Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc nhà đảo chìm Đá Lớn, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. |
[links()]
IV - Đảo chìm
Cùng với 9 đảo nổi, hệ thống 12 đảo đá ngầm tại quần đảo Trường Sa được Việt Nam thực hiện chủ quyền. Đây là những đảo rất quan trọng trên quần đảo, cùng với các đảo nổi tạo nên thế liên hoàn, hỗ trợ và chi viện cho nhau cả trong chiến đấu và xây dựng tuyến phòng thủ trên biển Đông. Đảo Đá Nam cách đảo nổi Song Tử Tây 3,5 hải lý về phía tây nam, là một cự ly không xa và có thể chi viện cho nhau thuận lợi. Đảo Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm ngập nước, diện tích khoảng 40km2, cách đảo Nam Yết khoảng 28 hải lý về phía tây tây nam. Đảo Thuyền Chài rộng trên 160km2, cách đảo Trường Sa 87 hải lý về phía đông nam và cách đảo An Bang 20 hải lý về phía đông bắc. Đảo Cô Lin cách đảo Sinh Tồn khoảng 90 hải lý về phía tây nam và cách đảo Len Đao khoảng 6,8 hải lý về phía tây tây nam. Đảo Len Đao cách đảo Sinh Tồn 6,5 hải lý về phía đông nam và cách đảo Cô Lin 6,8 hải lý về phía đông. Đảo Tiên Nữ rộng khoảng 13km2 cách Cam Ranh (Khánh Hoà) 374 hải lý và cách đảo Tốc Tan 35 hải lý về phía đông có huyền thoại về một người con gái xuất hiện giữa biển khơi đem đến bình yên cho vùng biển đảo này. Đảo Núi Le cách Cam Ranh (Khánh Hoà) hơn 300 hải lý và cách đảo Tốc Tan 6 hải lý về phía đông. Đảo Đá Đông cách đảo Đá Tây khoảng 19 hải lý về phía đông, diện tích khoảng 36km2 thuộc cụm Trường Sa trong quần đảo. Đảo Đá Tây cách đảo Trường Sa khoảng 20 hải lý về phía đông bắc và được coi là một trong những đảo rất quan trọng trên quần đảo. Đảo Đá Lát có diện tích gần 10km2 cách đảo Trường Sa 14 hải lý về phía tây, là đảo san hô khép kín, phía trong là hồ nước, khi thuỷ triều lên toàn đảo ngập nước, thủy triều xuống thấp các bãi san hô và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng cán bộ, chiến sỹ và các cháu thiếu nhi xem biểu diễn văn nghệ tại đảo Trường Sa. |
Đảo Đá Thị nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Sơn Ca khoảng 6 hải lý về phía đông đông bắc, diện tích khoảng 2km2. Tất cả 12 đảo đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa đều có diện tích khá lớn so với các đảo nổi, thậm chí có đảo rộng tới trên 160km2. Các hòn đảo đều chìm sâu khi thuỷ triều lên, chỉ xuất hiện những bãi đá, hòn đá mồ côi khi thủy triều xuống thấp nhất. Khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm. Một năm có tới 131 ngày bão, gió mạnh từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có 13-20 ngày gió mạnh. Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương; giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đây là tuyến đường huyết mạch có lượng tàu thuyền tấp nập qua lại đứng vào hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Địa Trung Hải. Mỗi ngày trung bình có 250-300 tàu biển các loại đi qua biển Đông, trong đó có 15-20% là tàu trọng tải lớn trên 30 nghìn tấn. Trên các đảo chìm và rìa ngoài của đảo có nhiều hải sản trong đó có những hải sản quý như: hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển, ốc có giá trị dinh dưỡng cao… Nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho ngư dân và làm hàng hoá xuất khẩu với lợi nhuận cao, có thể trở thành một nền kinh tế quan trọng của đất nước. Sự liên kết giữa các đảo, các cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo ra lá chắn quan trọng phía trước vùng biển, dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ; đồng thời bảo vệ sườn phía đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Chính vị trí quan trọng của các đảo nổi, đảo chìm nên Nhà nước đã đầu tư xây dựng các công trình kiên cố tại các đảo chìm có luồng ra vào để giữ vững chủ quyền và bảo vệ Tổ quốc. Thậm chí có đảo xây dựng được nhiều nhà lâu bền như 3 nhà lâu bền ở đảo Đá Lớn, 2 nhà lâu bền và 4 nhà cao chân ở đảo Thuyền Chài, 3 nhà lâu bền ở đảo Tốc Tan, 3 nhà lâu bền ở đảo Đá Đông… Nhiều cụm nhà trong một đảo nối với nhau bằng cầu dẫn có thể đi lại được ngay cả khi thuỷ triều lên, mưa gió. Cũng như các đảo nổi, các đảo chìm cũng được lắp đặt hệ thống tuốc-bin sử dụng sức gió và các dàn pin mặt trời phục vụ cho sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu. Cái khó về thiếu nước sinh hoạt và rau xanh tại các đảo chìm đang được khắc phục khá hiệu quả. Về mùa mưa là thời gian thuận lợi bảo đảm đủ nước ngọt, mùa