Hướng đi nào để vốn vay giảm nghèo phát huy hiệu quả (kỳ I)

08:05, 27/05/2011

 Hàng năm, nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo được đánh giá là kênh chính, đóng vai trò chủ lực trong thực hiện công tác giảm nghèo ở các địa phương. Tuy nhiên sau cuộc thanh tra tại hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh mới đây, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đưa ra một kiến nghị mà nếu thực hiện, sẽ có 490 hộ trước mắt và thậm chí hàng chục nghìn hộ tiếp theo sẽ đứng trước nguy cơ tái nghèo…

Kỳ I: Sẽ tái nghèo vì phải trả vốn!

Từ một kết luận thanh tra

Ngày 7-1-2011, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 05/QĐ-NHNN về việc thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Nam Định. Cơ bản các kết quả thanh tra đều cho thấy hệ thống NHCSXH hoạt động tuân thủ đúng pháp luật và các quy định về lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng. Duy nhất, trong kết luận thanh tra số 152/KL-NAĐ4 ngày 10-3-2011 có một nội dung kiến nghị đặt NHCSXH tỉnh và toàn bộ các đơn vị chi nhánh của ngân hàng này vào thế khó. Không thực hiện thì sai, thực hiện thì vừa khó, vừa đi ngược mục tiêu của NHCSXH, vì sau khi thực hiện kiến nghị, sẽ có hàng trăm hộ trong diện trực tiếp bị kiểm tra và rồi hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn hộ có cùng hoàn cảnh vay vốn sẽ có nguy cơ tái nghèo.

Tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu.
Tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu.

Nội dung kiến nghị cụ thể của NHNN tỉnh trong kết luận số 152/KL-NAĐ4 nói trên là yêu cầu NHCSXH tỉnh “thu hồi vốn vay đối với 490 hộ vay vốn diện hộ nghèo với tổng dư nợ 5,178 tỷ đồng”. Nguyên nhân phải thu hồi vốn vì số hộ vay vốn này “không có tên trong danh sách hộ nghèo được thống kê theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội”. Cụ thể phải thu hồi vốn đối với 97 hộ tại 3 xã của huyện Xuân Trường (dư nợ 1,047 tỷ đồng), 3 xã của huyện Hải Hậu với 163 hộ (dư nợ 2,077 tỷ đồng), 158 hộ tại Giao Thủy (dư nợ 1,631 tỷ đồng) và 72 hộ tại Thành phố Nam Định (dư nợ 423 triệu đồng). Lý giải về “thế khó” của đơn vị mình trong thực hiện kiến nghị này của NHNN, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Trước hết, phải khẳng định rằng việc vay vốn ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo được Quy định tại Điều 13 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ và Tiết 2.2 điểm 2, Văn bản hướng dẫn số 316/NHCS-KH ngày 2-5-2003 của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam khẳng định rõ là đối tượng cho vay phải có tên trong danh sách hộ nghèo theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, việc cho vay đối với cả 490 hộ này của NHCSXH lại không hề sai. Điểm 2 Văn bản 729/HĐQT-TB ngày 4-6-2003 của Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam quy định: “Đối với cho vay hộ nghèo… việc giải ngân vốn cho vay hộ nghèo được thực hiện căn cứ vào danh sách hộ nghèo của Ban xóa đói giảm nghèo lập và UBND cấp xã phê duyệt (theo mẫu 3/CVHN) mà không phải thẩm định lại danh sách hộ nghèo theo chuẩn đói nghèo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”. Chúng tôi đã kiểm tra thực tế, cả 490 hồ sơ vay vốn đều đủ yêu cầu về bình bầu tại tổ vay vốn và được UBND xã, phường, thị trấn phê duyệt, đóng dấu trước khi NHCSXH có quyết định giải ngân!”. Cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, không làm sai, thiếu so với quy định khi cho vay nhưng nếu NHCSXH tiến hành thu hồi vốn theo kiến nghị của NHNN thì sẽ có ngay cái sai về thời hạn thu hồi vốn vay. Cả 490 hồ sơ vay vốn đều được lập và giải ngân năm 2009 và 2010. Theo khế ước vay vốn thì thời hạn trả nợ cuối cùng của số hộ vay này là từ năm 2012 đến 2013 vì khi vay, thời hạn được vay đều là 3 năm. Việc thu hồi vốn với khách hàng chỉ xảy ra trong trường hợp sử dụng sai mục đích, không hiệu quả. Mà theo đồng chí Trần Doãn Thạo, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, NHCSXH tỉnh thì cơ bản số hộ trên đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, trả nợ lãi và gốc đúng thời hạn. Tổng số kiểm tra của NHNN trong toàn đợt chỉ có 4 hộ khi đối chiếu thực tế có tài sản lớn, không thể hiện hộ nghèo như người vay có xe máy ga, bàn ghế cổ, cây cảnh có giá trị,… và 55 hộ không dùng vốn vay hộ nghèo vào các việc theo quy định. Tổng số 59 hộ này đã  được NHCSXH tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch khẩn trương thu hồi vốn và đều nằm ngoài danh sách 490 hộ nêu trên.

