Nào đâu xa Trường Sa (kỳ V)

01:04, 22/04/2011
Nhà giàn DK1 vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, biểu tượng của chủ quyền thiêng liêng biển đảo Việt Nam.
Nhà giàn DK1 vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, biểu tượng của chủ quyền thiêng liêng biển đảo Việt Nam.

[links()]
V - Thềm lục địa

Không biết có phải là một cuộc thử thách hay chấp nhận coi chúng tôi là những chiến sỹ Hải quân, là chiến sỹ tiền tiêu vùng biển đảo mà từ khi rời khỏi đảo Trường Sa, suốt chặng đường 150 hải lý về nhà giàn Tư Chính biển động và dập dồn mang giông lốc tới. Gió cấp 7, cấp 8; sóng cấp 6, cấp 7 vần vũ con tàu nhỏ nhoi giữa biển Đông, lắc chúng tôi đến “mật xanh mật vàng”. Suốt đêm ấy trên tàu chúng tôi gần như không ngủ, phần vì say sóng, phần vì tàu lắc ngang, lắc dọc... chúng tôi cứ như hạt lạc được đảo trên chảo rang. Những người chống say bằng võng cũng không còn chỗ bởi mưa, gió ướt và rét, xuống các phòng nghỉ lại phải “trồi” lên boong, ra hành lang... Mãi đến 8 giờ sáng nhà giàn DK1 Tư Chính mới hiện ra trong mù nước và nhấp nhô sóng bạc đầu vỗ vào các cột nhà. Gió và sóng quá lớn, chúng tôi đành quan sát nhà giàn từ xa vì không thể lên thăm hỏi, giao lưu được. Tàu vẫn nổ máy, vẫn nghiêng ngả trong sóng lớn để hạ xuồng cho vài chiến sỹ Hải quân đội gió, gội mưa, vượt sóng tiếp cận nhà giàn. Chỉ “non” cây số mà chiếc xuồng “đánh vật” với sóng cả tiếng đồng hồ nhưng cũng không sao lên được nhà. Các anh đành phải dùng cáp đưa quà của đoàn công tác tỉnh ta và quà của Quân chủng Hải quân đến với các chiến sỹ đang đứng vững nơi đầu sóng tiền tiêu này. Không lên giao lưu văn nghệ được, các diễn viên đội văn nghệ xung kích đã hát qua máy bộ đàm cho các cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn nghe ngay trên buồng lái, dù không có nhạc phụ hoạ nhưng vẫn át cả tiếng gió biển gào thét. Thương các anh, Diệu Hằng và Thanh Nga hát trong tiếng nức nở bài “Giận mà thương” làm cả đoàn chúng tôi ai cũng không cầm lòng được,  lệ rơi và mắt cũng đỏ hoe. Trước đó chỉ vài chục phút Diệu Hằng còn nằm bẹp, nôn oẹ, loạng choạng... phải có người dìu, thế mà lúc hát chị quên hết say, hết mệt. Tiếng hát cứ vút lên, cứ đằm thắm của cái tâm, bằng nghị lực, bằng sự khâm phục. Bài tiếp bài, điệu chèo tiếp điệu chèo, các chị hát say sưa. Và từ nhà giàn vọng ra tiếng hát khoẻ khoắn của cán bộ, chiến sỹ “ăn sóng nói gió” bài “Lính nhà giàn” tặng lại đoàn. Có phải chăng, các anh đang gửi gắm tình cảm và lòng kiên trung, không sợ hy sinh gian khổ quyết giữ vững biển trời thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Cũng tại vùng biển này tàu chúng tôi lại tổ chức dâng hương, thả hoa tưởng niệm những cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại thềm lục địa. Câu chuyện về cơn bão số 8 mạnh tới cấp 12 đầu tháng 12-1998. Trước nguy cơ nhà giàn bị đổ, đại uý, trạm trưởng Vũ Quang Chương cùng 8 cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã kiên trì bám trụ, liên tục giữ vững thông tin liên lạc, báo cáo chính xác mọi diễn biến của cơn bão, của nhà giàn về sở chỉ huy. Bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với bão, các anh dự kiến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và tìm mọi biện pháp nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và trang thiết bị. Với tinh thần còn người còn nhà trạm, kiên quyết bám trụ bảo vệ nhà giàn đến cùng mặc cho mưa to, bão lớn, mặc cho đêm tối mịt mù giữa biển khơi mênh mông, mặc cho đói, rét, mệt nhọc... Những cơn sóng lớn, đỉnh sóng cao tới 14-15 mét lắc, rung, trùm kín qua cả sàn công tác, 3 giờ sáng ngày 14-12-1998 nhà giàn bị đổ, 3/9 đồng chí hy sinh. Cơn bão số 10 đầu tháng 12-1990, sức gió cấp 10, 11 với sóng cao 14-15m, đã làm nghiêng nhà giàn DK1 Phúc Tần, 8 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng chống chọi suốt đêm ngày 4-12, nhưng đến 2 giờ sáng ngày 5-12-1990 toàn bộ khối nhà giàn bị đổ xuống biển. Trong lúc hiểm nghèo, trung uý Nguyễn Hữu Quảng đã nhường lương khô, nhường phao bơi cho đồng đội và anh đã anh dũng hy sinh cùng 2 chiến sỹ nhà giàn. Sự hy sinh cao cả, trách nhiệm trước đồng đội, trước nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa của các anh mãi mãi sáng trong chúng ta, cả Tổ quốc ghi công. 

