Rút tiền qua thẻ ATM: Yếu từ chất lượng dịch vụ đến hạ tầng thiết bị

08:04, 27/04/2011

Thực hiện Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tỉnh ta là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện việc chi trả lương cho cán bộ công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo tài khoản cá nhân. Triển khai đã được một thời gian khá dài xong chất lượng dịch vụ từ phía các ngân hàng vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề.

Sự chập chờn của thiết bị hay khó khăn của ngân hàng đang làm giảm đi tiện lợi của dịch vụ đến với khách hàng.
Sự chập chờn của thiết bị hay khó khăn của ngân hàng đang làm giảm đi tiện lợi của dịch vụ đến với khách hàng.

I. Chất lượng dịch vụ đến đâu?

Tài khoản thẻ ATM được xem như một ví tiền di động, vừa an toàn trong cất giữ, vừa thuận lợi trong khi di chuyển, giao dịch mọi lúc mọi nơi. Đó là trên lý thuyết mà các ngân hàng nêu ra để hướng người dân sử dụng dịch vụ rút tiền, chuyển tiền và nhiều tiện ích khác qua tài khoản ngân hàng, thông qua máy rút tiền tự động... Tuy nhiên trên thực tế chất lượng dịch vụ này không còn được như mong đợi cho người sử dụng. Anh Nguyễn Hồng Dương trú tại đường Phù Nghĩa (TP Nam Định) cho biết: Trong ngày 20-4-2011 đã mất ít nhất một tiếng đồng hồ để đi qua mấy tuyến đường trong thành phố mới có thể rút được tiền sau khi thực hiện giao dịch với máy ATM trên đường Mạc Thị Bưởi của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nam Định (cạnh Kho bạc Nhà nước tỉnh) cho thẻ vào thì được nhưng tiền thì không “nhả”, thẻ thì bị “nuốt”. Đến khi bị nuốt thẻ định gọi điện qua đường dây nóng như các ngân hàng đã hướng dẫn thì số điện thoại dán ở cột ATM đã bị bóc, đành phải gọi cho các nơi để nhờ liên hệ với ngân hàng. Khi phóng viên Báo Nam Định điện tử có mặt tại điểm rút tiền này chúng tôi cũng không thể liên hệ được với đường dây nóng của ngân hàng chủ quản. Phóng viên phải gọi điện đến một cán bộ Ngân hàng Nhà nước mới xin được số. Theo số điện thoại được cán bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cung cấp (số điện thoại 0912284147) được hướng dẫn một vòng để “tự xử lý”, còn người cán bộ ngân hàng này “bận” không thể đến được và cũng không có cán bộ nào xuống để xử lý cho khách hàng. Và, phải mất hơn 30 phút anh Nguyễn Hồng Dương mới có thể lấy lại thẻ của mình bị máy rút tiền nuốt khi đã nhờ đến một số người khác ngoài ngành Ngân hàng liên hệ dùm cán bộ của ngân hàng này. Tiếp theo đến việc để rút được tiền, anh cho biết: Tin tưởng nhất là ra trụ sở của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương tỉnh, đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ. Nhưng khi đến trực tiếp trụ sở Ngân hàng này trên đường Quang Trung với bốn máy ATM mà không thực hiện được việc rút tiền. Và tất cả các điểm anh đến đều không thực hiện được do nơi thì quá đông, nơi thì máy báo lỗi, trong đó có chuyện nuốt thẻ không rõ nguyên nhân như kể trên. Và, điểm cuối cùng sau hơn 1 giờ đồng hồ đi quanh thành phố, anh về máy ATM trên đường Nguyễn Du mới thực hiện được việc rút tiền. Tuy nhiên đến khoảng 11 giờ ngày hôm sau (tôi - PV) cũng lại ra đúng máy ATM trên đường Nguyễn Du nơi anh Nguyễn Hồng Dương hôm trước để rút tiền, nhưng lúc này máy báo thẻ của tôi không hợp lệ và máy trả lại thẻ bình thường. Phải về chờ đến đầu giờ chiều ra trụ sở Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương tỉnh trên đường Quang Trung thì mới rút được tiền như bình thường. Trong trường hợp như anh Nguyễn Hồng Dương, để xử lý được việc nuốt thẻ mà không có số điện thoại đường dây nóng của ngân hàng như hướng dẫn, nếu không có mối liên hệ chắc phải “bỏ thẻ” tại đó rồi về tính sau. Trường hợp anh Nguyễn Tiến Phúc, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thông qua một số người gọi điện cho phóng viên Báo Nam Định điện tử để phản ánh việc mình bị nuốt thẻ ATM nhưng cuối cùng đành phải để lại thẻ tại máy ATM trên đường công tác qua huyện Mỹ Lộc.

