Dự án đầu tư của Vinashin tại Nam Định - Cần sớm có lời giải?

08:04, 29/04/2011

Tỉnh luôn sát cánh với nhà đầu tư !

Từ khi Cty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh có dấu hiệu khó khăn, tỉnh vẫn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp này tìm cơ hội trở lại vai trò nhà đầu tư. Hầu hết các dự án của Cty đều chậm tiến độ, thậm chí một vài dự án đã hết thời hạn đầu tư xây dựng, phải đi vào sản xuất kinh doanh nhưng đến nay tỉnh chưa thu hồi đất, thu hồi giấy phép đầu tư dự án nào. Các cuộc điều đình của Cty về thuế, vốn vay với các tổ chức tín dụng cũng được tỉnh tham dự, giúp đỡ... Tuy nhiên, với số lượng và quy mô của các dự án quá lớn mà khả năng thực thi không hiệu quả đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh nên đã đến lúc không thể chậm trễ hơn cho việc đưa ra lời giải cho những dự án này.

Với động thái kiên quyết, ngày 15-3-2011, các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các ngành chức năng của tỉnh đã làm việc với lãnh đạo Vinashin và Cty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh để đưa ra biện pháp giải quyết các dự án chậm tiến độ của Cty trên địa bàn tỉnh. Sau khi nghe Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin trình bày thực trạng khó khăn trong thời kỳ tái cơ cấu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định quan điểm: Bằng nhiều cách, các dự án của Vinashin, Cty Hoàng Anh trên địa bàn tỉnh phải được triển khai trong thời gian sớm nhất. Để thực hiện hiệu quả Quyết định số 2108/QĐ-TTg ngày 18-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu Vinashin cũng như Cty Hoàng Anh vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, UBND tỉnh sẽ đồng hành bằng hành động cụ thể đối với việc thực hiện các giải pháp mang tính sống còn của Vinashin và Hoàng Anh. Với sự hiểu biết, đồng cảm, hai bên đã thống nhất giải pháp sẽ chuyển nhượng, rút vốn một số dự án cho nhà đầu tư khác để lấy kinh phí thực hiện các dự án còn lại. Kèm theo đó, Cty Hoàng Anh sẽ phải sắp xếp lại bộ máy tổ chức, thậm chí xây dựng lại bằng thương hiệu mới để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án cũng như thực hiện sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Căn cứ nội dung của Đề án tái thiết Vinashin và tình hình thực tế, UBND tỉnh đã đồng ý với đề nghị của Tập đoàn Vinashin sẽ giữ lại nhà máy đóng tàu Thịnh Long I vì mức độ thực hiện dự án lớn, đồng thời là trọng tâm sản xuất, hoạt động của Tập đoàn sau khi thực hiện tái cơ cấu. Đồng thời sẽ xem xét điều kiện, diễn biến triển khai Khu kinh tế Ninh Cơ để giữ lại các dự án nhà máy đóng tàu trong khu vực này. Đối với dự án nhà máy cấu kiện bê tông Hoàng Anh có công suất 600 nghìn m3/năm, đã thực hiện đầu tư đạt 85%, nếu bảo đảm hiệu suất hoạt động, UBND tỉnh sẽ có cơ chế để nhà máy hoạt động hiệu quả như sẽ không cấp phép cho dự án cùng loại vào địa phương cạnh tranh (trong thời hạn nhất định), hỗ trợ về tìm kiếm đầu ra sản phẩm, đào tạo lao động... Đối với các dự án còn lại sẽ tiếp tục xem xét tính khả thi trong chuyển nhượng hay giữ lại.

Dự án nhà máy kết cấu thép Hoàng Anh là một trong số các dự án cần sớm chuyển nhượng, rút vốn.
Dự án nhà máy kết cấu thép Hoàng Anh là một trong số các dự án cần sớm chuyển nhượng, rút vốn.

Ngay từ giữa tháng 3-2011, các hoạt động cụ thể hoá quan điểm của tỉnh với Tập đoàn Vinashin và Cty Hoàng Anh đã được thể hiện rõ nét. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyển, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Tiến độ triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung là dự án cần triển khai hoàn thành đầu tiên để làm căn cứ thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh hoạt động. Ban quản lý các KCN tỉnh đã cùng với lãnh đạo Cty Hoàng Anh nghiên cứu và tìm nhà đầu tư đủ năng lực tiếp nhận dự án này. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, tìm đối tác tiếp nhận các dự án cần chuyển nhượng, rút vốn của Cty Hoàng Anh hiện nay được quan tâm ở mức độ hàng đầu!. Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều nhà đầu tư như Cty TNHH Nam Hoa (Đài Loan), Cty TNHH TiTi (Hàn Quốc), Cty TNHH C&H (Hàn Quốc)... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh ta đều được Ban quản lý các KCN tỉnh chủ động giới thiệu đến tìm hiểu tại các dự án do Cty Hoàng Anh làm chủ đầu tư như KCN Mỹ Trung, CCN Nam Hồng...

