Lắng nghe để quyết định (kỳ I)

08:05, 13/05/2011

LTS: Để có cơ sở thực tiễn phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, trực tiếp là phục vụ việc xây dựng, ban hành các nghị quyết toàn khoá lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, đảm bảo phù hợp, sát thực, có tính khả thi, mới đây, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đã đi khảo sát tình hình thực tế ở một số địa phương trong tỉnh. Báo Nam Định phản ánh những hoạt động chính trong chương trình làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác của tỉnh.

I. Lắng nghe thực tiễn

Một trong những vấn đề trọng tâm đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác của tỉnh quan tâm tìm hiểu trong chuyến đi khảo sát thực tế này là thực trạng “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) và những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Thế mạnh của tỉnh ta là sản xuất nông nghiệp. Trong quy hoạch phát triển chung, tỉnh ta cũng được Trung ương quy hoạch là một trong những tỉnh trọng điểm phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, phát triển toàn diện khu vực nông nghiệp, nông thôn gắn với nâng cao đời sống của người nông dân luôn được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, dành sự quan tâm đặc biệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Qua hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện, đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, sự phát triển cũng như kết quả đạt được nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bước đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, cần có các giải pháp tổng thể, phù hợp, sát thực, cả trước mắt và lâu dài…

Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt các huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp đi khảo sát thực tế tại một số địa bàn xã, thôn, xóm, nơi đang trực tiếp thực thi các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến các xã Hải Lộc, Hải Anh (Hải Hậu); Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng); Hiển Khánh (Vụ Bản), đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác đã dành thời gian tìm hiểu những vấn đề cụ thể, thiết thực như tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương về vấn đề xây dựng NTM; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương; việc xây dựng đề án, triển khai công tác quy hoạch; khả năng huy động nguồn lực cùng những vấn đề quan trọng khác của đời sống nông nghiệp, nông thôn như công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, ngành nghề, làng nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đặc biệt quan tâm tìm hiểu tư tưởng, nhận thức của cán bộ, nhân dân địa phương về xây dựng NTM. Như lời đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, xây dựng NTM là một chủ trương lớn, lâu dài, được thực hiện theo phương châm nhân dân làm nhà nước hỗ trợ. Nếu không thực hiện tốt công tác tư tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân địa phương không thông suốt, không nhận thức được mục đích, ý nghĩa, không thấy được vai trò, trách nhiệm, thiếu sự tham gia một cách chủ động, tích cực, nguồn lực trong nhân dân không được phát huy việc xây dựng NTM không thể đạt kết quả. Báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác, lãnh đạo các địa phương đều cho biết nhìn chung tư tưởng cán bộ, nhân dân ở cơ sở đều rất phấn khởi trước chủ trương lớn, quan trọng này; thống nhất nhận thức xây dựng NTM là cơ hội lớn để thay đổi, phát triển toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội địa phương, thiết thực nhất là thay đổi vai trò, vị thế, đời sống của người nông dân cũng như thấy được vai trò, trách nhiệm tham gia đóng góp công sức, trí tuệ thực hiện. Sau hơn một năm triển khai, tại các địa phương được chọn thực hiện thí điểm, cấp uỷ, chính quyền đều đã xây dựng, ban hành được các chủ trương, kế hoạch cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo. Hầu hết đã xây dựng được đề án chi tiết, một số địa phương đã hoàn thành công tác quy hoạch trên cơ sở có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân. Đặc biệt, một số địa phương bước đầu đã huy động được nguồn đóng góp của nhân dân để triển khai thực hiện các công trình, phần việc cụ thể. Ở xã Hải Lộc (Hải Hậu), sau hơn một năm bắt tay triển khai thực hiện xây dựng NTM, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp được gần 1 tỷ đồng. Trước đó, người dân cũng đã  tự nguyện đóng góp 5,1 tỷ đồng để cùng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Đến nay, xã đã triển khai, hoàn thành khá nhiều công trình, phần việc quan trọng. Trong đó, đã quy hoạch, hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung rộng 120ha; hình thành 3 vùng sản xuất lúa gồm 200ha đảm bảo an ninh lương thực, 100ha sản xuất lúa chất lượng cao, 100ha sản xuất lúa mùa sớm để trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa; quy hoạch, dành 2ha đất phát triển sản xuất CN-TTCN. Trước đó, xã đã thực hiện chuyển đổi được gần 60ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng màu, cây cảnh cho thu nhập cao gấp 2-3 lần. Trong năm 2010, xã đã tiến hành khởi công xây dựng một trường THCS, một bãi chôn lấp rác thải, hoàn thành mở rộng hệ thống đường giao thông nội đồng, nạo vét 87.000m3 kênh mương… Kết quả khảo sát cho thấy, đến nay xã Hải Lộc đã đạt được 10 trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Ở xã Hiển Khánh (Vụ Bản), trong tổng số gần 25 tỷ đồng xã đã huy động đầu tư cho các công trình, dự án NTM có gần 6  tỷ đồng tự nguyện đóng góp của nhân dân. Hướng về quê hương, nhiều con em Hiển Khánh xa quê thành đạt đã tự nguyện quyên góp nhận làm một số công trình như đường làng, nhà văn hoá, cổng làng. Nhà văn hoá thôn Phú Đa vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng có kinh phí xây dựng hơn 300 triệu đồng, trong đó con em trong thôn đang làm ăn sinh sống ở mọi miền đất nước quyên góp ủng hộ 200 triệu đồng. Ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), bước đầu nhân dân đã tự nguyện đóng góp lại cho ngân sách địa phương toàn bộ số tiền thuỷ lợi phí đã được nhà nước miễn trong hai năm rưỡi để thực hiện kiên cố hoá được 11km kênh tưới tiêu. Ngoài ra bà con còn tự nguyện hiến hơn 11 nghìn m2 đất để xã thực hiện mở rộng 18,5km đường giao thông nội đồng, 5km đường giao thông liên thôn, tham gia đào đắp gần 33 nghìn m3 đất… Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế vẫn còn không ít địa phương một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân có nhận thức chưa đầy đủ, coi xây dựng NTM đơn thuần là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của nhà nước, có tâm lý trông chờ, ỷ lại, thiếu sự chủ động, đặc biệt chưa thể hiện rõ quyết tâm thực hiện… 

Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác của tỉnh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác, các địa phương đều tập trung đề cập đến những khó khăn trong việc huy động nguồn lực thực hiện. Theo đề án chi tiết của một số xã, để hoàn thành đủ 19 tiêu chí xây dựng NTM, mỗi địa phương đều cần phải huy động được trên dưới 200 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong khi khả năng đóng góp của nhân dân và nguồn hỗ trợ ngân sách các cấp chỉ có hạn. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2013, xã Nghĩa Sơn phải hoàn thành làm mới 33km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; xây dựng 8 nhà văn hoá thôn; kiên cố 14km kênh mương cấp 3 còn lại; xây dựng thêm 6 phòng học đạt chuẩn; mở rộng 14km đường giao thông. Tổng kinh phí thực hiện các công trình trên dự tính là 43,5 tỷ đồng. Trong khi đó đến thời điểm này xã mới nhận được khoảng 4 tỷ đồng trong tổng số 10 tỷ đồng tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ xã đến năm 2013. Số tiền còn lại cả ngân sách địa phương và thực lực đóng góp của nhân dân đều không đáp ứng đủ. Ngoài khó khăn về nguồn lực, các địa phương cũng tập trung đề cập đến những khó khăn trong công tác thực hiện dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế trang trại, gia trại; phát triển ngành nghề, làng nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vốn là những phần việc quan trọng khi triển khai xây dựng NTM. Sau triển khai dồn điền đổi thửa năm 2003, đến nay thực trạng ruộng đất của các địa phương vẫn còn rất manh mún, số thửa canh tác của mỗi hộ dân hiện vẫn rất cao, phổ biến từ 4-6 thửa, rất khó khăn cho việc quy hoạch vùng sản xuất, ứng dụng cơ giới hoá, dồn quỹ đất công phục vụ mở rộng, xây dựng mới các công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng hoặc dành quỹ đất phục vụ phát triển sản xuất CN-TTCN… Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều nhất là các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, kết hợp chăn, thả với trồng cây ăn quả, cây cảnh… Thực tế cho thấy, đây là mô hình kinh tế đa lợi ích, cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên do những khó khăn trong việc tích tụ đất đai, vốn đầu tư, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; năng lực quản lý, vận hành, tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay số trang trại chưa nhiều, hầu hết còn nhỏ về quy mô. Nhiều trang trại, gia trại tồn tại ngay trong địa bàn khu dân cư, thiếu các biện pháp, phương tiện bảo vệ môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh, là nguyên nhân gây mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng. Báo cáo của huyện Vụ Bản cho biết, toàn huyện hiện mới có 151 trang trại, trong đó chỉ có 8 trang trại chăn nuôi gia cầm theo phương pháp công nghiệp, quy mô lớn, đạt các tiêu chí quy định của Bộ NN-PTNT, còn lại đều có quy mô nhỏ, chưa đạt các tiêu chí theo quy định. Cũng theo báo cáo của các địa phương, phát triển CN-TTCN, ngành nghề, làng nghề đang được các địa phương tập trung chỉ đạo, đạt được những kết quả ban đầu. Đến nay, các huyện trong tỉnh đều đã xây dựng được các cụm công nghiệp tập trung. Tuy nhiên nhìn chung tốc độ phát triển CN-TTCN của các địa phương còn chậm, quy mô nhỏ bé, chưa có nhiều doanh nghiệp làm nòng cốt cho việc phát triển ngành nghề, sản phẩm chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa, sức cạnh tranh yếu, khả năng thu hút lao động còn thấp. Số làng nghề ở mỗi địa phương rất ít, trong đó huyện Nghĩa Hưng chỉ có 6 làng nghề, các huyện Vụ Bản, Hải Hậu mỗi huyện chỉ có 5 làng nghề. Việc du nhập nghề mới gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều các xã không có làng nghề, ngành nghề phụ, rất đông lao động địa phương phải đi làm ăn xa. Xã Hải Lộc có hơn 4.000 người trong độ tuổi lao động nhưng hiện có khoảng 1.000 lao động thường xuyên đi làm ăn xa…

