Hoạt động xuất khẩu vẫn còn khó khăn

08:05, 04/05/2011

Tỉnh ta có 94 làng nghề CN-TTCN, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng đã và đang có sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Sản phẩm nông, ngư nghiệp phát triển đa dạng theo hướng sản xuất hàng hoá với sản lượng lương thực hàng năm đạt gần 950 nghìn tấn, ngoài tiêu dùng trong tỉnh có thể cung cấp hơn 400 nghìn tấn gạo tám thơm, gạo nếp, gạo chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Mỗi năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 110 nghìn tấn, sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng đạt gần 90 nghìn tấn, cùng hơn 100 nghìn tấn sản phẩm cây vụ đông, 400 nghìn tấn rau quả các loại là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu của tỉnh có những bước tăng trưởng khá. Giai đoạn năm 2006-2010, giá trị hàng hoá xuất khẩu của tỉnh tăng bình quân 11,71%/năm, riêng năm 2010 đạt hơn 253 triệu USD, tăng 11,77% so với cùng kỳ, vượt 10,21% kế hoạch năm. Các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh ngày càng đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực như: dệt may, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giữa các ngành hàng không đồng đều, trong đó dệt may vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu (hàng năm xuất khẩu hàng dệt may chiếm từ 77-80% tổng giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh). Năm 2006-2010, giá trị xuất khẩu một số mặt hàng giảm như: tôm đông lạnh giảm bình quân 3,01%/năm; hàng thủ công mỹ nghệ giảm 4,3%/năm; khăn các loại giảm 1,04%/năm; gang đúc giảm 7,83%/năm. Riêng năm 2010, xuất khẩu thịt đông lạnh chỉ đạt 72,75%, giảm gần 6% so với năm 2009, tôm đông lạnh đạt 72% kế hoạch cả năm. Sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu mỗi năm đạt 600-700 tấn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng rau quả của tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Công thương, nguyên nhân khiến một số mặt hàng xuất khẩu trong tỉnh thời gian qua đạt tốc độ tăng trưởng chưa cao so với mục tiêu đề ra là do hoạt động xuất khẩu vẫn chịu ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế thế giới. Ngoài hàng dệt may, các mặt hàng khác như: thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực thực phẩm, hàng nông sản, thuỷ sản, cơ khí… chủ yếu mới ở dạng gia công và sơ chế. Đa số các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ nên hạn chế về nguồn nhân lực, vốn, thiết bị công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trực tiếp mà chủ yếu phải xuất khẩu uỷ thác qua các đơn vị trung gian, lợi nhuận thu được của doanh nghiệp không cao, không có cơ hội tiếp cận trực tiếp với thị trường và khách hàng. Hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp về phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh… Xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản và nông sản thực phẩm chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng chế biến còn chậm, cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là sơ chế nên hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa tích cực phát triển xuất khẩu những mặt hàng mới có đóng góp kim ngạch cao. Việc quy hoạch vùng rau màu tập trung phục vụ chế biến xuất khẩu chưa ổn định và có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cây dưa chuột bao tử, một trong những loại cây cho thu nhập cao nhất trong các cây vụ đông, khoảng trên 100 triệu đồng/ha giảm mạnh tại các HTX có truyền thống như Minh Thành, Minh Tân, Duy Tân (Vụ Bản), Nghĩa Hồng, Nghĩa Hoà (Nghĩa Hưng)… Đồng chí Bùi Quang Cảnh, giám đốc Cty cổ phần xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Nam Định cho biết: Khó khăn nhất đối với xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay giá nguyên liệu tăng cao, mẫu mã sản phẩm chưa thực sự phong phú và chưa có tính cạnh tranh; một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Pháp, Đức bị thu hẹp do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế; sản phẩm thủ công mỹ nghệ được đặt gia công hoặc thu gom từ nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất nên còn hạn chế về sự đồng đều, việc theo dõi, quản lý chất lượng hàng hoá gặp không ít khó khăn do phải thường xuyên thay đổi về mẫu mã, kiểu dáng. Không chỉ ở Cty cổ phần xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Nam Định mà hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh chưa chủ động trong sáng tạo mẫu mã mới, sản xuất chủ yếu dựa theo đơn đặt hàng. Riêng mặt hàng rau, củ, quả chế biến, mặc dù không gặp phải khó khăn do thị trường nhưng hiện tại thiếu nguyên liệu. Mặc dù Cty vẫn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đối với những HTX ký kết trồng cây nguyên liệu xuất khẩu cho Cty như hỗ trợ một phần chi phí tiền giống, nhận bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ với giá cả hợp lý nhưng diện tích vẫn giảm rõ rệt. Để chủ động nguồn nguyên liệu, ngoài các HTX trong tỉnh, hiện nay Cty đã ký hợp đồng với một số xã tại các tỉnh Thanh Hoá, Bắc Giang, Hà Nam, phấn đấu mở rộng diện tích trồng cây dưa chuột xuất khẩu trong vụ đông năm 2011 lên 60ha, vụ xuân năm 2012 lên 30-40ha; tiếp tục cải tiến mẫu mã, đa dạng hoá mặt hàng thủ công mỹ nghệ… Trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản và thịt đông lạnh, nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng giảm trong thời gian gần đây là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến không ổn định. Việc khai thác, mở rộng thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái. Kinh tế thủy sản phát triển chưa đều, nuôi trồng thuỷ sản tuy có bước phát triển khá song còn chậm và chưa ổn định, diện tích nuôi quảng canh lớn. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản và thịt đông lạnh xuất khẩu thiết bị công nghệ còn lạc hậu, thiếu vốn để đổi mới đồng bộ chưa đủ khả năng cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường. Toàn tỉnh hiện có trên 20 doanh nghiệp và gần 20 HTX thu mua, chế biến hải sản nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ thiết bị hạn chế, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao, giá trị gia tăng thấp. Năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi chưa cao, công tác tiêm phòng dịch bệnh chưa được thực hiện tốt, giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng cao… khiến nhiều người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư. Một số dự án nâng cấp, đầu tư, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu triển khai chậm so với kế hoạch như dự án xây dựng nhà máy chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu thuỷ sản của Cty TNHH thuỷ sản Hà Lan tại CCN An Xá… Toàn tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm thịt đóng hộp, chủ yếu vẫn là sơ chế.

Quý 1 năm 2011, giá trị hàng hoá xuất khẩu của tỉnh đã có những tín hiệu vui khi đạt 50 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng những năm trước gặp khó khăn, có xu hướng giảm đã tăng trưởng khá như tôm đông lạnh tăng 14,29%, khăn các loại tăng 7,31%, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 4,36%... Kết quả đó là do các cấp, các ngành đã tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu của Chính phủ theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ, miễn giảm, giãn thuế, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới… Các doanh nghiệp cũng chủ động điều chỉnh lại chiến lược sản xuất, kinh doanh, đổi mới thiết bị công nghệ, cơ cấu sản phẩm. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, ngoài các cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước và của tỉnh, các doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu nguyên liệu, sản xuất, chế biến, đặc biệt là các mặt hàng có nhiều tiềm năng như nông sản thực phẩm, thuỷ sản… theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, chú trọng công tác bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, tiến tới xuất khẩu trực tiếp… để tăng giá trị xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế./.

Thuỷ  Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com