Những lớp vữa trát tường bong tróc loang lổ, trơ gạch và cốt sắt, những chiếc cầu thang nhỏ, hẹp, sứt mẻ, tay vịn lung lay hoặc bị mất, đường ống thoát nước sinh hoạt, nước thải rò rỉ, những hố ga, cống rãnh mất nắp bốc mùi hôi khó chịu, hệ thống dây điện chằng chịt… là tình trạng ở nhiều ngôi nhà thuộc các khu chung cư cao tầng trên địa bàn Thành phố Nam Định. Sự xuống cấp nghiêm trọng của những ngôi nhà này đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của hơn 1.200 hộ dân đang sinh sống tại đây, nhất là trong mùa mưa bão.
Chung cư 3 tầng đường Phan Bội Châu (TP Nam Định) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. |
Phường Năng Tĩnh là một trong những địa bàn có nhiều khu chung cư cao tầng của Thành phố Nam Định gồm: Chung cư 2 tầng tập thể Điện, chung cư 2 tầng Quân khu A, chung cư 3 tầng đường Trần Huy Liệu với trên 200 hộ (gần 1.000 nhân khẩu) sinh sống. Theo phân loại của UBND phường, trong đó nhà ở của 132 hộ xếp vào diện nhà nguy hiểm, nhà ở của 20 hộ thuộc diện nhà đặc biệt nguy hiểm. Do được xây dựng từ những năm 1960, chịu tác động của thời tiết, chiến tranh cùng với việc không được tu sửa, cải tạo nên nhiều khu chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại chung cư 2 tầng thuộc tập thể Điện và Quân khu A, nhiều nhà mái đã võng, mục nát, dui mè bị mối mọt, tường nhà bong, tróc vữa áo cả bên trong và bên ngoài, cầu thang vỡ, sứt mẻ, tay vịn hầu như không còn. Khu chung cư 3 tầng đường Trần Huy Liệu cũng trong tình trạng tương tự, nhiều nơi cống vỡ, tắc, ứ đọng, hố ga mất nắp bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường. Anh Trần Ngọc Bình, tổ phó tổ dân phố số 1, phường Năng Tĩnh cho biết, hiện nay tổ dân phố số 1 có 86 hộ gồm 280 nhân khẩu. Do kinh tế khó khăn nên các hộ thường sửa tạm bợ, chắp vá. Vào những ngày mưa, gió to, nhiều nhà trên tầng 3 bị dột, phải che chắn bằng ni lông. Nhiều cửa thông gió, nhà tắm, nhà vệ sinh công cộng bị hỏng, mất cánh, sân và hành lang tầng 1 thường bị ngập úng sau mỗi trận mưa. Theo thiết kế, mỗi căn hộ có diện tích 16m2, chiều cao 3,2m; cứ 4 hộ sử dụng chung một nhà bếp, 8 hộ chung hai nhà vệ sinh, hai nhà tắm… tất cả đều đã xuống cấp. Chúng tôi tới căn hộ của gia đình bác Phạm Văn Sản, số nhà 312, khu chung cư 3 tầng đường Trần Huy Liệu. Căn hộ chỉ 16m2 nhưng hiện vẫn là nơi sinh sống của 7 người. Mọi đồ đạc trong nhà đơn giản, dù đã được sắp xếp, bố trí khá hợp lý nhưng vẫn chật chội. Theo bác Sản, sự chật chội thì khắc phục được, nhưng đáng ngại hơn cả là sự thiếu an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Không ít lần khi đang ngồi, vữa trên tường rơi xuống cả mảng. Khu chung cư 5 tầng ở phường Trần Đăng Ninh được xây dựng từ năm 1970-1975 ngoài các dãy nhà ở tầng 1 được nhiều hộ cải tạo, tu sửa, các tầng còn lại tường bị bong tróc hết lớp vữa nên trơ lại cốt gạch, không ít chỗ rạn nứt. Tay vịn cầu thang từ lâu không còn phát huy tác dụng khi nứt, vỡ, trơ lại lõi thép han gỉ. Để tận dụng diện tích, một số hộ đã tự cơi nới ra ban công dựng nhà bếp, nhà tắm, thậm chí cả phòng ở bằng những tấm tôn, phên, liếp. Nhiều bộ cửa sổ cánh tung gần hết, chắp vá bằng những tấm gỗ, cót ép. Bác Nguyễn Thị Giang, số nhà 4, E16, chung cư 5 tầng đường Trần Đăng Ninh cho biết, gia đình bác ở đây từ năm 1979. Mấy năm gần đây, căn hộ của gia đình bác cũng như những hộ xung quanh luôn trong tình trạng “báo động”. Vào những ngày mưa, gió to hoặc có bão, nhiều gia đình có người già, trẻ em phải “sơ tán” sang nhà anh em, họ hàng, những người ở lại hầu như cả đêm không ngủ. Cùng chung nỗi lo đó là gia đình bác Trần Xuân Chi ở khu nhà bảo quản 2 tầng, đường Phan Đình Giót, phường Năng Tĩnh. Khu nhà bác đang ở gồm 4 hộ, với hơn 20 người đang sinh sống nhưng đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Riêng nhà 207 Hoàng Văn Thụ, theo hồ sơ quản lý được xây dựng từ năm 1940, tổng diện tích 560m2 đã bị hư hỏng nặng nhưng hiện vẫn có 25 hộ với 98 người sinh sống, trong đó 9 hộ ở tầng 1, 9 hộ ở tầng 2 và 7 hộ ở tầng 3.
