Theo số liệu thống kê của Phòng Nuôi trồng Thuỷ sản (Sở NN-PTNT), đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua đã làm tỉnh ta thiệt hại gần 4.000 tấn thuỷ sản các loại. Thế nhưng ở 3 xã nuôi cá tập trung không bị ảnh hưởng của đợt rét và đã có một vụ cá bội thu, đó là xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) và xã Hải Đông (Hải Hậu).
Với mục đích đi cơ sở để tìm hiểu thiệt hại của những vùng nuôi cá tập trung sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài suốt tháng 1-2011, chúng tôi đã tìm đến 3 địa phương này. Đây là những xã được coi là tiêu biểu nhất của tỉnh về nuôi cá tập trung. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là xã Hải Đông. Ở đây cá diêu hồng là con nuôi chủ yếu, ngoài ra còn có một vài hộ nuôi cá chim trắng và cá rô phi đơn tính. Sau khi làm việc với ông Đỗ Văn Kinh, chủ tịch HND xã chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Khuynh, 31 tuổi ở xóm 4, là gia đình diện tích ao nuôi cá nước ngọt lớn nhất xã với tổng diện tích 3,8ha. Qua tìm hiểu, được biết năm 2010 anh Khuynh đã thu hoạch được hơn 10 tấn cá diêu hồng thương phẩm và xuất bán ra thị trường với giá 37.000 đồng/1kg thu về gần 400 triệu đồng. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề nhiều nơi cá chết rét hàng loạt mà tại sao ở đây lại không bị ảnh hưởng, anh lý giải không chỉ có riêng anh mà hầu hết các hộ nuôi cá ở đây đều xuất bán hết trước khi trời trở rét. Theo kinh nghiệm của anh, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa xong khoảng 1 tháng (cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch) thì tiến hành thu hoạch cá ngay để bảo đảm an toàn vì thời tiết mỗi năm một khác, có năm rét sớm, có năm rét muộn. Để đảm bảo năng suất, các hộ nuôi cá ở đây đã đầu tư mua con giống cỡ lớn, thời gian nuôi ngắn nên khi thu hoạch trọng lượng cá thịt cũng đạt trung bình từ 0,8kg đến 1kg/con.
Khác với Hải Đông, ở hai vùng nuôi cá của xã Mỹ Thắng và Thị trấn Cổ Lễ lại có những biện pháp “đối phó” với thời tiết rét theo cách của riêng mình, đó là chú trọng ngay từ khâu chọn loại cá nuôi. Nếu như ở Cổ Lễ, người nuôi chọn những loại cá truyền thống (trắm, trôi, chép, mè) - là những giống cá chịu rét tốt thì ở Mỹ Thắng, người nuôi lại chọn nuôi cá cảnh - là loại không cần diện tích ao lớn, dễ chống rét. Theo anh Trần Công Nam ở xóm Kim (Mỹ Thắng) hiện nay nuôi cá cảnh đang rất thuận lợi do nhu cầu của thị trường ngày càng tăng trong khi diện tích ao nuôi không cần lớn như nuôi các loại cá khác. Chính vì diện tích ao nuôi nhỏ nên việc chống rét cho cá cũng rất dễ dàng. Anh Nam cho biết, chỉ cần ngày bơm xục oxy 2 lần cá sẽ có đủ oxy, không cần phải nhô lên khỏi mặt nước để thở nên sẽ tránh được rét. Trong khi đó nếu diện tích ao lớn thì việc xục oxy sẽ rất khó khăn và hiệu quả không cao. Nhà anh hiện có 2 ao nuôi chủ yếu là cá chép cảnh, cá vàng 4 đuôi, cá 3 màu, 7 màu… diện tích mỗi ao chưa đầy 0,5ha nhưng mỗi năm anh cũng đã thu về hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, việc nuôi cá cảnh lại cần kỹ thuật cao, thức ăn có sự chọn lựa kỹ càng và vất vả hơn vì người nuôi phải thường xuyên túc trực bên ao cá.
Nếu như nuôi cá cảnh phù hợp với những người trẻ, sức khoẻ tốt, thì nuôi cá truyền thống lại rất phù hợp với nhiều người. Ở Thị trấn Cổ Lễ thì người nuôi cá chủ yếu là những “lão nông” hoặc những cựu chiến binh đã về hưu. Bên cạnh khả năng chịu rét tốt thì thức ăn cho các giống cá truyền thống cũng rất đơn giản chủ yếu là rau, cỏ, cám ngô, cám gạo sẵn có đối với nhà nông và 3 ngày mới phải cho ăn một lần. Việc chống rét cho cá truyền thống cũng khá dễ dàng, ao nuôi được đào sâu và khi trời rét chỉ cần tăng mực nước trong ao, đồng thời thả thêm bèo tây che phủ trên mặt ao là đã đảm bảo an toàn cho cá. Tuy vậy, thu nhập từ nuôi cá thịt truyền thống không cao bằng nuôi cá đặc sản và cá cảnh.
Theo số liệu cung cấp từ mỗi vùng thì hiện nay Mỹ Thắng có hơn 300 hộ nuôi cá trên tổng diện tích ao nuôi là 87,4ha. Thị trấn Cổ Lễ số hộ nuôi cá rải đều ở 9 thôn trong xã, với tổng diện tích lên tới 94ha. Trong khi đó, xã Hải Đông có 84 hộ nuôi, với tổng diện tích là 37ha. Hầu hết diện tích trước đây là chân ruộng chỉ cấy được 1 đến 2 vụ lúa, sau khi chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi đã trở thành những vùng nuôi cá tập trung lớn. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua đã làm nhiều vùng nuôi cá trong tỉnh thiệt hại nặng nề nhưng tại 3 vùng này người nuôi cá không những vẫn đứng vững mà còn có một vụ cá bội thu. Với những cách làm sáng tạo của riêng mình, người nuôi cá ở 3 địa phương đã vượt qua khắc nghiệt của thời tiết, giành một vụ cá bội thu, góp phần thúc đẩy phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương phát triển./.
(Trường CĐ PT-TH I)