Ra khơi đầu vụ cá Nam

11:04, 22/04/2011

Như thường lệ, cứ đầu tháng 3 âm lịch là ngư dân toàn tỉnh lại đổ về Thịnh Long tham dự lễ ra quân đánh bắt vụ cá Nam. Đêm trước lễ ra quân năm nay, chúng tôi theo tàu đánh cá ra khơi... Chuyến đi chưa đủ dài, cả khoảng thời gian được tiếp xúc với những vạn chài chưa nhiều nhưng cũng đủ để cảm nhận được sự háo hức, tin tưởng vào một vụ cá mới bội thu, cả đôi chút nỗi niềm trăn trở của những lão ngư đang ngày đêm bám biển mưu sinh...

Háo hức vụ mới!

Dậy từ 2h sáng để chuẩn bị, vậy mà đi ra đến Bến Cường đã thấy cả 4 chủ thuyền và những phụ ngư đã đông đảo tự lúc nào, đủ mũ lông, quần ủng cao su và ngư cụ, rôm rả chuyện trò về giá điện, giá dầu lại tăng, thuyền này, tàu kia trúng luồng, thu lớn... bên ấm trà nghi ngút khói... Thấy chúng tôi, chủ bến Trần Văn Cường nhìn đồng hồ giục: “Hơn 3h rồi đấy, ra biển đi!”. Ngay lập tức, cả bến đứng dậy, những sải chân lướt nhanh trên cát, hướng về phía tiếng sóng... rồi tiếng ghép bánh đà, tiếng hò dô lấy nhịp đưa tàu xuống biển... Tôi và anh bạn đồng nghiệp chỉ kịp lao xuống mép nước, bám vào mạn của hai chiếc tàu gần nhất đang rú máy giục giã...

Chỉ mất dăm phút kéo ga, máy đã gầm lên đủ lực đè lên những dải sóng ven bờ, chiếc tàu đánh cá mang chúng tôi khi này chợt đầm xuống, trực chỉ khơi xa đen thẳm... Đêm đầu tháng 3 mịt mùng, gió vẫn lạnh cắt cứa vào da thịt, đến tận lúc này tôi mới nhận ra qua tiếng nói là mình đã lên tàu của chủ tàu Đặng Văn Toản chứ không phải tàu của Nguyễn Văn Thuỷ như dự tính ban đầu. Bật lửa châm rồi kéo một hơi dài đỏ rực đầu điếu thuốc lá, Đặng Văn Toản chậm rãi buông câu nói đầu tiên của chuyến đi: “Trời, gió, nước thế này là có cá đây! Nhưng hôm nay “ăn non”, đánh lộng thôi để còn về dự lễ xuất quân!”.

 

Ngư dân chuẩn bị lưới, ngư cụ để đánh bắt hải sản.
Ngư dân chuẩn bị lưới, ngư cụ để đánh bắt hải sản.

Lại thêm một điều ngoài dự tính, hôm trước chúng tôi đã chủ động mang bánh mỳ, nước suối để xin xuống thuyền đi đánh khơi (đánh bắt xa bờ từ ngoài 30km trở lên), bây giờ chủ thuyền quyết định đi đánh lộng (cách bờ từ 5 đến gần 20km). Đành chịu vậy! Nhưng biết đường ngắn, về sớm, tôi tranh thủ “mở máy”, “moi” thông tin từ “nhà thuyền”:

- Vụ trước đánh bắt có được không anh?

- Vụ cá Bắc á? À, thời tiết cũng không được thuận lợi cho lắm, nhiều gió mùa đông bắc, rét hại kéo dài. Nhưng anh em bảo nhau chịu khó đi xa theo đường đàn cá di chuyển xuống vùng biển ấm hơn phía nam, chịu khó bám biển nên cũng bớt thất thoát. Tôi bình quân 1 tháng trừ chi phí xăng, dầu, thuê người... cũng kiếm được từ 5 đến 10 triệu đồng. Riêng mấy tháng Tết gặp luồng cá khoai, cá khoai lại được giá đến 70, 80 nghìn đồng/kg nên thu nhập được 20, 30 triệu đồng/tháng.

