Lưu luyến phút chia tay. |
[links()]
VI - Nhớ Trường Sa
Chuyến đi mười tám ngày tưởng dài hoá ra quá ngắn. Đoàn chúng tôi mới đến thăm được 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và một nhà giàn DK1 Tư Chính thuộc thềm lục địa phía Nam. Mặc dù thực hiện đúng lịch trình nhưng chúng tôi vẫn tiếc vì phải lỗi hẹn với 15 đảo, 14 nhà giàn của vùng biển, đảo thiêng liêng này. Một chuyến đi ấn tượng, nhiều cảm xúc và thật ý nghĩa. Ghi nhận đầu tiên là những người đang canh giữ biển, đảo thật tình cảm, thật kiên cường, một khối đoàn kết thống nhất không gì lay chuyển nổi. Đồng thời cũng thấy được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước cho quần đảo và thềm lục địa là rất lớn, thậm chí đi trước cả nền kinh tế. Tất cả các đảo lớn nhỏ, các nhà giàn đã được điện khí hoá cao với nguồn năng lượng sạch mà những người sống ở đất liền chỉ thấy trong mơ. Điện khí hoá đã nâng cấp cuộc sống nơi đây và nguồn năng lượng này gần như vô tận bởi vùng quần đảo và thềm lục địa bao giờ cũng thừa gió, dư ánh sáng mặt trời để sản sinh ra điện. Ngay trong chuyến đi thăm của đoàn chúng tôi, đại diện cho Tập đoàn Dầu khí cùng đi đã trực tiếp kiểm tra, xin ý kiến đóng góp của những người sử dụng điện để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp hệ thống phát điện sạch. Các công trình trên đảo cũng được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng cả nhu cầu sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu. Nguồn nước ngọt đây đó còn chưa thật thoả mãn vào những ngày mùa khô, nhưng không thiếu. Đất liền còn cung cấp các khay gỗ, khay nhựa, đất màu, cây, con giống… để các anh, các chị tổ chức tăng gia, trồng rau xanh; nuôi gia súc, gia cầm; đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản để cải thiện đời sống, tăng khẩu phần ăn hàng ngày. Hệ thống đầu thu hiện đại từ vệ tinh để các đảo, các nhà giàn được xem truyền hình, nghe phát thanh; sóng điện thoại di động phủ khắp… đã kéo gần khoảng cách giữa đảo với đất liền. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vùng biển đảo thoả mãn xem truyền hình với độ nét cao, nghe các kênh phát thanh để liên tục cập nhật thông tin trong nước, quốc tế, hằng ngày, hằng giờ. Chỉ cần bấm máy điện thoại di động là người ở đảo, ở nhà giàn liên lạc ngay được với người thân, bạn bè, quê hương… Trước đây ai đã từng ra quần đảo, ở nhà giàn bây giờ về thăm lại mới cảm nhận được sự đổi thay lớn đến nhường nào.
Sự đầu tư của Đảng, Nhà nước là rất lớn, và sự cố gắng nỗ lực vươn lên của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên vùng biển, đảo cũng hết sức phi thường. Để biến một vùng đảo đá san hô không có nước ngọt, thời tiết, thủy văn khắc nghiệt thành vùng đất trù phú của các đảo nổi như ngày nay thật là một kỳ tích với hàng chục, hàng trăm tấn rau xanh tự túc sản xuất ra hằng năm của mỗi đảo để đưa vào bữa ăn hàng ngày. Hiện tại để duy trì lượng rau xanh, cứ theo mùa gió các đảo lại phải “sơ tán” vườn rau từ đầu đảo xuống cuối đảo và ngược lại để gió mạnh không táp, cát không bay vào vùi dập và mặn cũng không xâm thực được… cây rau mới sống và phát triển. Trồng rau xanh ở các đảo nổi đã khó, trồng, chăm sóc rau xanh ở các đảo chìm, nhà giàn còn khó gấp bội phần, nhưng không ngăn được các anh. Mặc cho khuôn viên chật hẹp, mặc cho khí hậu khắc nghiệt có mùa cả tháng không trận mưa… nhưng tự túc được rau xanh đưa vào bữa ăn hàng ngày là một tiêu chuẩn các nhà giàn đều đạt, nhiều nhà giàn như nhà giàn Phúc Nguyên… không những tự túc được rau xanh mà còn cung cấp một phần rau xanh của mình tự trồng cho các tàu đang làm nhiệm vụ trong khu vực. Trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt và nuôi trồng hải sản… cùng với chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sỹ, các đảo, các nhà giàn đã đảm bảo quân số khoẻ đạt trên 99%, đáp ứng được nhiệm vụ luyện tập và sẵn sàng chiến đấu; tuần tra, canh gác 24/24 giờ trong ngày, phát hiện sớm và có biện pháp xua đuổi các tàu của nước ngoài xâm phạm chủ quyền và cả máy bay thăm dò, trinh sát. Cùng với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, các đảo, các nhà giàn đều xây dựng tinh thần đoàn kết, coi nhau như anh em ruột thịt. Anh Nguyễn Văn Siển, chính trị viên đảo Nam Yết, quê ở Yên Khánh (Ý Yên) tâm sự: “Đội ngũ cán bộ của đảo đã thực sự là cha, là anh, lo từ miếng ăn, giấc ngủ, sức khoẻ; hiểu được tâm tư, nguyện vọng của từng cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị mình… nên không ai giấu giếm điều gì, tin tưởng và đoàn kết là sức mạnh của chúng tôi”. Vâng, đoàn