Phải đặt mục tiêu giảm nghèo lên trên

Kiến nghị của NHNN là có cơ sở. Dù cũng có cơ sở khẳng định mình không sai, nhưng tuân thủ sự chỉ đạo “có cơ sở” của cấp trên, ngày 15-4-2011, NHCSXH tỉnh có công văn số 132/KT-KTNB do Giám đốc Nguyễn Thanh Sơn ký chỉ đạo các chi nhánh toàn tỉnh thu hồi vốn đối với 490 hộ nói trên và rà soát, tiếp tục thu hồi vốn đối với các trường hợp tương tự trên địa bàn tỉnh. Ngay lập tức, công văn này nhận được sự phản hồi của cả người vay, các tổ tín dụng và kể cả các phòng giao dịch của NHCSXH tỉnh về tính khả thi trong thực hiện và quan trọng hơn là việc thực hiện kiến nghị về thu hồi vốn sẽ đẩy các hộ vay vốn phải thu hồi vào nguy cơ tái nghèo. Chị Đinh Thị Hương ở khu dân cư số 2, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cho biết: “Tôi được tổ vay vốn của khu dân cư số 2 bình bầu, UBND thị trấn xác nhận cho vay vốn hộ nghèo và được giải ngân vào ngày 25-5-2009. Với số vốn được vay, tôi góp tiền để chồng mua xe làm xe ôm, còn lại mở hàng tạp hóa tại nhà vì bản thân tôi đau ốm, không làm việc nặng được. Hiện nay hai con lớn đang học đại học, con út học lớp 3 nên cuộc sống rất khó khăn. Vợ chồng bảo nhau chắt chiu cố chịu khổ để con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Dù khó đến mấy cũng trả nợ NHCSXH theo định kỳ vì nếu lúc trước không có khoản vay 10 triệu đồng thì bây giờ con cái thất học, nhà cửa tan hoang rồi”. Chị Phạm Thị Huệ, tổ trưởng tổ vay vốn Hội Nông dân khu dân cư số 2, Thị trấn Yên Định lo lắng: “Cả tổ có 9 hộ vay, 7 hộ trong diện thu hồi đều có hoàn cảnh tương tự như gia đình chị Hương, thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Thu vốn lúc này họ chỉ còn cách bán lúa non, vật nuôi đầu kỳ, bán phương tiện lao động đi để lấy tiền trả!”. Đồng chí Phạm Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND Thị trấn Yên Định khẳng định: “Chúng tôi đã khảo sát thực tế điều kiện của cả 80 hộ diện phải thu hồi vốn theo kiến nghị của NHNN. Xin khẳng định là cả 80 hộ này nếu bị thu hồi vốn đều sẽ tái nghèo. Thời điểm cây giữa vụ, con giữa kỳ này nhiều hộ trong số đó dù bán lúa non, con nhỡ cũng không đủ trả, có khi phải cầm cố, bán nhà trả nợ!”. Về vấn đề tại sao xác nhận cho 80 hộ này vay vốn khi chưa có tên trong danh sách hộ nghèo, Chủ tịch UBND Thị trấn Yên Định cho biết: “Hầu hết các hộ trên trước đó đều đã là hộ nghèo, hộ khó khăn. Tác động của suy thoái năm 2008, bệnh dịch về chăn nuôi, trồng trọt ngay đầu năm 2009 khiến nhiều hộ vừa thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo. Nhưng để được hưởng vay vốn hộ nghèo thì phải đợi hết năm 2009. Vì vậy các hội, tổ tín dụng tiến hành bình bầu, đề nghị UBND xét duyệt cho số hộ này vay vốn để khắc phục khó khăn và tránh tái nghèo. Nhờ đó, nhiều hộ không bị tái nghèo. Chúng tôi đánh giá đấy là một biện pháp tình thế phù hợp, đem lại hiệu quả cao cho công tác giảm nghèo của địa phương”.

