[links()]
Trong chuyến công tác tìm hiểu về kiến nghị thu hồi vốn vay của NHNN tại cơ sở, phóng viên đã phát hiện ra một chi tiết rất đáng lưu tâm: Chỉ số hộ nghèo theo tiêu chí mới có nhu cầu vay vốn và có thể sử dụng được vốn vay ưu đãi hộ nghèo chỉ đạt từ vài phần trăm đến trên 20%/tổng số hộ nghèo tại cơ sở. Có nơi, cá biệt chỉ có 1/29 hộ muốn vay vốn… Nếu thu hồi vốn theo kiến nghị của NHNN và tiếp tục cho vay đúng nội dung kiến nghị này, số vốn hộ nghèo hiện nay sẽ dư ra khoảng trên 400 tỷ đồng, bằng trên 2/3 tổng số vốn. Vốn dư sẽ phải trả lại TW. Trong khi đó thực tế hầu như 100% hộ cận nghèo lại đang rất cần vốn…
Vì sao hộ nghèo theo tiêu chí mới không cần vốn?
Theo báo cáo điều tra hộ nghèo giai đoạn 2010-2015 theo tiêu chí mới của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến đầu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ta là 9,95%, tương đương với 55.465 hộ. Đồng chí Phạm Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cho biết: “Toàn thị trấn có 10% số hộ dân thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới, tương đương với 167 hộ. Nếu thu hồi vốn 80 hộ diện kiến nghị của NHNN vì không có tên trong danh sách hộ nghèo cộng với thu hồi vốn hộ nghèo hết hạn cho vay thì số vốn cần vay của loại vốn này tại Thị trấn Yên Định trong năm 2012, 2013 chỉ còn 20, 30% so với hiện nay”. Đồng chí Trần Văn Quý, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Hậu cho biết: “Thực điều tra đầu năm 2011 tại huyện cho thấy dư nợ hộ nghèo hết quý I đạt 90,8 tỷ đồng, với 7.619 hộ nghèo đang vay, nhưng số hộ nghèo vay vốn phát sinh trong quý I chỉ đạt 152 hộ. Dự kiến số nợ thu hồi trong thời gian tới cơ bản sẽ chuyển trả về tỉnh vì không có khách hàng vay”.
Chưa hoàn toàn yên tâm với số liệu của Yên Định và Hải Hậu, chúng tôi tìm đến một số địa bàn khác. Xóm 19, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) có 5 hộ nghèo thì có 4 là người già cô đơn không nơi nương tựa, gồm hộ bà Phạm Thị The (70 tuổi), Phạm Thị Khuê (74 tuổi), ông Nguyễn Văn Môn (78 tuổi), ông Nguyễn Văn Bao (70 tuổi). Cả 4 hộ trên khi được hỏi đều không biết vay vốn làm gì, vay không biết lấy gì trả (!). Hộ duy nhất còn lại là gia đình anh Nguyễn Văn Công thì người vợ bị bệnh tâm thần, bản thân anh Công cũng có vấn đề về sức khỏe, tâm lý, không thể sử dụng vốn vay hiệu quả (!). Tại xóm 15, xã Xuân Hồng, trong 14 hộ nghèo chỉ có 3 hộ có khả năng sử dụng vốn, 11 hộ còn lại thuộc diện hộ già cả neo đơn, người tàn tật. Xóm 21, xã Giao Thiện (Giao Thủy) có 29/178 hộ là hộ nghèo theo tiêu chí mới, tỷ lệ là trên 16%, cao so với trung bình của tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên số hộ thực có nhu cầu vay vốn và có thể sử dụng hiệu quả vốn vay hộ nghèo duy nhất chỉ có 1 hộ. Xóm Tiên, Đại Thắng (Vụ Bản) có 11/158 hộ nghèo, tỷ lệ là 6,9%. Đến nhà từng hộ suốt buổi sáng chúng tôi chỉ tìm được 2 hộ nghèo có câu trả lời: “Vâng chúng tôi muốn vay vốn và đã dự tính vốn để chăn nuôi, tăng thu nhập!”…
Từ nguồn vốn vay hộ nghèo 15 triệu đồng năm 2008, gia đình ông Hoàng Ngọc Diễn, xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực) đã thoát nghèo, hiện có vườn cây cảnh trị giá trên 100 triệu đồng.