kết, coi nhau như ruột thịt là sức mạnh để quân đội ta đánh thắng các đế quốc to trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ và cũng là truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Hiện nay các đảo, nhà giàn đang có phong trào thi đua xây dựng đơn vị: “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”. Những tấm gương hy sinh dũng cảm bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ nhà giàn luôn được nêu gương. Quên sao được tinh thần quả cảm chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày 14-3-1988 của tập thể 3 tàu Hải quân: HQ 505, HQ 604, HQ 605. Với cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 74 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh nhưng đảo Cô Lin vẫn được giữ vững. Trung tá, Thuyền trưởng tàu HQ 957 Phan Văn Hưng, đã tham gia trận chiến đấu này và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba kể lại: “Đó là sáng ngày 14-3-1988, cả 3 tàu nước ngoài được trang bị súng lớn bất ngờ nổ súng tấn công vào 3 tàu của chúng tôi. Chúng tôi chống trả quyết liệt. Song cuộc chiến đấu không cân sức ấy đã làm chúng tôi tổn thất lớn: 2 tàu HQ 604 và HQ 605 của ta bị cháy. Trước tình trạng hiểm nghèo, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã mưu trí, dũng cảm, vừa chỉ huy mọi người chiến đấu, vừa chỉ đạo lái thẳng con tàu HQ 505 lao lên đảo Cô Lin, bảo vệ chủ quyền của đảo này. Trước một thực tế không thể chối cãi, đảo Cô Lin tiếp tục được cắm mốc chủ quyền bằng con tàu HQ 505, bọn cướp ngày nước ngoài không làm gì được phải hậm hực bỏ đi…”. Bằng hành động dũng cảm, mưu trí đó, tàu HQ 505 và cá nhân Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sỹ trên tàu HQ 505 được thưởng Huân chương Chiến công, Bằng khen của Chính phủ và các cấp…
Một chuyến đi không dài nhưng cả đoàn chúng tôi ai cũng cảm nhận được cái tình, cái nghĩa, đức hy sinh, lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Nói như anh Vũ Đức Hạnh, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực thì: “Một chuyến đi cho ta lớn lên cả trong suy nghĩ và hành động để tự răn mình sống sao cho xứng đáng với những cán bộ, chiến sỹ đang vượt lên gian khó, hy sinh bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho chúng ta cuộc sống thanh bình, ấm no…”.
Nhớ Trường Sa, nhớ những gương mặt vừa gặp lần đầu mà đã thấy thân quen, tin tưởng. Nhớ những cái bắt tay thật chặt của tình đồng chí, đồng đội và ánh mắt nói hộ bằng lời. Nhớ cây bàng quả vuông lá mềm như nhung nhưng cây vươn thẳng không ngả nghiêng trước bão táp, mưa sa. Hoa cây bàng quả vuông như hoa quỳnh của đất liền: e ấp nở lúc bán dạ, trắng trong như những cọng pha lê nhưng lại sinh ra quả to gấp hàng chục lần quả bàng thường, xanh thẫm, góc cạnh… để rồi nảy mầm thành những thân cây vững chãi trước giông tố. Nhớ cây phong ba cổ thụ rạp mình chống đỡ với gió biển rồi bỗng vươn lên trực diện với… phong ba bão biển. Cái gốc già nua, rỗng mọt của cây phong ba lại nảy lên những chồi non tơ, tiếp tục thi gan với sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu. Phải chăng các cây phong ba, cây bàng quả vuông… chính là hiện thân của những con người trên quần đảo, cũng hiên ngang, quả cảm, không chịu khuất phục bất cứ một kẻ cường quyền nào, bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nhưng nhân hậu, thuỷ chung, thương yêu đồng chí, đồng đội và nhân dân như khẩu hiệu của các anh: “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”.
Nhớ Trường Sa, nhớ nhà giàn, nhớ những buổi giao lưu văn nghệ vui đến nổ trời. Văn công hát, cán bộ, chiến sỹ hát, các nhà tu hành hát, cả các phóng viên cũng hát… Nhớ bài hát gửi qua máy bộ đàm đến với cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1 Tư Chính, trong rân rấn nước mắt vẫn khoẻ khoắn vang xa, át cả biển động, sóng lừng. Nhớ câu chuyện của Nguyễn Văn Liêm, sinh ra ở xã Trực Đại (Trực Ninh) nhưng có “thâm niên” trên 3 năm ở nhà giàn DK1 về bãi thềm lục địa lắm cá, mồi càng to bắt được cá càng lớn, có con cá anh câu được nặng tới vài chục kg. Thậm chí đã kéo cá lên vẫn còn có con cá to hơn “táp” mất cả đoạn đuôi… Chuyện về hàng tuần do thời tiết không thuận các anh phải giã gừng, giềng… khô làm thức ăn, nhưng vẫn bám trụ kiên cường bảo vệ nhà giàn, phát hiện tàu nước ngoài đến trinh sát, quấy rối và báo cáo kịp thời về sở chỉ huy. Chuyện về các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc…
Trong nỗi nhớ da diết ấy tôi bỗng hát thành lời hết cả bài hát “Không xa đâu Trường Sa ơi” mới học “mót” được trong chuyến công tác vừa rồi./.