[links()]
LTS: Như tin đã đưa, từ ngày 16-3 đến ngày 2-4-2011, Đoàn đại biểu tỉnh ta đã ra thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Nhà báo Cù Tất Thắc, PV Báo Nam Định đã có loạt bài phản ánh hoạt động của Đoàn trong chuyến đi đầy ý nghĩa này. Báo Nam Định xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Đoàn thăm Tân Cảng Cát Lái. |
I - Xuất phát
Nhận nhiệm vụ tham gia đoàn công tác thay mặt Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang của tỉnh ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, tâm trạng tôi mừng, lo lẫn lộn. Mừng vì lại được trở thành người chiến sỹ sau 23 năm rời xa quân ngũ, được đến thăm, tâm sự với những người đang ngày đêm canh giữ phần lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc bảo vệ chủ quyền lãnh hải mà cả nước đang hướng về; lo vì sức khoẻ có bảo đảm cho chuyến đi ngót 20 ngày trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết: sóng to, gió lớn, mưa giông… trên lộ trình 1.120 hải lý (2.073km) đến tận các đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1 của thềm lục địa phía Nam… Nhưng khi gặp mặt với các thành viên trong đoàn thấy ai cũng háo hức, ai cũng quyết tâm, trách nhiệm đến với Trường Sa, đến với thềm lục địa phía Nam, đến với những người vì Tổ quốc sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, trời, đảo… đã tiếp thêm sức cho tôi, làm nhẹ tênh những nỗi lo ban đầu.
Tân Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), nơi xuất phát chuyến hành trình ra đảo. |
Có lẽ ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của chuyến đi, trách nhiệm của mình đối với quần đảo Trường Sa nên chỉ một lần tập trung, tất cả mọi người trong danh sách đã có mặt đủ, với hành lý thật gọn nhẹ như những người lính ra trận. Sự trục trặc về thời tiết lại làm chuyến đi thêm thi vị. Do đợt gió mùa đông bắc gây mưa to, gió lớn nên xe của Cty Mai Linh từ Hà Nội về có chậm đôi chút, nhưng là thời gian quý cho mọi người kiểm tra lại hành lý, trao đổi với nhau về chuyến đi, nhất là kinh nghiệm những chuyến đi công tác dài ngày. Các thành viên trong đoàn đã từng đi biển thì rất ít, hơn thế nữa ra quần đảo Trường Sa, các đảo xa đất liền thì số người đi lần thứ hai chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Xe không vào được trong sân, chúng tôi lại “đội mưa” hành quân ra cổng. Tuy có ướt đôi chút nhưng không làm ai buồn, thậm chí có người còn vui vì: “Được mang thêm một chút ướt át, một chút lạnh… càng làm chuyến đi có ý nghĩa…”.
Xe chuyển bánh trong mưa mù, gió giật và nhiệt độ đang giảm rất nhanh xuống dưới 100C. Từ xe nhìn ra trong làn trắng nước mưa ấy, các thửa ruộng cấy lúa, trồng màu đang phủ một màu xanh mát mắt trải dài suốt chặng đường từ Nam Định, Ninh Bình qua các tỉnh phía Bắc miền Trung. Trên xe tiếng trò chuyện không ngớt. Cả xe bỗng im lặng, chăm chú lắng nghe anh Trịnh Công Hoán, Phó Giám đốc Cty TNHH một thành viên Mai Linh Nam Định giải thích cho người ngồi bên cạnh: “Mai Linh là chữ viết tắt của tập hợp từ mái nhà của lính…”. Hoá ra tên của Cty cũng có ý nghĩa đáng nể. Bởi vì những người sáng lập ra Cty Mai Linh cũng đã một thời cầm súng bảo vệ Tổ quốc, cũng lận đận khi cởi áo lính về với đời thường, khi tìm việc lúc ấy quá khó khăn. Từ lúc hàn vi đến nay trở thành Cty khá mạnh bởi vì hầu như những người trong Cty đều đã có một thời cầm súng hoặc là con em của những người lính được tập hợp lại sẵn có tính kỷ luật cao… Mải nghe chuyện chúng tôi quên mất ngắm núi rừng trùng điệp của Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An… Xe chúng tôi chui qua hầm Hải Vân sáng choang ánh đèn và nhộn nhịp các dòng xe qua lại. Không được ngắm “mây bay đỉnh núi” của đèo Hải Vân nhưng nếu trước kia vượt đèo này mất cả buổi với những khúc cua “tay áo” và cheo leo vực thẳm thì bây giờ khoảng cách chỉ gần 10 phút đồng hồ. Thế mới biết hiệu quả kinh tế đến nhường nào của đường hầm xuyên núi Hải Vân. Cũng chỉ gần 10 phút qua hầm bên kia thời tiết đã khác hẳn, cái lạnh lùi lại phía sau, nắng vàng đã trải dài ấm áp. Và từ màu xanh lúa đang hồi lại sau cấy ở phía Bắc thì đến đây ruộng lúa đã vàng ươm. Đến Bình Định cánh đồng lúa đã rực vàng, những chiếc máy gặt đập liên hợp đỏ au và nhấp nhô nón trắng... mọi người đổ ra đồng thu hoạch. Lúa ngoài đồng chín vàng, lúa trong sân còn vàng hơn. Mùa vàng nối tiếp mùa vàng, ấm no nối tiếp ấm no trải dài khắp cả các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận... Từ Quy Nhơn đến Khánh Hoà một bên là màu vàng rực của lúa chín, một bên là bát ngát biển xanh. Nhiều đoạn xe chạy sát biển tưởng như giơ tay ra có thể khoả thấy nước biển và xa xa là những đoàn thuyền khai thác hải sản của ngư dân, nhiều chỗ đông đến cả vài trăm chiếc. Đang thả hồn trong thảm lúa vàng và màu xanh vô tận của biển khơi, tôi bỗng giật mình bởi tiếng anh Nguyễn Xuân Nghinh, Bí thư Huyện uỷ Giao Thuỷ ngay cạnh tôi đang yêu cầu ở nhà gửi danh sách, hoàn cảnh gia đình của cán bộ, chiến sỹ của Giao Thuỷ hiện đang có mặt tại quần đảo Trường Sa và các nhà giàn của thềm lục địa phía Nam để mang đến cho những người con quê hương đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc những tình cảm nồng ấm của quê nhà. Còn chị Nguyễn Thị Việt Hoa, trưởng Ban Quân y (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) thì đang tranh thủ kiểm tra lại cơ số thuốc mang theo. Phía cuối xe vẳng lên tiếng luyện giọng của các diễn viên Nhà hát chèo, Đoàn cải lương... lúc trầm lúc bổng. Họ đang chuẩn bị các tiết mục để phục vụ, để giao lưu với quân dân huyện đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1...