Chuyển nhượng dự án như thế nào?

Một thông tin đáng mừng là sau khi đại hội, Đảng bộ Tập đoàn đã nhất trí giữ lại Cty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh - một trong 21 Cty con để tái thiết. Theo nội dung đề án, Tập đoàn Vinashin sẽ tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài sản, tiền vốn, công nợ của 3 Cty con là Cty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh 01, 03, 05, một phần của Cty Hoàng Anh mẹ; toàn bộ giá trị đầu tư của dự án nhà máy đóng tàu Thịnh Long I, II; các sản phẩm tàu đang thi công dở. Sau khi tiếp nhận, Tập đoàn Vinashin sẽ sắp xếp lại Cty Hoàng Anh theo hướng giảm đầu mối quản lý. Cụ thể dự kiến sẽ đổi tên Cty Hoàng Anh mẹ, chuyển nhượng phần đăng ký góp vốn của Cty cổ phần cấu kiện bê tông Hoàng Anh; giải thể đối với các Cty con và một số đơn vị phụ thuộc gồm Cty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh 09, Trường Trung cấp nghề công nghiệp tàu thuỷ số 09 và văn phòng đại diện tại Hà Nội. Trong 5 Cty liên kết sẽ giải thể, giải thể thu hồi góp vốn 3 Cty, chuyển nhượng quyền góp vốn đối với 2 Cty còn lại. Đối với toàn bộ 14 dự án đầu tư của Cty Hoàng Anh, chỉ giữ lại 2 dự án nhà máy đóng tàu Thịnh Long I, II để sáp nhập vào Cty mới; chuyển nhượng rút vốn đối với toàn bộ 10 dự án do Cty làm chủ đầu tư và 2 dự án liên kết đầu tư...

Theo tính toán, nếu chuyển nhượng rút vốn thành công, Cty Hoàng Anh mới sẽ có đủ tiềm lực tài chính để triển khai nhanh 2 dự án được giữ lại và sáp nhập vào Cty mới. Lãnh đạo Cty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh cho biết, số lượng các nhà đầu tư tiếp cận với các dự án đầu tư của Cty tương đối khả quan. Mới đây, Cty cổ phần đầu tư PV-Inconess đã tiếp cận, tìm hiểu 4 dự án của Cty triển khai trên địa bàn huyện Mỹ Lộc. Đây được xem là đối tác có tính khả thi cho chuyển nhượng, rút vốn tại 4 dự án này. Đối với các dự án còn lại, Cty đều đã tiến hành quảng bá, tiếp xúc với một số đối tác có khả năng đầu tư, phấn đấu trong năm 2011 sẽ chuyển nhượng được một số dự án, trong hai năm còn lại của thời gian tái thiết cơ cấu Cty cũng như tái thiết Tập đoàn sẽ chuyển nhượng xong 100% dự án dự kiến phải chuyển nhượng theo đề án.

Phải sớm chuyển nhượng, nhưng chuyển nhượng cho ai là vấn đề cốt lõi. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyển, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho rằng: “Tập đoàn Vinashin và Cty Hoàng Anh phải phối hợp với tỉnh để giám sát việc chuyển nhượng để đảm bảo hai yêu cầu. Thứ nhất, doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đủ năng lực tài chính để thanh toán nhanh cho Cty để thực hiện tái cơ cấu và triển khai các dự án còn lại. Thứ hai, doanh nghiệp tiếp nhận dự án phải cam kết sẽ đảm bảo tiếp tục tiến độ và hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động hiệu quả!”. Muốn như vậy, công tác kiểm định, đánh giá năng lực của chủ đầu tư đăng ký xin chuyển nhượng các dự án của Cty Hoàng Anh phải thực sự chính xác, khách quan. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu, sau khi thực hiện tái cơ cấu, Vinashin cần trực tiếp điều hành để bảo đảm Cty Hoàng Anh mới cũng như các dự án trên địa bàn tỉnh phát triển, tăng trưởng bền vững./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com