Cải thiện đời sống công nhân ở các Khu Công nghiệp tỉnh (kỳ II)

07:04, 01/04/2011

[links()]

Đời sống khó khăn, công nhân ngành may không gắn bó với doanh nghiệp

Trong khó khăn chung của công nhân lao động ở các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, đội ngũ công nhân ngành may với số lượng đông, điều kiện sống, làm việc khó khăn hơn. Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong số hơn 90 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất tại các KCN hiện nay chỉ có 17 doanh nghiệp ngành dệt may nhưng có tới 14.500 trong tổng số hơn 2 vạn lao động. Các doanh nghiệp có số lượng lớn lao động là: Cty TNHH Youngone có 8.120 lao động, Cty cổ phần may Nam Định có 1.840 công nhân, Cty TNHH Youngor Smart Shirts VN có 847 công nhân. Lao động trong các doanh nghiệp này đa phần từ 18 đến 30 tuổi, nữ giới chiếm trên 90%.

Chị Phạm Thị Thảo, công nhân của Cty TNHH Youngone cho biết: “Tôi làm hơn 2 năm, hiện nay có mức lương gần 2 triệu đồng/tháng. Số người có lương từ 2 triệu đồng/tháng trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là công nhân lâu năm, được cất nhắc lên tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng chuyền”. Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, có 31,86% công nhân, trong đó chủ yếu là công nhân may có nhà ở cách nơi làm việc trên 10km. Tại các xã Mỹ Xá, Lộc Hoà, Mỹ Trung có 1.734 phòng trọ, phần lớn là công nhân may thuê trọ nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, vẫn còn trên 7.000 công nhân may phải đi về bằng xe máy với quãng đường đi về mỗi người trung bình khoảng 500km/tháng, chi phí xăng xe tối thiểu gần 200 nghìn đồng/tháng. Về đời sống, khảo sát qua các chợ gần khu thuê trọ cho thấy mức sống của công nhân may rất khó khăn. Thực phẩm chính là rau, đậu và thịt loại trung bình. Từ xà phòng, dầu gội đến những vật dụng thiết yếu đều được họ tính toán chi ly. Thậm chí, để tiết kiệm, chị Lê Thu Hà (Cty cổ phần Thuỷ Bình) phải dậy từ 4h sáng để đi mua rau cho cả xóm ở chợ rau đêm Phạm Ngũ Lão...(!)

Sản xuất tại Cty TNHH Youngor Smart Shirts VN (KCN Hòa Xá).
Sản xuất tại Cty TNHH Youngor Smart Shirts VN (KCN Hòa Xá).

Tình trạng công nhân có thu nhập thấp có nguyên nhân từ cả phía chủ doanh nghiệp và người lao động. Để tối giản kinh phí đóng nộp BHXH và tận dụng sức lao động của công nhân, các doanh nghiệp may đều quy định bậc lương ở mức lương tối thiểu, hạn chế việc lên lương của công nhân và dùng hình thức khoán sản phẩm để huy động tối đa sức lao động. Theo thống kê của KCN, có 22,3% công nhân không được tăng lương trong 3 năm qua, mức tăng lương rất thấp (từ 10 đến 20 nghìn đồng/bậc) nhưng giờ làm thêm lại quá cao. Hầu hết công nhân đều phải làm thêm giờ, trong đó, số công nhân làm thêm từ 8-26 giờ/1 tháng chiếm 59%, làm thêm trên 26 giờ chiếm 12%. Làm thêm như vậy nhưng hiệu suất lao động của công nhân dệt may lại rất thấp. Các chủ doanh nghiệp cho biết, số công nhân tuyển được chủ yếu đều chỉ học qua khoá học may 3 tháng, chưa tiếp cận với dây chuyền máy móc hiện đại nên hầu hết đều phải thử việc, đào tạo lại hàng tháng, gây tốn phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do đều là lao động xuất thân nông thôn nên ý thức kỷ luật lao động, chấp hành nội quy, quy định của công nhân rất hạn chế. Nghề dệt may được xếp vào loại lao động độc hại. Khi các doanh nghiệp dệt may tiếp tục đẩy mạnh hình thức làm thêm giờ như hiện nay thì mức độ độc hại sẽ tăng lên rất cao. Chưa kể điều kiện môi trường lao động của ngành sản xuất này hiện nay còn chưa bảo đảm. Ở các doanh nghiệp dệt may đang có bất cập rất lớn về nhiệt độ. Trong mùa nóng, có lúc thời tiết lên tới trên 380C nhưng hiện nay mới chỉ có vài doanh nghiệp đầu tư được hệ thống làm mát bằng hơi nước và quạt công nghiệp như Cty cổ phần may Nam Định, Cty cổ phần Arksun Nam Định.

Với những vấn đề nêu trên, việc lao động ngành dệt may không gắn bó với công việc, với doanh nghiệp là điều tất yếu. Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN cho biết tình trạng người lao động bỏ việc đang diễn ra phổ biến trong các doanh nghiệp may. Một số đông lao động nữ sau khi lập gia đình đã bỏ nghề, nhiều lao động có hiện tượng sa sút về sức khoẻ sau vài năm làm nghề dệt may. Cty TNHH Youngone trước năm 2009 có tới gần 11 nghìn lao động, đến hết năm 2009 chỉ còn 9.475 lao động, cuối năm 2010 chỉ còn 8.120 lao động. Cty cổ phần Thuỷ Bình cuối năm 2009 có 200 lao động, đến hết năm 2010 chỉ còn 150 lao động... Trong năm 2010, các doanh nghiệp may có nhu cầu tuyển dụng gần 5.000 công nhân nhưng không doanh nghiệp nào tuyển đủ khi người lao động không gắn bó với nghề, với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp dệt may ở các KCN khó mở rộng sản xuất.

Cải thiện, nâng cao đời sống và điều kiện làm việc cho công nhân ngành may tại các KCN tỉnh đã được tiến hành từ phía cơ quan hữu quan. Giữa tháng 9-2010, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức họp với lãnh đạo 13 doanh nghiệp dệt may trong KCN Hoà Xá, KCN Mỹ Trung, yêu cầu chủ doanh nghiệp phải tiến hành ngay các giải pháp về đào tạo, tuyển dụng, xây dựng nhà ở công nhân, thành lập và nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn và đặc biệt là nâng cao thu nhập, mức sống để thu hút, giữ chân người lao động, chấm dứt hành vi tuyển dụng ảo để cạnh tranh, gây tâm lý hoang mang cho người lao động. Trong đó, chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề để công nhân yên tâm làm việc, gắn bó với nghề, với doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất, hiệu suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng để doanh nghiệp nâng mức thu nhập cho người lao động. Về lương, thu nhập, cần siết chặt quản lý doanh nghiệp trong thực hiện xây dựng thang bảng lương, các chế độ thưởng, làm thêm… để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong quy hoạch, xây dựng các KCN cần có đầu tư kinh phí, diện tích cho các khu vui chơi, giải trí công cộng như công viên, sân thể thao, nhà văn hoá để công nhân có điều kiện tiếp cận các hoạt động tinh thần. Trong từng doanh nghiệp cũng cần có loại hình sân chơi giải trí phục vụ người lao động. Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, trong hoạt động cần gắn kết giữa nhiệm vụ chính trị, xã hội với tổ chức các nội dung sinh hoạt văn hoá, thể thao, du lịch để nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên là công nhân, lao động. Nâng cao mức sống, điều kiện làm việc và tay nghề của người lao động sẽ giúp họ yên tâm sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com