Giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Hải Hậu

09:04, 29/04/2011

Những năm qua, huyện Hải Hậu được đánh giá là điểm sáng trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm (GQVL) cho lao động nông thôn. Giai đoạn 2006-2010, qua các kênh, toàn huyện đã đào tạo nghề, truyền nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 50 nghìn lượt người, trong đó đào tạo 7.500 lao động, tạo việc làm cho 24 nghìn lao động. Riêng Trung tâm dạy nghề huyện đã đào tạo nghề ngắn hạn, trung cấp nghề cho 5.319 lao động; trong đó năm 2010 đào tạo cho trên 2.000 lao động. Thu nhập của người lao động sau đào tạo đạt 50-100 nghìn đồng/ngày nên nông dân đã tích cực phát triển nghề được đào tạo. Tuy nhiên, so với lực lượng lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện thì số lao động nông thôn được dạy nghề vẫn còn thấp. Một số nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, chất lượng đào tạo chưa cao, việc làm sau đào tạo chưa ổn định, thu nhập thấp. Một số nghề sau đào tạo không có việc làm nên người học buộc phải chuyển nghề. Mặt khác, số lao động thời gian nông nhàn cần việc làm rất lớn; trong đó đối tượng là học sinh đã tốt nghiệp THCS nhưng không vào được THPT hàng năm chiếm khoảng 20% (tương đương 900 em) cũng cần được đào tạo nghề để lập nghiệp. Để thực hiện định hướng phát triển của huyện là phải chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn càng trở nên cấp bách.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956 đã tạo “cú hích” mạnh mẽ cho công tác đào tạo nghề, GQVL cho lao động nông thôn của huyện. Những khó khăn trong công tác đào tạo nghề, GQVL cho lao động nông thôn đã từng bước được tháo gỡ nhờ các cơ chế hỗ trợ thiết thực về kinh phí từ ngân sách. Các cơ sở đào tạo dạy nghề được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm khuyến khích nên có nhiều hình thức linh hoạt trong đào tạo, GQVL cho lao động nông thôn. Trung tâm dạy nghề huyện đã xây dựng một số mô hình điểm về dạy nghề, GQVL sau khi học nghề ở xã, giúp người lao động xác định được nơi làm việc sau khi học. Trước đây nhiều gia đình chỉ đầu tư cho con em đi học nghề, còn người lớn, nhất là phụ nữ chỉ học nghề theo kiểu truyền tay. Mặt khác, một số ngành nghề sau đào tạo do không chủ động được “đầu ra” nên người học cũng nản. Triển khai thực hiện Đề án 1956, vấn đề “đầu ra” cho người lao động được huyện chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo nên đã tháo gỡ được một số “nút thắt”; số lao động sau khi đào tạo của huyện tìm được việc làm và có thu nhập ổn định đạt 80%. 

Đào tạo nghề, GQVL cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu chỉ đạo các ban, ngành, các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Huyện ủy đã có Quyết định số 38-QĐ/HU ban hành Đề án đào tạo nghề, truyền nghề, GQVL trong nông thôn giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu: Đào tạo cho trên 15.000 lao động (trên 4.000 lao động được dạy nghề nông nghiệp; trên 11.000 lao động được dạy nghề phi nông nghiệp); trên 35.000 lao động được dạy nghề theo phương thức truyền nghề, chuyển giao kỹ thuật; tạo việc làm cho trên 80% lao động sau đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của các xã, thị trấn. Để thực hiện mục tiêu này huyện tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các đối tượng, bảo đảm phù hợp với nguyện vọng của người lao động và đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổ chức đào tạo nghề cho 11.250 lao động thông qua các lớp dạy nghề tại Trung tâm dạy nghề huyện; 2.000 lao động thông qua các dự án khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và 2.000 lao động thông qua các lớp dạy nghề của các doanh nghiệp may công nghiệp tại xã Hải Phương, Hải Đường. Tổ chức truyền nghề thông qua các chương trình, dự án, tập huấn khuyến công, khuyến nông, các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp cho trên 35.000 lao động ở các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Để thực hiện thành công đề án, UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đề án đạt kết quả; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành trong khối tư tưởng - văn hoá xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các lớp dạy nghề, truyền nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao trình độ tay nghề. Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của đề án, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thành sớm các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của huyện. Cùng với việc triển khai thực hiện Đề án 1956, Huyện ủy Hải Hậu đã ban hành quyết định về Đề án xây dựng làng nghề trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2015, với mục tiêu đến 2015 mỗi xã, thị trấn có ít nhất một làng nghề. Theo đó, giai đoạn 2010-2013 củng cố và phát triển 5 làng nghề đã có, đồng thời xây dựng thêm 55 làng nghề ở các xã, thị trấn, gồm các làng nghề: may; chế biến và sản xuất đồ gỗ dân dụng; mây tre đan; cán kéo và dệt lưới sợi PE; dệt chiếu; làm bánh kẹo; chế biến thuỷ sản; đan bẹ chuối, thảm cói, móc sợi; đan lưới đánh cá, cây cảnh, trồng hoa. Giai đoạn 2014-2015 tiếp tục củng cố và phát triển các làng nghề đã có, đồng thời xây dựng thêm 29 làng nghề ở các xã, thị trấn. Huyện có chính sách khuyến khích như thưởng 3 triệu đồng cho làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2010-2013; thưởng 2 triệu đồng cho mỗi làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2014-2015. Các làng nghề cùng với đội ngũ các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là cơ sở để giải quyết “đầu ra” cho lao động sau đào tạo. Một cơ hội nữa cho người lao động ở Hải Hậu là Khu kinh tế Ninh Cơ đang được tập trung xây dựng. Một loạt các ngành nghề sản xuất, dịch vụ phụ trợ ra đời sẽ cần một lượng lao động rất lớn. Phương châm chỉ đạo của huyện trong quá trình thực hiện công tác đào tạo nghề là xác định rõ đào tạo nghề, GQVL là trách nhiệm của các cấp, các ngành và các địa phương. Việc đào tạo theo hướng “3 phù hợp” là phù hợp độ tuổi, thị trường và điều kiện tự nhiên của địa phương. Chẳng hạn, lao động trên 30 tuổi thì học các nghề thủ công như đan cói, móc sợi, mây tre đan mỹ nghệ, trồng nấm, thêu ren; lao động dưới 30 tuổi học các nghề điện, sửa chữa ô tô, hàn, mộc… Xã có diện tích đất canh tác lớn thì dạy các nghề liên quan đến nông nghiệp, bán nông nghiệp; xã có nghề phi nông nghiệp thì dạy các nghề mộc, hàn… Tăng cường liên kết “các nhà” (nhà nông, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp) để bảo đảm việc làm, tiêu thụ sản phẩm do lao động nông thôn làm ra.

Cùng với quyết tâm của huyện và sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Hải Hậu cũng rất cần được Bộ LĐ-TB và XH quan tâm có cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời cho người học nghề và đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho Trung tâm dạy nghề của huyện, đảm bảo mỗi bộ môn có một giáo viên cơ hữu. Triển khai thực hiện Đề án 1956 phải đồng thời với Đề án xây dựng làng nghề và chương trình xây dựng nông thôn mới chính là cơ sở để xây dựng Hải Hậu thành huyện nông thôn mới./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com