- Những thuyền khác có được bằng anh không?

- Cũng sêm sêm thế thôi! Chia cả vụ cá Bắc cũng đạt cỡ trên 10 triệu đồng/tháng cho thuyền nhỏ dưới 20 sức ngựa, như thuyền này vì nói là đi xa nhưng cũng chủ yếu ở biển Thanh Hoá, Nghệ An là chính, bắt ghẹ, mực, cá khoai. Nhưng đám thuyền lớn từ 90 sức ngựa trở lên vào tận Quảng Bình và xa hơn thì ăn to. Nhiều tàu bán cá thu, thu ngàng, chim, đao... được gần tỷ đồng 1 chuyến!

Đêm biển vẫn đen kịt, con thuyền vẫn đều máy ra khơi. Soi đồng hồ đã 5h kém 15’ - nghĩa là đã xuất bến được 1 tiếng rưỡi, tương đương vị trí cách bờ hơn 10km. Từ khoảng 6, 7 km xa bờ, thỉnh thoảng Đặng Văn Toản lại bật đèn pha soi ra biển tìm luồng cá. Cũng có lúc đèn gặp ánh trắng của lưng cá phản quang lấp lánh như sao sa, cũng có lúc thấy cá nhảy rào rào, tanh tách ngay mạn thuyền nhưng chiếc thuyền mang số hiệu TSNĐ 4276 của Đặng Văn Toản vẫn chưa đồng ý dừng vì “luồng cá chưa khả quan”. Đến 6h, khoảng cách với bờ ước độ 13km quyết định buông lưới, nhưng buông mới già nửa tay lưới, cỡ 80m thì kinh nghiệm quá nửa đời người lênh đênh trên sóng nước cho chủ thuyền, phụ thuyền biết chưa gặp luồng cá nên đồng lòng kéo lưới lên. Con thuyền lại kéo máy lướt đi... Hoá ra, chủ thuyền là người hay chuyện. Giờ thì chẳng đợi hỏi, Toản nhớ đâu kể đấy về cuộc sống, công việc của anh, của vạn chài, về vụ cá vừa qua. Theo Đặng Văn Toản biết thì toàn tỉnh có 2.355 tàu, thuyền đánh cá, chủ yếu là tàu trọng tải 2 tấn, công suất 20 sức ngựa như tàu của anh. Trong đó, riêng Hải Hậu quê anh có 903 chiếc. Năm 2010, tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt trên 38 nghìn tấn thì riêng Hải Hậu đạt gần 17 nghìn tấn. Năm qua, nhờ trời, nhờ biển mà trên 5.000 người làm nghề biển của Hải Hậu nói riêng, gần 12.000 ngư dân 3 huyện ven biển nói chung và gia đình đều đủ ăn, đủ mặc, nhiều nhà đã dư giả. Rồi chuyện mỗi thuyền đi biển đều “mùa nào thức ấy” phải trang bị đủ các loại lưới, ngư cụ như lưới rê, lưới bóng, lưới thưa... nên tổng đầu tư cho 1 thuyền 20 sức ngựa của anh cũng phải mất từ 4-5 trăm triệu đồng. Với thuyền lớn cỡ 400 sức ngựa, 200 sức ngựa đi đánh bắt xa bờ thì đầu tư tối thiểu phải trên 1 tỷ đồng... Thấy chuyện rôm rả, cậu phụ thuyền Phạm Văn Nhã là em rể Đặng Văn Toản cũng từ đầu thuyền “hét” xuống góp chuyện về ông Phạm Thanh Hoà ở Hải Xuân có 5 thuyền đều “được lớn” trong vụ cá Bắc vừa qua; ông Được, ông An ở Hải Triều, ông Huynh, Hùng ở Hải Lý... còn kiếm được tiền tỷ nhờ trúng luồng cá quý...

