Trải bạt ngàn trên diện tích hơn 15 nghìn ha, Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thuỷ không chỉ mang giá trị sinh thái đã được thế giới ghi nhận mà còn là sinh kế của hàng trăm thế hệ cư dân vùng đệm… Trở lại VQG Xuân Thuỷ lần này, niềm vui của chúng tôi như được nhân lên bởi những điều mới đang hình thành ở khu bảo tồn sinh quyển này…
Ramsar trở mình!
Đồng chí Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thuỷ phấn khởi cho biết: “Dự án vùng lõi trị giá gần 200 tỷ đồng đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng. Dự án vùng đệm với các hạng mục xây dựng công trình phúc lợi cộng đồng, cải thiện đời sống cư dân vùng đệm có tổng trị giá 200 tỷ đồng cũng thi công được trên 30%. Với tốc độ này, đến năm 2014 VQG sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo, xứng đáng với vị trí của một khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và của đất nước”…
VQG Xuân Thuỷ hôm nay đang thực sự là một đại công trường. Con đường từ Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ) về VQG ngổn ngang gạch đá, bê tông, phương tiện thi công làm đường. Dọc theo đê Ngự Hàn đến trụ sở VQG, trường học, nhà văn hoá, trung tâm học tập cộng đồng đang được xây dựng. Tại trụ sở VQG, 6-7 toà nhà cao tầng đã hiện hình… Chị Trần Thị Trang, cán bộ Phòng Khoa học kỹ thuật của VQG cho biết: Trong điều kiện khó khăn chung về kinh tế, đường sá nhưng số khách du lịch đến VQG Xuân Thuỷ ngày càng tăng. Những năm trước trung bình một năm chỉ đạt 300 du khách quốc tế, khoảng 4.000 khách nội địa là học sinh, sinh viên, nhà khoa học thì đến 2010 đạt hơn 100 lượt khách quốc tế đến dài ngày, vài trăm lượt khách quốc tế đến trong ngày và trên 6.000 lượt khách trong nước. Cũng theo chị Trang, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh với mức hàng trăm tỷ đồng, các dự án hỗ trợ của quốc tế theo mục tiêu “Để Ramsar Xuân Thuỷ thực sự xứng tầm là Ramsar” đã tạo bộ mặt mới cho VQG. Đến nay, VQG đã xây dựng được 4 tuyến du lịch đủ sức hấp dẫn du khách gồm tuyến du thuyền cửa sông, tuyến xem chim, tuyến điền dã và tuyến du khảo đồng quê. Nhờ đó cùng với sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và từ nguồn tài nguyên biển giàu có của Ramsar đã thay đổi nhanh chóng đời sống của cư dân 5 xã vùng đệm Giao Hải, Giao Xuân, Giao An, Giao Thiện và Giao Lạc. Hiện nay, tại xã Giao Xuân đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng với gần 20 hộ, và trên 100 người tham gia.
