Lắng nghe để quyết định (kỳ cuối)

08:05, 16/05/2011

[links()]
II. Thống nhất nhận thức, chung sức hành động

Không chỉ lắng nghe, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất từ cơ sở, trong chuyến công tác này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã có những ý kiến chỉ đạo trực tiếp các địa phương, vừa mang tính định hướng vừa mang tính cụ thể liên quan đến nhiệm vụ xây dựng NTM và công tác cán bộ.  Các thành viên trong đoàn công tác đại diện các ban, ngành của tỉnh cũng đã dành nhiều thời gian trực tiếp trao đổi, đề xuất, hướng dẫn, góp ý với các địa phương nhiều vấn đề cụ thể, qua đó cùng với các địa phương xây dựng các giải pháp cho từng khâu, từng việc cụ thể. Trước hết, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng NTM. Cùng với việc quán triệt trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, trong toàn hệ thống chính trị phải có những hình thức phù hợp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, để mỗi người dân địa phương đều nhận thức được xây dựng NTM là việc của chính mình, gia đình mình, mình làm cho mình, bản thân, gia đình mình trực tiếp hưởng lợi. MTTQ, các đoàn thể nhân dân phải thực sự vào cuộc, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia xây dựng NTM một cách hiệu quả. Phối hợp xây dựng, phát động, đưa xây dựng NTM trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Mỗi cấp uỷ, chính quyền cần xác định lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM theo tiêu chí là nhiệm vụ vừa trọng tâm vừa lâu dài. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý, cơ sở là cấp thực hiện, do vậy mọi chủ trương, kế hoạch tổ chức thực hiện phải hết sức cụ thể, thiết thực, tránh chung chung, qua loa, hình thức. Những địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm cần chủ động, tích cực hoàn thiện công tác xây dựng đề án, thực hiện các quy hoạch. Việc xây dựng đề án cũng như các quy hoạch phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân. Các quy hoạch phải có sự lồng ghép, tránh sự chồng chéo. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý các huyện phải quan tâm, định hướng, hỗ trợ các xã trong công tác quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch ngược, quy hoạch của xã có trước, chồng chéo với quy hoạch chung của huyện. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách các cấp, các địa phương phải chủ động huy động thêm các nguồn lực, xoá bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại. Thông qua Quy chế dân chủ phát huy nguồn lực đóng góp của nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, cả nguồn hỗ trợ từ ngân sách các cấp và nguồn lực huy động từ nhân dân đều hạn chế, các địa phương cần có sự ưu tiên, lựa chọn trong việc sử dụng nguồn lực. Trước mắt cần tập trung nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án phục vụ phát triển sản xuất, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Có cơ chế, khuyến khích để nhân dân tự làm, tự đảm nhiệm thực hiện một số công trình, phần việc theo phương châm xã lo các công trình của xã, người dân ở các thôn xóm lo các công trình của thôn, xóm. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác rất phấn khởi khi đến thăm, tìm hiểu mô hình xây dựng NTM ở thôn Thành An, xã Nghĩa Phong. Kết quả xây dựng NTM của thôn cho thấy, khi người dân tin tưởng, đồng thuận, tích cực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, việc  khó đến đâu cũng có thể thực hiện được. Thôn Thành An có gần 300 khẩu, hơn một nửa dân số theo đạo Công giáo. Đời sống kinh tế của thôn dựa chính vào sản xuất nông nghiệp và một số ngành nghề phụ. Ngay sau khi được xã Nghĩa Phong chọn chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình xây dựng NTM của xã, chi bộ thôn gồm 48 đảng viên đã xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo. Phát huy quy chế dân chủ, Ban hương ước thôn nhiều lần tổ chức họp bàn toàn thể nhân dân tham gia ý kiến xây dựng đề án thực hiện. Theo đó, người dân tự nguyện đóng góp kinh phí, trực tiếp tham gia thực hiện các công trình, phần việc, vận động con em xa quê thành đạt đóng góp, ủng hộ thêm. Chỉ sau một thời gian ngắn, thôn đã mở rộng, bê tông hoá được 100% đường làng, gồm 4 dong dọc, 1 dong ngang, mỗi dong rộng 8 mét, dọc các đường dong đều có mương dẫn nước theo đúng quy hoạch cách đây hàng trăm năm. Những hộ dân ven đường đều tự nguyện hiến đất, có hộ tình nguyện hiến cả trăm mét đất phục vụ việc mở rộng đường. Ngoài ra, thôn còn xây mới cổng làng, nhà văn hoá, xây mới được 15 kênh mương phục vụ tưới tiêu cũng bằng phương châm nhân dân tự đóng góp kinh phí, tự làm. Thôn xây dựng, ban hành, thực hiện nghiêm một số quy định xây dựng nếp sống văn hoá, giữ gìn vệ sinh môi trường; đảm bảo an ninh trật tự. Theo đó, phần đường gần hộ nào hộ đó có trách nhiệm tự quản, tự dọn vệ sinh. Mỗi nhà xây dựng một hố tập trung rác thải. Người nào vứt rác ra đường bị phạt 200 ngàn đồng, người nào phát hiện ra người vứt rác được thưởng 200 ngàn đồng, gia đình nào có chuyện đánh cãi, chửi nhau bị phạt 200 ngàn đồng. Riêng những người có hành vi dùng xung điện đánh bắt cá huỷ hoại môi sinh, ăn trộm bị phạt 5 triệu đồng. Những người vi phạm, ngoài bị phạt tiền còn bị phê bình trên loa truyền thanh, trong các buổi họp dân và không được xét công nhận gia đình văn hoá…