6h30’, cách bờ gần 20km, tàu TSNĐ 4276 buông lưới. Con thuyền lượn vòng tròn, bốn bắp tay vạm vỡ ôm từng tay lưới thả xuống biển sâu. Buông hết 13 cheo lưới có chiều dài đến 1.500m thành một vòng tròn thì tắt máy, bốn bắp tay vạm vỡ lại gồng lên để kéo lưới về thuyền. Con thuyền không chạy mà chao đảo, tròng trành vì sức người kéo lưới. Trên những tay lưới kéo lên đã thấy lấp lánh bóng trắng bạc của những đám cá Lâm, cá Nác, cá Chích... vẫy vùng trong bủa vây mắt lưới ở buổi chập choạng giao thời giữa ngày và đêm trên biển. Cố trấn tĩnh để lia vội mấy kiểu ảnh rồi ôm chầm lấy cột thuyền để không bị rơi xuống biển và vì thấy người chợt nôn nao như sắp say sóng, tôi thiếp đi cho đến khi được Đặng Văn Toản gọi giật tỉnh. Đã 8h15’! Thời gian kéo lưới hơn 1 tiếng. Trời đã rạng hẳn. Đống lưới đã gọn gàng trong khoang. Tiếng người chủ thuyền sang sảng vui:

- Buổi đầu vụ thế này là tạm ổn!

Trước khi con tàu quay mũi vào bờ, Đặng Văn Toản chỉ cho tôi đám đỏ rạng đang loang rộng dần phía chân trời tít xa. Mặt trời đang lên! Theo anh, những ngày sắp tới sẽ dần nắng ấm, gió lặng thế này cá sẽ kéo về. Vụ cá Nam năm nay tin tưởng sẽ bội thu!

Tâm sự của lão ngư

Vừa quay mũi chừng hơn 1km, tàu chúng tôi gặp ngay tàu của Nguyễn Văn Khoa ở cùng Bến Cường đi lúc sớm bị chết máy, nhờ kéo về. Đặng Văn Toản bảo với tôi những tai nạn như thế này ở biển là thường, ra đến khơi thì chết máy, giữa đường gặp gió mùa, bị trộm lấy mất lưới... thì đều về tay trắng. Sinh ra ở vùng biển, sóng gió, vị mặn của biển, rồi mưu sinh nhờ biển nên lòng yêu biển thấm đẫm trong mỗi ngư dân, mỗi người dân vùng biển. Nhưng chẳng phải lúc nào biển cũng hiền hoà, bao dung và giàu có, nghề ngư phủ không phải cứ luôn êm đềm. Niềm hân hoan trước một vụ cá mới chợt chùng xuống, giọng Toản vốn mang vị khê đặc trưng của dân “ăn sóng, nói gió” giờ càng như khê hơn:

- Anh mới đi đánh lộng thôi, chưa thấy hết vất vả của người đi biển đâu. Quần quật ngày đêm hàng tuần trên sóng nước, mưa rét, chia nhau mà ngủ để tìm cá, đánh cá, bữa ăn chỉ vội vàng, cho đủ sức mà làm. Đời ngư dân đủ thứ sức ép từ trong bờ ra đến khơi xa!

Lại chẳng đợi được hỏi, chủ thuyền TSNĐ 4276 lần lượt kể lại những thăng trầm, lo nghĩ về nghề biển của anh. Biết ra biển từ năm 15 tuổi, đến nay đã gần 40 năm theo nghề. Không phải chưa gặp những vụ mùa bội thu, những lúc gặp luồng cá đen đặc, sánh lưới nhưng đến nay thực tế gia đình anh và phần đông ngư phủ vẫn chưa phải thực sự là sung túc. Chẳng đâu xa, 3 năm 2006, 2007, 2008 liên tiếp bão gió đổ về, giữ được mái nhà trú thân ở ven biển không bị bão thổi bay là đã may lắm rồi, cố chắt chiu để chờ ngày biển lặng. Năm 2009, 2010 trời yên biển lặng thì xảy ra suy thoái, lạm phát, giá cả vùn vụt tăng cao, làm ra mười phần nhưng thu về chỉ 6, 7 phần:

