Nào đâu xa Trường Sa (kỳ II)

09:04, 15/04/2011

[links()]

II - Hành trình trên biển

Lễ tiễn chúng tôi xuống tàu ra đảo khá long trọng, trang nghiêm, với đội quân danh dự, những bó hoa tươi, những cái bắt tay thật chặt và những nụ cười rạng rỡ của những chiến sỹ hải quân. Ngoài đoàn đại biểu của tỉnh, ra với quần đảo Trường Sa đợt này còn có đoàn cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng, đoàn cán bộ của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn cùng đi với đoàn trên cương vị là phó trưởng đoàn. Con tàu HQ 957 kéo một hồi còi dài rồi rẽ nước nhằm hướng biển Vũng Tàu lướt tới. Suốt dọc 125km trên sông là những cụm cảng, kho xăng dầu… hiện đại mọc lên thay thế cho những rừng dừa nước hoang sơ. Trong sông tàu chạy êm nhưng ra đến biển tàu lắc lư nhiều hơn. Mặc dù biển khá êm nhưng cảm giác lâng lâng, say say cũng “khởi động” đối với người yếu chịu sóng và mới đi biển lần đầu. Theo các đồng chí thủy thủ trên tàu thì đoàn cán bộ của Thành phố Hồ Chí Minh cũng ra quần đảo Trường Sa, xuất phát trước chúng tôi 2 ngày, do gặp biển động, tàu mới cách đất liền vài chục hải lý đã có nhiều người say sóng. 

Đảo Nam Yết hiên ngang giữa trùng khơi, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đảo Nam Yết hiên ngang giữa trùng khơi, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu lướt đi trong sóng êm, nhiều người đã lên boong tàu ngắm trời, ngắm biển, ngắm những con cá chuồn “giật mình” “bay” rào rào trước và 2 bên tàu, có con bay xa tới cả chục mét. Ra biển khoảng vài chục hải lý, tàu chúng tôi được xem đàn cá heo xuất hiện đuổi theo tàu. Nhiều con “hứng khởi” nhảy lên khỏi mặt nước, nhào lộn như làm xiếc. Hiện tượng hy hữu này chỉ diễn ra gần chục phút, song cũng làm cho nhiều người quên cả mình đang nôn nao vì say sóng. Tôi tranh thủ trò chuyện với Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn. Anh khẳng định: “Thực tiễn lịch sử đã chứng minh Việt Nam là quốc gia đầu tiên sở hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ít nhất từ thế kỷ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình. Từ xa xưa cho tới nay và mãi mãi về sau, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam. Lực lượng hải quân và nhân dân huyện đảo đang làm hết mình vì quyền thiêng liêng đó, chấp nhận sự gian khổ, kể cả hy sinh…”. Trong các tài liệu lịch sử để lại từ những năm 1686 liên tục đến ngày nay đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo. Cùng với khai thác hải sản và hàng hoá trên quần đảo, nhà Nguyễn còn tổ chức đo đạc, khảo sát, cắm mốc, trồng cây… trên 2 quần đảo liên tục trong các năm 1834, 1835, 1836… Cùng với giải phóng hoàn toàn miền Nam, tháng 4-1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng các đảo do nguỵ quân, nguỵ quyền đóng giữ với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước. Nhờ vậy, cho đến nay Việt Nam đang thực hiện chủ quyền và đóng giữ 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm 9 đảo nổi: Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và 12 đảo đá ngầm: Đá Nam, Đá Lớn, Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây, Đá Thị, Thuyền Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan. Các đảo này không ngừng được củng cố, phát triển kinh tế - xã hội, được xây dựng thành huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà), là đơn vị hành chính trong hệ thống tổ chức hành chính chung của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Đặc biệt những năm gần đây đời sống vật chất, tinh thần của huyện đảo Trường Sa đã được nâng lên rõ rệt: các đảo đều được sử dụng năng lượng điện sạch từ tuốc-bin gió, pin mặt trời. Hệ thống phát thanh, truyền thanh phủ khắp các đảo, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; liên tục cập nhật thông tin trong nước, quốc tế như ở đất liền. Hệ thống thông tin phát triển, mọi người trên các đảo có thể liên lạc bất kỳ lúc nào với người thân, gia đình, chính quyền, địa phương… thông qua mạng Viettel rất thuận tiện. Tất cả các đảo đều tổ chức tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống. Nhiều đảo đã cơ bản tự túc được rau xanh, một phần thực phẩm thịt cá. 3 xã, thị trấn của huyện đảo được xây dựng vững mạnh. 4 đảo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều đảo được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Quân đội… Trong chuyến đi này, đoàn đại biểu của tỉnh ta đến thăm, tặng quà; tìm hiểu cuộc sống, sẵn sàng chiến đấu; giao lưu văn hoá văn nghệ tại 6 đảo: Trường Sa, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Nam Yết, Đá Lớn, Len Đao của quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 Tư Chính của thềm lục địa phía Nam. 