khô nơi đây đã có bể chứa nước mưa dự trữ đủ dùng nhưng phải hết sức tiết kiệm. Các chiến sỹ có sáng kiến dùng nước đã sử dụng (vo gạo, rửa rau, rửa mặt…) để sử dụng trồng, tưới rau xanh. Các khay đất được chuyển từ đất liền ra thật quý, được đặt ở các vị trí không có nước biển tràn vào và che đậy cẩn thận để trồng rau. Rau xanh trồng chủ yếu là rau cải, rau dền… đưa vào trong bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sỹ. Chúng tôi có mặt tại 2 đảo chìm Len Đao và đảo Đá Lớn. Không biết “trời biển” có thử thách không mà khi vào 2 đảo này trời nổi giông, gió, mưa… làm cả đoàn ai cũng ướt như “chuột lột”. Tại đảo Len Đao tàu neo ngoài khơi lúc 7 giờ 30 mà mãi hơn 9 giờ, 2 xuồng mới đưa được khoảng 20 người vào đảo, còn lại phải ở ngoài tàu. Ngôi nhà lâu bền duy nhất cũng chỉ khoảng dưới 100m2 được xây dựng như một pháo đài vững chắc, xung quanh là sóng, gió. Tầng nào các anh cũng tận dụng trồng rau xanh. Ở tầng dưới khu trồng rau xanh rộng khoảng vài mét vuông, có các tấm ván che chắn cao tới vài mét để ngăn không cho gió táp, sóng, nước mặn làm ảnh hưởng. Các tầng trên được đặt các khay đất trồng rau ở các lan can thoáng và cũng che chắn thật kỹ. Ngoài trồng rau, đảo còn tổ chức chăn nuôi chó, gà. Năm 2010, các anh đã trồng được 675kg rau xanh, đánh bắt 633kg cá và tự túc được 134kg thịt; 3 tháng đầu năm 2011, các anh đã sản xuất 155kg rau xanh, 140kg cá và 28kg thịt. Có chứng kiến tận mắt mới thấy khâm phục việc tổ chức tăng gia sản xuất ở đảo chìm này. Anh Nguyễn Quang Sơn, Đảo trưởng đảo Len Đao cho biết: “Đoàn của Nam Định là đoàn đầu tiên đến thăm đảo trong năm 2011. Tuy độc lập chiến đấu và bảo vệ đảo nhưng các thông tin về tình hình các đảo trong quần đảo, những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nước ngoài đều được cấp trên thông báo và các đảo chúng tôi liên lạc với nhau. Cảnh giác, cảnh giác cao, đoàn kết thương yêu nhau như anh em là truyền thống của đảo...”. Cảnh giác cao, trực chỉ huy, trực và canh gác 24/24 giờ trong ngày, nên năm qua 2 lần máy bay do thám cùng hàng trăm lượt tàu các loại của nước ngoài đến thăm dò, trinh sát... đều được phát hiện và xua đuổi. Đã có tàu khai thác cá của ngư dân gặp sự cố đã được anh em trong đảo giúp đỡ và hỗ trợ. Trao đổi với cán bộ chiến sỹ trên đảo, tặng quà cho anh em... chúng tôi phải xin lỗi vì thời tiết không cho phép nên đội văn nghệ xung kích của đoàn không lên biểu diễn và giao lưu văn nghệ với đảo. Trong xúc động, chỉ huy đảo tặng lá cờ đã từng tung bay trên đảo tiền tiêu này cho đoàn làm kỷ vật lưu giữ. Vâng chúng tôi trân trọng lá cờ, trân trọng tấm lòng của người lính đảo với quê hương. Chúng tôi trân trọng tấm lòng kiên trung “một tấc không đi, một ly không rời” của các anh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chuẩn uý Vũ Ngọc Dương quê ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) nghe tin tỉnh đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ, mở cảng biển Thịnh Long thì anh vui lắm, cứ hẹn đi hẹn lại nếu Thủ tướng ký quyết định thì thông tin cho anh để anh và toàn đảo chung vui. Ở đảo Đá Lớn thời tiết mưa và gió lớn, đoàn chúng tôi cũng chỉ cử đại diện vào thăm. Cũng bịn rịn, xúc động như trên đảo Len Đao chúng tôi chia tay nhau sau vài giờ hàn huyên với bao chuyện chưa kịp tâm sự. Anh Mai Văn Liên quê xã Giao An (Giao Thuỷ) và Nguyễn Duy Hoà quê xã Hải Giang (Hải Hậu) trao đổi số điện thoại với chúng tôi để “khi nào Thành phố Nam Định được Thủ tướng quyết định lên đô thị loại I thì báo cho chúng tôi...”. Xúc động nhất là tại vùng đảo chìm này đoàn công tác của tỉnh và các chiến sỹ hải quân trên tàu HQ 957 đã tổ chức thả hoa tưởng niệm 74 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại vùng biển đảo thiêng liêng này trước sự xâm lăng của nước ngoài ngày 14-3-1988. Sỹ quan trẻ, thiếu uý Trần Văn Phương được lệnh chỉ huy bộ đội chốt giữ đảo Gạc Ma đã thực hiện đúng đối sách, cùng lực lượng đóng giữ đảo, khôn khéo, dũng cảm, kiên quyết chống lại sự xâm lược này. Lá quốc kỳ đỏ thắm như tấm lòng kiên trung của người lính đảo được anh ôm chặt trong lòng trong lúc nguy nan và anh đã anh dũng hy sinh cùng lá cờ của Tổ quốc. Máu của anh, của 74 cán bộ, chiến sỹ đã tô thắm thêm màu đỏ của quốc kỳ vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh cao cả của các anh.
Biển cũng cồn lên sôi sục trong nỗi tiếc thương vô hạn.
(còn nữa)
Tất Thắc