 Ngoài tìm hiểu, khảo sát thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong chuyến công tác này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác  dành nhiều thời gian tìm hiểu về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Như lời đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở, cấp gần dân nhất, sát dân nhất; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện mọi chủ trương, chính sách. Thực tế cho thấy, ở đâu cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ở đó chủ trương, chính sách được thực hiện hiệu quả, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn, ổn định xã hội được giữ vững và ngược lại. Theo báo cáo của một số địa phương, nhìn chung đến nay đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở từng bước được kiện toàn, chất lượng được nâng lên. Các địa phương đều chú trọng, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ, nhất là trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn và quản lý nhà nước. Một số địa phương bước đầu đã thực hiện tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn. Qua các lần MTTQ cơ sở tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân, các cán bộ chủ chốt đều nhận được sự tín nhiệm cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều cán bộ, công chức đến nay vẫn chưa được đào tạo về về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn và trình độ quản lý nhà nước. Riêng huyện Nghĩa Hưng còn 66/529 cán bộ, công chức chưa qua đào tạo, 31 cán bộ chưa có bằng cấp chuyên môn. Huyện Vụ Bản hiện có 187 cán bộ, 143 công chức xã đã biên chế nhưng mới chỉ có 4,3% cán bộ, 1,9% công chức có trình độ chuyên môn đại học. So với số biên chế công chức xã được giao, nhiều địa phương vẫn chưa tuyển đủ do phải đợi Chính phủ ban hành hướng dẫn quy chế thi tuyển, trong đó huyện Hải Hậu còn thiếu 111 biên chế công chức, huyện Vụ Bản thiếu 65 biên chế, huyện Nghĩa Hưng thiếu 48 biên chế. Để bố trí đủ số công chức xã theo quy định, các địa phương đều đang phải áp dụng chế độ hợp đồng lao động…

(Còn nữa)
Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com