Ảnh:
Hữu Quyết
|
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các tiêu chí và thực tế bình xét hộ nghèo theo tiêu chí mới diễn ra cuối năm 2010 vừa qua chủ yếu đưa đối tượng xã hội người già cô đơn, không nơi nương tựa và người tàn tật vào bình xét, ưu tiên bình xét hộ nghèo. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương vì bệnh thành tích nên khống chế tỷ lệ hộ nghèo. Cộng hưởng hai yếu tố này nhiều hộ nghèo bị đẩy ra diện cận nghèo để nhường chỗ cho đối tượng xã hội. Mức tiêu chí cao lên nhưng nhiều hộ đang nghèo lại thoát nghèo, nhiều hộ cận nghèo phải lên hộ trung bình. Mặc dù chủ trương đưa đối tượng xã hội là người già, neo đơn, người tàn tật vào diện hộ nghèo nhằm mục đích tốt là tăng thêm quyền lợi, sự chăm lo cho đối tượng này, nhưng trong điều kiện cụ thể, việc khống chế tỷ lệ nghèo sẽ ảnh hưởng tới công tác giảm nghèo. Thứ nhất đối tượng xã hội không đủ khả năng, điều kiện triển khai, và cũng không có nhu cầu tham gia các giải pháp giảm nghèo, thoát nghèo bằng vốn vay ưu đãi và dạy nghề miễn phí, phương cách làm ăn... Thứ hai sẽ chặn mất cơ hội vượt khó, thoát nghèo vươn lên của số hộ chưa thực sự thoát nghèo phải chuyển sang diện cận nghèo, vì không còn sự ưu đãi về vốn vay, học nghề, việc làm. Một số hộ đang là diện cận nghèo khi chuyển sang hộ trung bình cũng mất đi các chế độ ưu đãi. Việc thoát nghèo bền vững vì thế khó khăn hơn. Thống kê của NHCSXH tỉnh cho biết từ năm 2003 đến nay toàn tỉnh có 214.991 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền vay là gần 1.131 tỷ đồng. Đến 31-12-2010 còn 53.613 hộ dư nợ vốn hộ nghèo với tổng dư nợ đạt 542,6 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo của ngân hàng này, tổng vốn vay hộ nghèo của tỉnh hiện nay đạt 560 tỷ đồng. Tốc độ vay 3 tháng đầu năm chậm lại do số người muốn vay, đủ điều kiện vay và sử dụng vốn giảm. Nếu thu hồi vốn theo kiến nghị của NHNN và cho vay đúng tiêu chí đang thực hiện thì tỉnh ta sẽ chỉ còn khoảng trên 10 nghìn hộ vay vốn ưu đãi hộ nghèo, với số vốn khoảng từ 100 đến 150 tỷ đồng. Như vậy sẽ có trên 400 tỷ đồng, chiếm hơn 2/3 tổng vốn phải trả lại TW vì không dùng đến.
Nghịch lý là trong khi người nghèo không có nhu cầu vốn thì điều tra ở các địa bàn nói trên và các nguồn thông tin khác lại cho thấy hầu như 100% hộ cận nghèo là các hộ mới thoát nghèo, có tỷ lệ 7,8% dân số tương đương với 42.817 hộ lại đang rất cần vốn, “khát” vốn để tiếp tục vươn lên.
Đi tìm một giải pháp?
Ở kỳ trước, chúng tôi đã khẳng định nguy cơ tái nghèo của 490 hộ được trực tiếp thanh tra và hàng chục nghìn hộ cùng hoàn cảnh là cơ sở để NHNN xem xét lại kiến nghị thu hồi vốn vay hộ nghèo. Bây giờ, thực trạng về “tổn thất” hơn 400 tỷ đồng của nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo đang cận kề cũng là một yếu tố củng cố thêm cho đề xuất không nên thu hồi vốn đối với các hộ bị kiến nghị thu hồi. Số lượng vốn phải thu hồi tương đối lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng được bảo lưu hết thời hạn khế ước sẽ là giải pháp tình thế, trước mắt để tạo thêm cơ hội cho đối tượng vay vốn vươn lên về kinh tế, đồng thời bảo lưu nguồn vốn tại tỉnh để tìm ra một giải pháp toàn diện, lâu dài. Theo tìm hiểu, thực trạng cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo đối với hộ khó khăn, cận nghèo trong thời điểm kinh tế khó khăn không chỉ diễn ra ở riêng địa bàn tỉnh ta mà có ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, đến nay chưa có địa phương nào tiến hành thu hồi vốn nhằm gia tăng điều kiện an sinh, đẩy mạnh hiệu quả giảm nghèo và chống tái nghèo tại địa phương. Lạm phát tác động trực tiếp và lớn nhất đến đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp trong xã hội. Trong điều kiện kinh tế của tỉnh ta còn khó khăn, lao động nông nghiệp, nông thôn là chủ yếu thì vốn vay ưu đãi hộ nghèo có giá trị quan trọng trong giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở thời điểm khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của cả nước tuy tăng chậm lại, nhưng vẫn ở mức 2,21% so với tháng trước.
