Nào đâu xa Trường Sa (kỳ III)

10:04, 18/04/2011

[links()]

 

Đoàn rời đảo Trường Sa, tiếp tục cuộc hành trình.
Đoàn rời đảo Trường Sa, tiếp tục cuộc hành trình.

III - Đảo nổi

Theo kế hoạch đoàn đại biểu của tỉnh ta thăm quần đảo Trường Sa sẽ đến thăm, động viên 4 đảo nổi: Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn Đông và đảo Trường Sa.

Sau những ngày đêm lênh đênh trên biển, nhiều chỗ nước sâu 4-5km nhìn xuống biển nước đặc quánh chuyển thành màu đen. Vượt qua trên 440 hải lý và 125km đường sông, tàu của chúng tôi đã nhìn thấy đảo Song Tử Tây. Càng vào gần đảo, màu xanh trù phú càng đẹp. Rồi khu chùa Song Tử với cổng tam quan và những mái chùa cong vút hiện ra. Tiếp đến là cây đèn biển và hàng chục tuốc - bin dùng sức gió quay tít phát điện. Đảo có âu tàu rộng, có thể chứa hàng trăm tàu thuyền khai thác hải sản và tránh trú khi gặp bão, áp thấp nhiệt đới. Do thuỷ triều và tàu chúng tôi to nên phải neo ở ngoài. Hai chiếc xuồng đã được hạ xuống, đưa chúng tôi vào âu tàu để lên đảo. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên xã đảo Song Tử Tây ra tận cầu tàu đón chúng tôi như đón người thân trở về. Những cái bắt tay thật chặt, những khuôn mặt rạng rỡ,... mọi người trên đảo đón chúng tôi thật nồng hậu. Nhiều chiến sỹ còn đỡ lấy hành lý của anh, chị em trong đoàn mang hộ vì: “Các anh, các chị quá vất vả, vẫn còn say sóng và say đất...”. Chúng tôi đi trong tiếng trò chuyện vui vẻ, dưới hàng cột đèn cao áp dùng pin mặt trời, vòng quanh đảo và tất cả các đường lớn nhỏ, sân các khu nhà... đều thắp sáng bằng đèn cao áp dùng pin mặt trời. Ban đêm đèn tự động bật sáng soi rõ từng viên sỏi, ngọn cỏ... còn ban ngày tự động tắt, năng lượng điện được nạp vào ắc quy khô ngay tại cột đèn. Cây phong ba chiếm ưu thế của hòn đảo rộng 0,13km2 này. Những cây phong ba cổ thụ, xoè tán rộng hàng trăm m2. Nói về lĩnh vực tạo thế có lẽ các nhà sinh vật cảnh cũng “chào thua” cây phong ba: có cây thế trực mốc thếch, có gốc là cả một quần thể uốn lượn hình rồng, phượng vũ. Có những thân cây đổ rạp xuống đất vài mét rồi bỗng nhiên đứng thẳng dậy, hiên ngang trước giông, lốc... Những chồi non mập mạp nhú lên bất kể chỗ nào kể cả gốc, thân; thậm chí gốc, thân ấy đã già nua, mọt rỗng như thể để hình thành nên thế lão mai sinh nghìn quý tử (!). Còn tán phong ba không ai cắt, tỉa cũng thành bông tròn xoe, hình nấm. Có tận mắt nhìn cây phong ba ở đảo Song Tử Tây mới cảm nhận được sức sống mãnh liệt của cây, của người trên đảo này. Cùng với cây phong ba, cây bàng quả vuông, tra, dừa, mù u, phi lao, đại, bồ đề... cũng xanh tốt không kém. Giữa đảo là một sân bóng đá cỏ mượt như nhung, 9 con bò ung dung gặm cỏ. Do có giếng nước lộ thiên nên các sinh hoạt hàng ngày tắm, giặt, tăng gia và cả nước ăn uống cũng không thiếu. Anh Nguyễn Hồng Thưởng, chủ hộ số 2 của xã đảo tâm sự: “Mùa mưa kéo dài từ tháng 7 năm ngoái đến giờ nên các giếng nước lợ được ngọt hoá. Cây cối xanh tốt và rau xanh chúng tôi cũng trồng được nhiều. Ngoài ra, gia đình chúng tôi còn nuôi thêm gà, vịt, chúng cũng mắn đẻ lắm...”. Theo anh Vũ Văn Tường, Phó Chỉ huy trưởng đảo thì năm 2010, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã trồng và thu hoạch gần 13 tấn rau xanh các loại, chăn nuôi được gần 2 tấn thịt lợn, 3 tạ thịt bò và hàng tấn cá để đưa vào bữa ăn cho các cán bộ, chiến sỹ. Sau khi trao tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các thành viên trong đoàn đã đi thăm, tặng quà cho từng gia đình đang sinh sống trên đảo. Chúng tôi rất vui vì các gia đình ở đây sống khá sung túc, nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, tủ đá, bếp điện không hạn chế; có vườn trồng rau, chuồng nuôi gà, vịt. Các cháu đều có lớp học từ mầm non đến lớp 5. Cháu Huỳnh Thị Tố Ngần thì khoe: “Cháu học lớp 4 cùng với bạn Phan Thị Thu Quyền. Em cháu là Huỳnh Thị Bảo Trâm cũng đang học lớp 1...”. Còn chị Đặng Thị Liễu, chủ gia đình số 2 thì tâm sự với chị Chu Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: “Chúng tôi có Hội Phụ nữ, Hội có quỹ, hằng năm vẫn tổ chức liên hoan “mặn” vào ngày 8-3 và 20-10. Chúng tôi sinh hoạt đều và thương yêu nhau như ruột thịt...”. Đoàn đã gặp mặt 14 cán bộ, chiến sỹ quê Nam Định đang công tác tại đảo, ai cũng vui và hứa với đoàn tất cả đoàn kết một lòng, đoàn kết với các lực lượng, nhân dân trên đảo, luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao... để xứng đáng với truyền thống của quê hương Đức Thánh Trần. Y sỹ Trần Duy Chinh quê ở Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) cho biết, trong năm 2010 anh cùng với lực lượng quân y khám chữa bệnh cho 1.500 người, trong đó nhiều ca cấp cứu cho các hộ dân khai thác biển đều thành công, được ngư dân yêu mến.

Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ là con em quê hương Nam Định đang công tác tại đảo Nam Yết.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ là con em quê hương Nam Định đang công tác tại đảo Nam Yết.

Nếu ở Song Tử Tây là thủ phủ của cây phong ba thì ở đảo Nam Yết cây bàng quả vuông được trồng nhiều nhất, nhiều cây đã thành cổ thụ. Tuy đảo chỉ có diện tích 0,06km2, không có giếng nước lợ nhưng tăng gia sản xuất cũng không chịu kém các đảo khác. Năm 2010, đảo đã trồng và thu hoạch 12.600kg rau xanh, 1.840kg thịt các loại, 4.749kg cá... trị giá gần 330 triệu đồng, đưa vào cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ. Cũng trong năm 2010, đảo đã tiếp nhận 360 lượt tàu cá vào tránh trú và sửa chữa cho 7 lượt tàu bị hỏng hóc; khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho 233 lượt ngư dân, nhiều ca khó như nhồi máu cơ tim cũng được chữa khỏi. Ngoài gặp mặt trao quà cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo, 10 anh em quê Nam Định, đoàn còn “đội mưa” và thắp hương tại phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh trên đảo. Cũng  như đảo Song Tử Tây các diễn viên, nhạc công vượt qua say sóng, say đất, đội văn nghệ xung kích của tỉnh đã tổ chức buổi giao lưu văn hoá văn nghệ tại đảo Nam Yết. Nhiều tiết mục của đội văn nghệ được các chiến sỹ trên đảo múa phụ hoạ, tuy không tập duyệt nhưng khá ăn ý. Đặc biệt Hoà thượng Thích Thành Phúc đã tự nguyện song ca bài “Gửi em ở cuối sông Hồng” cùng với Trần Thu Hằng làm cả hội trường như muốn vỡ tung bởi những tràng pháo tay không ngớt, những tiếng hò reo tán thưởng. Nét độc đáo trong biểu diễn văn nghệ trên đảo, các chiến sỹ mạnh dạn lên tặng hoa “cây nhà lá vườn” chỉ là những nụ cây bàng quả vuông, chùm hoa đại (chăm pa) và cả những bó hoa giấy ngắt vội ngoài hiên... nhưng ai cũng trân trọng và xúc động bởi cái tâm, cái tình...