Đoàn dự Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.
Đoàn dự Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Những ngày đầu của cuộc hành trình trên biển thời tiết khá đẹp. Ngoài những người chưa thích ứng với biển, say sóng… thì đa số lên boong để ngắm biển, ngắm trời, ngắm đàn cá chuồn “bay”, xem con chim ó biển theo tàu chao mình bắt cá trong nhiều ngày liên tục; chờ “chộp” kiểu ảnh bình minh, hoàng hôn trên biển. Xem sự tấp nập vận tải và khai thác hải sản của các tàu, thuyền trên biển. Nhiều người còn phân biệt đâu là tàu câu mực, câu cá ngừ đại dương; đâu là các tàu dùng lưới giã, đâu là vùng thả lưới rê… Ban ngày nhìn rõ cả tàu, thuyền, ban đêm định vị theo ánh đèn nhấp nháy như sao sa giữa đại dương. Ngày thứ 5 trở đi kể từ lúc xuất phát, trời bỗng “giở chứng”, gió cứ to dần, sóng cũng lớn dần và cả sóng lừng cũng đến “góp” làm tàu chao đảo, chúng tôi mệt lử và số người say sóng cứ nhân lên. Mỗi người chống say sóng một kiểu theo sự thích ứng của mình. Lê Hải, Trần Ngọc Hùng, Dương Thành An… thì không ra khỏi giường thậm chí quên ăn, cố ngủ để quên say sóng. Đa số thì lên boong mắc võng, nhiều người chơi cờ để… quên đi say sóng. Đồng chí Bùi Đức Long, Hoàng Thọ Mạnh… mặc dù cũng khó chịu bởi những “cú” lắc dọc, lắc ngang nhưng vẫn đến động viên thăm hỏi từng phòng, từng người. Bác sỹ Nguyễn Thị Việt Hoa cũng nôn thốc, nôn tháo nhưng khi tỉnh dậy là loạng choạng đi đến từng phòng đưa thuốc, cao dán chống say cho mọi người, cấp cứu cho những trường hợp tụt huyết áp, tụt canxi… Dáng nhỏ thó như diễn viên Dương Thanh Nga nhưng sóng không “quật ngã” được chị. Ngoài chăm sóc cho mọi người, Nga còn xuống bếp giúp anh nuôi dọn dẹp, rửa xoong, nồi, bát, đĩa… Đặc biệt các thuỷ thủ trên tàu “đội gió, gội mưa” lo cho từng bữa ăn, băn khoăn như mình mắc lỗi khi thấy cơm, thức ăn còn thừa lại quá nhiều. Đi từng phòng để xem những ai ăn cháo, ăn lương khô… các anh còn róc mía tiện thành từng khúc đưa đến các phòng cho từng người trong khi chính các anh cũng loạng choạng. Cảm động nhất là các diễn viên, nhạc công của đội văn nghệ xung kích như Diệu Hằng, Thu Hằng, Lệ Thu, Thanh An, Thanh Hằng, Thanh Tùng… “nuốt” say để hát, để biểu diễn cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo, trên tàu đến quên cả mình cũng đang “mật xanh mật vàng”.

