP tỉnh còn sử dụng 2 tàu công suất lớn, 2 xuồng ST 750, ST 1200 chuyên dụng của Hải đội 2 thường trực cứu hộ, cứu nạn và thông báo kêu gọi, tàu thuyền vào khu neo đậu, tránh trú bão an toàn, đồng thời trang bị đạn, súng bắn pháo hiệu, máy phát điện cho các đồn, trạm kiểm soát để chủ động trong công tác PCLB. Lão ngư Trần Xuân Điền, xã Hải Xuân (Hải Hậu) có thâm niên hàng chục năm đi biển cho biết: “Nghề đi biển phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Trước kia, khi ra khơi cũng như trong lộng, ngư dân chúng tôi tìm luồng cá, đoán định gió, mưa, nóng, lạnh bằng kinh nghiệm… nhưng từ nhiều năm nay, do biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, không theo chu kỳ tự nhiên nên dự đoán không còn chính xác, rủi ro về người và tài sản do thời tiết bất thuận ngày càng có chiều hướng gia tăng. Được Bộ Chỉ huy BĐBP trang bị kiến thức, tập huấn kỹ năng phòng chống giảm nhẹ thiên tai (PCGNTT), hỗ trợ về phương tiện thông tin, chủ động kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú bão, chủ động ứng cứu khi gặp nạn…, ngư dân yên tâm hơn khi lao động trên biển, chủ động ứng phó với những tình huống khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”.
Cùng với việc tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và các công điện của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, BĐBP tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia PCGNTT đến năm 2020 nhằm nâng cao khả năng ứng phó, chế ngự thiên tai của BĐBP và nhân dân khu vực biên giới biển. Với tư tưởng chỉ đạo: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả; trong đó lấy phòng tránh là chính, BĐBP tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức khảo sát, đề xuất Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Trung ương và tỉnh xây dựng 9 tháp báo thiên tai khu vực biên giới biển của tỉnh. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực PCLB cho 50 cán bộ thuộc 3 huyện và 18 xã, thị trấn ven biển. Chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn khu vực biên giới biển tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, diễn tập phương án PCGNTT cho cụm liên xã, các nhóm cộng đồng ven biển, các tổ đội, chủ phương tiện khai thác thủy hải sản. Đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc; trang bị công cụ hỗ trợ như máy tính, máy in, máy fax cho UBND các xã, thị trấn khu vực biên giới biển. Hướng dẫn các thuyền trưởng, máy trưởng, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ phương pháp sử dụng tần số liên lạc thông qua hệ thống đài canh TKCN của BĐBP để xác định vị trí, thông tin hai chiều khi có tình huống xảy ra…
Theo dự báo của Trung tâm Quốc gia dự báo khí tượng thủy văn, năm 2011, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Trên vùng biển của tỉnh có thể xảy ra từ 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, lượng mưa và triều cường xuất hiện nhiều… có thể gây ảnh hưởng lớn đến đê kè và các hoạt động của ngư dân trên biển. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ, tổ chức tốt lực lượng cơ động của cơ quan Bộ Chỉ huy, các đồn Biên phòng, Hải đội 2, Đại đội huấn luyện cơ động thường trực cứu hộ, cứu nạn, làm nòng cốt trong xử lý các tình huống PCLB-TKCN trên khu vực biên giới biển, không để bị động trong xử lý tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Kiên quyết không để các phương tiên vi phạm an toàn hàng hải ra biển khai thác; xử lý nghiêm các đối tượng và phương tiện cố tình trốn tránh ở lại khu vực nguy hiểm khi có lệnh cấm biển, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận, ứng cứu và nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý, bàn giao người và tài sản bị nạn trên vùng biển của tỉnh./.