Quan trọng hơn, theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, cấp uỷ, chính quyền các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ chỉ đạo phát triển sản xuất. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý các địa phương không vì quá chú trọng vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà lơ là nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất. Phải coi phát triển sản xuất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chỉ có phát triển sản xuất mới tăng được nguồn thu, có nguồn thu mới có nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng, đường xá, trụ sở khang trang, hiện đại nhưng sản xuất trì trệ, đời sống nông dân gặp khó khăn thì các tiêu chí cơ sở hạ tầng đạt được cũng không thực sự có ý nghĩa. Về thực hiện dồn điền đổi thửa, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng đây là một việc khó khăn, phức tạp nhưng không thể không làm. Nếu không tích tụ được ruộng đất sẽ không thể quy hoạch được vùng sản xuất, không ứng dụng được cơ giới hoá vào đồng ruộng, không dồn được quỹ đất công phục vụ mở rộng, xây dựng mới các công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Điều đó có nghĩa không thể xoá bỏ được tập quán canh tác nhỏ lẻ tồn tại lâu nay, không thể chuyển đổi, lựa chọn được những phương thức sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Dù khó khăn, phức tạp nhưng qua lần thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2003 ít nhiều đã cho kết quả, bước đầu đã giảm được một phần tình trạng ruộng đất manh mún. Sắp tới Tỉnh uỷ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn đối với công tác này. Cùng với dồn điền đổi thửa, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại được xem là khâu đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân áp dụng mô hình sản xuất này, nhất là tạo điều kiện về đất đai. Ngoài ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế trang trại, tỉnh sẽ có những quy định, cơ chế hỗ trợ cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý, tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế này. Phát triển ngành nghề, làng nghề được xem là “chìa khoá” để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập. Chính vì vậy giải pháp cho vấn đề này cần có sự đồng bộ. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các địa phương trước mắt cần tập trung chỉ đạo phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể địa phương phải có sự định hướng, giúp người học lựa chọn, đăng ký học những nghề phù hợp, thiết thực, đảm bảo sau khi học xong có thể hành nghề và tìm được việc làm. Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp về đầu tư, phát triển sản xuất trên địa bàn, qua đó tạo việc làm cho lao động địa phương. Ngay trong chuyến công tác này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã đồng ý về mặt chủ trương, chỉ đạo các cơ quan của tỉnh xem xét, giải quyết cho xã Hải Lộc được phép dành gần 2ha đất nông nghiệp để cho Cty may Hải Đường thuê đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu trên địa bàn, tạo việc làm cho lao động địa phương. Cùng với các địa phương, tỉnh cũng sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân của con em quê hương Nam Định về đầu tư tại địa bàn nông thôn trong tỉnh. Tại hội nghị các doanh nghiệp tới đây tỉnh sẽ có sự họp bàn, chỉ đạo cụ thể. Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần thiết. Việc đánh giá cán bộ, công chức, xã, phường, thị trấn hiện vẫn là một khâu yếu. Tâm lý nể nang, né tránh khiến việc đánh giá không đảm bảo tính sát thực. Tới đây, Tỉnh uỷ sẽ có riêng một nghị quyết chỉ đạo. Trước mắt, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các địa phương cần rà soát, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn phù hợp khả năng, chuyên môn đào tạo. Tạo điều kiện cho những cán bộ chưa qua đào tạo được theo học các lớp đào tạo chuyên môn. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ phối hợp triển khai mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước cho những cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn đối với hai yêu cầu này. Tỉnh sẽ chủ động nguồn kinh phí phục vụ công tác đào tạo, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Đến năm 2013, những cán bộ không đảm bảo yêu cầu sẽ phải thay thế. Cũng  trong chuyến công tác này, một số đề xuất, kiến nghị phù hợp, chính đáng của các địa phương được đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đồng ý về mặt chủ trương, trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chính quyền giải quyết. Cụ thể, những địa phương thực hiện thí điểm có đủ điều kiện triển khai ngay các công trình, dự án tới đây sẽ được tỉnh cấp đủ nguồn kinh phí hỗ trợ đã được phê duyệt mà không phải đợi đến năm 2013. Đặc biệt, những địa phương không thuộc diện thực hiện thí điểm nhưng có sự chủ động triển khai tích cực, hiệu quả các chương trình, dự án phục vụ mục tiêu xây dựng NTM cũng sẽ được tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện như những địa phương thực hiện thí điểm…

Bám sát các hoạt động của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác,  chúng tôi cùng có chung cảm nhận về thực tiễn đa dạng, phong phú của đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh ta hiện nay. Thuận lợi đan cài với khó khăn, cơ hội gắn liền với thách thức. Nhưng với tinh thần quyết tâm, một phần đã được thể hiện rõ qua không khí làm việc vừa dân chủ, thẳng thắn,  vừa chân thành, gần gũi giữa đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, các thành viên trong Đoàn công tác với cán bộ, nhân dân cơ sở, chỉ với một mục đích duy nhất đó là thống nhất được nhận thức để cùng chung sức, chí hướng hành động, tin rằng, công cuộc xây dựng NTM của tỉnh nhà sẽ giành được thắng lợi./.

Duy Hưng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com