Thử thách lớn nhất là khi đoàn rời khỏi đảo Trường Sa. Nếu không ra sớm 1 tiếng so với lịch trình thì đoàn không thể lên tàu được vì giông nổi lên, sóng chồm qua cầu tàu. Biển động, sóng lớn, sóng lừng, mưa thay nhau vần vũ con tàu. Lắc ngang, lắc dọc, chúng tôi cứ như những hạt lạc được đảo, rang trên chảo bởi sóng đạt tới cấp 6, 7, gió to cấp 7, 8 liên tục trong vài ngày đêm làm chúng tôi không vào được nhà giàn DK1 Tư Chính mà chỉ biết đứng ngắm nhà giàn trước sóng bạc đầu và bỏ kế hoạch về Bạch Hổ để ngắm thành phố nổi trên biển về đêm của các dàn khoan khai thác dầu khí. Đêm 27-3, “đỉnh điểm” của sự khắc nghiệt thời tiết. Con tàu gằn lại, bụng tàu như có hàng chục tảng đá đập vào lục cục như muốn vỡ tung. Mưa, gió làm tung hết bạt phủ nơi đuôi tàu dùng làm bếp nấu nướng. Sóng chồm lên, xô loảng xoảng nồi, niêu, xoong, chảo… và không ít đồ dùng nhỏ cuốn theo sóng xuống biển. Trung tá Phạm Văn Hưng, thuyền trưởng tàu 957 suốt ngày, suốt đêm không ngủ lo cho con tàu an toàn. Anh tâm sự: “Nhiều lúc tôi phải cho tàu chạy theo đường vòng để giảm bớt độ rung, độ lắc. Thậm chí có lúc suốt 2 tiếng đồng hồ tàu đi chưa được 4 hải lý (7km)…”. Không chỉ thuyền trưởng Phạm Văn Hưng mà cả chục cán bộ, chiến sỹ của tàu HQ 957 cũng không ngủ để lo cho sự an toàn của tàu, của cả chuyến đi. Trong mưa dập, gió vùi, bếp bị xô đổ… nhưng các anh vẫn lo bữa ăn đúng, đủ cho đoàn. Được biết tập thể cán bộ, chiến sỹ tàu HQ 957 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc cứu hộ trong cơn bão số 9 lịch sử miền Trung năm 2006. Hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, hàng chục Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, UBND Thành phố Hồ Chí Minh… Trong năm 2009, trong một đợt đưa đón đoàn đại biểu của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh từ đảo Tốc Tan về đảo Núi Le, tàu đã gặp phao cứu sinh. Trên phao cứu sinh có 9 thủy thủ của My-an-ma và In-đô-nê-xia phát tín hiệu đã được các thủy thủ tàu HQ 957 cứu hộ an toàn. Năm ngoái tàu HQ 957 lại xác định kỷ lục có số giờ hoạt động cao nhất toàn quân chủng với 237 ngày trong năm. Sau khi chuyến đi thăm đảo của đoàn trở về an toàn, Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn thừa nhận: “Đây là chuyến đi sóng gió, gặp nhiều sự cố nhất nhưng an toàn tuyệt đối. Trước sóng gió càng thấy quyết tâm, sự đoàn kết của đoàn, của các thủy thủ tàu HQ 957…”. Cũng theo Chuẩn đô đốc thì nếu tàu gặp bão biển chỉ sóng gió trong một buổi hoặc một ngày, nhưng trong đợt đi này sóng to gió lớn kéo dài nhiều ngày đêm liền. Và thực tế những ngày đêm cuối cùng trong vùng biển động ấy đã có tàu mất tích, nhiều tàu được cứu hộ an toàn. Phải chăng ý chí, sự kiên cường của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, các nhà giàn DK1 của thềm lục địa phía Nam đã chuyển thành tinh thần vượt khó của mỗi thành viên trong đoàn./.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com