Các doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu

08:05, 13/05/2011

Trong nền kinh tế toàn cầu hoá, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề và rào cản thương mại của các nhà nhập khẩu ngày càng gay gắt, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận và giữ vững được thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu. Tại tỉnh ta, hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nên gặp nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực chất lượng cao và phải đối mặt với sự chồng chéo, rườm rà xung quanh các thủ tục xuất khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và hàng trăm cơ sở xuất khẩu uỷ thác. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu, ổn định thị trường, các sản phẩm chủ lực như dệt may, thủ công mỹ nghệ, nông sản... tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mức độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2001-2010 đạt 15%/năm; riêng năm 2010 đạt 253,3 triệu USD. 4 tháng đầu năm 2011, giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 69 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh lạm phát, suy giảm kinh tế thế giới, đạt được kết quả trên là do sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Kiểm tra thành phẩm trước khi xuất khẩu ở Cty Gỗ mỹ nghệ cơ khí đúc xuất khẩu và xây dựng-Amiexco, xã Yên Tiến (Ý Yên).
Kiểm tra thành phẩm trước khi xuất khẩu ở Cty Gỗ mỹ nghệ cơ khí đúc xuất khẩu và xây dựng-Amiexco, xã Yên Tiến (Ý Yên).

Trong khối doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may (mặt hàng chủ lực chiếm tỷ trọng gần 80% trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh) hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng biện pháp tiếp cận trực tiếp với thị trường. Theo đồng chí Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Cty cổ phần may Nam Hà, để tiếp cận, giữ vững thị trường xuất khẩu, Cty luôn nỗ lực hoàn thiện và nâng cao uy tín trên thương trường, ưu tiên sử dụng lợi nhuận để đầu tư, phát triển hệ thống thiết bị máy móc hiện đại và áp dụng các tiêu chuẩn quy định trong quản lý, sản xuất. Cán bộ, công nhân viên Cty thực hiện chương trình 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và chương trình TPM với 5 mục tiêu nhằm nâng cao hiệu suất lao động, vận hành sử dụng trang thiết bị an toàn... Cty đã thực hiện các biện pháp ổn định nguồn nhân lực chất lượng cao, như điều chỉnh mức lương, bán cổ phần cho người lao động. Nhờ đó, cán bộ, công nhân viên Cty yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cty giao hàng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Mức tăng trưởng của Cty năm 2010 trên 25% so với năm 2009. Cty cổ phần may Sông Hồng nỗ lực đầu tư mở rộng quy mô và chất lượng sản xuất. Đến nay, Cty đã đưa vào hoạt động 15 xưởng may với 6.000 công nhân có tay nghề và đang tiếp tục đầu tư 4 xưởng may mới, dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2013. Cty chủ động tạo dựng uy tín, thương hiệu bằng cách khẳng định chất lượng sản phẩm thông qua sự đánh giá của các chuyên gia kiểm định chất lượng quốc tế và ghi nhận chất lượng sản phẩm thông qua các chứng chỉ quốc tế như ISO 9001:2000; WRAP, SA8000. Nhờ đó, những năm gần đây Cty liên tục được bình chọn là một trong 10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiêu biểu và trở thành đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn và thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Columbia Sports Wear, Gap, New York&Company, Mango, H&M, Marks Spencer... Trong khối doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Cty gỗ mỹ nghệ cơ khí đúc xuất khẩu và xây dựng-Amiexco, xã Yên Tiến (Ý Yên) được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu về tiếp cận thị trường. Ngay trong giai đoạn đầu tham gia sản xuất, nhận thấy tiềm năng xuất khẩu của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tre nứa ghép, mây tre đan, sơn dầu, sơn mài, đồ gỗ chạm trổ, Cty đã mạnh dạn mang sản phẩm mẫu sang trưng bày tại hội chợ quốc tế tổ chức tại Đức. Sản phẩm của Cty được đánh giá cao và nhận được nhiều hợp đồng của các thị trường Đức, Pháp, Italia, Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan...

Từ các doanh nghiệp tiêu biểu về xuất khẩu có thể nhận thấy để tiếp cận, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, hầu hết các doanh nghiệp đều tuân thủ nguyên tắc: tự cải tổ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; nâng cao uy tín, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu đã nâng cao trình độ thâm nhập thị trường, chủ động điều chỉnh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, vượt qua rào cản thương mại, tham gia các khoá đào tạo, tập huấn các kỹ năng phục vụ hoạt động xuất khẩu như xây dựng, phát triển thương hiệu, lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp, thực hành thương mại điện tử.

Để tiếp tục nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu, thời gian tới các doanh nghiệp mong các ngành chức năng kịp thời hỗ trợ cung cấp thông tin và chính sách về hoạt động xuất khẩu, nhất là trong những thời điểm thị trường có nhiều biến động. Căn cứ điều kiện thực tế của các doanh nghiệp để hỗ trợ tổ chức các đoàn khảo sát, tìm kiếm mở rộng thị trường; tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham dự các hội chợ triển lãm có uy tín, chất lượng trong và ngoài nước. Tăng cường các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu quy mô vùng cho các mặt hàng có điều kiện phát triển mạnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com