- Đấy, vừa tháng trước mua thêm 4 cheo lưới hơn 10 triệu đồng, sửa sang máy móc, bổ sung dụng cụ cho vụ mới mất gần 10 triệu nữa. Đều phải đi vay cả vì thu được hơn 10 triệu đồng một tháng lo cho gia đình và 3 đứa con trai ăn học chẳng dư ra bao nhiêu. Tổng giá trị con tàu này trên 400 triệu đồng thì gần nửa là phải đi vay. Vay ngân hàng thì lãi cao quá, vay chủ mối cá thấp hơn một chút thì phải bán thuỷ sản cho họ theo giá “mềm”, chênh lệch lớn với thị trường. Mỗi tháng mất 4% tổng thu nhập trả tiền bến, vài triệu tiền lãi nên thu nhập tưởng cao mà đời sống thực lại thấp... (!).

Không chỉ là những lo toan, mưu sinh đời thường đang vương nặng, nghề ngư phủ còn đối mặt với những nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng mà mỗi chuyến ra khơi, không chỉ các anh trực tiếp đối mặt. Gia đình, người thân cũng canh cánh bên lòng. Chỉ khi thấy tàu cập bến, khi thấy các anh bước lên bờ thì lòng họ mới yên... Giọng Đặng Văn Toản chùng xuống khi kể rằng năm nào cũng xảy ra chìm thuyền, lật thuyền, va chạm thuyền trên biển. Năm nào trong vạn chài cũng có người phải “sinh nghề, tử nghiệp”, gửi thân trong lòng biển mênh mông. Mới năm 2010 vừa qua, các tàu đánh cá của tỉnh đã thống kê có 4 vụ va chạm trên biển, may không ai bị sao. Nhưng đã không thể tránh được 14 vụ tai nạn làm đắm 9 tàu, 3 ngư dân đã vĩnh viễn ra đi! Với mỗi đám tang như thế, vạn chài đều tổ chức hai lễ tế. Lễ tế cầu siêu cho người không may gửi xác nơi biển sâu và lễ tế thuỷ thần cầu xin đừng giáng cơn thịnh nộ, giúp dân chài ra khơi, trở về bình yên với đầy lưới tôm, cá...

Tiếng còi, tiếng máy tàu làm chúng tôi giật mình rời khỏi dòng ưu tư của người ngư dân quá nửa đời gắn bó với biển khơi. Như nhận ra đã quá nặng lòng, Đặng Văn Toản trở lại chất giọng sang sảng vốn có:

- Lo nghĩ hơn thế thì cũng chẳng rời được biển đâu anh ạ! Không tin à? Đứa con trai lớn của tôi chứng kiến hết hiểm nguy, lo toan của cha chú, vậy mà cho ăn học đầy đủ xong cứ nhất quyết thi vào Đại học Hàng hải, bây giờ đi học năm đầu rồi. Đứa thứ hai lớp 11, đứa thứ ba lớp 9 cũng chẳng ai xui mà theo anh luyện thi khối A với nguyện vọng duy nhất cũng là Đại học Hàng hải...

Chỉ cho tôi con tàu lớn ở lùi phía bên mạn trái, Đặng Văn Toản bảo: “May quá, tàu xa bờ của ông Huyên xã Hải Chính cũng về sáng nay. Nếu hỏi ai yêu biển nhất ở vùng này thì phải hỏi lão ngư ấy. Anh sang gặp có thể hiểu nhiều thêm về dân biển!”. Rồi chẳng đợi tôi đồng ý, Toản quay mũi tàu rẽ trái giáp mạn chiếc tàu 400 sức ngựa vừa chỉ, tự tay giữ thang dây giúp tôi leo sang tàu. Đã hơn 9h, khoảng cách với bờ chỉ còn trên 10km với thời gian đi hơn một giờ đồng hồ. Bởi vậy, câu chuyện với lão ngư không được như mong muốn để hỏi nhiều, biết nhiều. Nhưng đúng như Đặng Văn Toản đã giới thiệu, đủ để nhận thấy lòng yêu biển vô cùng của một lão ngư và cũng đủ ghi được những trăn trở, mong muốn của người làm nghề biển.