Giao lưu văn nghệ giữa Đoàn với quân dân trên đảo Song Tử Tây.
Giao lưu văn nghệ giữa Đoàn với quân dân trên đảo Song Tử Tây.

Với thế đắc địa, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc (DK1) nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và là tuyến đường hàng hải chính qua biển Đông. Đây là khu vực biển có nguồn lợi hải sản phong phú, với trữ lượng lớn, trong đó có nhiều loài thuộc dòng hải sản quý với giá trị kinh tế cao. Đồng thời đây cũng là khu vực có nhiều dầu mỏ và khí tự nhiên với trữ lượng lớn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang khai thác phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy mới bước đầu khai thác nhưng từ năm 2008 lại đây mỗi năm chúng ta đã khai thác 15-16 triệu tấn dầu thô từ các mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng..., chế biến từ các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn... ngành Dầu khí đang làm giàu cho đất nước. Từ vị trí quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú, thềm lục địa phía Nam có vai trò to lớn cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta. Trong khu vực có một dãy cồn cao gần sát mép nước tạo thành những rặng san hô nổi. 9 vị trí bãi ngầm được đặt tên là: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, bãi vũng Mây, bãi Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh. Các bãi hình thành phát triển theo hướng đông bắc - tây nam. Chế độ dòng chảy xoáy ở phạm vi lớn do bãi ngầm luôn chìm sâu và phần lớn cách mặt nước 20-100m. Độ ẩm cao với hơi mặn bốc lên ảnh hưởng đến khí tài quân dụng và cả vũ khí. Điều kiện thời tiết, khí hậu, hải văn diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho các hoạt động tuần tra, kiểm soát, đóng quân chốt giữ bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo và thềm lục địa. Chính vị trí quan trọng như vậy năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng nước ta (nay là Chính phủ) đã tuyên bố thành lập cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ kỹ thuật thuộc sự quản lý hành chính của đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Ngay trong năm 1989, Quân chủng Hải quân phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Dầu khí triển khai xây dựng 3 nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Tư Chính, Phúc Tần và Ba Kè. Tiếp theo Đảng, Nhà nước đã tập trung đầu tư lớn, phát triển mạnh số lượng, nâng cao chất lượng bền vững và khả năng hoạt động của nhà giàn trên các bãi ngầm còn lại: Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường... Đến năm 2010, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 20 nhà giàn trên 6 bãi ngầm ở khu vực DK1. Do sóng to, gió lớn, bão, áp thấp nhiệt đới... làm đổ nên đến nay còn lại 15 nhà giàn khá vững chắc trên các bãi ngầm. Thường trực tại đây có các lực lượng bộ đội Hải quân cùng cán bộ, nhân viên của các ngành bảo đảm hàng hải, khí tượng, thuỷ văn, dầu khí... ngày, đêm bám trụ làm nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ quốc kế dân sinh. Sự khó khăn về khí hậu, thời tiết, thuỷ văn, độ ẩm... đã được cán bộ, chiến sỹ khắc phục bảo vệ khí tài, trang bị luôn sẵn sàng chiến đấu cao, trong mọi tình huống. Cũng như các đảo chìm, các nhà giàn đã khắc phục tốt tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, chiến sỹ kể cả trong mùa khô. Trong tăng gia sản xuất, các nhà giàn luôn quan tâm trồng rau xanh, nuôi gia súc, gia cầm và đánh bắt hải sản. Các nhà giàn được cấp các khay trồng rau, đất màu và con giống theo định lượng số người được tàu từ đất liền chở ra. Trong điều kiện không gian chật hẹp, rau xanh được trồng trong các khay gỗ, khay nhựa và đặt ở các nơi không gian tận dụng như hành lang, cầu thang, các ô cửa của trạm... Hàng ngày, nước thải trong sinh hoạt được tận dụng triệt để dùng cho tưới rau. Ở đây rau xanh được trồng đủ loại, song chủ yếu vẫn là rau cải, rau dền, bầu, bí... nên mỗi năm mỗi nhà giàn đều thu hoạch 300-600kg rau xanh các loại. Riêng nhà giàn Phúc Nguyên không những cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu rau xanh trong bữa ăn hàng ngày mà còn dành một phần hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị tàu làm nhiệm vụ trực trong khu vực.

Từ khi được thành lập đến nay, cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ kỹ thuật đã không ngừng vươn lên trong xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật. Tập thể đoàn kết, một lòng vững vàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, bảo vệ an toàn các nhà giàn. Chính những thành tích đặc biệt xuất sắc ấy, DK1 đã được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới năm 2005, tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba năm 2004, tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì năm 2010 và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân... Hầu hết các nhà giàn tại các bãi ngầm Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Ba Kè đều được Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Quân chủng Hải quân... tặng Bằng khen, nhiều cán bộ, chiến sỹ có thành tích đặc biệt xuất sắc được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý./.

(còn nữa)
Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com