Theo thống kê của Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà ở Nam Định, trên địa bàn Thành phố hiện có 29 khu nhà chung cư cao tầng cũ thuộc diện Nhà nước quản lý, gồm 3 khu nhà 5 tầng, 1 khu nhà 4 tầng, 12 khu nhà 3 tầng, còn lại là nhà 2 tầng; trong đó có 1.902 hộ với gần 8.000 nhân khẩu đang sinh sống. Các khu nhà này thuộc địa bàn các phường: Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Năng Tĩnh, Bà Triệu, Cửa Bắc, Nguyễn Du. Trong tổng số 29 khu nhà chung cư cao tầng cũ, có 17 khu nhà được xây dựng sau năm 1970, 12 khu nhà xây dựng từ những năm 1914-1954. Những khu nhà xây dựng trước khi hoà bình lập lại hầu hết có kết cấu tường gạch, sàn gỗ hoặc gạch, mái ngói, dầm chịu lực bằng gỗ đã hết hạn sử dụng từ nhiều năm nay, như khu nhà 2 tầng số 1, 2, 3 Quân khu A, phường Năng Tĩnh. Do thời gian xây dựng quá lâu lại bị ảnh hưởng của chiến tranh nên các khu nhà này đã bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Để bảo đảm tính mạng, tài sản cho các hộ dân sống trong các nhà cao tầng cũ trong mùa mưa bão, UBND Thành phố Nam Định đã chỉ đạo UBND các phường, Cty cổ phần Kinh doanh nhà ở Nam Định chủ động xây dựng phương án bảo vệ dân trong mùa mưa bão như tự di chuyển sang nhà anh em, những gia đình có nhà kiên cố hoặc các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, trụ sở UBND phường gần đó. Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Năng Tĩnh cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của thành phố về việc bảo đảm an toàn về người và tài sản cho các hộ gia đình thuộc diện nhà nguy hiểm trong mùa mưa bão, UBND phường đã rà soát và có phương án di dời chi tiết, cụ thể đối với từng hộ. Cụ thể là các hộ thuộc khu 3 tầng đường Trần Huy Liệu, khu 2 tầng Quân khu A, khu 2 tầng tập thể Điện di dời về Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu và Trường THCS Lý Thường Kiệt; các hộ ở tổ dân phố 30 thuộc Đông An 1 di dời về Trường THPT Nguyễn Huệ.
Việc di dời dân tại những hộ ở khu chung cư cao tầng cũ, nguy hiểm khi có mưa bão đã được UBND Thành phố, các phường, các tổ dân phố chủ động nhiều phương án. Tuy nhiên, số hộ có tên trong danh sách phải di dời vẫn không nhiều so với tổng số hộ dân đang sống trong các khu chung cư cao tầng cũ. Tại phường Trần Đăng Ninh có gần 800 hộ đang sinh sống tại các khu chung cư cao tầng cũ nhưng chỉ có gần 60 hộ thuộc diện phải di dời. Các hộ ở tổ dân phố 25, 26, 27 mặc dù có nhiều nhà đã xuống cấp, nhiều gia đình có người già và trẻ em nhưng không tự giác đăng ký hoặc do tổ dân phố chưa rà soát đầy đủ. Giải pháp di dân, tự chằng buộc nhà cửa… chỉ là phương án mang tính đối phó. Đề nghị các cấp, các ngành chức năng cần sớm có các giải pháp hữu hiệu như sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới các khu chung cư quá cũ, không bảo đảm an toàn. Trong khi chờ các giải pháp hiệu quả từ các cơ quan chức năng, các hộ dân cần nâng cao ý thức tự giác, tránh cơi nới, sửa chữa gây mất an toàn và chấp hành nghiêm các quy định của chính quyền địa phương khi có mưa bão xảy ra./.