II. Hạ tầng thiết bị quá tải hay khó khăn của các ngân hàng

Hiện nay, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết đã có 72 máy ATM được lắp đặt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trên địa bàn thành phố tập trung nhiều với hơn 50 máy ATM được lắp đặt trên các tuyến phố, trường học, bệnh viện, siêu thị… Số lượng thẻ ATM đã mở cho các cá nhân, tính đến cuối năm 2010 là trên 20 nghìn người, chưa tính số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, học sinh sinh viên. Sự tiện lợi từ dịch vụ đã không còn được như phía ngân hàng cung cấp thẻ tư vấn trước đây mà thay vào đó là sự bất tiện cho người dùng thẻ. Các ngân hàng thương mại trong thời gian vừa qua đua nhau quảng bá chất lượng, tiện ích để mở rộng việc làm thẻ ATM, từ người lao động đến các sinh viên. Việc mở thẻ nhanh và dễ đến mức một em sinh viên tên Vũ Thị Lê, trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp I Nam Định có người nhà làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, do phải hoàn thành chỉ tiêu mở thẻ ATM, nên cán bộ ngân hàng này đã nhờ em Lê mang tờ khai mở thẻ đến lớp học “phát” cho các bạn cùng lớp mình, sau đó thu hồ sơ về và đưa lại cho người nhà làm trong ngân hàng đó. Và, cũng thông qua em sinh viên này để trả thẻ cho những người đăng ký dịch vụ. Việc một số ngân hàng đua nhau mở rộng thị trường thẻ ATM đã phần nào gây nên tình trạng quá tải cho các máy rút tiền. Tuy nhiên nếu xem xét thực tế trong trường hợp anh Nguyễn Hồng Dương, thực sự một phần do thiết bị nhưng nguyên nhân chính có thể được xem là máy hết tiền, ngân hàng không tiếp quỹ kịp thời. Nhưng dù là lý do gì đi nữa thì chung quy lại vẫn là sự tắc trách từ phía ngân hàng.

Việc triển khai trả lương theo tài khoản đối với cán bộ, công chức viên chức bước đầu giúp người dân tiếp cận với những phương tiện thanh toán hiện đại và làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó, giúp gia tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh tế - xã hội. Đối với các chủ tài khoản sử dụng thẻ ATM thì đảm bảo an toàn cá nhân, còn ngân hàng thì mở rộng tiếp cận khách hàng và gia tăng việc thu hút vốn nhàn rỗi với mức chi phí thấp. Đây cũng là một chủ trương lớn tiến tới việc thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chất lượng và tính ổn định, dịch vụ mà các ngân hàng, đơn vị cung cấp. Các ngân hàng đã chú trọng phát triển các tiện ích đi kèm dịch vụ trả lương qua tài khoản nhưng mức độ sử dụng các tiện ích này vẫn còn hạn chế. Hầu hết các chủ tài khoản vẫn chỉ thực hiện các tiện ích rút tiền mặt qua máy ATM. Nếu chỉ đơn thuần là việc thay vì lĩnh lương tại cơ quan bằng việc rút tiền mặt tại máy ATM thì hiệu quả hạn chế đi rất nhiều. Trên thực tế, với khoản thu nhập của một người được hưởng hàng tháng nhận qua tài khoản là không nhiều nên việc rút tiền mặt ngay khi có lương đã tạo nên sự quá tải đối với hệ thống máy ATM trong thời gian nhất định. Các sự cố như máy hết tiền do không tiếp quỹ kịp thời, máy hỏng hóc không kịp bảo dưỡng, khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ phần lớn nguyên nhân từ phía ngân hàng. Các ngân hàng đua nhau mở rộng phát hành thẻ bằng việc khoán cho nhân viên đã dẫn đến số lượng thẻ phát hành ra khá lớn không được sử dụng gây lãng phí. Từ đó, mục đích chính của các ngân hàng sử dụng số tiền nhàn rỗi trong các tài khoản để tái đầu tư là chưa thành công. Mặt khác, các đơn vị cung ứng hàng hoá, dịch vụ không mặn mà triển khai dịch vụ thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng do nhiều yếu tố như ngành điện, nước, viễn thông đã làm hạn chế các tiện ích của tài khoản cá nhân (thẻ ATM). 

Thực hiện trả lương qua tài khoản cũng như thanh toán qua tài khoản thẻ ATM của ngân hàng là một chủ trương đúng của Chính phủ. Qua đó sẽ tạo nên một môi trường hiện đại cũng như nâng cao khả năng kiểm soát tài chính. Các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ trên cần nêu cao trách nhiệm để những tiện ích phát huy hiệu quả hơn nữa trong giao dịch thanh toán./.

Bài và ảnh: Bảo Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com