Về lâu dài, dứt khoát đòi hỏi phải có phương án không chỉ đảm bảo mà còn phải tăng trưởng nguồn vốn có vai trò quan trọng này. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Trong vai trò là đơn vị thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ổn định xã hội, chúng tôi đồng tình với việc bảo lưu, thậm chí gia tăng nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo hiện nay. Nhưng để đạt được kết quả này, đề nghị UBND tỉnh cần có kiến nghị với Chính phủ mở rộng đối tượng vay đến hộ cận nghèo, hộ khó khăn và kể cả hộ gặp thiên tai, tai nạn đột xuất”. Đối với kiến nghị của NHNN về tăng cường hiệu quả quản lý vốn hộ nghèo được cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, Giám đốc NHCSXH tỉnh đồng tình với việc sửa đổi Điểm 2 Văn bản 729/HĐQT-TB của Hội đồng Quản trị NHCS Việt Nam theo hướng NHCSXH trước khi giải ngân có trách nhiệm thẩm định lại danh sách hộ nghèo và nếu được bổ sung thêm sẽ gồm cả hộ cận nghèo do UBND xã phê duyệt theo chuẩn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định. Để thực hiện điều này, NHCSXH tỉnh đề nghị được bổ sung, tăng cường thêm cán bộ vì hiện nay toàn bộ hệ thống chỉ có 114 người, đang phải quản lý 7 loại hình cho vay có tổng vốn lên tới 1.703 tỷ đồng, với hàng nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn, có mặt trên khắp các thôn xóm, tổ dân phố toàn tỉnh. Cũng về vấn đề bảo toàn, nâng cao nguồn vốn hộ nghèo, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Giao Thủy, Phạm Văn Nam đồng tình mở rộng đối tượng cho vay đến hộ cận nghèo, bổ sung kiến nghị với tỉnh và các địa phương cần có biện pháp hạn chế tối đa hiện tượng bệnh thành tích, khống chế tỷ lệ hộ nghèo trong bình xét, phê duyệt hộ nghèo hàng năm. Thực tế cho thấy việc khống chế tỷ lệ hộ nghèo chỉ được thành tích nhưng mất rất nhiều hỗ trợ có giá trị cho cả người nghèo và kinh tế địa phương. Đồng thời, nếu được mở rộng cho vay đến đối tượng cận nghèo thì phải có quy chế xử lý trường hợp UBND cấp xã xác nhận sai đối tượng được vay vốn ưu đãi hộ nghèo để tránh lạm dụng, trục lợi từ nguồn vồn này. Đồng chí Phạm Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cho rằng: cùng với mở rộng vốn ưu đãi đến hộ cận nghèo thì việc bình xét hộ nghèo nên tách biệt hộ, đối tượng xã hội riêng, có cơ chế ưu đãi đặc thù, vì khi đưa đối tượng này vào, sự ưu đãi họ được tiếp cận tăng không đáng kể, hoặc do đặc thù đối tượng ít tiếp cận được với các cơ chế ưu đãi nhưng ảnh hưởng của họ lại tác động trực tiếp đến hiệu quả chung của các chính sách giảm nghèo.
Ngoài vấn đề nêu trên, lãnh đạo các cấp chính quyền cơ sở và người dân khi tiếp xúc với chúng tôi có nhiều ý kiến đóng góp nhằm tăng hiệu quả của nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo. Nổi bật là đề nghị cần có quy định cụ thể tạo cơ chế mở cho hoạt động của nguồn vốn vay về thời gian và đối tượng vay, để không chỉ thực hiện giảm nghèo mà còn có thể chống tái nghèo. Cụ thể là từ thực tế hiệu quả của vốn vay thời điểm giữa năm 2009 cho các hộ không có tên trong danh sách nghèo vừa được thanh tra NHNN kiến nghị thì nên có quy định để vốn vay này tiếp cận được các hộ gặp thiên tai, bệnh dịch, tai nạn đột xuất có nguy cơ trở lại hộ nghèo, cận nghèo. Nhưng việc vay vốn phải thông qua đánh giá, bình bầu của khu dân cư và các thành viên tổ vay vốn, được công khai danh sách để đảm bảo tính khách quan. Không nhất thiết phải đợi đến đợt bình xét hộ nghèo, cận nghèo cuối năm mới triển khai. Trách nhiệm của tổ vay vốn và chính quyền địa phương trong việc phối hợp với NHCSXH trong cho vay, theo dõi sử dụng vốn vay và đặc biệt là thu nợ, xử lý nợ xấu cần được nâng cao, có chế tài ràng buộc và xử lý cụ thể, tránh tình trạng “khi vay thì hớn hở, vỡ lở tìm không ra”. Đối với NHCSXH, cùng với kiểm soát chặt chẽ chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ, cần có chương trình, nội dung tập huấn, đào tạo, chuyển giao chuyên môn đến các tổ vay vốn để bảo đảm cao nhất hiệu quả cho vay…
Từ một kiến nghị của thanh tra NHNN đã thấy không ít những bất cập trong việc cho hộ nghèo vay vốn, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị về nguồn vốn vay hộ nghèo nói riêng, hiệu quả công tác giảm nghèo của tỉnh ta nói chung. Mong rằng những ý kiến, nội dung ghi được từ cơ sở trên đây sẽ được lưu ý, quan tâm và có thể đóng góp hữu ích vào thực tế./.
Hoàng Long