Tại huyện Giao Thủy, lý do để cho các hộ không có tên trong danh sách hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vay vốn cũng tương tự. Đồng chí Cao Thế Tạo, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện Giao Thủy cho biết: “Đa số các hộ không có tên trong danh sách người nghèo nhưng được vay vốn đều được bình bầu, duyệt vay và giải ngân giữa năm 2009 vì không thể đợi bình bầu, lên danh sách vào cuối năm xong mới cho vay. Tình thế lúc đó rất khó khăn, giá cả leo thang, kinh tế suy thoái, ở giai đoạn cao điểm. Địa phương cũng như toàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Liên tiếp bệnh vàng lùn, lùn sọc đen, lùn xoắn lá trên lúa song hành với dịch tai xanh ở lợn, cúm ở gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc… Trong khi đó số dư nợ cho hộ nghèo vẫn còn, là cơ hội lớn để hộ cận nghèo, hộ khó khăn dựa vào để vượt qua khó khăn, chống tái nghèo!”. Tiếp tục các cuộc điều tra về vấn đề này, ý kiến lãnh đạo các địa phương trong tỉnh đều lý giải tương tự. Có nơi còn minh chứng bằng việc đưa ra hàng loạt chính sách cấp bách, các gói hỗ trợ đột xuất của TW trong thời điểm đó để hỗ trợ người nghèo, đối tượng khó khăn. UBND tỉnh cũng trực tiếp hỗ trợ 3.730 tấn lúa cho 143.616 hộ dân bị mất mùa do dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho vụ lúa mùa năm 2009… Câu hỏi đặt ra là: “Không lẽ vốn ưu đãi người nghèo để số dư lãng phí trong tình cảnh này?”. Dù chưa thực sự đúng với quy định nhưng vận dụng tình thế này được nhân dân các địa phương đồng tình và đặc biệt đã thể hiện hiệu quả rõ rệt. Điều tra của NHCSXH cho thấy, cơ bản nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Thể hiện bằng kết quả cụ thể là năm 2009, trong bối cảnh chung rất khó khăn vì ảnh hưởng của suy thoái, dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi, nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại giảm từ 6,72% đầu năm 2009 xuống còn 5,99% đầu năm 2010, bằng 0,73%, không thấp hơn nhiều so với năm trước (đầu năm 2008 đến đầu năm 2009 giảm 0,88%). Việc cho vay đối với số hộ này đều được bình bầu, công khai danh sách 100% trước khi lập hồ sơ cho vay.

Như vậy là đã rõ! Nguyên nhân khiến NHNN kiến nghị thu hồi vốn là do chính quyền các địa phương, các tổ vay vốn địa phương áp dụng giải pháp tình thế để giúp các hộ dân vượt qua khó khăn, hạn chế tái nghèo. Như đã nói, việc NHNN đưa ra kiến nghị thu hồi vốn và NHCSXH cho vay vốn đối với 490 hộ được kiểm tra trong đợt thanh tra vừa qua cũng như toàn bộ các món vay cùng hoàn cảnh là có cơ sở, dựa vào các quy định chuyên môn. Nhưng việc các địa phương cho vay như đã nói trên cũng có lý do không kém thuyết phục. Thậm chí nếu tính vì mục đích lớn nhất của vốn vay giảm nghèo là góp phần hạ chỉ số hộ nghèo, tạo điều kiện giảm nghèo bền vững thì quyết định lâm thời của các địa phương còn mang thêm tính sáng tạo, có tác dụng cụ thể. Quay trở lại với việc thực hiện kiến nghị của thanh tra NHNN, theo yêu cầu của kiến nghị, đến ngày 30-4-2011, NHCSXH và các phòng giao dịch của ngân hàng này phải hoàn thành thu hồi vốn tại 490 hộ nêu trên và tiếp tục rà soát, thu hồi vốn vay ở các địa phương, đơn vị khác. Nhưng đến ngày 13-5-2011, báo cáo tại 4 đơn vị phải thu hồi vốn sớm cho thấy hầu như chưa thu được món nợ nào vì khả năng trả nợ của người vay chưa có, vì sợ trả nợ xong là hết đường sinh nhai. Ngược lại, hầu hết các địa phương đều tổ chức họp các tổ cho vay vốn, họp ban đại diện NHCSXH để đồng lòng kiến nghị UBND tỉnh cũng như NHNN cho phép các hộ được vay vốn nhưng chưa có tên trong danh sách hộ nghèo được tiếp tục sử dụng tiền vay và được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Với những ý kiến, nội dung nêu trên, thiết nghĩ cần sớm có quyết định cho kiến nghị của NHNN về việc thu hồi vốn vay hộ nghèo đối với 490 hộ được thanh tra nói trên, hàng chục nghìn hộ cùng hoàn cảnh nói chung. Điều cốt yếu là quyết định cuối cùng phải đảm bảo có hiệu quả chống tái nghèo, góp phần an sinh xã hội cho người nghèo, đối tượng khó khăn theo định hướng Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đang được tập trung thực hiện ở tỉnh ta và trên toàn quốc./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Hoàng Long


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com