Hiệu quả bước đầu từ Đề án 1816

07:05, 09/05/2011

Năm 2008, tỉnh ta triển khai thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn từ tuyến trên luân phiên về hỗ trợ tuyến dưới. Qua hơn 2 năm thực hiện, Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến dưới, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên... 

Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thái Hà, cán bộ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.  Bài và ảnh: Minh Thuận
Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thái Hà, cán bộ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

1. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện…

Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh ta đã tiếp nhận 35 lượt cán bộ, thầy thuốc của các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Ung bướu, Viện Bỏng, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương… về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đội ngũ cán bộ y tế các bệnh viện tuyến Trung ương đã thực hiện hỗ trợ ở nhiều chuyên ngành, như: ngoại, chấn thương, lọc máu, thần kinh, hồi sức cấp cứu, nội tổng hợp, phục hồi chức năng, ung bướu và mắt; chuyển giao các kỹ thuật điều trị phẫu thuật nội soi, sốc bỏng, truyền nhiễm, vi sinh, thần kinh; các phẫu thuật ung thư, kỹ thuật cắt bỏ hoại tử, ghép da điều trị bỏng sâu… theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, phương pháp điều trị tiên tiến rất hiệu quả, góp phần giảm bớt số lượng người bệnh phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Trong 2 năm (2009-2010), tổng số lượt người bệnh điều trị nội trú, điều trị ngoại trú đạt và vượt kế hoạch rất cao song số ngày điều trị trung bình giảm. Bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới áp dụng vào KCB, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống, số bệnh nhân được phẫu thuật bằng các kỹ thuật mới ở nhiều chuyên khoa tăng gấp 5-7 lần so với những năm trước và không xảy ra tai biến. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, trong 2 năm đã tiếp nhận các cán bộ của Viện Châm cứu Trung ương và Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương về hỗ trợ kỹ thuật. Các kỹ thuật được chuyển giao bao gồm: kỹ thuật điện châm, đại trường châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi… kết hợp với việc điều trị một số bệnh khó và các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền (YHCT). Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thái Hà (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) được tăng cường về Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã chuyển giao phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống bằng phương pháp bảo tồn theo YHCT; chuyển giao phác đồ cấp cứu để giúp bệnh viện triển khai thực hiện khám, điều trị ban đầu cho bệnh nhân, đồng thời đề xuất trang bị thêm máy kéo dãn cột sống cho bệnh viện… Nhờ đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính đã được khám, điều trị theo các kỹ thuật được chuyển giao đạt kết quả khả quan”.

Cùng với việc tiếp nhận cán bộ từ các bệnh viện Trung ương về hỗ trợ, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng cử cán bộ có chuyên môn giỏi về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hỗ trợ hầu hết các bệnh viện tuyến huyện theo yêu cầu. Bệnh viện Phụ sản tỉnh hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Vụ Bản, Mỹ Lộc, Trực Ninh và Thành phố Nam Định. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh về hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình. Tại các bệnh viện, các cán bộ y tế đã được chuyển giao, hỗ trợ các kỹ thuật tiên tiến; nhờ đó, trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành của thầy thuốc ở các bệnh viện tuyến huyện được nâng lên. Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện cũng thực hiện luân chuyển cán bộ về các trạm y tế xã căn cứ vào yêu cầu thực tế tại các địa phương; chuyển giao kỹ thuật, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cán bộ. Bên cạnh đó, cán bộ luân chuyển đã KCB trực tiếp tại chỗ cho nhiều lượt bệnh nhân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Năm 2010, số ca bệnh trong toàn tỉnh phải chuyển lên tuyến trên giảm 30% so với năm 2009.

2. Những khó khăn cần khắc phục

Việc triển khai Đề án 1816 đang là cơ hội tốt để các bệnh viện tuyến cơ sở nâng cao kỹ thuật chuyên môn, chất lượng KCB. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc thực hiện đề án là lực lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ giỏi của các bệnh viện còn thiếu nên nếu các khoa, phòng cử bác sỹ đi tăng cường dài ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám, điều trị bệnh tại chỗ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ để thực hiện kỹ thuật, đặc biệt là tại các bệnh viện, trạm y tế cơ sở còn thiếu nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng chuyển giao kỹ thuật khám, điều trị. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cán bộ tuyến trên muốn chuyển giao kỹ thuật kéo dãn cột sống nhưng bệnh viện lại không có máy. Việc Bệnh viện Y học cổ truyền muốn chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới cũng gặp những khó khăn tương tự. Mặt khác, do chế độ tài chính hỗ trợ còn thấp, cán bộ được cử đi công tác chưa an tâm…

Để việc triển khai đề án hiệu quả hơn trong thời gian tới, các bệnh viện đang thực hiện đề án cần phối hợp với các bệnh viện tuyến trên, chủ động lựa chọn và đề xuất nội dung kỹ thuật chuyển giao sát với thực tế và phù hợp với năng lực đội ngũ cán bộ của bệnh viện. Thực hiện nghiêm việc khảo sát đánh giá, xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyển giao công nghệ kỹ thuật, phát hiện nhu cầu nhân lực, xây dựng kế hoạch đào tạo tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho cơ sở KCB ở tuyến dưới. Bởi nếu chọn cán bộ chưa đủ năng lực, trình độ tiếp nhận việc chuyển giao, thì các bác sĩ giỏi có về cũng khó có thể “cầm tay chỉ việc”. Từ thực tế kinh nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, trước khi cử cán bộ thực hiện tăng cường cho các bệnh viện tuyến dưới, Bệnh viện đã đi khảo sát trực tiếp tại các cơ sở, qua đó xây dựng kế hoạch để chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ phù hợp. Điều này đã mang lại hiệu quả cao khi thực hiện Đề án 1816. Về vấn đề này, kinh nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng cho thấy: nhu cầu tăng cường bác sỹ làm công tác KCB thường xuyên cho các trạm y tế là không cần vì 100% trạm y tế các xã, thị trấn của huyện đều đã có bác sỹ. Sau khi khảo sát thực tế, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng đã yêu cầu các trạm y tế đăng ký các kỹ thuật cần chuyển giao, cử cán bộ kiểm tra các trạm y tế còn yếu về kỹ thuật nào thì đề nghị trạm trưởng ghi vào phiếu đề xuất, sau đó tập hợp các đề xuất, mở hội nghị với các khoa, phòng có liên quan để bệnh viện bố trí cán bộ các khoa, phòng hỗ trợ theo nhóm kỹ thuật của các chuyên khoa. Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án 1816 tại các trạm y tế huyện Nghĩa Hưng, các lĩnh vực như sản khoa, cấp cứu ban đầu… tại các trạm y tế đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy đạt được những kết quả ban đầu song Đề án 1816 vẫn chỉ là một giải pháp mang tính tình thế đối với vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Y tế. Việc cán bộ tuyến trên giúp tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cũng chỉ là cách đào tạo ngắn hạn, theo hướng "cầm tay chỉ việc", trong khi nhiều kỹ thuật phức tạp đòi hỏi trình độ, khả năng tiếp thu của người tiếp nhận cao và phải được đào tạo bài bản. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ vẫn là vấn đề then chốt để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành Y tế hiện nay. Các cấp, các ngành chức năng cần xác định rõ trách nhiệm của mình thông qua việc xây dựng các chính sách phù hợp, đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực y tế, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đủ tâm, đủ tầm để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com