Xe chúng tôi cứ lao đi trong nắng vàng, trong cái oi nồng của khí hậu phía Nam. Ninh Thuận hiện ra với những vuông tôm nuôi trải dài theo chân sóng cùng những giàn quạt nước trắng xoá trên làn nước xanh. Đông vui là những trại sản xuất tôm giống đang cung cấp giống tôm bố mẹ, tôm Pốt 15... cho vùng nuôi của cả nước, trong đó có hàng nghìn ha đầm nuôi của các huyện ven biển tỉnh ta cho hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn xuất khẩu. Còn ở Bình Thuận nổi lên những nhà máy điện sạch dùng sức gió làm quay các tuốc bin... “Hòn ngọc Viễn Đông” hiện ra với những nhà cao tầng hiện đại và tấp nập của nền kinh tế năng động. Ngôi nhà cao nhất Việt Nam có hình dáng của chiếc búp sen cao ngót trăm tầng, khoe dáng ngay cạnh bến tàu cánh ngầm đô hội. Tầng thứ 49-50 của ngôi nhà được thiết kế sân bay lên thẳng đỗ. Đứng tại tầng này ta có thể thấy toàn cảnh Thành phố Hồ Chí Minh thật đẹp và hiện đại nhưng cũng rất thơ mộng. Tân cảng Cát Lái rộng tới trên 80ha sầm uất mà trước đây chỉ là vùng đất ngập nước, bạt ngàn đước và dừa nước với những con muỗi to như con ruồi... Mới chỉ vài năm gần đây đã trở thành cảng hiện đại đứng đầu Việt Nam và đứng vào tốp 40 trên thế giới. Nơi đây có 67 hãng tàu vận tải biển của thế giới thông qua cảng với trên 30 nghìn lượt tàu cập bến mỗi năm. Tổng số công-ten-nơ qua cảng chiếm 80% số công-ten-nơ xuất nhập của khu vực phía Nam và chiếm 50% của cả nước. Hệ thống thiết bị nâng, bốc lên tới trên 50 cần cẩu cỡ lớn, trong đó gần 40 cần cẩu khung hạng nặng. Bình quân mỗi giờ 50 công-ten-nơ được bốc, xếp; có những giờ cao điểm đạt gần 100 công-ten-nơ/giờ. Hệ thống quản lý, điều hành toàn bộ bằng vi tính. Hệ thống kiểm tra công-ten-nơ tự động bằng máy soi chính xác nên không phải mở công-ten-nơ ra kiểm tra... Cảng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tôi thầm nhủ phải chăng đây là tương lai gần của cảng biển Ninh Cơ khi Chính phủ cho phép xây dựng Khu kinh tế mở Ninh Cơ ở tỉnh ta.
Đoàn chúng tôi tranh thủ đến thăm Lữ đoàn 125 Hải quân - đơn vị hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị chủ quản của tàu HQ 957, con tàu sẽ đưa đoàn công tác chúng tôi ra thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam đưa chúng tôi xuống làm quen với cán bộ, chiến sỹ tàu HQ 957. Mới gặp nhau lần đầu mà chúng tôi đã thấy thân quen. Những nụ cười nở trên môi, những ánh mắt thịnh tình và những cái bắt tay thật chặt của cán bộ chiến sỹ tàu HQ 957 như truyền sức mạnh sang chúng tôi, ngầm nói rằng: Hãy tin tưởng ở chúng tôi.
Đêm ấy “Hòn ngọc Viễn Đông” không ngủ bởi các dòng xe tấp nập lại qua, khác hẳn với cảnh thanh bình xe chúng tôi đi qua dọc chiều dài đất nước. Phần vì mệt do nhiều ngày đêm đi liên tục không nghỉ, vì để lấy lại sức cho ngày mai xuống tàu ra đảo nên giấc ngủ đến rất nhanh. Trong chiêm bao vẫn hiển hiện những con đường đang mở về các xóm làng đang toả khói lam trong những buổi hoàng hôn trong cái thanh bình ấy đang sôi sục cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Chính phủ để nông thôn đổi mới hơn, hiện đại hơn, thu nhập cao hơn... nhưng giữ vững bản sắc văn hoá Việt Nam.
(còn nữa)