Thủ phủ của huyện đảo là Thị trấn đảo Trường Sa. Đây là đảo có diện tích lớn nhất trong 9 đảo nổi của Việt Nam đang thực hiện chủ quyền. Với diện tích 0,15km2, trên đảo có giếng nước lợ nằm ở độ sâu 2m rất thuận tiện cho tắm, giặt, tưới cây. Đây chính là sự ưu đãi của thiên nhiên đối với hòn đảo lớn này. Sự ưu đãi của thiên nhiên cộng với sự bền bỉ, chăm chỉ của những người trên đảo đã tạo ra phong trào tăng gia sản xuất đứng đầu trong các hòn đảo. Năm 2010 rau xanh toàn đảo trồng được trên 21 tấn, sản lượng thịt đạt trên 3,8 tấn, cá gần 3 tấn... chỉ tính riêng tăng gia, bình quân toàn đảo đạt gần 1,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ quân số khoẻ đạt 99,2%; 100% cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, đời sống của các hộ gia đình trong thị trấn được cải thiện nhiều. Trong năm 2010 có 309 lượt tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh miền Trung vào khu vực đảo tránh, trú bão, áp thấp nhiệt đới. Quân, dân trên đảo đã cưu mang, khám chữa bệnh và cấp cho các tàu gần 14 nghìn lít nước ngọt, nhiều dầu và các vật dụng cần thiết để các tàu tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản. Anh Nguyễn Hữu Lục, Chủ tịch UBND Thị trấn đảo Trường Sa đưa đoàn chúng tôi đi thăm đảo, thăm các công trình văn hoá, như Trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thuỷ văn quốc gia và thế giới. Trạm đã thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết, khí hậu, khí tượng biển Đông cho đất liền và tàu thuyền đi biển. Đền thờ Bác Hồ với 4 mái, cao trên 25m, tượng Bác được đúc bằng đồng và có rất nhiều kỷ vật quý của các tỉnh Hưng Yên, Hậu Giang, Nghệ An... Trong chuyến đi này Văn phòng Trung ương Đảng kính tặng bức phù điêu mặt trống đồng Đông Sơn; quân dân tỉnh Nam Định kính tặng bức phù điêu bằng đồng có hình chùa Tháp... Đài liệt sỹ cao tới 40m bằng đá xanh, chùa Trường Sa rộng hàng ha; nhà khách thủ đô 2 tầng với 21 phòng khang trang, lịch sự... Đoàn chúng tôi chia làm 2 đội văn nghệ xung kích tiếp tục biểu diễn, giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo còn 1 đội đi thăm tặng quà cho các đơn vị và các gia đình đang định cư ở đảo. Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Nguyễn Quốc Thiện còn rất trẻ, mới ngoài 30 tuổi đang tất bật cho công tác bầu cử 3 cấp. Anh tâm sự: “Do đặc thù nên bầu cử Quốc hội, HĐND tỉnh và HĐND Thị trấn chúng tôi phải tổ chức sớm hơn so với đất liền. Hiện tại chúng tôi đã qua các vòng hiệp thương...”. Các anh Nguyễn Xuân Yên, Nguyễn Văn Trung (ngư dân trên đảo) thì đưa chúng tôi đi xem các tay lưới, các dụng cụ khai thác biển. Anh Yên cho biết: “Cá ở vùng đảo này khá ngon, chủ yếu là cá bò, cá thu phấn, cá thu bè, mực... Hàng ngày chúng tôi tổ chức đánh bắt gần bờ, tiêu thụ ngay cho bếp ăn tập thể nên rất thuận tiện. Giá như ở đảo xây dựng được cơ sở chế biển hải sản thì nghề đánh bắt còn phát triển hơn nhiều. Các tàu đánh cá xa bờ đỡ phải đi lại, tốn dầu, xăng mà các hộ gia đình chúng tôi có thêm việc làm...”.

Do thời tiết không ủng hộ, đoàn của chúng tôi rời đảo Trường Sa sớm hơn dự định. Chúng tôi quyến luyến chia tay nhau với những cái bắt tay thật chặt, thật tin tưởng. Tất cả các đảo nổi đoàn chúng tôi vào thăm đều được đón tiếp nồng hậu, tình cảm. Điều chúng tôi cảm nhận là cuộc sống của các anh, các chị trên đảo ngày càng đủ đầy hơn, sung túc hơn. Tình đoàn kết gắn bó quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc đã và đang gắn kết mọi người thành một khối không gì lay chuyển được./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com