Cao đến gần 1,8m, nặng trên 80kg, bước chân nện xuống sàn tàu thình thịch... Nếu không có mái tóc pha tiêu và được giới thiệu trước thì khó tin ông Lại Văn Huyên (xóm Tây Ninh, Hải Chính, Hải Hậu) đã ngoài 70 tuổi. Cũng bắt đầu ra khơi từ tuổi niên thiếu, đến nay lão ngư có non 60 năm tuổi nghề. Ông Huyên bảo chẳng có điều gì về biển, về nghề ông chưa từng trải qua, kể cả nguy hiểm đến thập tử nhất sinh. Với nghề, giọng lão ngư sang sảng nhưng chắc nịch:

- Nói gì thì nói, càng ngày điều kiện lao động và đời sống của ngư dân càng tốt lên rồi đấy! Biển thì có lúc yên, lúc động. Lúc yên thì ngư dân cá nặng, lưới đầy, chẳng nói làm gì. Nhưng lúc biển động, lúc cuộc sống khó khăn bây giờ vạn chài còn có sự chăm lo, hỗ trợ của xã hội, của chính sách Nhà nước. Bão số 7 tràn vào, cả tỉnh, cả nước góp tiền, góp gạo gửi về vùng chân sóng. Suy thoái năm 2009, 2010, Nhà nước hỗ trợ ngư dân từ tiền dầu, tiền bảo hiểm đến kinh phí đóng mới, sửa chữa tàu...

Theo lão ngư thì vấn đề quan trọng nhất là đội ngũ ngư dân phải biết đoàn kết, bảo ban nhau để tìm cách khai thác hiệu quả nhất. Các chính sách, cơ chế của Nhà nước phải được triển khai hiệu quả, đến từng thuyền, từng hộ ngư dân. Xã Hải Chính của ông đã thành lập hiệp hội nghề cá, thành lập 4 tổ đội. Huyện Hải Hậu có 3 hiệp hội với 10 tổ đội trong tổng số 37 đoàn, tổ đội khai thác thuỷ sản của toàn tỉnh. Mô hình tổ, đội chứng minh năng suất, hiệu quả khai thác tăng lên rõ rệt vì tiết kiệm được chi phí xăng dầu, hỗ trợ tìm kiếm ngư trường, mua bán sản phẩm, bảo vệ an ninh, tài sản trên biển... Vậy mà vẫn có trên 50% tàu cá, ngư dân không nhận thức được cái lợi này, chưa tham gia. Rồi chuyện tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ rõ ràng là hiệu quả hơn tàu nhỏ, nhưng chưa thấy có cơ chế hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi, bản thân ngư dân cũng e dè, chưa dám mạnh dạn đầu tư để phát triển. Việc tổ chức dịch vụ trên biển làm hậu cần để giúp ngư dân đạt hiệu quả đánh bắt cao hơn, không phải bỏ ngư trường về để bán sản phẩm còn thiếu và yếu, đến nay toàn tỉnh chỉ có 4, 5 tàu làm dịch vụ. Việc hỗ trợ dầu cho tàu đánh cá từ đầu năm 2011 chưa thấy tiếp tục triển khai. Mới đây, Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau quy hoạch với nông sản, thuỷ sản trong đó có hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất với thiết bị làm lạnh, cấp đông, thiết bị sản xuất nước đá trên tàu cá, hầm bảo quản phục vụ khai thác dài ngày trên biển nhưng chưa thấy địa phương và các ngân hàng phổ biến chính sách này đến ngư dân...

Câu chuyện buộc phải dừng khi con tàu lắc mạnh vì va phải những lớp sóng bạc đầu. Bờ cát hiện ra ngay trước mắt. Tiễn chúng tôi về tàu nhỏ, lão ngư nói với theo:

- Thời tiết năm nay thuận lợi, cuối năm mời các anh về dự liên hoan cho một vụ cá Nam, một năm ra biển bội thu, mang tin vui về cho chúng tôi bởi những kiến nghị, những mong muốn của ngư dân đã thành hiện thực!

Bài và ảnh: Hoàng Long



Bể cá mini để bàn đẹp Bể cá mini để bàn

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com