Triển khai Dự án trồng cây gây rừng tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Ảnh: PV
|
Nhưng điều gốc rễ tạo ra sức hút của VQG Xuân Thuỷ đối với du khách là giữ được giá trị nguyên bản của một khu Ramsar - vùng đất ngập nước có tầm quan trọng đồng thời là khu bảo tồn sinh quyển tầm cỡ thế giới. Theo thống kê, tại đây xuất hiện 120 loài thực vật bậc cao, 107 loài cá, 500 loài thuỷ sinh, hơn 100 loài thú… Đặc biệt vào mùa di cư, đây là điểm dừng chân của hơn 220 loài chim với số lượng trên 40 nghìn con. Trong đó có tới 11 loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới như giang sen, bồ nông, cò mỏ ngắn, choắt mỏ vàng, giẽ mỏ thìa, mòng bể… Trong đợt khảo sát tại VQG Xuân Thuỷ diễn ra từ ngày 20 đến 22-9-2010 của Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế, ngay trong buổi đầu tiên, đoàn đã bất ngờ được chứng kiến sự giao mùa chim di cư với sự xuất hiện của 21 cá thể giang sen, 6 cá thể cò thìa và khá nhiều rẽ mỏ thẳng đuôi đen, vịt trời, mòng két, cò trắng. Đoàn đã đánh giá cao về công tác bảo tồn chim nói riêng và bảo tồn thiên nhiên nói chung của Ban quản lý VQG Xuân Thuỷ. Vào cuối tháng 3-2011, chúng tôi may mắn được đi cùng đoàn gồm cán bộ của tổ chức Corin - Asia và 6 du khách là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Điển (SIDA). Anh Giôn Mác-kên, một nhà nghiên cứu người Anh cho biết: “Trong 3 năm qua, chúng tôi có hàng chục cuộc thị sát, nghiên cứu tại vườn, có thể thấy nhiều giá trị sinh thái ở đây được gìn giữ, bảo tồn khá hiệu quả!”. Còn chị Phạm Thị Lan đã từng đến tham quan VQG từ năm 2007, lần này trở lại đã không khỏi ngạc nhiên: “Lần trước, có nhiều vùng trên Cồn Lu bị chặt phá, gia súc phá hoại đến thành đồi trọc. Hôm nay, đi khắp Cồn đều thấy màu xanh của rừng!”… Đồng chí Ngô Văn Chiều, chuyên viên Phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Công tác bảo vệ, khôi phục giá trị tài nguyên tại VQG Xuân Thuỷ trong những năm gần đây được tỉnh và VQG tập trung thực hiện. Đến thời điểm này, có thể khẳng định không gian của tiếng chim rừng ríu rít, tiếng gió thổi rì rào qua rừng phi lao, những bãi sú, vẹt xanh ngút ngàn, tiếng sóng biển xô bờ cát và những giá trị sinh thái vô giá của VQG sẽ được bảo tồn, phát huy để hấp dẫn du khách thập phương.
Khai thác phải gắn với bảo vệ!
Ngoài giá trị đặc biệt là khu bảo tồn sinh quyển, làm mẫu chuẩn điển hình của hệ sinh thái đất ngập nước tiêu biểu ở cửa sông Hồng, Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng nói chung và VQG Xuân Thuỷ nói riêng còn là vùng đất - nước được tích tụ, bồi đắp hàng vạn năm để thành vựa tôm, vựa cá là sinh kế tạo sự no đủ, giàu có cho cư dân trong vùng. Anh Đặng Thành Vinh, cán bộ Phòng Khoa học - Kỹ thuật của VQG cho biết: “Trong chủ quyền quản lý của VQG có gần 2.000ha đầm tôm, ngao, vạng… Nếu không gặp biến cố rủi ro lớn, hàng năm tổng doanh thu của bãi vạng đạt khoảng 100 tỷ đồng. Mùa cua giống, mỗi ngày một lao động thu tối thiểu cũng vài trăm nghìn đồng…”. Chưa hết, mỗi ngày có khoảng gần 1.000 người là cư dân các xã vùng đệm đảm bảo cuộc sống nhờ được làm việc trong khu vực này. Hiện nay đang là thời điểm nông nhàn, số người từ các nơi đổ về VQG kiếm thêm thu nhập đang gia tăng, có ngày tới vài nghìn người. Chị Trần Thị Vân ở xã Giao An cho biết: “Bớt việc đồng áng, vợ chồng tôi và 2 đứa con đều vào VQG làm việc. Chồng đi đăng đáy cho các chủ bãi, tôi và hai con đi cào ngao dọc các lạch của bãi trong lúc triều hạ, mỗi người cũng kiếm được từ 50 đến 100 nghìn đồng/ngày!”. Vợ chồng anh Phạm Văn Bể (Giao Thiện) có điều kiện hơn đã đấu thầu một phần nhỏ diện tích tại Bãi Trong thời hạn 3 năm với giá 10 triệu đồng/năm. Sáng vào vườn, trưa nghỉ 1 giờ ở chòi, chiều muộn đợi nước triều lên để chăng lưới, đặt đăng…, mỗi ngày hai vợ chồng đều thu được từ 200 nghìn đồng trở lên từ tôm, cá, ngao, sò, móng tay… Bà Phạm Thị Thắng (xóm 6, Giao Thiện) cho biết: “Mùa nào thức nấy, nhà tôi 3 đời nay đều sống nhờ vào VQG Xuân Thuỷ…”. VQG giàu có nhưng không vô tận. Báo cáo hàng năm của Đồn Biên phòng 84 cho thấy liên tục xảy ra tình trạng chặt phá rừng và các phương pháp khai thác kiểu tận thu như dùng lưới quét, xung điện. Cư dân ven vườn nuôi thả gia súc trong vườn có lúc lên đến hàng nghìn con. Nạn bẫy chim, săn chim vẫn tiếp diễn. Tốc độ khai thác sâu vào vùng lõi VQG vẫn gia tăng…
Trở lại VQG Xuân Thuỷ lần này, niềm vui của chúng tôi như được nhân đôi khi cùng với sự gia tăng về đầu tư, khách du lịch, điều kiện môi sinh còn có cả sự suy giảm về những hành vi phá hoại, xâm lấn. Đồng chí Vũ Viết Văn, Đồn phó Đồn Biên phòng 84 thông báo: “Cả năm 2010 tại VQG chỉ để xảy ra 2 vụ chặt phá rừng và dùng kích điện đánh bắt thủy hải sản. Hết năm 2010, trọng điểm chăn thả gia súc Cồn Lu đã bị xoá, trả lại 100ha diện tích rừng xanh. Nạn săn, bẫy chim đã không còn!”. Theo lãnh đạo VQG, giải pháp cộng đồng quản lý rừng ngập mặn tại các xã vùng đệm đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc ngăn chặn sự xâm hại khu bảo tồn. Cùng với tuyên truyền, giới thiệu về giá trị sinh thái, lợi ích kinh tế của VQG đến từng hộ dân, giải pháp này đã đưa ra nhiều nội dung về thay đổi sinh kế cải thiện đời sống cho cư dân vùng đệm đã góp phần giảm bớt áp lực khai thác ở VQG. Cùng với dự án nâng cao năng lực cho các đài truyền thanh của 5 xã vùng đệm, tăng cường các ấn phẩm, hình thức thông tin về VQG đến 45 nghìn dân của các xã vùng ven thì 2 năm qua, VQG Xuân Thuỷ đã thực hiện đưa cán bộ xuống tận trường giáo dục ngoại khoá giới thiệu về VQG, tổ chức cho học sinh tham gia dã ngoại tại vườn. Em Tống Đức Nghị, học sinh lớp 8A, Trường THCS Giao Hải vui mừng: “Nhờ các cô chú, chúng em hiểu được quê mình đã và đang lưu giữ khu bảo tồn quý giá, giàu có, từ đó vận động bố mẹ, người thân và cộng đồng cùng chung sức bảo vệ khu bảo tồn!”.
Ý thức, hành động của cộng đồng là yếu tố quyết định trong bảo vệ VQG. Ông Nguyễn Văn Thắng, người từng được dân 5 xã vùng đệm tặng danh hiệu “Vua chim” vì tài săn, bẫy chim trong VQG nay đã kiên quyết bỏ “nghề”. Cùng với ông Thắng, gia đình các ông Đinh Văn Đa, Trần Văn Hiểu (Giao An), Vũ Nguyễn Thảo, Phạm Văn Chuẩn (Giao Thiện)… và hàng trăm lao động khác trong vùng đã bỏ hẳn việc vào VQG khai thác vì đã có nghề mới, sinh kế mới là trồng nấm, nuôi ong, nuôi giun quế… Cộng hưởng cả ý thức, nhận thức và những sinh kế mới cho cộng đồng, VQG Xuân Thuỷ đang giảm dần những áp lực xâm hại và gia tăng vành đai bảo vệ./.
Hoàng Long